Người không thành đạt
Nếu bạn lên Google mà tìm kiếm cụm từ "người thành đạt" thì sẽ có khoảng non 4 triệu kết quả chỉ trong vòng chưa đến 1 giây đồng hồ...
Nhưng nếu tìm với cụm từ "người không thành đạt" thì không có bài viết nào về chuyện này, nếu có chăng chỉ tìm thấy những bài dạng "những đặc điểm không có ở những người thành đạt".
Mãi mới tìm thấy một bài "13 lý do bạn chẳng bao giờ thành đạt." Đọc bài đó, tôi thấy mình có khi còn có nhiều hơn những lý do mà bài báo liệt kê.
"Thành đạt" là xét trên những tiêu chí bình thường của một xã hội… bình thường, nghĩa là ổn thỏa về công việc, có sự thăng tiến và phát triển; từ đó có những điều kiện tốt về mặt tài chính.
Từ những tiêu chí đó, chân thành mà nói, tôi là một người không thành đạt. Trước đây tôi thường đổ lỗi cho hoàn cảnh, số phận của mình vốn cũng khó khăn hơn nhiều những bạn khác cùng trang lứa, nhưng ngẫm ra, nhiều người còn khó khăn hơn tôi nhiều nhưng họ vẫn có thể vượt lên được. Nhưng tôi thì không. Bây giờ tôi sẽ viết về những cơ hội mà tôi đã bỏ lỡ.
Ngay từ thời sinh viên, tôi đã học hành rất chăm chỉ, nhưng cách học của tôi rất khác với hầu hết mọi người và sau đó, tôi đi sai đường. Nếu tôi chọn con đường làm công tác nghiên cứu chẳng hạn, chắc hẳn cuộc đời của tôi đã khác. Dù có thể nó phẳng lặng hơn, nhưng nếu chịu khó đi trên con đường đó một thời gian đủ lâu, chắc chắn tôi sẽ có một vị trí nhất định. Tôi không chọn đúng con đường cho mình.
.
Chọn sai đường là một sai lầm nghiêm trọng nhất, khi đã đi sai đường, thì làm lại rất khó, càng để lâu thì càng khó khắc phục.
Hồi đó tôi đã thấy, ngoại ngữ là một yếu tố tối quan trọng để làm hành trang bước vào đời, tôi học ngoại ngữ rất chăm. Một phần do nhà nghèo, không có tiền để đi học ở ngoài trung tâm, phần khác do đi làm bận, tôi cũng không có nhiều thời gian.
Do đó tôi tự học ngoại ngữ và bản thân có thể đọc, dịch được tài liệu rất tốt, nhưng khi ra trường tôi mất cơ hội để đi làm cho một doanh nghiệp nào đó vì không có khả năng nghe nói, giao tiếp… mặc dù tiềm tàng, tôi rất có năng khiếu về khía cạnh đó: bạo dạn, nghe tốt, khả năng phát âm tốt. Như thế là học chăm, nhưng chưa đúng phương pháp, cũng chẳng có mấy cơ hội thành công.
Tôi có những người bạn học ít thời gian hơn nhiều, nhưng họ biết cách học: họ tập trung vào học nội dung sẽ phải trả lời khi phỏng vấn, và thế là đủ. Khi vượt qua, môi trường làm việc sẽ dạy họ tiếp, và chỉ một thời gian sau họ tiến xa hơn tôi nhiều.
Đến khi đi làm, trải qua nhiều môi trường làm việc, nhiều vị trí… tôi cũng chẳng mấy thành công. Tính tình khôn không ra khôn, dại không ra dại, hèn không ra hèn mà nghĩa hiệp cũng chẳng ra nghĩa hiệp đã hại tôi không biết bao nhiêu lần.
Hầu hết tôi thích đứng về phía người làm công, về phía "người yếu thế" để bênh vực họ, nhưng cũng hầu hết, tôi không hiểu cái lý lẽ của người sử dụng lao động, và sự bênh vực của tôi trở nên mù quáng, ngốc nghếch. Pháp luật thì luôn dành cho người lao động sự ưu ái, do đó nếu cứ có kiện cáo thì doanh nghiệp bao giờ chẳng thiệt. Do đó sự nghĩa hiệp của tôi, ích lợi không có mấy mà chỉ có tác dụng… phá công ty là nhiều.
Bây giờ nhìn lại, ngay cả với người lao động, những người bị coi là "yếu thế" thì cái sự bênh vực đó không có tốt. Cứ cho là đối đầu, họ sẽ được một khoản bồi thường và… mất việc. Sau đó cơ hội cho họ tìm được việc khác giảm đi cực kỳ nhiều.
Vậy đấy, thẳng thắn, cương cường, nghĩa hiệp nhưng ngu ngốc, hại quá nhiều mà lợi chẳng được bao nhiêu.
