Nghệ thuật lớn thường là sự giao cắt giữa hiện thực và "tuyệt đối"

10:33 SA @ Thứ Năm - 11 Tháng Sáu, 2009
I. Cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình văn học

Tôi đặc biệt chú ý đến một ý kiến của Thạch Lam được Vương Trí Nhàn trích dẫn trong một lần phát biểu ý kiến nhân bàn về.những cuộc tranh luận văn học những năm gần đây: "Cái mà chúng ta thiếu nhất, ấy là sự sâu sắc". Một chiều sâu của nghiên cứu, phê bình văn học là cảm hứng triết luận.

Văn, triết xưa nay là bạn đồng hành. Trong tình hình học thuật hiện nay, càng nên lưu ý đến sự đồng hành này. Trong chuyến công du đến Hà Nội (cuối tháng 4/2001) nhà triết học Francois Jullien sau khi tiếp xúc với hai nhà văn trẻ - Nguyễn Bình Phương, Trần Việt Hà, có nói với tôi: "... ở Việt Nam, triết học lẩn vào trong văn học."

Có nhiều định nghĩa về triết học. Liên hệ đến tình hình lý luận phê bình hiện nay, tôi nghĩ đến định nghĩa của Thomas Carlyle: "Triết học là gì, phải chăng là một cuộc chiến liên tục chống lại tập quán: một nỗ lực luôn luôn đổi mới nhằm vượt siêu cầu trường của tập quán mù quáng?" 1Từ những nguồn khác nhau: đạo đức học, mĩ học, triết học xã hội - chính trị, triết học xã hội - văn hoá... cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình văn học là nỗ lực vượt lên trên những thành kiến và định kiến hẹp hòi trong sinh hoạt cũng như trong học thuật. Những thành kiến, định kiến này có khi lại được xem như những điều hiển nhiên. Mà đã là "hiển nhiên" thì khỏi phải bàn - đây cũng là một thói quen khá phổ biến trong nhân loại. Cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình có khi bắt nguồn từ suy nghĩ về chính những điều "hiển nhiên" như vậy. Tôi lấy một ví dụ, Dostoievsky hiển nhiên là một cái đỉnh của văn học thế giới thế kỉ XIX. Borges (1899 - 1999), một thiên tài của văn học thế giới thế kỉ XX đã suy nghĩ về Dostoievsky như thế nào. Có thời ông tưởng rằng Dostoievsky là tiểu thuyết gia độc nhất vô song và ông đã đọc đi đọc lại nhiều lần Tội ác và trừng phạtNhững người bị quỷ ám. Nhưng dần dà ông nhận thấy trong truyện của Dostoievsky rất khó phân biệt nhân vật này với nhân vật khác, tất cả đều giống Dostoievsky một cách lôm nhôm và các nhân vật dường như thích thú với sự bất hạnh của họ. Thế là ông không đọc Dostoievsky nữa và theo lời ông, sức sáng tạo của ông "chẳng vì sự thiếu vắng này mà giảm sút".2

Những nhà văn lớn thường gặp những triết gia lớn ở chỗ trong tác phẩm của họ, con người được đặt trong quan hệ với "cái tuyệt đối”. Trong nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay con người thường được đặt trong quan hệ với những vấn đề chính trị - xã hội thời sự. Nghiên cứu, phê bình văn học sẽ có chiều sâu hơn nếu như những vấn đề thời sự chỉ là điểm xuất phát. "Chúng ta không đi đến chân lý, chúng ta chỉ va chạm vào chân lý" (Evarist Gallois). Từ những vấn đề thời sự, trong cảm hứng triết luận, người nghiên cứu, phê bình có cơ chạm được vào “cái tuyệt đối" quan niệm của tôi về "cái tuyệt đối" cũng đơn giản thôi, đó là những khát vọng nhân bản và vĩnh hằng của con người về chân, mĩ, thiện...

Một ví dụ về giao cắt giữa bình diện hiện thực và bình diện "tuyệt đối" trong một tác phẩm nghệ thuật.

