Người Mỹ đã thay đổi nước Nhật ra sao?
Tình cảnh nước Nhật sau khi bại trận
Hàng triệu người lính giải ngũ cũng một lúc không có công ăn việc làm. Nhiều người dân thất nghiệp vì các nhà máy bị tàn phá. Ngoài đường phố nhiều cựu chiến binh và thương binh phải xin ăn.
Nạn thiếu thực phẩm đã xảy ra. Có trường hợp tại vùng quê có người nhảy lên tàu hỏa để đi lên thành phố xem có thể kiếm gì ăn được. Nhiều người phải tìm rau dại, đào củ ăn thay cơm. Mỹ đã phải cấp tốc chở gạo cứu đói đến cho Nhật. Nhiều trẻ em lớn lên vào thời kỳ này vì thiếu ăn nên đã bị còi cọc, không lớn được.
Sau 1945, vì thiếu lương thực nên thực phẩm được phân phối theo tiêu chuẩn . Người dân xếp hàng chờ mua thực phẩm |
Việc làm đầu tiên của ông là ra lệnh chở lương thực và các vật dụng cần thiết cho đời sống đến Nhật để cứu đói và tránh các bất ổn xã hội do nạn đói và thiếu thốn gây ra. Ông ra lệnh thực hiện chương trình cho học sinh ăn trưa tại các trường học Nhật.
Lính Mỹ được lệnh phải tôn trọng phong tục tập quán của nước Nhật và giúp đỡ người dân, chẳng hạn, khi vào nhà phải cởi giày để ở bên ngoài, đứng điều khiển giao thông trước các trạm xe lửa có xe cộ đông đúc, giúp đỡ trẻ em thiếu ăn. Người Nhật cảm động trước cách cư xử này của lính Mỹ.
Điều đầu tiên chính phủ Nhật chuẩn bị khi lính Mỹ tiến vào nước Nhật là mở ra hàng trăm nhà chứa điếm và các trạm giải trí để lính Mỹ đừng xâm phạm đến phụ nữ Nhật. Một số phụ nữ Nhật lo sợ bị lính Mỹ hãm hiếp nên đã cắt tóc ngăn, ăn mặc giả như là đàn ông khi đi ra ngoài. Có người kể là có phụ nữ đem theo những viên thuốc độc cianide để phòng khi bị cưỡng hiếp thì họ sẽ uống thuốc độc tự tử để khỏi bị mang nhục.
Lúc đầu, lính Mỹ được ra lệnh khi đi ra khỏi doanh trại phải trang bị đầy đủ vũ khí giống như khi ra trận, không được phép thân mật hay kết bè bạn với người Nhật. Nhiều người Nhật phàn nàn về chính sách này và sau đó người Mỹ thấy người Nhật không có vẻ gì là thù hận người Mỹ và không có ý định hại người Mỹ nên sáu tháng sau, lệnh trên được bãi bỏ. Lính Mỹ có thể đi ra ngoài phố mà không cần phải đem vũ khí theo.
Khi tướng McArthur ra trước quốc hội Mỹ để trình bày cho quốc hội biết kế hoạch ông sẽ thực hiện tại Nhật, ông nói là sẽ biến nước Nhật thành một nước dân chủ và theo kinh tế tư bản.
Chính sách của Mỹ tại Nhật sau chiến tranh là tìm cách loại bỏ các thành phần hiếu chiến đã chủ trương gây chiến tranh. Đồng thời với việc loại các thành phần hiếu chiến là sửa đổi kinh tế để các thành phần chủ chiến mất cơ sở về kinh tế. Về mặt xã hội, tinh thần thượng võ theo truyền thống của Nhật bị xóa bỏ bớt.
Thay đổi về chính trị
Sau chiến tranh, có 23 viên chức Nhật trong hàng ngũ lãnh đạo, một số ở trong quân đội, một số bên dân sự, bị đem ra tòa xử về tội ác chiến tranh. Trong số 23 người này, có bảy người bị xử tử. Thủ Tướng Nhật thời chiến tranh là Hideki Tojo cũng nằm trong số người bị xử tử.
