Về các chuẩn mực đánh giá giá trị thẩm mỹ

04:57 CH @ Thứ Sáu - 20 Tháng Mười, 2006

Chuẩnmực đánh giá thẩm mỹ là bộ phận quan trọng trong đời sống văn hoá xã hội. Gương mặt tinh thần của loài người, của mỗi quốc gia, dân tộc trong mỗi thời đại luôn được hiện lên thông qua sự sáng tạo và thẩm định các giá trị mà con người đã đạt được trên con đường vươn tới Chân - Thiện -Mỹ. Sự sáng tạo và thẩm định đó bao giờ cũng chịu sự quy định khách quan bởi hệ thống các chuẩn mực đánh giá. Trong hệ thống các chuẩn mực giá trị xã hội nói chung, chuẩn mực đánh giá thẩm mỹ tồn tại với tư cách là phương tiện - thước đo đánh giá các giá trị văn hoá thẩm mỹ.

Là nhân tố cấu thành văn hoá thẩm mỹ, chuẩn mực đánh giá thẩm mỹ đóng vai trò định hướng cho tất cả các hoạt động và quan hệ xã hội ở mọi lĩnh vực của cuộc sống theo quy chuẩn của những quan niệm tiên tiến, nhân văn của xã hội và thời đại về cái đẹp Nó tạo cơ sở cho hoạt động đánh giá, giúp con người khám phá, khẳng định, sáng tạo các giá trị thẩm mỹ, làm phong phú, phát triển đời sống văn hoá thẩm mỹ xã hội, đồng thời biết nhận diện, sàng lọc và loại bỏ những cái xấu, cái phản giá trị thẩm mỹ vì sự trong sạch và lành mạnh của môi trường văn hoá xã hội. Chuẩn mực đánh giá thẩm mỹ cũng có vị trí đặc biệt trong vấn đề giáo dục giá trị, định hướng giá trị đối với nhân cách, góp phần đưa đến sự phát triển hài hoà, toàn vẹn, phong phú nhân cách của các cá nhân nhằm đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của sự phát triển xã hội.

Trong các tiêu chí thuộc nội đung của chuẩn mực đánh giá thẩm mỹ, tiêu chí về tính nhân vănlà tiêu chí quan trọng hàng đầu. Đây cũng là tiêu chí nội dung quan trọng trong hệ chuẩn đánh giá các giá trị xã hội nói chung. Nếu như mọi giá trị đều được xác định trước hết ở tính nhân văn, ở ý nghĩa của chúng đối với sự phát triển, tiến bộ của con người và xã hội thì giá trị thẩm mỹ (trong mối quan hệ thống nhất với giá trị đạo đức và các hệ giá trị tinh thần khác) là hình thái giá trị đạt tới tính nhân văn ở mức độ cao nhất và tập trung nhất. Trong bất kỳ xã hội nào, giá trị thấm mỹ cũng nhằm tới việc "nhân đạo hóa” đời sống xã hội. Giá trị thẩm mỹ thẩm thấu trong mọi hình thái ý thức, mọi lĩnh vực hoạt động và quan hệ xã hội, mọi cách thức tổ chức đời sống vật chất và văn hoá tinh thần của cá nhân và cộng đồng... làmcho cuộc sống trở nên hài hòa, tốt đẹp. Trong lý luận cũng như trong đời sống hiện thực, giá trị thẩm mỹ luôn hợp thành nền móng tinh thần bảo đảm sự thống nhất, hài hoà và sự liên hệ nội tại giữa những lĩnh vực biểu hiện khác nhau của đời sống tinh thần con người và của toàn bộ xã hội. Hêgen đã viết: "Tôi tin rằng hành vi cao nhất của lý tính bao quát tất cả mọi ý niệm là hành vi thẩm mỹ rằng chỉ có trong vẻ đẹp thì chân lý và điều thiện mới hợp nhất với nhau bằng những mối liên hệ thân thuộc... Không thể coi là được phát triển vềmặt tinh thần nếu không có tình cảm thẩm mỹ". Quả thực, đây là hình thái giá trị thực tiễn tinh thần ở trình độ phát triển cao và là hình thái giá trị đặc thù.