Cũng như mọi bộ phim, tác phẩm Người Mỹ trầm lặng của đạo diễn Phillip Noyce có chủ đề tư tương, có cốt truyện, có hành động và những nhân vật... Đây là một tác phẩm hiện thực, tất cả đã được triển khai ở những cảnh dời thường, đời thường rất riêng tư như màn ái ân giữa Phượng và người tình, đời thường rất hàng ngày như những cảnh bà chị đanh đá của Phượng ra tay với Fowler... cả những cảnh của đời thường chiến tranh nữa: cảnh chết chóc của thường dân, cảnh sa lầy của quân đội Pháp ở Bắc Việt...

Có thể nói, trong bộ phim này, bình diện hiện thực đời thường là áp đảo. Tiếng hát Thiên Thailàm nhạc nền cho bộ phim đã tạo ra một bình diện khác: bình diện của sự vĩnh cửu. Tiếng hát Thiên Thai lớn hơn cõi đời này - ở cõi trần thì nhớ cõi tiên, còn lớn hơn cả cõi tiên nữa - ở cõi tiên thì nhớ cõi trần. Tiếng hát Thiên Thai là sự đi đi về về vĩnh hằng giữa thượng giới và hạ giới, giữa cõi tục và cõi tiên, giữa thế giới này và thế giới bên kia... Tiếng hát Thiên Thai là bình diện của sự vĩnh cửu, nó còn là bình diện của sự tuyệt đối vì chỉ có sự tuyệt đối mới lớn hơn cõi trần và cõi tiên cộng lại. Tiếng hát Thiên Thai dường như không dính dấp với những cảnh đời thường, nó là nền nhạc vừa gần vừa xa, khi ẩn khi hiện, từ đó người xem cảm nhận những cảnh đời thường. Phép là của nền nhạc này là từ bình diện của sự vĩnh hằng của nó, những biến cố, những số phận, những con người được đặt trong quan hệ với cái tuyệt đối và đã được cảm nhận khác đi, rất là khác. Số phận của nhà báo Fowler, số phận của Phượng (và cả bà chị đanh đá nữa), đều thảm hại và đều đáng thương, ngay nhân vật điệp viên, nhà đạo diễn cũng không có ý định biếm hoạ, ông dành cho y một số phận công cụ thảm thương. Biến cố chiến tranh dù có tàn khốc đến đâu thì cũng bị lu mờ trước số phận những con người và số phận của Phượng, nhân vật trung tâm của bộ phim, nhìn từ bình diện của sự vĩnh hằng và sự tuyệt đối, chẳng qua chỉ là số phận của hàng triệu người trong nhân loại, ở đâu và thời nào cũng vậy thôi, trong chiến tranh cũng như trong hoà bình, trong mọi hoàn cảnh thì cũng chỉ có một nguyện vọng nhỏ nhoi là được sống (survivre) bằng mọi giá và cuối cùng là sống được (vivre). Triết lý của bộ phim là ở nguyện vọng nhỏ nhoi của nhân vật Phượng. Có nhiều tác phẩm khác viết về những triết lý cao siêu hơn, riêng những ai dửng dưng với những ước vọng nhỏ nhoi của con người nên xem tác phẩm này.

Có tác phẩm xem (hoặc đọc) xong, ta muốn tác giả tăng thêm "chất hiện thực" cho tác phẩm. Và có tác phẩm xem xong thấy tiếc cho tác giả đã không biết cứu "chủ nghĩa hiện thực" trong tác phẩm của mình, đã không tạo ra bình diện của sự vĩnh cửu và sự tuyệt đối cùng với bình diện của hiện thực đời thường được tái hiện tài tình và điêu luyện. Nghệ thuật lớn thường là ở sự giao cắt của hai bình diện. Không có tiếng hát Thiên Thai không biết bộ phim Người Mỹ trầm lặng sẽ như thế nào.

