Khổng tử và Khổng giáo
Dường như lúc này đây là giai đoạn khó khăn nhất trên con đường dài kể từ sau ngày từ giã cõi trần của vị hiền triết già Châu Á. Trong suốt gần hai nghìn năm trăm năm ông ngự trị trên tâm trí và lương tri của bộ phận đông đúc và dày đặc nhất của nhân loại - tôi có hơi phân vân khi nói là trên trái tim họ, chưa bao giờ ông bị đem ra tranh cãi, phê phán ác liệt như những ngày này, ngay cả so với thời Trang Tử và các học giả của trường phái Lão giáo chĩa vào ông những mũi tên gay gắt nhất.
Ông “lão già” bị một đám thanh niên hung dữ coi là lố bịch. Người ta kết tội ông đã là ông hoàng của những tên thông thái rởm, vua của đám bảo thủ lạc hậu, người cầm đầu của những kẻ phản động dày dạn, mà ảnh hưởng nguy hại đã là nguyên nhân chính gây ra sự ngưng trệ của tất cả các dân tộc phải lãnh cái tai họa tự đặt mình dưới lề luật, dưới quyền uy của vị tổ tiên của những con tốt đen thuộc một thời cổ lỗ.
Làn sóng mất tín nhiệm ập xuống trên đầu của một người mà một vị hoàng đế có học thức đã tôn vinh là “người thầy của mười nghìn thế hệ”, đã gây ra một tác động nhiều ý nghĩa: nếu các tin tức được truyền đi gần đây là đúng, thì người hậu duệ của gia đình ông, suốt tất cả các triều đại Trung Hoa vốn đều được mang tước hiệu Bá và được hưởng các của cải dâng cúng ở ngôi đền quốc gia được dựng lên để tôn vinh ông tại quê hương ông, làng Khúc Phụ, thuộc Sơn Đông, vừa bị chính phủ Cộng hoà tước hết mọi đặc ân ấy.
Ở nước Nam, làn sóng mất tín nhiệm này đúng ra là một một làn sóng dửng dưng. Bậc hiền triết ở Khúc Phụ, mới đây còn đem lại sự sinh động cho toàn bộ đời sống đạo đức và tinh thần của đất nước này bằng những lời dạy và những châm ngôn của ông, nay trông có vẻ xa vời, thật xa vời trong không gian và trong thời gian. Và nếu gần đây, một nhà nho nước Nam, theo gót các đồng nghiệp của ông ta ở nước “Trung Hoa trẻ”, đã thử viết ra bản án Khổng Tử và Khổng giáo, thì hình như ông ta cũng chẳng mấy khiến độc giả chú ý; chẳng có ai tán đồng cũng chẳng ai phản đối; và tôi rất nghi rằng các bài báo của ông, tuy được viết với văn phong và tư liệu khá công phu, cũng có số người đọc ngang với mẩu tin bé tẹo nói về chiến công của chàng vô địch quần vợt được tất cả báo chí tiến bộ xếp lên hàng anh hùng dân tộc.
Bậc hiền triết già, từng chứng dự bao nhiêu biến động chính trị và xã hội, bao nhiêu lần các triều đại và đế chế sụp đổ, và, theo như lời nhà Trung Quốc học Edouard Chavannes, bằng tầm vóc cao vời vợi của mình đã luôn chế ngự lịch sử của toàn vùng Viễn Đông, giờ đây sẽ rơi chìm vào quên lãng, là nạn nhân của thời gian mà cho đến nay ông luôn thách thức chăng?
Vậy mà nếu có một học thuyết cần phải được làm sống dậy mạnh mẽ trong thời kỳ bất an và hỗn loạn này, hỗn loạn trong tâm trí con người và hỗn loạn trong các thói tục, còn trầm trọng hơn nhiều so với các xáo động thoáng qua của chính trị hay các cuộc đảo lộn hời hợt của xã hội, thì đấy chính là học thuyết của bậc hiền triết cổ đại này, người duy trì trật tự vĩ đại nhất xưa nay. Và cần luôn nhớ rằng thế giới và nền văn minh sẽ rơi vào tình trạng nào, một bộ phận của thế giới và một phần nền văn minh đã rơi vào đó rồi, nếu ta buông thả tự do cho những bản năng tệ hại nhất của con người, để mà đánh giá cho đúng giá trị của lời dạy toát ra từ một học thuyết như vậy.
Nhưng khi sự điên rồ đã tràn ra trong nhân thế, thì đương nhiên là họ lánh xa con người đã là bậc Hiền nhân cao cả nhất. Đương nhiên là học thuyết của ông sẽ không được hiểu và giải thích đúng, nó trở thành xa lạ, nó gây chán ghét cho cả những con người coi sự khuấy đảo là hành động, đảo lộn là tiến bộ, và còn chưa thấy có nhu cầu tĩnh tại và cân bằng.
