Trao đổi với ông Phan Ngọc về vấn đề Nho giáo

06:35 CH @ Chủ Nhật - 01 Tháng Năm, 2011

Gần đây vấn đề Nho giáo được bùng lên như một vấn đề thời sự về học thuật ở nước ta và lôi cuốn khá đông các nhà nghiên cứu tham gia: Phan Ngọc, Trần Đình Hượu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Kiến Giang, Huỳnh Minh Đức, Phan Văn Các, Cao Tự Thanh, Mai Quốc Liên, Tạ Ngọc Liễn... Trong những bài nghiên cứu đó, chúng tôi thấy có nhiều ý kiến đúng rất đáng tham khảo và cũng không ít ý kiến sai cần trao đổi để tránh sự ngộ nhận.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi trước hết trao đổi với Phan Ngọc về quan điểm của ông đối với Nho giáo đăng trên nguyệt san Văn hóa và Đời sống (tháng 3-1993)

Đọc kỹ bài của ông Phan Ngọc, chúng tôi thấy không thể không khẳng định nhiệt tâm và thiện ý của ông muốn dùng Nho giáo để phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mở cửa. Và chúng tôi cũng hết sức tâm đắc khi ông tự đặt cho mình: Nghiên cứu Nho giáo là trách nhiệm, nhất là đối với một "nhà nho cuối cùng" như ông.

Đúng! Chúng ta phải thể hiện hết tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu Nho giáo, nhưng trước hết phải là trách nhiệm đối với tầng lớp "tiểu nhân". Chúng tôi ngờ rằng ông Phan Ngọc không xuất phát từ lợi ích của đám "tiểu nhân". Có lẽ vì thế mà ông đã rơi vào một số nhầm lẫn có tính nguyên tắc.

Điều nhầm lẫn trước hết là ông đã đồng nhất Khổng Tử với Nho giáo.

Mọi người đều biết Khổng Tử có mặt ở Trung Quốc cách đây 2.500 năm và học thuyết của ông được truyền bá vào thời Xuân Thu. Còn cái gọi là Nho giáo thì đã có trước Khổng Tử... Trải qua suốt lịch sử Trung Hoa, Nho giáo lúc thì khỏe khoắn, lúc lại èo một, đâu còn cái "bản lai diện mục" Nho giáo thời Khổng Tử. Cho nên khi giáo sư Phan Ngọc bàn về những lời thuyết giảng của Khổng Tử mà coi là toàn bộ Nho giáo thì e rằng không đúng. Bởi vì xét Nho giáo suốt tiến trình lịch sử của Trung Hoa thì bỏ qua sao được Mạnh Tử, Đổng Trọng Thư, Chu Hy, Trình Di, Trình Hiệu... ấy là chưa kể những người đã phản đối Khổng Tử và môn phái của ông như Vương Sung, Đái Chấn, Cố Viêm Vũ, Đàm Tự Đồng, Nhan Nguyên, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Lỗ Tấn...

Như vậy nói theo kiểu nhà nho Phan Ngọc là mới dừng ở "cửa Khổng" chứ chưa tới "sân Trình", càng chưa thấu suốt lịch sử Nho giáo (khác nào khi bàn về triều Nguyễn mà chỉ thấy Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức mà quên các đời chúa Nguyễn hoặc bỏ qua các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân).

Nghiên cứu một sự vật, nhất là một học thuyết, sao có thể bỏ qua toàn bộ cấu trúc của hệ thống; chỉ xét riêng một thành tố nào đó mà lại kết luận là toàn bộ hệ thống được chăng?

Ngay việc ông Phan Ngọc nêu ở đầu bài là sẽ nghiên cứu sự đối lập giữa Nho giáo Trung Quốc và Nho giáo Việt Nam thì người đọc không thấy. Bởi vì nghiên cứu Nho giáo Việt nam đâu chỉ là nghiên cứu hệ thống giáo dục, thi cử với mấy ngàn vị tiến sĩ được khắc tên trên văn bia mà bỏ qua những người như Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ái Quốc...

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin được phép ngờ vực những luận điểm về Nho giáo sau đây của ông Phan Ngọc:

Luận điểm 1: Ông Phan Ngọc nêu: "Trên trái đất này chỉ có một nền văn minh thách thức với lịch sử: Văn minh Khổng giáo. Bao nền văn minh huy hoàng đã tàn lụi: Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Hy Lạp, Maya..."

Về luận điểm này, ông đã có sự lẫn lộn giữa khái niệm văn minh và văn hóa. Ông cũng quên rằng văn hóa Khổng giáo tồn tại lâu dài đâu chỉ phụ thuộc vào số lượng người đông. Điều căn bản là vì nó phù hợp với nền kinh tế tiểu nông và ý đồ của giai cấp thống trị phong kiến. Đó cũng không phải là hiện tượng tốt đẹp đáng ca tụng vì điều cần nhớ là Nho giáo chưa bao giờ tồn tại vì lợi quyền của đông đảo người lao động bị áp bức (tiểu nhân).

Luận điểm 2: Ông Phan Ngọc viết: "Do chỗ nhân dân các nước Nho giáo được đào luyện trên mấy ngàn năm nên họ cực kỳ thông minh, cực kỳ ham học".

Đúng! Nhưng cũng đừng quên rằng đại đa số những sĩ tử được đào tạo, trong nhà trường Nho giáo thường chỉ được rèn luyện trí nhớ mà không được tăng cường trí tuệ, sao chép giỏi mà phát minh kém. Ngay dân tộc Nhật Bản hiện đại đã tạo nên một nền kinh tế thần kỳ cũng mắc nhược điểm này. Một học giả nước ngoài đã nhận xét: "Người Nhật tài giỏi ứng dụng - thậm chí còn cải tiến thêm - những phát minh của người khác. Chỉ ít năm trước đây họ vẫn được coi là quốc gia của những kẻ chuyên sao chép (...) ngay cả ngày nay, tôi tự chủ, Nhật cũng không phải là một nước có phát kiến mới. (...) Họ là những người giỏi nhất thế giới về khai thác các phát minh của những người khác. Chủ yếu là vì họ bị lạc hậu, (Robert Elegant - Vận mệnh Thái Bình Dương, nội cảnh châu Á ngày nay).

Chắc chắn kỹ thuật sao chép của Trung Quốc cũng như các nước Nho giáo khác không thể thua kém Nhật. Khác chăng là ở chỗ nước này biết sao chép những cái hiện đại, còn nước khác vẫn chỉ là sao chép những cái cặn bã của cô nhân nghĩa là vẫn "pháp tiên vương" mà thôi. Hiện tượng này hẳn là "nhà nho" Phan Ngọc biết quá rõ.

Luận điểm 3: Theo ông Phan Ngọc: "Có truyền thống tôn trọng học vấn, các nước Nho giáo vốn có nền văn hóa cổ đồ sộ, khó lòng những nước thuộc một nền văn hóa khác sánh nổi".

Đúng! Chỉ tính riêng bộ Tứ khố toàn thư của thời Khang Hy nhà Thanh vào thời Nho mạt gồm tới 22.500 bộ sách cỡ lớn nghĩa là phải dùng hàng chục toa xe lửa mới chở hết. Nhưng số lượng sách vở khảo chứng, huấn hỗ này đâu có giúp đỡ gì cho Trung Hoa lục địa cũng như các Trung Hoa đảo thoát khỏi sự xâu xé của liệt cường. Còn riêng về triều Nguyễn, chúng ta không phủ nhận số sách đã biên soạn ấn hành 60 năm cuối đời Nguyễn là một số lượng lớn nhưng đã thấm tháp gì so với số sách của Đại Thanh. Văn hóa đâu chỉ tính về mặt định lượng. Cái định lượng về "vốn sách cổ" mà nhà nho Phan Ngọc dùng để luận chứng cũng chẳng chứng minh được sức mạnh của văn hóa Nho giáo. Thử hỏi số lượng sách đồ sộ của triều Nguyễn và triều Thanh có cứu đất nước họ thoát khỏi nỗi nhục trước lịch sử hay không? Còn cái chuyện cất cánh của đại long Nhật Bản và bốn tiểu long ở châu Á đã có thể quy công cho văn hóa Khổng giáo như giáo sư Léon Vandermeersch và những học giả nói theo ông khăng định, vấn đề này sẽ bàn sau.

