Nếu biết nghĩ như Kiều

01:47 CH @ Thứ Hai - 17 Tháng Mười Hai, 2018

Chiến tranh cần đến sự có mặt của văn nghệ sĩ ngay ở chiến trường. Bởi vậy từ hồi ấy, giới văn nghệ chúng tôi đã tự nguyện tôn vinh những người làm nghề dám có mặt ngay bên cạnh người lính để sáng tác. Bất kể tác phẩm của họ chất lượng ra sao, riêng sự ra đời của chúng đã được xem như những chiến công.

Và chúng tôi dành cho cả tác giả lẫn tác phẩm loại đó đủ thứ ưu ái, kể cả những danh hiệu cùng những phần thưởng xứng đáng. Trong chiến tranh làm vậy là đúng. Nhưng trượt dài theo thói quen, chúng tôi kéo nó sang cả thời bình.

Các sáng tác được bình giá nhiều khi không phải do chất lượng mà do người viết ra nó có vị trí ra sao trong giới. Từ đó tạo ra một sự hỗn loạn về giá trị. Cũng từ đó, muốn hay không muốn, trong tâm lý nhiều người làm nghề, nảy sinh xu hướng dễ dãi, không chịu khổ công lao động nghệ thuật mà chỉ cốt lo cho mình những uy tín... phi văn chương.

Thậm chí một số người còn cố bám vào những công trạng hôm qua để hạch sách và đòi hỏi. Bề nào mà xét cũng phải nhận, lúc này, đóng góp hôm qua đã trở thành vật cản níu kéo người ta. Và một tác hại lớn hơn, công chúng quay lưng lại với tác phẩm của họ. Đã đến nước ấy thì không gì cứu vãn tình thế được nữa!

Một trong những chi tiết gây bất bình trong vụ án sơ thẩm xử quan chức “ăn đất” ở Đồ Sơn (Hải Phòng) mấy năm trước là ông X., Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, một trong những “nhân vật chính” của vụ án, được cấp ủy và ủy ban đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm. Lý do được gói gọn trong mấy chữ đại ý ông vốn là người có công trong hoạt động ở địa phương từ trước tới nay.

Đó không phải chuyện cá biệt của Hải Phòng. Đã nhiều lần tôi thấy tòa án các cấp giảm nhẹ tội cho những viên chức có lỗi theo lý do tương tự. “Xét vì họ lớn lên trong một gia đình có truyền thống”... hoặc “xét vì vốn có nhiều đóng góp”... Rồi án nặng trở thành nhẹ; tiêu phí của Nhà nước và mang về cho vợ con tiền tỉ nhưng lúc bị phanh phui cũng dễ dàng được tha bổng.

Về tình mà xét thì trong những trường hợp này không ai cãi được. Uống nước nhớ nguồn là đạo lý dân tộc. Nhưng có phải duy nhất chỉ có một cách đền ơn đáp nghĩa như thế? Giả sử những người đã hy sinh hôm qua có dịp “báo ứng” trở lại, tôi tin rằng mong mỏi duy nhất của tất cả những anh hùng liệt sĩ đó là sau hòa bình, đất nước được giàu có, con người trở nên tử tế. Chỉ như vậy thì sự hy sinh của họ mới có được cái ý nghĩa tốt đẹp nhất.

Ngay cả với những người có công nay còn sống, nếu có dịp bình tĩnh ngồi lục lại ký ức, chúng ta cũng sẽ bắt gặp những ước mộng ban đầu khá hồn hậu. Hẳn ngày ấy đã có một cái gì đó thuộc về nghĩa lớn soi rọi, lôi cuốn. Chứ nếu chỉ vì công danh tiền bạc cho bản thân và gia đình, thì tôi tin, không ai đủ nghị lực và sức mạnh chiến đấu đến thế.

Vậy thì với việc đòi hỏi đãi ngộ hôm nay - và khi không được thì thả cho mình làm bậy - ta đang đi ngược lại cái phần tốt đẹp của chính ta hôm qua đấy! Đem công lao làm quân tẩy để vô hiệu hóa luật pháp... Cố tình không đếm xỉa đến sự đổi thay trong hoàn cảnh, và lấy hiện tại làm vật hy sinh cho quá khứ - với cách suy nghĩ và hành động như thế, ta đã tự đánh mất mình mà không biết.

Biết vậy tại sao vẫn thường xuyên có tình trạng người nọ người kia dựa vào ít công lao hôm qua để cho phép mình muốn làm gì thì làm? Cái khó ở đây bắt nguồn từ một lối ứng xử bao trùm trong xã hội. Anh có công ư? Trước mắt, đất nước còn nghèo chưa tính hết đóng góp cho anh được. Thôi chỉ còn có ít chức vụ đi kèm với những quyền hành. Ở đấy anh có thể có đóng góp thêm, rồi “khéo làm thì no khéo co thì ấm”, anh liệu mà tìm cách tự bồi dưỡng (!). Nhưng như thế là gì nếu không phải là đẩy người có công hôm qua vào chỗ lộng quyền và cho người ta lý do để tự biện hộ cho mình, khi sa vào vũng bùn tội lỗi.

Truyện Kiều từng làm đau lòng bao người bởi cái kết cục bi thảm. Trong cơn nhớ quê, Kiều khuyên Từ Hải ra hàng. Rồi Hồ Tôn Hiến phản bội và Từ chết giữa trận tiền. Chứng kiến cái chết của Từ, Kiều đau lòng tự trách mình rất nhiều. Lúc tỉnh táo nhất cũng là lúc nàng sòng phẳng tự đánh giá: “Nghĩ mình công ít tội nhiều”. Theo dõi Kiều, tôi thấy đến đây nàng mới hiện ra như một tính cách trưởng thành và một con người sáng suốt hơn bao giờ hết. Nhiều người từng vào sinh ra tử, rồi nay tay đã nhúng chàm vẫn không có nổi cái tự nhận thức sâu sắc như cô Kiều.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cái đứng đằng sau luật pháp

    21/03/2014Vương Trí Nhàn... Ở cái chỗ luật pháp dừng lại, người ta vẫn luôn luôn có thể suy nghĩ dưới góc độ đạo đức hoặc văn hóa để trước tiên là hiểu hiện tượng, sau nữa là tìm cách khắc phục nó...
  • Người có chức, có quyền và tệ tham nhũng

    07/07/2008Nhà báo Hữu ThọChúng ta hay nói "những người có chức có quyền" như một cụm từ gắn liền nhau với lập luận là có chức thì có quyền, mà có quyền thì có thể dùng quyền đó làm điều tốt, lại cũng có thể dùng cái quyền đó làm điều xấu...
  • Lòng tự trọng

    18/03/2006Phan Trọng HiềnTrông người, ngẫm ta mà buồn! Nhiều năm qua, ở nước ta xảy ra biết bao vụ tiêu cực “động trời” ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhưng hầu như chỉ mới có một vị bộ trưởng xin từ chức, còn lại đều “bình chân như vại”, xem như chuyện “của ai đó”, không liên quan gì đến mình (!)
  • Tại sao gọi một điều gì đó là tội?

    17/12/2005“Tội” về cơ bản không phải là một thuật ngữ pháp lý hay đạo đức. Nó là một thuật ngữ tôn giáo nhắm tới hành vi của con người phạm tới Thiên Chúa. Ngoài ý thức về linh thánh và uy nghi của Thiên Chúa, “tội” chẳng có ý nghĩa gì cả. Ở đâu thiếu vắng ý thức này, thì không có phán đoán về tội, bất chấp điều gì một cá nhân có thể làm hoặc không làm.
  • Đứt dây mắc cỡ

    30/08/2003Hết hàng dỏm, bằng dỏm, kiến thức dỏm và nhiều thứ dỏm khác lại tới tuổi dỏm. Đỉnh cao của tội lỗi là đem con nít ngây thơ trong trắng ra mà dạy nói dối như trong chuyện hạ tuổi các cầu thủ nhí...