Ích kỷ: sự thắng thế của phần “Con”

04:12 CH @ Thứ Năm - 17 Tháng Mười, 2019

Trong bài diễn văn đọc tại nhà thờ lớn nhất thế giới đêm Giáng Sinh – nhà thờ St Peter (còn có tên là nhà thờ Quo Vadis), Đức Giáo hoàng Bennedict XVI nói về nhiều vấn đề, trong đó Ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng sự tồi tệ hiện nay của thế giới phần lớn là do con người “chỉ chăm chăm nhìn vào quyền lợi cá nhân ích kỷ của chính mình”; và, vì thế, “biến chúng ta thành tù nhân của quyền lợi và khát vọng của mình”…

Nghe, giật mình và… bừng hiểu điều tưởng chừng như ai cũng đã biết: Hầu như tất cả những sai lầm, xung đột, mâu thuẫn, tệ nạn, nhức nhối… trong xã hội thời nay đều bắt nguồn từ tính ích kỷ quá đáng của chính bản thân mỗi chúng ta!

Vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi cụ thể của mình nên mọi sự phê phán trong dịp lễ tổng kết cuối năm chỉ được nghe khuyết điểm của “một bộ phận”, “một số” nào đó. Lảng tránh sự thật, thậm chí sợ hãi nó là bạn đồng hành muôn thuở của tính ích kỷ. Nếu thật sự đặt cái chung, điều tốt đẹp nhất của chân lý lên trên hết thì không thể nào chấp nhận cách thức mù mờ của hiểu biết khi phân định đúng sai. Sâu và bức bối hơn nữa là “quốc nạn” tham nhũng. Vơ vét thật nhanh cho cá nhân bất kể phương tiện, thủ đoạn đã trở thành bệnh mãn tính của thời kinh tế thị trường. Chúng ta đổ lỗi cho cơ chế nhưng lại quên mất rằng chính con người đẻ ra cơ chế đó. Đã biết thế sao không chịu thay đổi? Câu trả lời còn giản dị hơn cả chuyện trứng nở thành gà: Nếu thay đổi thì lợi ích nhóm, lợi thế của quyền lực, lợi nhuận khổng lồ từ sự gian dối chẳng còn đất để nhiễu nhương!

Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị mới đây (sáng 5/12/2009) đã nhìn nhận rằng: gần như không có khả năng tự phát hiện tham nhũng. Lý do, theo ông Phạm Quang Nghị là "Nhiều người than phiền, phê bình nhưng toàn nói chuyện nơi khác còn của bản thân hay của đơn vị mình thì không thật nghiêm túc" và “đáng tiếc nhiều vụ việc là do có mâu thuẫn nội bộ mới xảy ra việc tố cáo nhau chứ nếu không thì vẫn thường bao che nhau” (Vietnamnet, 25/12/2009). Nói một cách khác, đó là cách diễn đạt điều mà Bác Hồ đã nói từ rất lâu: Ai cũng có cái ba lô chủ nghĩa cá nhân nhưng vì “” đeo ở sau lưng nên không ai muốn nhìn thấy nó.

Làm thế nào để giảm bớt tính ích kỷ của con người?

Trước hết, phải xác định một cách sòng phẳng, rõ ràng như Kinh Thánh rằng bản chất của con người ngay từ đầu là “thích” phạm sai lầm (triết lý từ chỗ loài người được “bắt đầu” khi Éva ăn trái cấm và ai sinh ra cũng phải được rửa sạch tội tổ tông – Virginius Sin). Sai lầm lớn nhất của nền văn minh phương Đông là cho rằng “nhân chi sơ tính bổn thiện” (hoàn toàn ngược lại với phương Tây). Từ xuất phát điểm khiếm khuyết này, những thói tật xấu xa của con người chẳng khác gì nấm mọc sau mưa. Tệ buồn hơn nữa là chúng ta cứ loay hoay dọn dẹp nó mà không hề chịu nghĩ rằng cách thức tốt nhất để đổi thay là đoạn tuyệt với nó. Logic của nhận thức đã phạm một sai lầm ghê gớm là cố mài giũa cho trẻ nhỏ rằng cần phải tốt hơn trong khi lẽ ra phải chỉ mặt đặt tên của vấn đề là hãy bớt xấu đi. Ví dụ rõ nhất là chúng ta dạy cho học sinh ở trường học, con cái trong nhà là phải yêu cái này, yêu cái nọ mà không hề dùng từ ghét. Tại sao không mở đầu những bài giảng về đạo đức bằng những câu như: Căm ghét sự giả dối, tính ích kỷ là “bạn đường” đáng khinh nhất của hành trình sống, chỉ yêu chính mình (ích kỷ, self-seeking) là một cách sống tệ hại, giành phần bánh nhiều hơn là tội ác? Nguyên tắc của nhận thức là khuyên điều tốt không thể tạo ra hiệu quả bằng cách luôn nhấn mạnh những cái xấu, cái không thể chấp nhận.