Ông Phan Ngọc còn nhận định: "Bốn là Nho giáo cực kỳ tài giỏi trong việc duy trì nền văn hóa của nó". Ông lại còn khuyên bảo: "Ta phải biết học cái thao tác của nó nếu muốn duy trì văn hóa XHCN" và ông thẳng thắn phê phán: "Ta chưa hiểu thế nào là minh triết phương Đông, hăm hở phá hoại chính cái nền móng trên đó ta xây xã hội mới". Chúng tôi ngờ rằng cần phải hiểu ngược lại tất cả các ý trên mới khớp với tình hình thực tế của ta. Duy trì cả những cái hay và cái dở khiến cho người ta thất bại mà lại được coi là tài giỏi thì cũng lạ thật. Còn các thao tác nghĩ theo, nói theo, viết theo đã trở thành kỹ xảo, việc gì phải học. Còn cái gọi là "minh triết phương Đông" thì Nguyễn Ái Quốc hồi đầu thế kỷ và hiện nay dân tộc này vẫn đang hăm hở xây dựng. Riêng cái tác dụng phá hoại của kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường xin đừng lẫn.

Trong các bài viết về Nho giáo của ông Phan Ngọc vừa qua, luận điểm đúng nhất của ông là: "Khổng Tử là người đầu tiên hiểu được thực chất của nền cai trị". Và ông lại đưa thêm một nhận định: "Theo tôi nghĩ, đây là quan điểm chính trị hiện đại".

Theo chúng tôi, cần phải nói thêm như sau: Đây cũng là một nguyên nhân, dù là thứ yếu, đã tạo điều kiện cho các con rồng cất cánh, nghĩa là các nhà cai trị ở 5 nước rồng lớn rồng nhỏ kia đã biết kế thừa xảo thuật của người xưa. Xưa là dương nho âm pháp, còn nay là "dương tư bản âm nho giáo".

Cả giáo sư Léon Vandermeersch và những người nói theo ông đều không biết hoặc vờ không biết đến những nguyên nhân chủ yếu của việc 5 con rồng cất cánh.

Thử hỏi, nếu không có 6 tỷ USD đầu tư và viện trợ của Mỹ cộng với vốn kỹ thuật và các quy trình công nghệ của tư bản Mỹ và tư bản châu Âu, Nhật lấy sức đâu mà cất cánh? Các con rồng khác cũng thế thôi. Không có vốn đầu tư, viện trợ và vốn kỹ thuật của phương Tây, sức mấy các con rồng Đài Loan, Hongkong, Hàn Quốc cất cánh. Ở đây chưa bàn đến mưu mô ngăn làn sóng đổ và "chung lưng mở một ngôi hàng" Đông Á với một dãy tủ kính lộng lẫy trưng bày vẻ rực rỡ của CNTB trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường.

Và quả là đáng khâm phục khi các nhà cai trị ở các nơi đó đã biết tận dụng truyền thống văn hóa Khổng giáo ở mặt đẹp nhất và cũng là tiêu cực nhất của nó. Còn gì đẹp hơn cái trật tự giữa người với người trong "tam cương ngũ thường", lấy hệ thống gia đình phụ quyền gia trưởng làm nền tảng. Khi các vị chủ tư bản phương Đông đã biết gia đình hóa các xí nghiệp, đã biết kỷ cương hóa toàn bộ xã hội theo khuôn mẫu xưa thì trên đời này còn gì tuyệt vời hơn: Trung hiếu rồi, nhân ái rồi, tín nghĩa rồi, tranh đấu mà làm chi! Nghĩa là trước kia là trung với nhà vua, còn nay ta trung với ông chủ doanh nghiệp.

Người lao động Nhật làm việc trung thành và tận tụy đến mức lâm vào tình trạng karoshi (quá lao tử) nghĩa là chết đột ngột vì lao động quá sức, gục trên bàn làm việc mà chết, ngồi trên xe điện cứng người ra mà chết, đang đi lăn đùng ra mà chết; đến nỗi Chính phủ Nhật mới hôm qua còn hăng hái cổ động cho Tân Khổng giáo, hôm nay đã vội đưa ra khẩu hiệu "Làm việc ít đi là yêu nước", "Người Nhật hãy đi du lịch nhiều hơn nữa".

Cho nên khát khao cất cánh mong đạt được nhiều tỷ dollar tổng sản phẩm quốc dân, hàng ngàn dollar tính theo đầu người; xin đừng bao giờ quên những hiện tượng kiểu đó.

Và đó chính là công lao đóng góp chủ yếu của Tân Khổng giáo đối với sự cất cánh của các con rồng. Hãy nghe một học giả phương Tây - Robert Elegant - người đã thâm nhập thực tế trong các nước rồng tới 20 năm nhận xét sự đống góp phi thường của Tân Khổng giáo đối với sự cất cách của 5 con rồng:

" (...) Sinh ra từ hơn 500 năm trước Chúa Jésus Christ Khổng Tử đã có tác động cũng sâu xa như Chúa vậy... Về cơ bản Khổng Tử dạy rằng con người sẽ sống trong hài hòa và thịnh vượng nếu họ tuân theo một vài quy tắc giản đơn...

Ngài dạy trước hết nhân loại được chia ra thành những kẻ tiểu nhân có nhiệm vụ vâng phục và các bậc quân tử có nhiệm vụ đem lại hạnh phúc chung, chủ yếu là bằng cách nêu tấm gương chân chính... Học thuyết kể trên bảo đảm trật tự. Những người đứng trên cùng phải chăm lo đến những người ở dưới đáy cùng và đến lượt họ, những người này lại phải làm việc một cách cật lực".

Nhiệm vụ vâng phục của những kẻ tiểu nhân là hoàn toàn bắt buộc còn nhiệm vụ đem lại hạnh phúc của các bậc quân tử lại hoàn toàn được thả nổi. Thực tế lịch sử chứng minh rằng các bậc quân tử ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam ít khi thực thi nhiệm vụ của mình. Thế là rõ, mối quan hệ giữa người và người, hay nói một cách cụ thể chính xác là quan hệ giữa tầng lớp quân tử và tầng lớp tiểu nhân do đức Khổng Tử quy định đã được vận dụng một cách sáng tạo và tài tình cho sự nghiệp công nghiệp hóa của 5 con rồng. Đây là tư thế đặc biệt mà chỉ ở các nước Nho giáo mới có. Cũng nên khâm phục và khen ngợi các bậc tân quân tử ở các nước con rồng đã khéo dùng chữ thời của Khổng Tử để tạo ra một kỳ công có một không hai trong lịch sử. Xin nhớ rằng cái thời đó đã một lần đi không trở lại. Cứ xem cuộc chiến tranh mậu dịch đang diễn ra giữa Mỹ và Nhật thì đủ rõ.

Chúng tôi muốn nói với "nhà nho cuối cùng" Phan Ngọc: điều mà ông lo lắng là nguyên khí sẽ bị diệt - e rằng đó là điều lo hão vì nguyên khí của đất nước này, dân tộc này trong tiến trình lịch sử có thế lực nào tiêu diệt được. Có bệnh tất phải chữa, gọi đúng bệnh là quan trọng nhưng kê đơn và bốc thuốc cho đúng còn quan trọng hơn nhiều.

Chúng tôi thấy tác giả Phan Ngọc và một số vị học giả khác dường như có ý muốn bốc Nho giáo làm vị "quân" trong thang thuốc này, e rằng người bệnh sẽ không tránh khỏi bị công phạt. Vả lại, chỉ chữa cho bệnh nhân được phục hồi về thể xác, còn tinh thần thì sao. Nho giáo chưa hề hứa hẹn phục hưng tinh thần thì sao. Nho giáo chưa hề hứa hẹn phục hưng tinh thần cho bất cứ dân tộc nào, kể cả dân tộc đã sản sinh ra nó. Còn đây đó người ta nói đến Nho giáo hoặc Tân Nho giáo, họ cũng không coi nó là vị thuốc mà chỉ là một thứ dầu bôi trơn để cho đông đảo các vị tân tiểu nhân vui vẻ cúc cung tận tụy phụng sự các vị tân quân tử, hay nói một cách cụ thể hơn: hết lòng phục tùng, phục vụ các vị chủ doanh nghiệp bất kể họ là người phương Đông hay người phương Tây.

Cũng xin nói thêm: dùng Nho giáo làm vị "quân" thì giai cấp phong kiến Việt Nam đã dùng quá lâu rồi, nhất là các vua đầu triều Nguyễn, và đã từng làm cho nguyên khí của dân tộc bị thất tán.

Hãy bớt vọng ngoại. Ta bình tâm bàn nhau tận dụng các vị thuốc Nam mới hy vọng đạt hiệu quả chăng?

TP HCM, tháng 4/1994
Viết chung với Ng. T. Thanh Xuân

(*)Bài này đăng trên Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật số 7-1994. Tòa soạn có ghi tên bài là "Nho giáo, Khổng Tử và cuộc sống". Nay xin giữ lại tên cũ và có gọt sửa thêm.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa truyền thống Đông Á: có hay không các giá trị nhân quyền?