Về phần Nhật Hoàng Hirohito, ông đứng ra nhận tất cả trách nhiệm về cuộc chiến và chấp nhận từ chức nếu Mỹ yêu cầu. Tướng McArthur đã không đòi hỏi Nhật Hoàng từ chức.
Có người lý luận là những tướng lãnh, những viên chức chính quyền bị xem là tội phạm chiến tranh và bị trừng phạt chẳng qua là họ nghe theo lệnh Nhật Hoàng. Thế mà đem trị tội những người thi hành lệnh mà lại không trừng phạt người ra lệnh, tức là Nhật Hoàng, thì việc trừng phạt những người kia chẳng còn có giá trị. Nhưng tướng McArthur hành động theo thực tiễn. Ông thấy Nhật Hoàng là người được toàn dân Nhật tôn trọng nên ông muốn Nhật Hoàng được tại vị để làm biểu tượng đoàn kết dân Nhật và đem lại ổn định về chính trị. Nếu đem hạ bệ Nhật Hoàng thì khi người lãnh đạo tối cao không còn, mọi người sẽ quay ra tranh giành quyền lực, chống đối nhau, gây mất ổn định cho đất nước.
Tướng Hideki Tojo (Đông Điều) tự tử bằng cách dùng súng lục bắn vào tim để khỏi bị cái nhục khi bị đem ra tòa xử. Viên đạn không trúng tim, ông được cứu sống và sau này bị đem ra tòa xử và bị treo cổ |
Nhật Hoàng đã đi khắp nơi trên đất nước Nhật đến nhiều gia đình để bắt tay người dân, thăm hỏi về đời sống. Việc làm này làm cho người dân rất xúc động và lên tinh thần, cố gắng làm việc để vượt qua các khó khăn.
Hiến pháp của Nhật bị thay đổi để trở thành một hiến pháp của một nước theo đường lối hòa bình. Hiến pháp Nhật trước đó được soạn vào năm 1889 vào thời Minh Trị Thiên Hoàng theo mẫu của hiến pháp Anh để biến chế độ nước Nhật từ chế độ quân chủ thành chế độ quân chủ lập hiến. Trong chế độ quân chủ lập hiến, người dân được quyền bầu đại diện vào quốc hội, đại biểu của dân tham gia việc soạn luật trong khi vua vẫn giữ vai trò lãnh đạo tối cao.Với tư cách là người thắng trận, người Mỹ đã sửa đổi một số điều trong hiến pháp và đưa sang cho quốc hội Nhật biểu quyết chấp nhận. Việc soạn các sửa đổi trong hiến pháp được làm trong thời gian rất ngắn, chỉ có sáu ngày.
Trong hiến pháp mới, Nhật Hoàng vẫn giữ vai trò lãnh đạo tối cao, nhưng chỉ có tính cách biểu tượng cho quốc gia và sự đoàn kết dân tộc mà không có quyền lực trong việc quyết định các đường lối, chính sách của quốc gia. Đường lối và chính sách quốc gia do các chính trị gia được dân bầu lên theo thể thức dân chủ đảm nhiệm.
Trong hiến pháp mới, các quyền tự do căn bản của người dân như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tôn giáo được tôn trọng và phụ nữ cũng được quyền đi bầu.
Hiến pháp mới của Nhật được gọi là Hiến Pháp Hòa Bình, mở đầu với câu:
Điều 9 trong hiến pháp Nhật ngăn cấm mọi hoạt động quân sự . Điều này viết : « Nhân dân Nhật không sử dụng chiến tranh để áp đặt lên nước khác uy quyền của mình và không dùng vũ lực trong các vụ tranh chấp với các nước khác ».
Hiến pháp này cũng qui định Nhật sẽ không tuyên bố gây chiến với các nước khác và không xây dựng một lực lượng bộ binh và hải quân lớn. Vì hạn chế có một quân đội lớn nên Nhật tiêu ít vào quốc phòng hơn các nước khác. Mỗi năm Nhật chỉ chi vào quốc phòng khoảng 1% ngân sách quốc gia. Tỉ lệ trung bình của các nước khác là từ 2% đến 4%.
Một số người Nhật muốn Nhật có quân đội mạnh hơn nhưng đa số người Nhật muốn giữ tình trạng như vậy. Cũng có lúc Mỹ muốn Nhật chi vào quốc phòng nhiều hơn vì nếu Nhật có một lực lượng quân sự lớn hơn thì Mỹ sẽ có thể giảm bớt chi phí về lực lượng quân sự của mình tại Á Châu trong việc ngăn ngừa sự bành trướng của khối Cộng Sản nhưng người Nhật cũng vẫn không gia tăng ngân sách quân sự . Họ muốn dồn ngân sách vào việc phát triển kinh tế.
Hiệp Ước Hòa Bình ký tại San Francisco năm 1951 bởi 48 nước, trong đó có Mỹ, Liên Xô, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và Nhật qui định Nhật là một nước có chủ quyền về các chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia. Năm 1956, Nhật trở thành hội viên của Liên Hiệp Quốc. Năm 1965, Nhật ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Đại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn), nước trước đây là thuộc địa của Nhật.
Thay đổi văn hóa xã hội
Nhiều điều thay đổi trong xã hội Nhật đã được thực hiện trong giai đoạn này. Những phong tục, tập quán được cho là đề cao tinh thần ham chuộng sử dụng vũ lực và tinh thần quốc gia cực đoan bị ngăn cấm.
Tuồng Kabuki, loại tuồng cổ của Nhật, bị cấm. Tuồng Kabuki đã có từ lâu đời nhưng được đề cao và phổ biến mạnh mẽ trong thập niên 1930 là thời giới quân phiệt Nhật nắm quyền và thời tinh thần dân tộc được đề cao mạnh mẽ. Nhưng đến năm 1947, tức là hai năm sau, thì lệnh cấm bị bãi bỏ và ngày nay, tuồng Kabuki vẫn còn tồn tại.
Các môn võ bị cấm dạy trong đó có cả môn như Kiếm Đạo. Sau này, khi Nhật được trả lại chủ quyền vào năm 1952, chính quyền Nhật đã bãi bỏ luật cấm dạy võ. Các cuộc tranh tài về võ và đánh kiếm được phục hồi lại. Nhưng sau này các môn võ nghệ được xem như là thể thao chứ không phải để đào tạo, huấn luyện võ sĩ để theo sự nghiệp chiến tranh như thời xưa.
Trong trường học, giáo viên dạy học sinh về tinh thần dân chủ thay vì dạy học sinh phải tôn thờ Nhật Hoàng. Những đoạn ca tụng tinh thần thượng võ của giới Samurai trong sách giáo khoa bị bãi bỏ. Người dân Nhật phải đem nộp hết các kiếm, trong đó có các thanh kiếm cổ có từ hàng trăm năm. Ước lượng có đến hàng triệu thanh kiếm phải đem nộp cho nhà nước.
Thần Đạo không còn được xem là quốc giáo mặc dù không bị cấm. Nhật Hoàng tuy còn tại vị nhưng không được xem là một vị thần ở dưới trần thế như xưa. Việc bãi bỏ Thần Đạo là quốc giáo và để cho tự do tôn giáo đã đưa đến hiện tượng có một số người đứng ra đi giảng đạo, qui tụ tín đồ và thành lập tôn giáo, đạo giáo mới.
Chế độ chính trị Nhật cũng phát triển theo qui luật hạ tầng kiến trúc chi phối thượng từng kiến trúc với các công ty lớn có liên hệ với các đảng chính trị và các đảng này tranh đấu cho quyền lợi của các công ty trong quốc hội. Có sự liên hệ giữa các Zaibatsu và các đảng chính trị và giới quân nhân chủ trương dùng chiến tranh bành trướng để chiếm các vùng có nhiều quặng mỏ, nhiêu liệu. Số công ty lớn đáng được gọi là Zaibatsu có đến hàng chục. Trong đó bốn Zaibatsu lớn nhất là Mitsubishi, Sumitomo, Misui và Yasuda. Các công ty này đã hiện diện hàng chục năm, từ khi Minh Trị Thiên Hoàng canh tân nước Nhật vào thập niên 1860. Hãng Mitsubishi cũng chế tạo khí giới, bom đạn để phục vụ cho chiến tranh. Chiếc chiến đấu cơ nổi tiếng của Nhật là Zero được chế tạo bởi hãng Mitsubishi.
Sau 1945, Mỹ giải tán mười sáu Zaibasu, trong số đó có bốn công ty lớn nhất là Mitsubishi, Sumitomo, Misui và Yasuda. Hai mươi sáu Zaibatsu được tái cấu trúc lại để trở thành hàng trăm công ty nhỏ. Mục đích của việc tái cấu trúc là để xóa bỏ ảnh hưởng của những thành phần chủ chiến trong xã hội Nhật, từ lãnh vực chính trị cho đến kinh tế, văn hóa chứ không chỉ giới hạn trong việc đem xét xử những người lãnh đạo chiến tranh trong quân đội và chính phủ mà thôi.
Đồng thời việc tổ chức lại một số tập đoàn tài chánh lớn là việc ban hành Luật Tản Quyền và Ủy Ban Kinh Doanh Công Bằng. Luật này nhằm mục đích giảm bớt việc tập trung nguồn lợi kinh tế vào trong tay một thiểu số người.
Kinh tế Nhật sau đó, với chính phủ có chủ quyền, có đặc tính là chính phủ can thiệp và chi phối khá nhiều vào hoạt động kinh tế chứ không tự do như nền kinh tế Mỹ. Một số thí dụ trong việc chính phủ can thiệp vào kinh tế như chính phủ hạn chế số hãng được mở ra trong một số ngành công nghiệp quan trọng. Việc hạn chế số hãng được mở ra nhằm mục đích vừa duy trì sự cạnh tranh giữa các hãng với nhau, vừa giữ cho số vốn được tập trung trong một số hãng mạnh, có khả năng cạnh tranh với các công ty mạnh trên thế giới chứ không tản mát vốn vào các công ty nhỏ không đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Một thí dụ khác như chính phủ giúp đỡ cho một số công ty quan trọng khi các công ty này gặp khó khăn, tránh cho các công ty bị vỡ nợ, phải đóng cửa quá sớm, tạo thêm điều kiện cho các công ty lướt qua các khó khăn khi kinh tế thế giới không thuận lợi. Các biện pháp can thiệp của chính phủ có những ưu điểm cũng như khuyết điểm cho nền kinh tế nói chung.
Nói chung Mỹ không tìm cách làm cho kinh tế Nhật suy yếu đi khi giải tán các công ty lớn mà chỉ tìm cách xóa bỏ ảnh hưởng của các thành phần chủ chiến. Mỹ muốn Nhật có một nền kinh tế thịnh vượng phát triển trong khung cảnh hòa bình. Nền kinh tế thịnh vượng đem lại công ăn việc làm cho người dân sẽ giảm bớt số người nghèo khổ bất mãn, thấy cuộc đời mình bị bế tắc, không có tương lai sẽ gia nhập các phong trào chính trị cực đoan, chủ trương dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội.
Người Mỹ đã thay đổi được gì?
Nếu nhìn vào một số quốc gia ngày nay như Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Pakistan… với quân đội và cơ quan an ninh có ảnh hưởng trong chính trị, kinh tế và có hậu quả xấu cho quốc gia thì việc triệt tiêu được ảnh hưởng của giới quân nhân Nhật sau Thế Chiến Hai là sự thành công. Sự thành công này có lợi cho Mỹ là Nhật sẽ không dùng quân sự mà chống Mỹ, nhưng cũng có lợi cho Nhật là các thành phần kinh tế, xã hội khác trong nước Nhật có cơ hội được hoạt động và phát triển mà không bị giới quân nhân lấn át.
Tại Thái Lan, quân đội vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong chính trị. Thủ tướng Thái mặc dù được dân bầu lên nhưng có thể bị lật đổ khi quân đội làm đảo chánh. Như vậy, khi thủ tướng Thái có những chính sách làm thiệt hại đến quyền lợi của quân đội thì sẽ bị quân đội ngăn cản. Nếu thủ tướng cứ tiếp tục chính sách đó thì sẽ bị quân đội làm đảo chánh lật đổ, rồi sau đó quân đội lại để cho bầu cử để có thủ tướng mới. Một số tướng lãnh Thái tham nhũng và có quyền lợi trong một số công ty. Việc quân đội dùng sức mạnh xen vào chính trị khiến cho một số hành vi phạm pháp, tham nhũng không bị trừng phạt và quân đội dùng sức mạnh để bảo vệ quyền lợi của một nhóm người chứ không theo sự công bằng xã hội.
Nước Nhật đã từng trải qua sự thay đổi vào giữa thế kỷ 19 khi những người lãnh đạo muốn canh tân nước Nhật. Việc kinh doanh trước đó bị coi thường. Tầng lớp thương nhân bị đứng hàng chót trong bốn tầng lớp Sĩ, Nông, Công, Thương. Tầng trên cùng là Sĩ tức là Võ Sĩ, Samurai, là người được trọng vọng, có quyền đeo kiếm đi ngoài đường. Sĩ của Nhật khác với Sĩ của Trung Hoa và Việt Nam. Sĩ của Trung Hoa và Việt Nam là Nho sĩ, là người xem trọng việc giáo dục dân, giải quyết vấn đề bằng hòa bình hơn là dùng vũ lực. Để chấn hưng thương mại, những người chủ trương canh tân đã viết sách thay đổi cách nhìn của dân Nhật về giới thương nhân. Tầng lớp võ sĩ cũng bị giảm bớt giá trị khi chính quyền không còn duy trì sự phân biệt các tầng lớp một cách chặt chẽ như xưa. Với sự thay đổi của người Mỹ, giới quân nhân bị mất ảnh hưởng rất nhiều, tinh thần võ sĩ đạo đề cao sự can đảm, không sợ chết không còn được trọng vọng, thay vào đó là một lớp doanh nhân, xem việc kiếm tiền là mục tiêu cần theo đuổi.
Võ sĩ, Samurai |
Những gì nước Nhật không thay đổi
Xã hội Nhật vẫn có tính cách tôn ti trật tự, người dưới nghe lời người trên, chứ không giống như các nước Tây Phương mỗi người là cá nhân bình đẳng với nhau.
Vai trò phụ nữ Nhật trong các hoạt động kinh tế, xã hội vẫn khiêm nhường hơn so với vai trò phụ nữ Tây Phương. Trong hàng chục năm sau chiến tranh, gia đình Nhật vẫn còn là người chồng đi làm, vợ ở nhà chăm sóc gia đình, con cái trong khi cùng thời gian đó, tỉ lệ phụ nữ Tây Phương ra ngoài đi làm cao hơn.
Sự phục hồi kinh tế của hai nước Tây Đức và Nhật cũng là do chính phủ các nước này biết quản lý kinh tế một cách khôn ngoan và người dân các nước này hăng hái làm việc, nhưng đối với dân miền Nam lúc đó thì trường hợp hai nước này cho thấy ít ra là hai nước này có thể trở thành thịnh vượng khi nằm trong khu vực ảnh hưởng của Mỹ, dù là trước đó đã là kẻ thù của Mỹ.
Xe Toyota Corona 1968, xuất hiện tại miền Nam, nhập cảng từ Nhật |
Xe Mazda 1500, 1969, cũng thấy xuất hiện trên đường phố miền Nam cùng thời với chiếc Toyota Corona. Được đặt tên Mazda 1500 vì xe này dùng động cơ 1500 phân khối |
Phép lạ Nhật Bản cũng là sự tính toán, tiết kiệm trong đời sống. Nhật tuy đất ít nhưng cũng có thể tự túc được gạo. Để phát huy năng suất của đất, người Nhật sử dụng nhiều phân bón hóa học. Vì thế giá thành của lúa làm ra cao. Chính phủ Nhật phải phụ cấp cho nông dân để nông dân có thể bán lúa trong nước với giá thấp hơn. Để đạt được mức cung cấp gạo tối đa cho một diện tích đất ít ỏi, người Nhật trồng loại lúa thượng hạng. Loại lúa này họ đem xuất cảng bán được với giá cao. Số tiền bán được họ mua gạo hạng thường về cho dân dùng như thế họ có được nhiều gạo hơn. Trong những năm từ đầu thiên niên kỷ 2000, chính phủ Nhật bỏ phụ cấp trồng lúa cho nông dân và bỏ chính sách phải tự túc được về gạo mà nhập cảng gạo cho dân trong nước dùng. Họ dùng đất để xây nhà máy, chế tạo hàng hóa đem bán thì được lợi gấp bội việc trồng lúa.