Ta sẽ có nguy cơ bị coi là phản động và lạc hậu nếu ngày nay ta nghĩ đến chuyện cổ vũ cho sự trở lại của Khổng giáo. Dẫu thế nào ta cũng sẽ đi ngược lại trào lưu chung lúc này đang lôi cuốn toàn bộ vùng Viễn Đông đến những số phận vô định.
Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến. Các tác phẩm chính: - Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962) >> Trang tác giả: Phạm Quỳnh |
Có thể chăng hãy giữ nguyên lấy cái tinh thần đó trong khi giải thoát nó ra khỏi kích thước kinh viện bao quanh nó, phủ lên nó, che mờ nó từ nhiều thế kỷ nay.
Bởi tinh thần đó vẫn còn là nơi phát sinh ra lẽ phải và minh triết, và ảnh hưởng của nó có thể tạo nên một đối trọng tốt lành cho sự xáo động hỗn loạn, sự hối hả cuống cuồng đang xúi đẩy các thế hệ trẻ quét sạch hết quá khứ và cắm đầu lùi lũi lao tới tất cả những gì là mới và chưa từng có.
Điều Khổng Tử quan tâm hơn cả, xu hướng cốt yếu trong học thuyết của ông, là gìn giữ trật tự xã hội và đem lại hoà bình giữa mọi người. Nền hoà bình đó, ông tin có thể tìm thấy trong một tổ chức phụ quyền của xã hội và Nhà nước, theo mô hình hạt nhân gia đình, tổ chức hoàn toàn thích hợp với dân tộc mà ông nói đến.
Vậy nên ông hết sức chăm lo điều tiết tổ chức đó trong từng chi tiết nhỏ nhất, phát biểu các nguyên tắc tỉ mỉ nhằm tăng cường và củng cố nó, chế định các bổn phận cơ bản tạo nên cốt lõi đạo đức của nó, thậm chí tạo cho nó một nền tảng siêu hình bằng lý thuyết về vị Hoàng Đế con Trời và quan niệm về thiên chức. Tất cả cái phần xưa cũ trong học thuyết của ông đương nhiên đã trở nên già cỗi và không còn đáp ứng được với trạng thái ngày nay của các xã hội hiện đại, ngay cả với các xã hội vừa mới đi ra khỏi giai đoạn phụ quyền như xã hội nước Nam. Những ý tưởng tạo nên cơ sở của nó đến hôm nay vẫn còn đúng như hai nghìn năm trước: bất cứ ở đâu con người sống thành xã hội, cuộc sống chung đó phải dựa trên một trật tự được thiết lập và phát triển trong hoà bình. Bảo vệ trật tự đó, bảo đảm nền hoà bình đó, là bổn phận chủ yếu của con người, nhất của kẻ có những đức tính tự nhiên, những tài năng và được giáo dục để có thể dắt dẫn và cai trị những người khác.
Các học thuyết triết học hay tôn giáo khác đề xuất cho con người một lý tưởng hoàn thiện mình siêu nghiệm cho đến nỗi nếu ai thực hiện được nó toàn bộ thì anh ta sẽ trở thành một con người tách biệt, ở bên ngoài và bên trên nhân loại thông thường. Khổng giáo, ngược lại, chỉ nhìn thấy con người trong xã hội của đồng loại với mình; nó chỉ nhìn thấy các thứ hạng quân, thần, phụ, tử, phu, phụ, huynh, đệ, bằng hữu.
Đấy là một học thuyết nhân văn và xã hội tuyệt vời. Xu hướng chung của nó, điều chăm lo thường trực của nó, là đào tạo, dạy dỗ, hoàn thiện con người sao cho anh ta có thể đáp ứng được mục đích thuộc bản chất của anh ta là sống trong xã hội, sống ở đấy một cách hạnh phúc, hoà hợp và hoà thuận với đồng loại.
Chúng ta đã thấy là khổng Tử quan niệm xã hội ấy duy nhất dưới hình thức phụ quyền và quan niệm đó không còn thích hợp với sự tiến hoá hiện nay của các xã hội. Nhưng chính bằng cách phát triển trong con người những xu hướng xã hội và hoà thuận, bản chất của con người sẽ được cải thiện, và dù xã hội trong đó anh ta phải sống là như thế nào, anh ta sẽ biết cách ứng xử đúng mực, tránh các xung đột vô ích với những người khác và coi việc tìm được sự hài hoà và hoà thuận là cao hơn hết.