Tất nhiên, không thể nói là tôi không có những thế mạnh và thành công nhất định. Tôi khéo ngoại giao, giỏi luồn lọt… cũng khéo đem người này ra dọa người kia, lấy le, lại biết sử dụng tiền bạc để làm đòn bẩy cho công việc. Hơn thế nữa, tôi biết vận dụng rất tốt những kiến thức học được trong trường và cả cuộc sống, nên công việc của tôi có những đoạn cực kỳ hiệu quả.
Đó là thời cầm tiền đi xin đất, chạy các dự án đầu tư. Nhưng thường thì cái thói tham nó không làm cho mình dừng ở chỗ đó: tiếp xúc với các dự án đầu tư chỗ này chỗ khác, vào thời chứng khoán, bất động sản "hót hòn họt" tôi cũng nắm được nhiều cơ hội làm ăn. Nhưng người ta, hoặc "các cụ" đúc kết cũng đúng, phàm là cái gì được thúc đẩy bởi cái tham, thì hoặc chẳng bao giờ đạt được, hoặc chẳng bao giờ lâu bền.
Tôi mất sạch. Nếu như tôi biết dừng lại, bằng lòng với những cái mình đạt được, thì chắc kết quả cũng tốt hơn bây giờ nhiều.
Có một góc khác trong tôi, đó là từ gần 20 năm nay tôi đọc sách Phật. Đọc chỉ vì ham hiểu biết về triết học mà đọc. Do đó hầu như tôi chỉ học, không có hành. Phật học với tôi chỉ như một môn triết, một tư tưởng… như bao triết thuyết khác, không hơn.
.
Ngày hôm nay, bình tĩnh, chân thành nhìn nhận lại bản thân sau tất cả những sai lầm, của cả hơn 20 năm lạc lối, tôi muốn làm lại. Tôi hiểu bản chất của những sai lầm đó của mình, đó là sự thiếu tu dưỡng.
Tôi đã từng quá tự mãn, tự cao tự đại, bỏ qua những chuẩn mực đạo đức… tất cả những điều đó làm tôi thất bại. Từ ngày nhận ra những điều có hại đó, tôi muốn làm lại và thay đổi bản thân. Tất nhiên ở cái tuổi xế chiều, khi mình đã đi qua đỉnh dốc bên kia rồi, thì tất cả mọi chuyện đều không dễ: học tập, lao động… nhưng không nhẽ mình lại dừng lại, hoặc thoái lui? Khó thì cũng phải đi tiếp, chứ biết làm thế nào.
Cũng không nên nghĩ rằng tôi sẽ xuất gia đi "ăn mày cửa Phật" - không dễ cho hầu hết những người thường chúng ta: đi cách núi về cách sông, lại "vợ bìu con ríu". Tôi đành chọn con đường tiếp tục học tập, tu thân… và tin tưởng rằng nếu mình đi tiếp, sẽ có kết quả dù ít dù nhiều.
Tạo hóa đã không trao cho mình những cái này, thì lại trao cho mình cái khác. Nếu chúng ta tìm được ra nó, thì chúng ta vẫn có thể cống hiến được cho xã hội. Khi chúng ta đã cống hiến được cho xã hội, thì không lo việc chúng ta sẽ thiệt thòi. Cuộc đời là công bằng cho tất cả, nếu như chúng ta đang thiệt thòi, có nghĩa là chúng ta cống hiến chưa đủ cho cuộc đời, vậy thôi.
"Không thành công thì cũng thành danh" - câu nói của tiền bối Nguyễn Thái Học trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Trong bất cứ công việc mà bạn làm dù thành công hay thất bại nhưng bài học được rút ra thì chính bạn là người hiểu và thấm thía hơn ai hết... Kinh nghiệm của chính bạn đã trang bị cho bạn trở nên sống "Thành Nhân".
Có đôi người bạn đến tìm lời khuyên của tôi, vì họ nhận thấy tôi cũng đã bỏ một lượng công sức nhất định trong học tập và thu hoạch được một số tư duy "hơi hơi bình tĩnh" - vấn đề sẽ được đặt ra thế này. "Bạn thành công hơn tôi rất nhiều về các mặt: địa vị xã hội, tiền bạc… vậy ý kiến của tôi có ý nghĩa gì với bạn?" Bạn sẽ có thể trả lời bằng rất nhiều ý, từ nhiều khía cạnh.
Nhưng nếu tôi vẫn muốn cùng bạn suy nghĩ về những vấn đề của bạn, để đáp lại thịnh tình và sự tin tưởng chân thành, thì tôi sẽ nói rằng, có thể tôi không thành đạt bằng bạn, hiện nay tôi rất nghèo, nhưng tôi sẽ cùng suy nghĩ với bạn bằng lòng thành của tôi, và tôi chia sẻ với bạn tất cả những bài học từ sự thất bại của bản thân mình…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015