Phép lạ Nhật Bản cũng là sự tỉnh táo, sáng suốt nhìn vào tình thế. Người Nhật có thể rình giết lính Mỹ, quấy rối quân đội Mỹ mãi mãi để đuổi người Mỹ đang chiếm đóng nước Nhật. Nhưng làm thế thì Nhật sẽ trở thành kẻ thù của Mỹ và mất đi dịp học hỏi kỹ thuật của người Mỹ. Người Nhật hiểu họ thua Mỹ là vì kém về kỹ thuật trong nhiều mặt, kém về tiềm năng kinh tế. Vì thế họ đưa ra khẩu hiệu "đuổi kịp người Tây Phương, vượt qua người Tây Phương". Họ đã từng canh tân nước Nhật vì thấy khoa học kỹ thuật và kinh tế là nền tảng của sức mạnh quốc gia. Họ tìm cách xây dựng nền tảng của sức mạnh quốc gia trong khi hoàn cảnh bại trận giới hạn họ trong một số mặt. Họ đã tự nhủ với nhau rằng "Nếu chúng ta không thể làm người thắng giỏi thì chúng ta sẽ làm người thua giỏi". Người thua giỏi là người biết nuôi sức mình để chờ cơ hội thuận tiện mà đứng thẳng lên.
Nhật là thuộc địa kiểu mới của Mỹ?
Cho đến ngày nay cũng vẫn còn có người gọi các nước nằm trong vùng ảnh hưởng của các nước tư bản Tây phương là « thuộc địa kiểu mới » của các nước Tây phương.
Trường hợp của Nhật xem ra không thể xếp chung vào với các nước cựu thuộc địa vì Nhật đã là một nước công nghiệp hóa chẳng khác gì các nước Tây phương từ trước Thế Chiến Hai. Sau Thế Chiến Hai, vì thua trận nên Nhật và Đức bị Mỹ khống chế không cho có quân đội lớn, nhưng về mặt kinh tế, Nhật là một nước công nghiệp hóa nên Nhật bán hàng cho các nước khác đồng thời mua nguyên liệu từ các nước khác giống y như các nước Tây Phương đã công nghiệp hóa chứ không phải là nước chỉ tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của các nước Tây phương và cung cấp nguyên liệu cho các nước công nghiệp. Vì thế không thể gọi Nhật là thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Nhật bán hàng sang Mỹ nhiều hơn Mỹ bán sang Nhật. Công ty Toyota của Nhật đã soán ngôi công ty GM của Mỹ trong ngôi vị công ty bán xe hơi nhiều nhất thế giới thì đâu thể gọi Nhật là thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Qua đến thập niên 1980, một số nước Á Châu trước đây bị gọi là thuộc địa kiểu mới như Mã Lai, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Phillipines lại được xem là Con Rồng Của Á Châu khi có nền kinh tế phát triển nhanh. Trường hợp Đài Loan và Nam Hàn thì từ nước nông nghiệp sau Thế Chiến Hai ngày nay đã thành một nước công nghiệp sản xuất hàng bán đi khắp thế giới.
Dù gọi là thuộc địa kiểu mới hay là gì chăng nữa thì trong nền kinh tế tự do của thế giới, nước nào mà người dân hăng hái hoạt động, có chính sách phát triển khôn ngoan thì cũng vươn lên được.
Người Mỹ đã thay đổi nước Nhật ở chỗ giới hạn khuynh hướng gây chiến tranh, nhưng trong khung cảnh kinh tế tự do của thế giới, nước Nhật cũng vẫn vươn lên được bằng các sử dụng tốt nhất các điều kiện eo hẹp nhất định mà họ có.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh