Người trẻ và những căn bệnh
Làm thì chẳng được bao nhiêu, nhưng nổ thì quá nhiều... Đó là căn bệnh trầm kha của những người trẻ mới tập tẽnh vào đời. Họ mới chỉ làm được vài công trạng nhỏ nhoi mà cứ nghĩ mình là người có thể thay đổi cả thế giới.
Nổ và chảnh
Bước vào một quán cà phê hay một quán ăn nào đó, ta bắt gặp những lời giới thiệu “anh, chị đây là giám đốc công ty này, công ty nọ…”. Ngày nay, tràn lan những giám đốc thế hệ 8X, 9X nhưng số người thành đạt thực thụ không đáng là bao. Dẫu biết câu chuyện vừa học vừa làm, dẫu biết những tài năng trẻ lúc nào cũng mang trong mình máu tự tin luôn sẵn sàng vươn mình ra biển lớn. Ai ai cũng muốn gắn cho mình một cái mác mang danh ông nọ - bà kia. Nhưng trong thực tế thành công của họ chỉ dừng lại ở những con số hàng đơn vị mà thôi. Mới học năm II ngành công nghệ thông tin, L. cùng hai người bạn quyết định lập công ty riêng để vừa làm vừa học. Công ty nho nhỏ, do L làm giám đốc chuyên sửa chữa cung cấp thiết bị máy tính. Chẳng biết làm ăn như thế nào nhưng khi lên lớp, L luôn là người nổi bật với vẻ bề ngoài là một giám đốc chính hiệu, phát danh thiếp vù vù, miệng bi bô toàn ký được những hợp đồng giá trị, doanh thu hàng tháng lên đến chục triệu khiến ban bè đồng trang lứa nghe qua nhỏ cả nước miếng. Nhưng công ty cứ một vài tháng lại chuyển văn phòng, bạn bè có lần tìm đến còn bị chủ nhà mắng chửi vì công ty thuê nhà xù cả tiền nhà tháng cuối. Những tay kém tài lại hay thích nổ để muốn khẳng định mình, thích được làm giám đốc. Nhưng thời buổi này, chỉ cần bỏ ra một ít tiền hay sử dụng vài chiêu vặt vãnh là có thể trở thành giám đốc như ai. Những tay giám đốc trẻ này thành đạt chưa đến đâu, nhưng lại mắc bệnh “nghiêm trọng vấn đề”. Gọi lúc nào cũng bảo đang bận họp, đang bận việc, đang gặp khách hàng.
L.A – từng là nhân viên một khách sạn 4 sao ở quận 5, vượt qua hơn 1.000 người thi tuyển để vào chức vụ quản lý và từng được báo chí ca ngợi rầm rộ. Thế nhưng khi vào làm việc chưa đầy 3 tháng thì L.A bị rời khỏi công ty chỉ vì lý do đơn giản. Quá chảnh! Cô thường xuyên chỉnh sửa quản lý cấp trên về cách phát âm tiếng Anh, có thái độ khinh khỉnh khi gặp người cấp dưới…
Thực dụng
“Thượng đội hạ đạp” là cách hành xử quen thuộc của những người kém và thực dụng. Chỉ quen bề xu nịnh, làm hài lòng mọi người nhưng đánh mất cả bản chất và làm ảnh hưởng đến nhiều người khác. Có nhiều người chỉ nhờ vào sắc đẹp, khéo miệng hay những tài vặt chứ không hẳn vì thực lực.
Với ngoại hình đậm đà, dễ nhìn và có chút năng lực, ngay từ năm 3 Đại học, N.L được nhận vào thực tập trong một công ty kế toán - kiểm toán Hà Nội có văn phòng đại diện ở Sài Gòn. Để vượt qua những đàn chị trong công ty, L. chiều chuộng sếp từ Hà Nội vào công tác ngay từ ngày đầu gặp mặt. Những lần sau đó, cô mạnh dạn bày tỏ tình cảm công khai ngay trong công ty, trao nụ hôn với sếp ở ngay cầu thang với chủ ý để vài chị em họ mách lẻo bắt gặp. Thậm chí cô giữ luôn chìa khóa khách sạn của sếp mỗi khi vào Sài Gòn công tác để tiện bề trao đổi nghiệp vụ. Kể từ dạo ấy, L. “lên số”, được sếp ưu ái tối đa, chức vụ lên như diều, tất nhiên tiền bạc cũng rủng rỉnh theo. Nhưng càng ngày L càng thay đổi tính cách. Cô luôn lên mặt dạy đời và coi mọi người trong văn phòng chẳng ra gì.
Nhiều trường hợp chỉ nghĩ đến tiền mà không quan tâm chuyện mình có yêu nghề hay không. Chẳng ngạc nhiên khi biên tập của một tờ báo kể rằng có một sinh viên gọi đến xin cộng tác, chưa thấy bài vở, năng lực diện mạo ra sao đã hỏi ngay “Thế một bài em viết gửi lên anh trả em bao nhiêu tiền?” Cái thực dụng len lỏi vào đời sống của khá nhiều những 8X, 9X, luôn tự hào mình còn trẻ, vừa học vừa làm mà trong tay đã vi vu với mức (lương 5 - 7 triệu/tháng).
Coi trời bằng vung
Khi đã có đồng tiền trong tay, có vài kẻ tâng bốc, xu nịnh, thậm chí đó chỉ là những chiêu thức của những người cầm quân sử dụng ngắn hạn. Cộng thêm những lời khen ngợi của cấp trên và được nhận những quyền lợi về mặt kinh tế, họ cứ nghĩ trên đời này mình là duy nhất. Ngồi trong một chiếc ao nhỏ, có thể bạn là một ngôi sao. Nhưng khi sang một chiếc ao lớn hơn, lại có một ngôi sao khác nổi lên, tất nhiên các sếp sẽ ưu ái ngôi sao mới và bạn bị ra rìa.
Hội chứng này xuất hiện nhiều trong giới cộng tác viên của những tờ báo tuổi teen. Nhiều người làm được một vàl chương trình, viết vài bài báo, cứ nghĩ rằng mình là ngôi sao lớn. Thích gặp ca sĩ nào thì gặp, thích viết về ai thì người đó phải vui vẻ nhận lời hoặc có thể lăng xê cũng như vùi dập một vài tên tuổi… Họ luôn cho rằng trong tay mình có một “quyền lực” khiến cho người khác phải nghiêng mình. Nhưng họ có biết chăng đó chỉ là vẻ phù hoa bề ngoài. Nếu không biết dừng đúng lúc thì những tài năng ấy sẽ nhanh chóng bị vụt tắt.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn