Người ta càng đẹp lên hay xấu đi?
Trên bìa các tờ tạp chí, các số cuối báo tuần hoặc tháng, trên màn ảnh truyền hình hàng ngày, chúng ta thường được chiêm ngưỡng những nam nữ thanh niên, những cháu nhi đồng xinh đẹp. Các cuộc thi hoa hậu diễn ra hai năm một lần, lần nào cũng chọn được những gương mặt đáng yêu. Nhưng ở ngoài phố, chúng ta khó có những điều kiện để thường thấy nhiều người đẹp. Tại sao lại vậy?
Trước hết, phụ nữ đi đường, dù đang xuân hơ hớ hay đã cứng tuổi rồi đều đeo khăn bịt mặt và mang găng tay dài. Có cảm giác như đạo Hồi vừa mới tràn vào ta. Còn đàn ông, nhất là thanh niên thì phóng xe máy như điên, lạng lách không khác gì các nhân vật giang hồ trong phim đuổi bắt. Thật khó mà quan sát.
Có người bảo, dân ta ngày càng đẹp hơn trước, người trên thế giới cũng ngày càng đẹp hơn lên. Nhưng có ý kiến hoàn toàn ngược lại, cho rằng con người càng ngày càng xấu đi.
Người đẹp phải hội đủ nhiều yếu tố, gồm cái đẹp bên ngoài và cái đẹp bên trong. Tôi vẫn hằng nghĩ, sự đẹp xấu bên ngoài có quan hệ lớn đến những tố chất bên trong. Sự tu dưỡng nội tại tốt thì khí chất bộc lộ ra sẽ đẹp, sẽ tạo cho con người sức hấp dẫn đặc biệt. Khí chất của một người chính là sự biểu thị tổng hợp của tâm linh, của trình độ văn minh của người đó.
Cái đẹp mà tôi muốn nói đến trong bài viết này, xin chỉ khoanh lại ở cái đẹp bên ngoài, cái thấy nhanh, cái đập ngay vào mắt. Bàn về cái đẹp bên trong là quá sức của tôi. Vấn đề cái đẹp bên ngoài, xem ra có vẻ đơn giản, dường như còn ngây ngô nữa, vậy mà trong thực tiễn tranh luận chẳng dễ nhất trí một chút nào.
Tôi đã từng ở trong quân ngũ, người lính được trang bị thống nhất, cái đẹp quân ngũ là cái đẹp tập thể, cái đẹp thống nhất. Vì cái đẹp chung đó buộc phải hy sinh những khác biệt. Có một thời gian, tôi thường hay đến trường PTTH Kim Liên chờ đón con, ngày thứ hai các cháu mặc đồng phục, nó có cái nghiêm trang, nó tạo điều kiện cho các cháu rèn ý thức tổ chức, kỷ luật, nhưng nó làm nhòa những nét riêng. Ngay đối với con tôi, mỗi buổi chiều cháu ở đâu đó về nhà, tôi nhìn thấy thần sắc của cháu lúc rạng rỡ, lúc u trầm. Cũng có thể là do cháu, cũng có thể là do tôi. Đó là do tâm trạng. Vẻ đẹp bề ngoài cũng phụ thuộc vào tâm trạng.
Nhưng thôi, hãy trở lại với vấn đề đặt ra lúc đầu, người ta đẹp lên hay xấu đi.
Tôi tìm gặp một nhà văn mà tôi biết tiếng. Ông đại diện cho loại ý kiến thứ hai, quả quyết là, người ta ngày càng xấu đi. Lý do mà ông dẫn ra để bảo vệ ý kiến của mình là: Môi trường bị ô nhiễm, sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ, con người ít được tiếp xúc với tự nhiên, suốt ngày phải chung đụng, tiếp xúc với các vật dụng được chế tạo từ hóa chất, bị giam trong phòng kín khung nhôm cửa kính, chẳng khác gì thịt tươi để trong tủ lạnh. Sống trong môi trường như thế, con người làm sao có thể ngày càng đẹp lên được? Con người hiện đại cũng đang gặp không biết bao nhiêu thứ bệnh tật mà ông cha trước đây chưa gặp, nhiều thứ bệnh vẫn chưa tìm được cách chữa trị, chẳng hạn như bệnh AIDS. Trên truyền hình ngày càng quảng cáo đủ các loại thuốc chữa bệnh, các loại hóa mỹ phẩm. Con người sống dựa vào thuốc, không ngừng can thiệp vào chính bản thân mình, chẳng hạn tỉa lông mày, xăm mi mắt, trát son phấn, dùng mặt vẽ để thay mặt tự nhiên. Một khi tẩy trang đi, rửa mặt đi, liệu đẹp lên hay xấu đi? Xấu đi là cái chắc. Con người ngày càng xấu đi còn do bản thân con người thoái hóa, do cách thức làm việc trí óc bằng cách vi tính hóa, tự động hóa...
Nhà văn bao giờ cũng như vậy, luôn cảm thấy sự bất an, luôn lo lắng và không hài lòng với hiện tại. Có thể ông cực đoan, nhưng tôi cảm thấy khó mà có thể bắt bẻ được những lý do mà ông đưa ra. Tôi bèn mời một thạc sỹ y khoa bàn góp.
Vị thạc sỹ trẻ tuổi quả quyết, ô nhiễm môi trường có thể giải quyết được. Tri thức của nhân loại ngày càng giàu có, đời sống văn minh ngày được nâng cao, cận hôn nhân bị loại bỏ, con người sẽ không bị thoái hóa. Còn nữa, do chất dinh dưỡng loài người tạo ra ngày càng phong phú, và có chất lượng cao; cơ hội được tiếp thu giáo dục đối với mỗi người ngày càng nhiều thêm, những cái đó bảo đảm cho con người đẹp lên mãi. Một ví dụ, chiều cao của thanh niên Nhật đã tăng so với trước rất nhiều, người Nhật không còn lùn nữa. Người Trung Quốc cũng vậy, chiều cao trung bình của thế hệ nam hiện nay là 170,6 cm, thế hệ bố thì con số đó là 166,75 cm. Ở ta cũng vậy, Hoa hậu Tiền Phong đầu tiên Bùi Bích Phương cao 158 cm, đến Hoa hậu Tiền Phong gần đây nhất Ngọc Khánh thì chiều cao đã là 171,5 cm. Quả về chiều cao đã có một sự vọt tiến. Vẫn biết vẻ đẹp bên ngoài của một người là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, nhưng chiều cao không thể không là một yếu tố quan trọng, có tính quyết định.
Tuy nhiên, nhà văn và nhà khoa học không ai thuyết phục nổi ai.
Cuộc tranh luận ảnh hưởng vào tôi, tự nhiên khi tôi nẩy ra thói quen, thường xuyên chú mục quan sát mọi người, nhất là gương mặt và ở mọi lúc mọi nơi. Hình như Sêkhốp đã nói thế này: "Tất cả những thứ thuộc con người đều nên đẹp, cả diện mạo, cả áo quần, cả tâm tư, cả tư tưởng". Đó là một mong muốn tuyệt vời.
Người ta ngày càng đẹp lên hay xấu đi? Thật khó đưa ra một kết luận có tính chất quyền uy, buộc tất cả phải tâm phục khẩu phục. Đôi khi người lớn không thể trả lời nổi câu hỏi của trẻ con, người tỉnh không thể trả lời nổi câu hỏi của người điên, một chuyên gia lão luyện, đầy mình kiến thức không thể giải đáp một cách thỏa đáng những câu hỏi của người ngoài ngành. Đó là chuyện bình thường. Người đời có biết bao điều muốn biết cặn kẽ, nhưng những điều ấy vẫn cứ luôn bí ẩn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005