II. Cổ học nhân văn phương đông và nghiên cứu văn học hiện nay

Nói đến văn hoá văn học Việt Nam, phương Đông trước hết là Trung Hoa. Cổ học nhân văn (les humanités) Trung Hoa là những tinh hoa học thuật và nhân bản có giá trị bền vững trong văn hoá cổ đại Trung Hoa. Thời gian nước ta nằm trong khu vực văn minh chữ Hán để phải tính bằng thiên niên kỉ. Tôi không đủ khả năng để bàn về đề tài được nêu lên. Tôi chỉ nêu một số kinh nghiệm cá nhân. Khoảng năm năm nay do phải đọc và dịch một số tác phẩm triết học so sánh Đông - Tây của một tác giả Pháp tôi buộc phải đọc những tác phẩm kinh điển Nho, Phật, Đạo, nhờ vậy có tiếp nhận được ít nhiều tinh hoa cổ học nhân văn Trung Hoa. Vốn Tây học của tôi đem dùng mấy chục năm nay dường như bị ứ đọng, hao kiệt, đã có những sự lặp lại, những tư biện suông và nay chút vốn liếng cổ học tinh hoa mới học được đã giúp tôi những cách nhìn và tiếp cận mới. Tôi xin nêu những dẫn chứng trong ba bài báo và tiểu luận quan trọng nhất của tôi trong ba năm vừa qua.

Viết bài phê bình Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà (Tạp chí Sông Hương, số 12/1999), việc khó nhất là xác định tính cách của Hoàng, nhân vật trung tâm của truyện. Cuối cùng tôi đã tìm được một định ngữ: Hoàng thuộc loại nhân vật "phản hương nguyện". Ý niệm "hương nguyện" tôi tìm được trong sách Mạnh Tử. Trong tác phẩm này là bộ mặt của loại người vẫn được gọi là "phường hương nguyện" được miêu tả qua thái dộ của họ đối với "cuồng giả" (là "kẻ sĩ có chí tấn thủ trên đường đạo lý, dẫu làm chẳng được, cũng gắng sức mà làm") và "quyến giả" (là "kẻ sĩ giữ gìn khí tiết: chuyện chẳng hợp nghĩa chẳng làm"3)...

Vạn Chương, môn đệ của Mạnh Tử, hỏi: "... Tôi xin hỏi thầy: Người như thế nào mới gọi là hương nguyện?"

Mạnh Tử đáp rằng: "Ấy là những kẻ hay chê cười... Đối với kẻ cuồng sĩ, họ trách rằng: Mấy ông ấy có chí cao nguyện lớn để làm gì?..." Đối với quyến sĩ, họ trách rằng"Mấy ông ấy làm gì mà ăn ở khác đời? Làm gì mà lãnh đạm với đời? Đã sanh ra và sống ở đời này, thì cứ làm việc đời này đi. Miễn được khen là tốt rồi". Họ nịnh đời bằng cách che giấu điều tốt đẹp của người và khoe khoang điều xứng đáng của mình. Phường như thế là hương nguyện vậy."

Vạn Chương lại hỏi: "Cả làng đều khen họ là người thật thà đứng đắn, đi đâu họ cũng làm như người thật thà đứng đắn. Tại sao đức Khổng Tử nói rằng họ làm bại hoại nền đạo đức?"

Mạnh Tử giải thích rằng: "Muốn chê họ, thì chẳng có chỗ gì chê, muốn trách họ, thì chẳng có chỗ gì trách. Họ đồng hóa theo thói tục thông thường, họ dung hiệp với cõi đời ô trọc. Lòng dạ họ dường như trung, tín; hành vi họ dường như liêm, khiết. Dân chúng lấy làm ưa thích họ, mà họ cũng tự nhận mình là trung, tín, liêm, khiết. Thế mà họ không thể cùng đi với mình vào Đạo vua Nghiêu, vua Thuấn. Bởi thế, đức Khổng nói rằng họ làm bại hoại nền đạo đức vậy"4Giá như trước đây tôi sẵn sàng dùng từ philistin (phi-lix-tanh), một từ khá thông dụng trong nhiều ngôn ngữ phương Tây để nhận dạng loại người này, nhưng từ "hương nguyện" phương Đông hơn, trúng hơn, chính xác hơn nhiều.

Trong dịp tham gia Dự án về cộng đồng Việt Nam hải ngoại 2000 - 2001 (Trung tâm Joiner Center, Đại học Tổng hợp Massachusetts Boston), tôi nghiên cứu đề tài Văn học Việt Nam hải ngoại. Sau một chuyến đi dài qua nhiều tiểu bang, có dịp tiếp xúc với những bạn đồng nghiệp Việt kiều, tôi thấy hầu hết họ đọc khá nhiều và kĩ về Phật học, có những người am hiểu sâu sắc. Về phần mình, tôi cảm thấy trong lĩnh vực này có khi không đủ cả ngôn ngữ để nói chuyện với họ. Thế là tôi trở về Boston, nơi thường trú của tôi, đóng cửa phòng lại đọc sách Phật học. Đợt đọc sách này có giúp tôi thức nhận được đôi điều. Có lẽ do ảnh hưởng của văn hoá phương Tây, xưa nay tôi chỉ quan niệm địa ngục ở bên ngoài. Đọc Kinh A Di Đà (thiền giải) có đoạn viết: "Chúng ta ai cũng biết địa ngục nóng như thế nào rồi. Chúng ta đã từng ở địa ngục, đã từng bị lửa giận, lửa phiền não, lửa tuyệt vọng đốt cháy. Chúng ta đã biết rằng tất cả những đau khổ của địa ngục đều từ trong tâm mình ra chứ không phải từ ngoài đi vào"5. Từ thức nhận này tôi thấy được chiều sâu của những tác gia hải ngoại miêu tả những nhân vật trí thức vượt biên định cư thành đạt: cũng nhà, cũng xe, cũng quần là, áo lượt, kẻ đón người đưa... nhưng không hiểu sao "cứ mãi nháo nhác không yên"... hoá ra địa ngục họ mang kè kè trong đầu mà địa ngục này thì không cách gì lẩn trốn được. Văn học trong nước, rất hiếm tác giả thấy được "địa ngục ở trong đầu mình". Dĩ nhiên, trước sau rất cần những tiếng thét phẫn nộ, những lời tố cáo đanh theo đánh động công luận về sự ngang nhiên tồn tại của những địa ngục bên ngoài to và nhỏ còn đầy rẫy trong thế giới này. Tuy nhiên, chừng nào mỗi người trong chúng ta, từ thường dân đến người cầm quyền, từ bình dân đến trí thức chưa biết ngó đến "cái địa ngục trong đầu mình", thì cuộc sống vẫn không khá lên được. Một trong ba tiêu chuẩn Lev Tolxtoi đề ra cho một tác phẩm văn học lớn là: phản ánh được một vài "đặc tính cốt yếu của nhân loại mà nhân loại chưa ý thức được". Phải chăng "mang địa ngục kè kè trong đầu mình" là một đặc tính cốt yếu của nhân loại mà nhân loại chưa ý thức được? Ngoài ra, phải chăng, ở vấn đề này, bộc lộ khá rõ một sự đối lập giữa truyền thống hướng ngoại của tâm tưởng phương Tây và truyền thống hướng nội của tâm tưởng phương Đông? Khi chỉ ra: "Địa ngục, đó là tha nhân", Jean Paul Sartre chứng tỏ rằng ông triết luận trong truyền thống hướng ngoại của tâm tưởng phương Tây. Ông phát hiện ra "địa ngục ở tha nhân", tức là một địa ngục ở bên ngoài... Mang tâm thế hướng nội của tâm tưởng phương Đông, những nhà văn hải ngoại được nhắc đến ở trên thấy địa ngục "ở ngay trong đầu mình". Hai nền văn hoá khác nhau. Nếu như Jean Paul Sartre trước hết thấy địa ngục trong đầu của ông hẳn là cách nhìn của ông về tha nhân sẽ khác đi, đây là cách nhìn của tôi về tương quan giữa hai nền văn hoá.

Về bài báo Dị ứng với cái rởm - một phương diện của trào phúng Vũ Trọng Phụng từ lâu những ý tưởng, cả những cứ liệu và chi tiết đã có sẵn trong đầu nhưng không có cách gì đưa ra ngoài... còn thiếu cái gì đó. Lần này, Trang Tử đã cứu tôi. Tôi sực nhớ đến hai khái niệm "tiểu trí" và "đại trí" trong Nam Hoa kinh và chúng đã tham gia tổ chức những ý và cứ liệu tản mạn thành bài.

Thực ra, từ nhiều năm trước nữa tôi đã tìm sách Nho, Phật, Đạo để đọc. Những công trình thời đó uyên bác, biên soạn công phu, nhưng đọc xong hầu như không nhớ gì cả. Những năm gần đây, may mắn hơn, tôi đọc được những sách của Nhất Hạnh về Phật học, những tác phẩm của Francois Jullien về Khổng, Mạnh, Lão Trang, những công trình của Benjamin Schwartz về Thế giới tư tưởng Trung Hoa cổ đại, sức hấp dẫn và ám ảnh lâu dài tâm trí người đọc của những tác phẩm này là ở chỗ chúng mang hơi thở của thời đại, dường như những tác giả đó viết về những thánh nhân và minh triết của thời đại xa xưa bằng những băn khoăn, nghĩ ngợi về những vấn đề của thế giới ngày nay. Chúng ta đương thiếu những công trình biên soạn cổ học nhân văn phương Đông mang hơi thở của hiện đại.

Tôi xin phép kết thúc mục này bằng ý kiến của một học giả phương Tây đánh giá thế kỉ vừa qua về mặt văn hoá, tư tưởng: "Thế kỉ XX là thế kỉ cuối cùng phương Tây ngự trị thiên hạ".

III. Quan điểm lịch sử văn hóa trong nghiên cứu văn học sử

Hầu như ở nước nào cũng vậy, theo quan điểm hàn lâm thì lịch sử văn học, lịch sử nghệ thuật trước hết là lịch sử những tác gia lớn, tiêu biểu và những tác phẩm xuất sắc, ưu tú. Quan điểm này đã được nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân phát biểu khá rõ và dứt khoát: "Lịch sử nghệ thuật không thuộc đám đông mà là đường nối giữa các đỉnh cao, bước ngoặt, sự kiện với cái ý nghĩa chúng là yếu điểm của không gian - thời gian".Có hẳn đúng như vậy không? Tôi có đọc bản báo cáo Lịch sử văn hoá trong không gian các khoa học xã hộicủa Jean Yves Mollier (Giáo sư Trường Đại học Versaille) được trình bày trong một cuộc hội thảo ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tác giả có nêu lên hai sự kiện văn học sử:

Một cảnh trong vở kịch Hernani

- Vở kịch Hernani của Victor Hugo là tột đỉnh sáng chói của sân khấu Pháp thế kỉ XIX. Mọi cuốn sách lịch sử văn học chính thống ở trường phổ thông cũng như ở trường đại học đều ghi nhận sự kiện này. Nhưng có một sự kiện ngày nay ít ai biết đến là cùng thời với vở Hernani có vở Hai cô gái mồ côi (Les deux orphelines) của Adolphe d'Ennery được công chúng đông đảo ("đám đông") hoan nghênh nhiệt liệt, mến mộ hơn nhiều so với vở kịch của Victor Hugo. Theo quan niệm của Mollier, trong "không gian của lịch sử văn học", lịch sử văn hoá cần nghiên cứu vở kịch Hai cô gái mồ côi. Vì sao vậy ? Đây là lời biện bạch của học giả người Pháp: "Thế kỉ XIX, Pháp đã hoan nghênh trên sân khấu vở Hai cô gái mồ côi nhiệt liệt hơn vở Hernani của Victor Hugo, việc này không có nghĩa là vở thứ nhất - một mélođrame - nhất thiết phải hay hơn vở thứ hai - một drame lịch sử - nhưng việc này khiến chúng ta, chí ít, phải đọc cả hai tác phẩm, cố tìm hiểu vì sao dân chúng lại có thể nhận ra mình thông qua một vở mélodrame sâu sắc hơn là thông qua một vở drame trong khi đó truyền thống Đại học đã xoá sổ vở Hai cô gái mồ côi ra khỏi lịch sử chính thống".