Tiêu chí tính nhân văn trong đánh giá thẩm mỹ đặt ra các yêu cầu cụ thể sau:

Sự vật hiện tượng (thiên nhiên, xã hội hay tác phẩm nghệ thuật...) phải có khả năng trực tiếp gợi ra những khoái cảm thẩm mỹ trong sáng, tươi vui, những tình cảm nồng nhiệt, tốt đẹp, niềm tin yêu vào con người và cuộc sống, kích thích tiềm năng sáng tạo và khát vọng vươn tới những lý tưởng thẩm mỹ - xã hội chân chính.

Phải có sự tương ứng của khách thể đối với hệ thống nhu cầu, lợi ích, mục đích thực tiễn và tinh thần cơ bản của xã hội. Trong sự tương ứng này, những khoái cảm tinh thần, niềm say mê và những hoài vọng mà khách thể mang lại cho cá nhân không mâu thuẫn mà hoà hợp với thị hiếu và chuẩn mực chung của toàn thể xã hội.

Khách thể phải đạt tới sự phù hợp với xu hướng phát triển, với quy luật phát triển của xã hội (phù hợp với tiến bộ xã hội). Điều đó có nghĩa là trong khách thể đó một mặt, phải lưu giữ, kế thừa được những nét đẹp theo quan điểm của các chuẩn mực truyền thống, mặt khác, phải bao hàm được những yếu tố tiên tiến, giữ vai trò "vượt trước", "định hướng”, cho sự vươn tới của thực tại, đồng thời, thể hiện được sự thống nhất giữa tính hiện thực và tính lý tưởng.

Khách thể phải đáp ứng được những tiêu chí nhân văn của sự phát triển xã hội, phải góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển hài hoà, hoàn thiện của con người và của xã hội, đáp ứng được mục đích, yêu cầu mà hiện thực xã hội đặt ra trong mỗi giai đoạn nhất định.

Đồng thời với tiêu chí về tính nhân văn, tiêu chí vềsự hàihoà thẩm mỹ vàhoàn thiện thẩm mỹcũng giữ một vị trí đặc biệt trong đánh giá thẩm mỹ.

Không phải ngẫu nhiêm mà trong lịch sử phát triển tư tưởng mỹ học đã tồn tại phổ biến quan niệm coi sự hài hòa chất và tính hoàn thiện thẩm mỹ là những đường chủ yếu cấu thành cái đẹp. Hài hòa thẩm mỹ là khái niệm phản ánh tính toàn vẹn, hợp lý thống nhất của mối quan hệ giữa các yếu tố thuộc nội dung và kết cấu của một chỉnh thể khách thể thẩm mỹ hoặc sự tương hợp giữa hiện tượng thẩm mỹ này với hiện tượng thẩm mỹ khác trong tính muôn màu muôn vẻ của chúng. Sự hài hoà của khách thể (đối tượng của đánh giá thẩm mỹ) không phải là sự cân bằng đơn giản, sự hoà hợp một chiều, mà là sự thống nhất trên cơ sở những khác biệt về lượng và về chất. Hài hoà là thuộc tính bản chất của cái đẹp.

Sự hoàn thiện thẩm mỹ là quan niệm về mức độ cao nhất, trọn vẹn và đầy đủ nhất (cả về chất và lượng) của sự hài hoà của khách thể trong một bối cảnh, điều kiện xác định nào đó. Ở mức độ này, trong những mối quan hệ cụ thể, các thuộc tính thẩm mỹ của đối tượng coi như đạt tới sự hài hoà tối ưu, hoàn hảo. Hoàn thiện thẩm mỹ được xem là sự phù hợp hoàn toàn, sự khẳng định trực tiếp lý tưởng thẩm mỹ của con người và xã hội. Chính vì lẽ đó, hoàn thiện thẩm mỹ luôn tồn tại với tư cách là chuẩn mực cơ bản của đánh giá thẩm mỹ. Một sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội hay nghệ thuật… chỉ được thừa nhận là đẹp khi có sự phù hợp với chuẩn mực về sự hoàn thiện thẩm mỹ. (Tất nhiên, "sự hoàn thiện" luôn phải được nhìn nhận với ý nghĩa tương đối trong những điều kiện và quan hệ cụ thể).

Mối quan hệ giữa hài hòa thẩm mỹ và hoàn thiện thẩm mỹ là mối quan hệ bienẹ chứng.Hài hoà là tiền đề, điều kiện của hoàn thiện. Ngược lại, hoàn thiện là sự biểu hiện của hài hoà đạt tới mức cao và mang ý nghĩa thẩm mỹ tích cực nhất.