    18/08/2018Vũ Công GiaoBực tức trước việc các quốc gia Châu Á đề cao và khẳng định các giá trị nhân quyền trong truyền thống văn hoá của châu lục, gần đây, một số người phương Tây đã chỉ trích rằng, văn hoá truyền thống ở phương Đông nói chung, ở Đông Á nói riêng chủ yếu bao hàm những tư tưởng độc tài, phi dân chủ, tàn bạo mà không hoặc chứa đựng rất ít những giá trị nhân quyền...
  • Trí thức và nửa trí thức: Đến cả sự nhợt nhạt cũng giống nhau đáng sợ

    16/05/2016Ngô Tự LậpTrích đăng từ bài “Giáo dục, Trí thức và nửa đường còn lại” của Ngô Tự Lậpbàn về trí thức và nửa trí thức.
  • Toàn cầu hoá không phải là "tây hoá"

    08/09/2014Hà YênNhư nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, sinh hoạt văn học - nghệ thuật hiện đang phát lộ nhiều vấn đề mà nhìn từ góc độ xã hội học văn hoá, không khó để nhận ra một số chuyển dịch vừa biểu thị sự khởi sắc, vừa chứa đựng một số nội dung cần giải quyết...
  • Nghĩ về thứ văn hóa mà không thể hướng tới văn minh

    22/04/2014Nguyễn Tất ThịnhRất nhiều người cùng chung thứ văn hóa ‘làng xã’ đó mà tranh chấp, chửi đánh nhau bể đầu, rất khó dung nạp nhau, khó hòa hợp vào các chuẩn mực chung, mà lại có khuynh hướng bài xích, tẩy chay những người khác họ. Trong khi có nhiều người ở một thứ văn hóa khác thế, nhưng sống trong xã hội văn minh, lại biết tôn trọng, dung nạp, hòa hợp...
  • Đông Á, Tây Âu hai văn minh có thể dung hòa được không?

    13/01/2010Phạm QuỳnhSong sự dung hòa ấy có thể làm được không?- Người mình có thể kén chọn trong hai văn minh cái gì hay thì lấy, cái gì dở thì bỏ, để bắt chước lấy những phương thuật khéo, máy móc tài của Thái Tây, mà vẫn giữ được cái tinh thần cũ, luân lí xưa của nòi giống?
  • Nho giáo và văn hóa Việt Nam

    24/11/2009Trần Quốc VượngKhi tiếp xúc cưỡng bức với văn minh Pháp dưới dạng thực dân ở cuối thế kỷ XIX, nền văn minh Việt Nam truyền thông - mà “sợi dây liên kết” (để dùng lại một từ và một ý niệm của Ăng-ghen) là nhà nước quân chủ Nho giáo - đã tỏ ra bất lực. Thực ra, nói như Ức Trai:
  • Khổng giáo luận

    02/11/2009Phạm QuỳnhNgày ấy gần xa thế nào, bây giờ chưa thể biết được. Nhưng nhờ sự học vấn mỗi ngày một rộng một thâm, người Đông phương với người Tây phương mỗi ngày một am hiểu nhau hơn, chắc cũng có lợi cho sự tiến hóa chung được nhiều vậy.
  • Khổng tử và Khổng giáo

    11/08/2009Phạm QuỳnhDường như lúc này đây là giai đoạn khó khăn nhất trên con đường dài kể từ sau ngày từ giã cõi trần của vị hiền triết già Châu Á. Trong suốt gần hai nghìn năm trăm năm ông ngự trị trên tâm trí và lương tri của bộ phận đông đúc và dày đặc nhất của nhân loại - tôi có hơi phân vân khi nói là trên trái tim họ, chưa bao giờ ông bị đem ra tranh cãi, phê phán ác liệt như những ngày này, ngay cả so với thời Trang Tử và các học giả của trường phái Lão giáo chĩa vào ông những mũi tên gay gắt nhất.
  • Quan niệm của nho giáo về xã hội lý tưởng

    20/10/2006Nguyễn Thanh BìnhGiống như bất kỳ một học thuyết chính trị - xã hội nào khác, Nho giáo cũng đưa ra quan niệm về một xã hội lý tưởng với tất cả những đặc điểm căn bản của nó và các biện pháp để tạo lập duy trì cái xã hội ấy.
  • xem toàn bộ