- Pierre Loti (1850 - 1923) là một nhà văn Pháp nổi tiếng, Những người đánh cá Islande là một tác phẩm tiêu biểu của ông. Trong những cuốn sách văn học sử, P.Loti được nghiên cứu ở các mặt như chúng ta biết: tiểu sử, thời đại, thể loại, văn phong, thi pháp... Lịch sử văn hoá cũng nghiên cứu P.Loti (dĩ nhiên sử dụng những thành tựu nghiên cứu P.Loti của lịch sử văn học) nhưng quan tâm đến những vấn đề khác. Chẳng hạn, Mollier nêu lên vấn đề sau đây có liên quan đến lịch sử xuất bản và lịch sử tiếp nhận những tác phẩm của P.Loti. Cho đến năm 1905, những tác phẩm của Loti được in số lượng nhỏ. Những tác phẩm của ông được xem là những tác phẩm tinh hoa, công chúng tinh hoa mến mộ ông và những nhà phê bình "chính thống" ca ngợi ông. Đến năm 1906, do sự tiến bộ của công nghệ in, những tác phẩm của ông được in hàng chục vạn bản. Lập tức có sự thay đổi trong việc đánh giá sáng tác của Loti. Lớp công chúng tinh hoa xem tác phẩm của ông là rẻ tiền, dung tục. Những nhà phê bình hàn lâm đổi giọng, xem thường văn nghiệp của ông. Như vậy, P.Loti bỗng dưng bị mất giá (trước công luận "chính thống")do sự tiến bộ của công nghệ xuất bản. Đây là một vấn đề lý thú. Sự kiện văn học được xem xét từ quan điểm lịch sử văn hoá bộc lộ những khía cạnh, những vấn đề, những ý nghĩa mà lịch sử chuyên ngành không thấy hoặc bỏ qua.

Năm 2002, sự kiện lớn nhất trong đời sống văn hoá Pháp và được cả thế giới quan tâm là quyết định của Nhà nước Cộng hoà Pháp đưa di cốt của nhà văn Alexandre Dumas (1802 - 1870) vào táng ở Điện Panthéon (thế kỉ XIX, chỉ có Victor Hugo và Emile Zola được vinh dự này). A. Dumas là nhà văn rất nổi tiếng lúc sinh thời và cho đến tận bây giờ. Nhưng giới hàn lâm không xem ông là một nhà văn "đích thực" tác phẩm của ông không được dạy ở nhà trường và không được nghiên cứu ở Đại học, xem như không đáng giảng dạy và không đáng nghiên cứu.

Quyết định mới của Nhà nước Pháp đã làm thay đổi về cơ bản vị trí của A. Dumas trong lịch sử văn học Pháp. Sự kiện văn học này rất đáng để giới nghiên cứu Đại học chúng ta suy nghĩ. Trong nghiên cứu ở Đại học, phong cách hàn lâm là quan trọng, nhưng đôi khi cũng nên nghi ngờ những quan điểm hàn lâm.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhận thức nghệ thuật với tư cách một hình thức tái hiện thế giới hiện thực

    01/12/2010Đào Duy AnhNhận thức là một quá trình phản ánh hiện thực khách quan vào trong bộ óc con người, đó không phải là sự phản ánh thụ động, giản đơn về hiện thực khách quan, mà là sự phản ánh mang tính tích cực, năng động và sáng tạo...
  • Một hành trình của nghệ thuật Đương Đại Thế Giới

    07/12/2008Phạm Trần LêXuyên suốt lịch sử phát triển văn hóa nhân loại, gánh nặng hoa tiêu được đặt lên vai người nghệ sĩ tiên phong. Nghệ sĩ tiên phong (advant-garde), cái danh hiệu đầy trân trọng, thường chỉ được nhìn ra và công nhận sau khi người nghệ sĩ đã nếm trải rất nhiều sự hiểu lầm và ghẻ lạnh từ số đông.
  • Thử bàn về giá trị và chuẩn mực nghệ thuật

    14/11/2008Trần DuyLịch sử nghệ thuật là quá trình phát triển cái đẹp, quá trình phát triển tính thẩm mỹ thông qua thị hiếu của con người, qua các thời đại. Vậy tiêu chuẩn của nghệ thuật là cái mà tự bản thân nghệ thuật có hay sở dĩ có tiêu chuẩn nghệ thuật là vì thị hiếu của con người?
  • Tính thời đại trong nghệ thuật

    11/11/2008Trần DuyMột trong những yêu cầu của nghệ thuật là phản ánh được tính thời đại nơi đã sinh ra nền nghệ thuật ấy. Tính thời đại là tính đặc trưng của quá trình phát triển và tồn tại trong một khung thời gian nhất định của một dân tộc trong những sự kiện lịch sử riêng biệt cụ thể của dân tộc ấy. Có người cho rằng hiện đại, mô-đéc, tân kỳ diễn ra hoàn toàn độc lập với tính thời đại của xã hội.
  • Nghệ thuật – tiếng nói của lịch sử con người (*)

    08/11/2008Trần DuyKhi con người nguyên thuỷ biết vẽ là loài người đã biết khẳng định sự tư duy của mình, biết phối hợp chân tay và đôi mắt có nghĩa là đã có một ý thức rõ về vũ trụ của mình. Và cũng từ lúc loài người biết lấy hang đá làm nơi ở thì “kiến trúc thích nghi với thiên nhiên” ấy đã có tranh vẽ của người tiền sử cách đây 40 nghìn năm.
  • Bàn thêm về thuộc tính của nghệ thuật

    08/05/2007Nguyễn Thị ThưMỹ học trước Mác đã đề cập đến các góc độ khác nhau về thuộc tính của nghệ thuật. Mỹ học duy tâm khách quan cho rằng nghệ thuật mang tính chất thần linh, huyền bí. Platôn, nhà triết học Hy Lạp cổ đại quan niệm nghệ sĩ là những người đặc biệt, do thần linh đầu thai xuống trần gian để làm bạn với cái đẹp.
  • Về các chuẩn mực đánh giá giá trị thẩm mỹ

    20/10/2006Vũ Thị Kim DungChuẩnmực đánh giá thẩm mỹ là bộ phận quan trọng trong đời sống văn hoá xã hội. Gương mặt tinh thần của loài người, của mỗi quốc gia, dân tộc trong mỗi thời đại luôn được hiện lên thông qua sự sáng tạo và thẩm định các giá trị mà con người đã đạt được trên con đường vươn tới Chân - Thiện - Mỹ.
  • Về tác phẩm văn học đỉnh cao

    30/06/2006Phạm Tiến DuậtTrong những năm vừa qua, mặc dầu Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều tổchức văn học và nghệ thuật khác đã trao giải thưởng văn học thường kỳ, một năm hoặc 5 năm một lần, nhưng hầu như các tác phẩm và tác giả được giải rất mau chìm vào quên lãng. Chúng ta đang thiếu vắng các tác phẩm văn học lớn, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, những tác phẩm có khả năng rung động hàng triệu người, những tác phẩm có tác động xã hội to lớn, vừa trực tiếp lại vừa lâu bền...
  • Giá trị thẩm mỹ và chất lượng nghệ thuật

    20/12/2005Nguyễn Văn PhúcTrên bình diện đánh giá - giá trị, chất lượng nghệ thuật của một tác phẩm được hiểu là giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó. Nhưng bản chất của giá trị nghệ thuật là gì ? Nói khác đi những yếu tố nào quy định giá trị của tác phẩm nghệ thuật, và do đó, như thế nào là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị? v.v... Đó là những câu hỏi không dễ giải đáp.
  • xem toàn bộ