Hài hoà thẩm mỹ là một trong những tiêu chí đánh giá giá trị thẩm mỹ, bộc lộ trong nó sự thống nhất biện chứng giữa cái khách quan và cái chủ quan. Hài hoà là thuộc tính giá trị không chỉ phụ thuộc vào những phẩm chất vốn có của khách thể, mà còn phụ thuộc nhiều vào những nhân tố chủ quan của con người. Đánh giá thẩm mỹ từ tiêu chí hài hoà không thể tách rờinội dung lịch sử - xã hội, sự phản ánh về mặt thẩm mỹ những quan hệ kinh tế - xã hội, giai cấp hay dân tộc nhất định. Những nội dung đó thường biểu hiện trực tiếp qua hệ thống nhu cầu thực tiễn và tinh thần của con người và xã hội.

Trong đời sống hiện thực, sự hài hòa thẩm mỹ mang ý nghĩa xã hội cao nhất là sự hài hoà giữa cá nhân và xã hội, giữa con người và tự nhiên, là sự hài hoà giữa các giá trị văn hoá tinh thần có ý nghĩa chuẩn mực. Cái đẹp đích thực là cái đẹp phải đạt tới tính đúng đắn, chân thực của cuộc sống, tính nhân bản, nhân văn tốt đẹp và tính chỉnh thể, toàn vẹn, biểu cảm, hoàn thiện thẩm mỹ. Theo đó, sự hài hòa Chân - Thiện - Mỹ luôn được coi là hệ tiêu chí tổng hợp để đánh giá cái đẹp.

Cùng với tiêu chí về sự hài hòa, hoàn thiện thẩm mỹ, tiêu chí về tính biểu cảm và tínhhình tượnglà tiêu chí chuẩn mực đặc thù để đánh giá giá trị thẩm mỹ.

Khác với các giá trị xã hội khác (như giá trị khoa học, đạo đức...), giá trị thẩm mỹ được xác định phụ thuộc trước hết và trực tiếp vào khả năng biểu cảmcủa khách thể thẩm mỹ. Nếu như giá trị khoa học được xác định ở tính ưu việt của lý tính trong phản ánh thế giới khách quan, thể hiện ở tính đúng đắn của chân lý khoa học, giá trị đạo đức được xác định ở tính không thể chia cắt giữa tình cảm và lý trí, ý chí, thì giá trị thẩm mỹ được xác định nổi bật ở tình cảm, ở khả năng gợi ra những cung bậc tinh tế, phong phú với nhiều sắc thái khác nhau của cảm xúc thẩm mỹ tích cực của con người.

Đánh giá thẩm mỹ không phải là hoạt động đánh giá mang tính lý tính thuần túy mà bao giờ cũng phải thông qua tình cảm đối với cái toàn vẹn, hài hòa, hoàn thiện thẩm mỹ của khách thể hiện thực. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà mỹ học trong quá khứ đã từng định nghĩa nghệ thuật là phương tiện nhận thức thế giới bằng tình cảm. Cảm xúc thẩm mỹ là kết quả của sự nhận thức và tự nhận thức thẩm mỹ dưới hình ảnh cảm xúc chủ quan. Về điều này, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định:"Con người khẳng định mình không chỉ trong tư duy, mà còn trong thế giới vật thể bằng tất cả các cảm xúc". Cảm xúc thẩm mỹ trở thành một hình thức lý luận - cảm tính, tư tương - cảm xúc tham gia trực tiếp vào quá trình đánh giá thắm mỹ, làm cho đánh giá thẩm mỹ trở nên có nội dung, có định hướng, có mục đích xác định. Trong hoạt động thẩm mỹ, nói rộng hơn là trong đời sống thẩm mỹ, nếu thiếu vắng đi những cảm xúc của con người thì đã, đang và sẽ không bao giờ có thể có sự tìm tòi chân lý về con người. Khả năng biểu cảm của khách thể mang đến cảm xúc thẩm mỹ cho con người là đặc trưng không thể thiếu trong đánh giá thẩm mỹ. Cảm xúc thẩm mỹ trở thành cái có mục đích tự thân tham gia vào các giá trị thẩm mỹ.

Tínhhình tượngcó liên quan mật thiết đến tính biểu cảm. Tính hình tượng của khách thể bao hàm trong nó hàng loạt yếu tố: Sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, giữa cái khách quan và cái chủ quan, giữa lý trí và cảm xúc... Nó mở ra khả năng gợi mở, đánh thức trí tưởng tượng, liên tưởng, so sánh... của con người và mang đến những sắc thái khác nhau cho cảm xúc thẩm mỹ. Nếu nội đung, ý nghĩa và bản chất xã hội của khách thể trong các hình thái giá trị xã hội khác có thể được biểu đạt dưới hình thức logic của tư tưởng, thì nội đung, thực chất, ý nghĩa thẩm mỹ - xã hội của khách thể chỉ có thể được biểu hiện thông qua hình thức sinh động, cụ thể cảm tính của hệ thống các hình tượng.

Trong lĩnh vực đánh giá thẩm mỹ nghệ thuật, tiêu chí về tính hình tượng nghệ thuật được coi là tiêu chí xuất phát điểm của mọi hoạt động đánh giá. Nghệ thuật sống bằng hình tượng. Trong nghệ thuật, tư tưởng không hiện ra bằng triết lý khô khan, bằng những phát biểu thuần tuý mang tính chất chính luận, mà là cái lấp lánh đằng sau những hình tượng nghệ thuật. Tư tưởng nghệ thuật không hiện lên ở những dòng chữ, ở trong những chất liệu gỗ, đá, bột màu… mà hiện lên ở đằng sau những con chữ ở giữa những dòng chữ, sau cái thâm trầm của đá, cái xôn xao, tươi sáng của các sắc màu...Tư tưởng nghệ thuật bộc lộ cách thức nhận thức, phản ánh cuộc sống hiện thực một cách đặc thù của người nghệ sĩ. Tư tưởng nghệ thuật có tính tổng hợp cao, được rút ra từ toàn bộ tác phẩm nghệ thuật và bao hàm toàn bộ thế giới các sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Để biểu đạt được nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải huy động toàn bộ những năng lực tinh thần, của mình để tạo ra hệ thống các hình tượng nghệ thuật. Tư tưởng nghệ thuật thể hiện trực tiếp lý tưởng thẩm mỹ và hiện diện như một hình thái tinh thần rất cụ thể, nảy sinh do sự cọ xát, sự va chạm giữa trí tuệ, tâm hồn của người sáng tác với hiện thực khách quan, biểu hiện sự thống nhất giữa chủ thể và khách thể, trong đó chủ thể chiếm lĩnh khách thể. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật cũng như trong tác phẩm nghệ thuật, hệ thống các hình tượng nghệ thuật chính là nơi chứa đựng những cách cảm, cách nghĩ, thái độ đối với cuộc đời, cũng như toàn bộ tài năng sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Tính biểu cảm và tính hình tượng của khách thề thẩm mỹ còn thể hiện ở sự gợi mở cho con người (với tư cách chủ thể thưởng thức, thẩm định, đánh giải một khả năng "thẩm định trực giác". Đánh giá thẩm mỹ, sự thẩm định cái đẹp trước hết là "thẩm định trực giác" và đi kèm với sự thẩm định đó bao giờ cung là trạng thái thể nghiệm, một khoái cảm tinh thần. Đây là sự thẩm định có sự kết hợp ở mức cao toàn bộ năng lực trí tuệ và xúc cảm của con người. Đánh giá về hình thức thẩm định này, nhà vật lý học Ơgiêni Phainơbéc đã khẳng định:"Con người không thể nhận thức thế giới khách quan vật chất và tinh thần nếu không đi bằng hai con đường chủ yếu đến nhận thức chân lý là con đường trực giác và con đường duy lý". Thậm chí, ông còn cho rằng "thẩm định trực giác” là suy lý ở cấp hạng cao hơn suy diễn logic".

Như vậy, xét trong mối quan hệ với chủ thể đánh giá, tiêu chí về tính biểu cảm và tính hình tượng trong việc xác định các giá trị thẩm mỹ còn đòi hỏi khách thể thẩm mỹ phải có khả năng tác động một cách sâu sắc tới những suy tư của con người về cuộc sống, lay động tới chiều sâu của ý thức và khơi gợi ở họ những cung bậc tinh tế phong phú của cảm xúc thẩm mỹ tích cực. Và do vậy, nó là tiêu chí có vị trí đặc biệt trong hệ thống tiêu chí nội dung của chuẩn mực đánh giá thẩm mỹ.