Một sai lầm lớn nữa của nền giáo dục của ta hiện nay là không cho học sinh cơ hội phản kháng. Nếu cái gì thầy, cô nói ra cũng đúng, nếu sách giáo khoa là pháp lệnh, nếu trứng không thể ngo ngoe như rận thì sự chai lỳ của chịu đựng sẽ trở thành một tai hoạ: Thói quen im lặng, “dĩ hoà vi quý” chân chặt sai lầm sẽ là định thức “cần” của ứng xử. Trở lại với ý kiến của ông Phạm Quang Nghị đã trích dẫn trên đây, rõ ràng là chuyện đánh mất phản xạ trước sự khuất tất, sai lầm diễn ra vô khối trong đời là “kết quả” của nền giáo dục “con người mới” mà chúng ta vẫn thoải mái tôn vinh(!) Cái im lặng chịu đựng của cô, cậu học trò ngày hôm qua tất nhiên sẽ dẫn đến sự im lặng bao che, im lặng đồng loã, im lặng để có thể chờ trục lợi – cách sống cơ hội nhiều nguy hiểm.

Biện giải rằng cuộc sống cần những điều tốt đẹp luôn luôn đúng. Thế nhưng, không dám đối diện với những cái xấu, cái ác hiện hữu là lạm dụng, thái quá cái “luôn luôn” đó. Tốt - xấu là cặp phạm trù vĩnh viễn của âm – dương. Nếu tin rằng xấu là dương thì kết quả giáo dục sẽ khác. Hãy hình dung là không phải tự nhiên mà thời gian bất tử của Kinh Thánh đã được kiểm định từ lịch sử hàng ngàn năm: Cả loài người chỉ còn có một người tốt là ông giá Noé – Noah(!) Cách nhìn ấy tàn nhẫn và xạm đen nỗi buồn nhưng phải tin rằng đó là sự thật, ít nhất trong cái ngầm định được nhân cách hoá là cái tốt không nhiều. Các nhà triết học luôn phân định hai chữ con người bằng dẫn dụ là phần “con” (tính động vật) đi kèm phần “người” (tính nhân bản, đạo đức, trí tuệ). Tuy nhiên, các nhà triết học cũng lảng tránh thực tại là cái phần con ấy là tiền định, là có trước, là lấn át.

Sự ích kỷ chính là cái phần “con” của bản năng sinh tồn động vật muốn ăn “no” nhất có thể vì không tin rằng ngày mai, ngày kia cơ hội được ăn như thế vẫn còn. Chỉ yêu chính mình còn là cách để sống thoát trước những đe doạ không hề nhân nhượng của đối thủ, tai ương. Nếu giáo dục cho học sinh rằng cách sống đó là sai lầm vì xã hội loài người sở dĩ có được là nhờ thành công của chất người, tức là sự chia sẻ, hiểu biết, cảm thông; rằng đấu tranh chống lại cái xấu là bổn phận sống, rằng như Đức Phật đã dạy, kẻ thù lớn nhất của cuộc đời là chính mình…; sẽ đạt tới thành công đồng nghĩa rằng không ích kỷ nhiều lắm vẫn sống tốt, bình thường và hạnh phúc!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người lắng âm vọng nhân sinh

    01/04/2014Trân KhanhTận hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật, Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông đã tạo nên một bộ phận giá trị, không thể tách rời trong dòng chảy ca khúc trữ tình Việt Nam thế kỷ XX...
  • Tư duy và thực tại

    12/11/2007SorosTôi bắt đầu với quan hệ giữa tư duy và thực tại, đặc biệt khi nó liên quan đến những chuyện xã hội. Tôi cần chứng tỏ cái gì là cái làm cho sự hiểu biết của chúng ta không hoàn hảo một cách cố hữu. Tri thức không vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, nhưng khi đến các tình thế trong đó chúng ta là những người tham gia tích cực chúng ta không thể đặt cơ sở cho quyết định của mình chỉ riêng trên tri thức...