Năm con trâu & lớp trẻ
Năm Kỷ Sửu 2009 là năm con trâu. Con trâu nhắc chúng ta nhớ đến nghề nông, nhớ đến câu thơ: "Ông lão dong trâu đi bừa là con ông lão ngày xưa đi cày". Thực ra, đó là một câu thơ đã được người đời cải biên đi một ít. Câu thơ nguyên bản của tác giả Trần Ngọc Thụ là: "Ông lão hôm nay đi bừa là con ông lão ngày xưa đi cày". Tuy nhiên, câu thơ nào thì cũng phản ánh một thực tế quẩn quanh, tù đọng và ngột ngạt. Thật buồn nản biết bao khi thế hệ tiếp nối vẫn chỉ lặp lại vết xe đổ, xin lỗi, vết chân trâu của cách làm ăn cũ!
Năm Kỷ Sửu 2009 đã là năm thứ 3 của thời kỳ hội nhập hậu WTO. Tuy nhiên, rủi ro của việc lặp lại vết chân trâu trong năm con trâu thì vẫn còn rất lớn. Không ít các lĩnh vực của đời sống xã hội và quản trị quốc gia vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của hệ chuẩn cũ và cách làm có từ những năm xửa, năm xưa. Vẫn còn không ít cảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau"; vẫn còn không ít các cuộc họp nói chung chung và quyết cũng chung chung; vẫn còn không ít vụ việc mà sự yếu kém, đổ vỡ chẳng biết quy trách nhiệm cho ai... Rõ ràng, muốn nhanh chóng tiến tới thịnh vượng, thì chúng ta không thể chỉ đổi được từ "cày" qua 'bừa", mà phải bắt kịp với những thành tựu mới nhất của thời đại. Và tất nhiên lớp người trẻ tuổi có khả năng và cơ hội lớn hơn trong việc đổi mới và cách tân đất nước.
Trước hết, lớp trẻ ít bị sự trì kéo của quá khứ. Quá khứ không quát nạt, không ra lệnh công khai. Nhưng quá khứ chính là nếp nghĩ, là cách làm đã thành thói quen và niềm tin ràng buộc. Trong quả khứ mọi thứ đều đã từng rất rõ ràng. Mọi thứ đều tồn tại dưới hai màu trắng đen. Đã không trắng thì là đen. Đã là đen thì là xấu. Thế giới hai màu giúp chúng ta xác định chính kiến và định hướng hành động của mình khá dễ dàng và sáng rõ. Nhưng thế giới hai màu cũng làm cho chúng ta quan niệm về cuộc sống và hành xử trong cuộc sống khá cứng nhắc và khá giản lược. Trong một thế giới hội nhập hết sức đa dạng và phong phú, trong nền kinh tế thị trường sống động và biến đổi không ngừng, cách cảm nhận cuộc sống chỉ dưới hai màu rõ ràng là bất cập.
Tuy nhiên, cách nghĩ và cách làm cũ cũng rõ ràng là khó đổi thay. Những gì đã ở trong trái tim và khối óc suốt cả đời người thì khó có thể đổi thay, khó có thể không tiếp tục chi phối tư duy và hành động. Do không bị các định kiến của quá khứ chi phối, lớp trẻ sẽ có cái nhìn tinh tế hơn, đa dạng hơn. Họ sẽ thấy được tất cả bảy sắc cầu vồng của cuộc sống, cùng với sự kết hợp, sự hòa lẫn và chuyển đổi đầy biến ảo của chúng.
Cho dù, thấy và hiểu vẫn là hai chuyện khác nhau. Thế nhưng, không thấy được thì làm sao hiểu được?!
Hai là, lớp trẻ đang có những cơ hội to lớn để tiếp cận với thế giới bên ngoài. Cùng với quá trình hội nhập, hàng loạt các rào cản hữu hình, cũng như vô hình đang bị dỡ bỏ. Công nghệ thông tin và truyền thông còn làm cho không gian biến mất, khả năng tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại, tiếp cận các giá trị văn hóa, tinh thần của các nước khác nhau trên thế giới mở ra gần như vô tận. Do được tiếp cận internet từ nhỏ, một bộ phận lớn trong lớp trẻ đang nhanh chóng làm chủ một không gian mới, mà các thế hệ trước đây chưa hề biết tới.
Đó là không gian tự động, không gian thực tế ảo. Với không gian này, việc kết nối, việc tương tác với mọi tộc người trên thế giới đang diễn ra hết sức nhanh chóng và dễ dàng. Kết quả là rất nhiều người trong lớp trẻ Việt Nam trở thành những công dân toàn cầu thực thụ. Những công dân toàn cầu thì có tri thức và kỹ năng ở tầm toàn cầu. Và đây chính là nguồn lực quan trọng nhất để đổi mới và chấn hưng đất nước. Ba là, lớp trẻ ngày nay có điều kiện để học hành tử tế hơn. Cho dù, trong hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn còn rất nhiều điều đang phải băn khoăn, thì cơ hội học tập tốt hơn đã thật sự mở ra cho nhiều bạn trẻ. Mà sự hiểu biết và kỹ năng hiện đại là tiền đề quan trọng để vươn lên trong cuộc sống.
Cuối cùng, chuyển từ việc dắt trâu đi cày sang việc dắt trâu đi bừa chắc chắn không phải là một bước tiến trong quá trình phát triển. Sử dụng máy móc hiện đại và công nghệ sinh học để phát triển nông nghiệp mới là bước tiến phù hợp với thời đại. Đó cũng phải là lựa chọn của lớp trẻ hôm nay. Thế thì những thế kỷ dài đằng đẵng gắn bó với con trâu có để lại gì cho chúng ta hôm nay không? Câu trả lời là: tất nhiên là có. Và đó là chính sự cần cù, sự chịu thương, chịu khó trong lao động, một di sản không bao giờ bị lỗi thời.
Thanh niên Việt Nam chinh phục đỉnh núi Phú Sĩ
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005