Khổng giáo đạt đến mục tiêu đó qua một nền giáo dục đạo đức nhằm kìm chế trong con người những bản năng xấu ích kỷ bằng cách thực hành các đức tính xã hội cao quý, lòng tôn trọng người khác và phép lịch sự, phát huy những đức tính vị tha, nhất là tính chính trực và lòng nhân ái. Đúng là những đức tính đó chẳng hề có gì là siêu nghiệm; nó vừa sức với mọi người; nó không đòi hỏi một nỗ lực gì quá sức con người, một sự quả cảm đặc biệt nào. Nhưng được thực hành một cách có ý thức, nó đảm bảo sự hoà hợp và hài hoà trong các quan hệ con người, góp phần duy trì trật tự và yên bình trong xã hội: Khổng Tử chủ yếu nhằm tới điều đó. Khi cần thiết, để cho đại chúng có thể dễ tiếp thu hơn, người ta điển chế hoá chúng thành những quy định có tính thể thức có thể áp dụng cho mọi hoàn cảnh ở đời .
Các đức tính tạo thuận lợi cho xã hội đó, khi ta làm cho nó sâu sắc hơn, - và đây là việc của một tầng lớp ưu tú nắm quyền cai trị phải đưa ra được cho dân chúng những hình mẫu và những tấm gương, - cũng là những đức tính vô cùng nhân bản. Dưới sự chính trực sẽ có sự công bằng và dưới lòng nhân ái sẽ là tình người. Tình người và sự công bằng, nhân và nghĩa, ấy là hai đức tính căn bản của đạo đức Khổng giáo. Khổng Tử, Mạnh Tử, và các đồ đệ gắn bó nhất của hai ông đã nói rất nhiều về hai khái niệm mà các ông cho là quan trọng hàng đầu đó. Nhân, theo các ông, có thể tóm lại trong một từ: thương yêu, và nghĩa trong một từ: tương hợp. Thương yêu người khác như chính mình, và đối xử với người khác cho đúng cách, nghĩa là đúng như ta muốn người khác đối xử với ta, có phải tất cả đạo đức là vậy đó thôi? Nhưng đối với quảng đại quần chúng, đối với những người không thể thực hành toàn vẹn nhân và nghĩa, vì không thể thấu hiểu được hết tinh tuý của chúng, Khổng Tử khuyên - và qua điều này ông tỏ ra là một nhà tâm lý sâu sắc, - đức tôn kính và lịch sự. Nếu anh không thể thương yêu mọi người khác như chính mình, thì ít ra phải biết tôn trọng họ, đúng như anh muốn họ cũng tôn trọng lại anh; và nếu không đạt được hết chữ nghĩa, thì trong mọi quan hệ cần luôn giữ được các quy tắc của phép lịch sự: như vậy cũng có khi anh không tránh được tỏ ra bất công, nhưng anh sẽ cần tránh hung bạo và thô lỗ, về mặt xã hội như thế cũng đã là khá nhiều rồi.
Điều khác biệt của học thuyết này là nó hết sức khôn ngoan, nó tự hạn chế trong lĩnh vực các quan hệ con người với con người và đặc biệt các quan hệ xã hội mà nó tìm cách quy định tổ chức theo chiều hướng hài hoà và hoà hợp giữa con người với nhau. Ta nghĩ đến những hiệu lực tốt đẹp nó vẫn còn có thể tạo ra trong xã hội hiện tại nơi con người không còn đi tìm chút trật tự và yên bình, hài hoà và hoà hợp nào, nơi các cuộc đấu tranh quyền lợi, giai cấp, chủng tộc, tư tưởng chia rẽ họ và đưa họ đối mặt chống nhau như những đối thủ vĩnh cửu và thường khi là những kẻ thù bất cộng đối thiên.
Đương nhiên, học thuyết này, do chính tính chất xã hội và tích cực của nó, không phải là để thoả mãn toàn bộ các nhu cầu của tâm hồn. Nhưng chớ nên đòi hỏi ở nó những gì nó không thể cung cấp; phải hiểu mục đích nó đã tự xác định: củng cố trật tự xã hội cơ sở trên sự công bằng và tình nhân ái và đem lại yên bình cho con người với nhau. Mục đích đó là khá to lớn khá cao quý để bảo đảm tính bền vững của một học thuyết, dù không phải là một tôn giáo, đã có sau lưng mình đến hai mươi thế kỷ hoạt động, - một số phận duy nhất từng có trong suốt lịch sử tư tưởng của nhân loại, - và không phải đã đến lúc sắp kết thúc sự nghiệp của nó, dầu các hiện tượng bên ngoài có là thế nào.
(1929)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh