Giá của sắc đẹp

12:11 CH @ Thứ Bảy - 24 Tháng Năm, 2008

Ở những bộ sưu tập cá nhân danh tiếng, hầu hết các kiệt tác hội họa đều được trân trọng lồng trong những khung tranh vô cùng độc đáo. Hoặc cầu kỳ chạm trổ thép vàng, hoặc mộc mạc sang trọng gỗ quý, các khung tranh không còn là "đề co" nữa, không còn là "giá đỡ" nữa, nó vượt lên trên cái gọi "y phục xứng kỳ đức" để thăm thẳm trở thành một phần hồn cốt của họa phẩm.

Theo Từ điển tiếng Việt, danh từ "giá" nôm na có vài nghĩa. Đại loại nó là “phẩm cách của con người". Nó là "toàn bộ những gì phải bỏ ra tiêu phí mất đi (thường là nhiều) cho một việc làm nào đó". Nó là "thứ đồ dùng thường bảng gỗ, dùng đế treo gác hay đỡ vật gì". Ở một nghĩa liên tưởng chật hẹp, sắc đẹp của phụ nữ chính là cái giá cái khung để từ cái bệ đỡ ma mị ấy, các tuyệt thế giai nhân hoặc vô thức hoặc ý thức làm thăng trầm khuynh đảo thiên hạ. Rất nhiều bậc quân vương, rất nhiều đại thương gia đã vô minh lẫn lộn, chính xác mua tranh chỉ vì khung. Họ đâu có quan tâm đến buồn hay vui của sâu xa tâm hồn người đẹp, họ mê man chỉ thích xem giai nhân bỗng chúm chím nắc nẻ cười hoặc cau mày trong veo lệ ngọc khóc. Nhìn người đẹp vui vẻ rồi buồn tủi, rõ ràng độ thư giãn cao hơn hẳn là nhìn bể cá cảnh hay hòn non bộ. Chắc tự ti nông nổi hiểu vậy nên tuyệt thế mỹ nhân Bao Tự đời Đông Chu (722 - 221 trước CN) chỉ cười khi nghe tiếng vải xé. Đại loại, để thấy được nụ hàm tiếu đó thì đám dân nghèo của vài tỉnh phải quanh năm ở truồng. Cũng xinh như thế nhưng điêu toa hơn, mỹ nhân. Điêu Thuyền đời Tam Quốc (213 - 280) lại được yêu vì hay mếu máo. Nước mắt của nàng làm cho nghĩa tử giết nghĩa phụ, biến lồng lộng anh hùng trở thành run rẩy tiểu nhân. Xét thuần tuý theo khía cạnh kinh tế, giá của sắc đẹp đã tới mức siêu việt lạm phát kinh hoàng.

Ở một thời đà xa, thời của Bạch Tuyết và bảy chú lùn, khi thế giới đàn bà còn linh tinh có cả yêu tinh lẫn phù thuỷ thì những phụ nữ đã thành danh ví như hoàng hậu chẳng hạn, muốn biết nhan sắc của mình đang xinh tới đâu thường hay dằn vặt âm thầm hỏi gương "Gương kia ngự ở trên tường. Nước ta ai đẹp được dường như ta". Khác với bọn đàn ông nhố nhăng quen thói nịnh đầm bây giờ, gương vốn dĩ là gương thần nên thô bạo nói thẳng "Xưa kia bà đẹp nhất trần. Ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn". Quả là "com men" cực kỳ phũ. Tất nhiên, khi biết mình bị tụt xuống thành Á hậu, đa phần các đàn bà xinh đều nghĩ ngay đến việc đầu độc đối thủ. Cách đầu độc cũng rất đặc biệt theo kiểu đàn bà, cho đối thủ ngộ độc thực phẩm. Biết tính thiếu nữ mới lớn hay thích ăn quà vặt, Hoàng hậu trồng một cây táo rồi bón thật đậm thuốc kích thích sinh trưởng. Bạch Tuyết đang tuổi dậy thì háu đói hăm hở chen vào, lăn quay ra làm bảy chú lùn xót xa đau khổ. Xét về mặt mưu mô, giá của sắc đẹp là vô cùng hung hiểm.

Đến thời của hôm nay, thời của trong sáng văn minh, cái giá để trả cho sắc đẹp đã hết biến động, những chuyện tiêu cực kể trên hoàn toàn tuyệt diệt. Hầu như các đàn bà đẹp đều sống rất dai và nhan nhản tồn tại ở đỉnh cao vô số lĩnh vực. Họ làm “pi-a” rất thành công, làm "EM” lại càng thành đạt. Họ véo von hát cũng hay và khi phải ra công đường họ leo lẻo chối tội cũng rất giỏi. Trong lúc kha khá chị em hơi xấu một tý lâm vào thảm cảnh "chổng mông mà gào" thì họ lấy chồng rất dễ rồi bỏ chồng lại càng dễ. Họ chơi chứng khoán không thua bởi tấp nập đàn ông tóc bạc răng giả sẵn sàng tặng họ cổ phiếu thật. Họ mua bất động sản không lỗ vì bạn tình của họ đều là hoành tráng quan chức địa chính biết nhiều thông tin dự án tuyệt mật. Tóm lại, giá của sắc đẹp thời nay đã hết siêu hình, nó cụ thể thăng hoa thành vàng, thành đô, thành căn hộ chung cư cao cấp.

Thật ra, làm gì có giá của sắc đẹp, bởi đơn giản, sắc đẹp là một tinh hoa vô giá. Cũng như đàn ông tài năng, đàn bà tuyệt đẹp vốn di là hội tụ nguyên khí của trời và đất. Được thấy mỹ nhân và anh hùng luôn là một hạnh phúc hiếm hoi, người đời xúc động nhìn họ bỗng rưng rưng như bất ngờ chợt gặp sông dài biển rộng. Đàn bà đẹp mà có xe hơi có nhà lầu có sự nghiệp là đương nhiên, Kinh Thánh bảo "Ai có thì được thêm và kẻ ấy được sung túc" (Mt - 11). Thần học Ky Tô giáo minh bạch giải thích, đối với một sự vật xấu là không tồn tại. Bởi những cái xấu luôn hướng về một trạng thái không thể hiện hữu.

Sắc đẹp tự thân là một giá trị, nó làm phong phú thiên lương và làm cuộc đời này bớt đi nhạt hoét. Cho dù nó hay hiện ra trên gương mặt người nữ nhưng nó vẫn xứng đáng được trân trọng và tôn vinh.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hồng nhan bạc… tỷ

    07/12/2014Nguyễn Duy Hữu...Mấy em người mẫu, hoa hậu, chức gì quyền gì mà cớ cả bạc tỷ. Tao chỉ ước kiếp sau giời có cho làm người thì cho làm... gái đẹp...
  • Sức quyến rũ của tâm hồn

    11/05/2008Trịnh Trung HòaCó lẽ chẳng ai không muốn người bạn đời của mình xinh đẹp. Ca dao ngày trước còn hát: “Cơm tám ăn với chả chim. Chồng đẹp, vợ đẹp những nhìn mà no”. Có anh còn nói: “ Lấy được vợ đẹp đi làm vất vả về, chỉ cần vợ đứng đón ở cửa cười một nụ cười mê hồn là tiêu hết mệt nhọc”. Vâng, có thể như thế thật nhưng vấn đề là liệu người đẹp có cười không hay vừa nhìn thấy chồng đã cau có, giận dỗi, mặt ủ mày ê, đến nỗi thoạt nhìn thấy đã muốn…ngất xỉu...
  • Cái nết, cái đẹp trong nền kinh tế tri thức

    31/01/2006GS. Tương laiTừ Tây sang Đông, tư duy của loài người đâu có đối lập giữa đẹp và nết, sự hài hòa giữa cái đẹp thể hình với cái đẹp tinh thần, giữa “sắc đẹp” quan sát được bằng mắt với phẩm chất, nhân cách của con người được cảm thụ không chỉ bằng mắt, đều là thuộc tính của con người.
  • Đỗ Hoàng Diệu thích đẹp hơn giỏi

    04/10/2005Trong cái bàng bạc của văn chương VN hiện nay, một vài gương mặt mới đã xuất hiện, không quá mới nhưng sáng tác của họ cũng khiến những người đang ngái ngủ phải giật mình. Đỗ Hoàng Diệu là một trong số đó....