Tiêu chí về tínhsáng tạođược coi là tiêu chí mang tính tổng hợp cao nhất trong đánh giá các giá trị văn hoá tinh thần cũng như trong đánh giá thẩm mỹ.

Bản chất của văn hoá là sáng tạo. Văn hoá không phải là cái gì khác, mà chính là sự chắt lọc, kế thừa và tiếp biến liên tục trong dòng thời gian vô tận những tinh hoa sáng tạo của con người. Một giá trị văn hoá đích thực bao giờ cũng được tạo nên từ khả năng sáng tạo tài tình của bàn tay và khối óc con người hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Chính vì thế, từ phương điện của sự thẩm định, bất kỳ giá trị văn hoá nào cũng đều đòi hỏi phải được đánh giá từ tiêu chí về tính sáng tạo.

Văn hoá thẩm mỹ là bộ phận tinh tế của văn hoá xã hội, là lĩnh vực thể hiện rõ nét và đặc trưng nhất tính nhạy cảm và những năng lực sáng tạo của con người "theo quy luật của cái đẹp". Do đó, đánh giá các giá trị văn hoá thẩm mỹ càng nhất thiết phải xuất phát từ tiêu chí về tính sáng tạo.

Sáng tạo là phẩm chất của hoạt động người, là sự biểu hiện trực tiếp nhưng năng lực bản chất người. Nhờ năng lực này mà con người đã tạo ra được thế giới của các giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật. Trong cuộc sống, để hình thành và hoàn thiện các quan hệ nhân tính của mình, để bồi dưỡng, phát triển nhân cách của mình, con người luôn khát khao vươn tới cái đẹp. Con người cần cái đẹp cung như cần hít thở khí trời. Nhưng không phải bất kỳ người nào cũng có thể sáng tạo ra cái đẹp và đều biết cách đưa cái đẹp vào cuộc sống. Trong lĩnh vực hoạt động sản xuất vật chất, người ta chỉ cần nắm được những qui tắc, nguyên lý, quy trình công nghệ là đã có thể tham gia vào việc sản xuất ra vật phẩm. Nhưng để tạo nên được các giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật thì hoàn toàn không phải đơn giản như vậy. Sáng tạo thẩm mỹ là hoạt động tinh thần đầy cá tính, là thước đo ở mức cao nhất trình độ phát triển nhưng năng lực bản chất người. Nó đòi hỏi ở con người với tư cách chủ thể sáng tạo không phải chỉ có năng khiếu và kinh nghiệm nghề nghiệp, mà hơn thế, phải có một quá trình học tập, lao động miệt mài, nghiêm túc với một niềm say mê vô hạn với công việc và sự thôi thúc bởi khát vọng và ý tưởng sáng tạo không bao giờ cạn. Giá trị thẩm mỹ bao giờ cũng hiện điện là công trình sáng tạo của con người.

Không phải hệ thống chuẩn mực đánh giá các giá trị khác không dựa trên tiêu chí về tính sáng tạo. Nhưng trong đánh giá thẩm mỹ, tiêu chí về tính sáng tạo có những yêu câu riêng.

Sáng tạo trong bất kỳ loại hoạt động nào cũng cần nắm vững các tri thức đối với công việc và sự thành thục của thao tác nghề nghiệp. Nhưng trong lĩnh vực thẩm mỹ, yêu cầu sáng tạo đòi hỏi hoạt động của chủ thể phải đạt tới trình độ điêu luyện, tinh xảo để có thể tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, mang tính hoàn thiện và độc đáo Mặt khác, yêu cầu sáng tạo trong đánh giá thẩm mỹ là yêu cầu cao về cá tính, sự độc đáo của ý thức thẩm mỹ cá nhân. Nếu như các chuẩn mực đánh giá đạo đức được biểu hiện trong tính phổ biến là chuẩn mực đánh giá chung của một nhóm xã hội, hoặc của cả xã hội, không mang nhiều dấuấn của cá tính, sở thích, ý tưởng riêng của cá nhân, thì chuẩn mực đánh giá thẩm mỹ lại đặc biệt chú trọng tính cá biệt, cá thể, đặc điểm nhân cách, phẩm chất thẩm mỹ của mỗi cá nhân với tư cách chủ thề. Đặc điểm của sự sáng tạo giá trị thẩm mỹ thể hiện ớ chỗ, đó là sự sáng tạo một lần, có một không hai, không lặp lại. Mọi sự lặp lại (nhất là trong nghệ thuật) đều làmsuy giảm, thậm chí thủ tiêu giá trị thẩm mỹ.

Các chủ thể đều có thể rất giống nhau ở năng lực và ý chí vượt lên trên giới hạn của bản thân, quên mình vì công việc, ở niềm say mê và ý chí sáng tạo. Nhưng họ vĩ đại ở chỗ, các tác phẩm nghệ thuật mà họ tạo ra là những công trình sáng tạo độc đáo có một không hai, có sức sống trường tồn trong thời gian, góp phần tạo nên những đỉnh cao trong lịch sử phát triển văn hoá loài người.

Yêu cầu sáng tạo trong đánh giá thẩm mỹ nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật, không chấp nhận sự sao chép, bắt chước, hoặc sản xuất đồng loạt. Một nghệ sĩ chân chính, một nghệ sĩ lớn bao giờ cũng là người in đậm đấu ấn cá nhân vào tác phẩm của mình. Chính nhờ dấu ấn cá nhân đó mà xưa nay, trong lịch sử sáng tạo nghệ thuật, các nghệ sĩ bậc thầy đã tạo nên được những giá trị văn hoá tinh thần đạt tới tính thời đại và tính nhân loại.

Các tiêu chí nội dung của chuẩn mựcthẩm mỹ về tính nhân văn, vềsự hàihoà, hoàn thiện thẩm mỹ, về tính biểucảm, tínhhình tượng và tính sáng tạochính là các tiêu chuẩncơ bản cần thiếtđối với việc đánh giá các giá trị vănhoá thẩm mỹ.

Trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay, khi mà mọi lĩnh vực từ kinh tế, chínhtrị, văn hoà đến xã hội đều có sự biến đổi, khi mà sự biến đổi trong thang bậc giá trị, xã hội đang là một tất yếu khách quan thì việc xác định một hệ thống tiêu chí chuẩn mực có ý nghĩa thước đo là vô cùng quan trọng và cần thiết. Vấn đề là ở chỗ, làm sao để “thước đo" đó ngày càng trở thành phổ biến, được vận đụng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu, khát vọng vươn tới Chân - Thiện - Mỹ của nhân dân.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thẩm mỹ

    15/10/2014Nguyễn Trần BạtNói đến thẩm mỹ không thể không nói đến khái niệm cái đẹp. Nhưng đó là một câu hỏi làm đau đầu biết bao nhiêu nhà triết học thuộc đủ mọi quốc gia, sống ở mọi thời đại trong lịch sử...
  • Về đặc trưng của chân lý nghệ thuật và tính đặc thù trong sự tiếp cận nó

    21/05/2006TS. Nguyễn Văn HuyênThực chất quan điểm giá trị học hiện đại và cũng là quan điểm phổ biến hiện nay muốn nhấn mạnh rằng, khoa học gắn liền với chân lý, còn nghệ thuật gắn liền với giá trị, cái mà thiếu nó, loài người không thể trở nên văn minh, tiến bộ.
  • Biện chứng cá nhân – xã hội trong cảm thụ thẩm mỹ

    12/02/2006TS. Lê Đinh LụcCảm thụ thẩm mỹ là hoạt động mang đậm dấu ấn cái "tôi" cá nhân của chủ thể, gắn liền với những năng lực tinh thần chủ quan, với tình cảm, thị hiếu của mỗi người...
  • Giá trị thẩm mỹ và chất lượng nghệ thuật

    20/12/2005Nguyễn Văn PhúcTrên bình diện đánh giá - giá trị, chất lượng nghệ thuật của một tác phẩm được hiểu là giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó. Nhưng bản chất của giá trị nghệ thuật là gì ? Nói khác đi những yếu tố nào quy định giá trị của tác phẩm nghệ thuật, và do đó, như thế nào là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị? v.v... Đó là những câu hỏi không dễ giải đáp.
  • Chân - thiện - mỹ: Mãi là đích hướng tới của văn chương

    17/11/2005Đinh Quang TốnTừ xưa đến nay, hướng tới chân - thiện - mỹ luôn là mục đích của văn chương. Bởi văn chương là một sản phẩm do con người tạo ra, mà con người thì khác muôn loài ở bản chất muốn vươn tới những điều tốt đẹp, nên văn chương luôn là một hoạt động vì con người, với khát vọng làm cho cuộc sống của con người ngày một tốt đẹp hơn...