Cung chiêm các Tôn lăng

Trích "Mười ngày ở Huế"
11:10 SA @ Thứ Sáu - 18 Tháng Mười Hai, 2009

Bài văn dưới đây được trích từ du ký Mười ngày ở Huế, Phạm Quỳnh viết tháng 4 năm 1918, đăng trên tạp chí Nam Phong số 10. Sau đó, được in trong tập Quốc Văn Trích Diễm do Dương Quảng Hàm biên soạn năm 1925, tái bản trong Viện Giáo khoa, Hiên Tân Biên của Nhà xuất bản Bốn Phương, in tại Sài Gòn tháng 12 năm 1953.

***

Ở Kinh mà không đi cung chiêm các Tôn lăng thì cũng là uổng mất cái công tự Hà Nội về đây. Vả mục đích tôi về Kinh là muốn xem những cảnh tượng cũ của nước nhà. Còn cảnh tượng gì trang nghiêm hùng tráng bằng những nơi lăng tẩm của mấy vị đế vương ta đời trước? Không những mấy nơi đó là những nơi thắng tích đệ nhất của nước ta, mà lại có thể liệt vào bậc những nơi thắng tích của cả thế giới nữa. Hoàn cầu dễ không đâu có chốn nhà mồ của bậc vua chúa nào mà khéo hòa hợp cái cảnh thiên nhiên với cái cảnh nhân tạo, gây nên một cái khí vị riêng như não nùng, như thương nhớ, như lạnh lẽo, như hắt hiu, mà lại như đầy những thơ những mộng, khiến người khách vãng cảnh luống những ngẩn ngơ trong lòng. Mà cái cảm giác ấy không phải là người mình mới có, dẫu người ngoại quốc đi du lịch đến đấy cũng phải cảm như thế. Có người Pháp rất mến cái cảnh những nơi lăng tẩm của ta đã từng nói: muốn đi xem lăng phải đi vào những ngày gió thu hiu hắt, trời đông u ám thì mới cảm được hết cái thú thâm trầm. Kể các lăng tẩm thì nhiều lắm, nhưng trước danh nhất có bốn nơi: Thiên Thụ lăng (lăng đức Gia Long), Hiếu lăng (lăng đức Minh Mệnh), Xương lăng (lăng đức Thiệu Trị), Khiêm lăng (lăng đức Tự Đức), bốn nơi ấy là to hơn và đẹp hơn cả. Nơi Thiên Thụ xa nhất, rồi lần lượt đến nơi Hiếu, nơi Xương, nơi Khiêm.

Nói lăng, những người không biết, mỗi người tưởng tượng ra một cách: người thì cho là cái nhà bằng đá lớn, trong đựng quan quách ông vua; người thì cho là cái vườn rộng, giữa xây nấm, quanh trồng cây; người thì cho là cái nền to như nơi văn chỉ, phỗng đá voi ngựa đứng chầu. Nhưng dù tưởng tượng đến đâu cũng không kịp tới cái chân tướng lớn lao. Lăng đây là cả một tòa thành, cả một vùng núi, chớ không phải một khoảng năm ba sào, một khu vài ba mẫu. Lăng đây là gồm cả mầu trời, sắc nước, núi cao, rừng rậm, gió thổi ngọn cây, suối reo hang đá, chớ không phải một cái nấm con con của tay người xây dựng. Lăng đây là bức cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ghép thêm một bức cảnh nhân tạo tuyệt khéo. Lăng đây là cái nhân công tô điểm cho sơn thủy, khiến cho có một cái hồn não nùng u uất, như phảng phất trong cung điện âm thầm, như rì rào trên ngọn thông hiu hắt. Không biết lấy lời gì mà tả được cái cảm lạ, êm đềm vô cùng, ảo não vô cùng, nó chìm đắm người khách du quan trong cái cảnh tịch mịch u sầm ấy. Trong thế giới chắc còn lắm nơi lăng tẩm đẹp hơn nhiều, như ở Ấn Độ có cái mả bà chúa toàn bằng ngọc thạch, ở Âu Châu cũng có lắm nơi mộ địa rất là u sầm. Nhưng không đâu cái công dựng đặt của người ta với cái vẻ thiên nhiên của trời đất khéo điều hòa nhau bằng ở đây, cung điện đình tạ cùng một mầu một sắc như núi non, như cây cỏ, tưởng cây cỏ ấy, núi non ấy phải có đình tạ ấy cung điện ấy mới là xứng, mà cung điện ấy đình tạ ấy phải có núi non ấy cây cỏ ấy mới là hợp vậy.

*

* *

LĂNG ĐỨC GIA LONG

Đến điện trước rồi mới đến lăng, điện ở bên hữu lăng, gọi là Minh thành điện. Điện trông rất là nguy nga, trước mặt có sân rộng trồng mấy cây đại to; lại có một thứ cây không biết tên là gì mà hình rất cổ kính thực là hợp với cái cảnh trang nghiêm ở chỗ ấy. Trèo bệ đá lên cửa điện, bước vào một cái sân rộng nữa, trong bầy mấy cái thống bằng sứ cực lớn. Thường trong các miếu điện ngoài sân hay bày những thống như thế. Chắc là đồ tàu, nhưng không phải đồ thường, hoặc giả Triều đình ta khi xưa đặt kiểu riêng tự nơi “thổ sản” chăng. Vì ngày nay không thấy đâu có những chiếc thống lớn như thế. Hai bên là tả vu hữu vu, giữa là chính điện. Vào chính điện phải nói với các “mệ” coi trong ấy. Các “mệ” là những bậc cung nữ của Tiên đế khi xưa, hoặc là những bậc công tôn nữ giở về già xin vào lăng để trông nom việc hương lửa hôm mai. Ở lăng Thiên Thụ này chắc không còn những bậc cung nữ nữa. Trong điện có cái khám đặt bài vị đức tiên đế, ngoài bầy cái sập trải chiếu để những đồ ngự dụng như khi sinh thời: cái khăn mặt, cái thau, bộ đồ trà, cái tráp trầu, v.v. Hai bên lại bầy những đồ pha lê cùng đồ sứ Tây, chắc là những đồ của các ông sứ thần Pháp đem sang cống vua ta khi xưa. Đại khái cách bài trí trong tẩm điện các lăng đều như thế cả, chỉ khác nhau có ít hay nhiều mà thôi. Điện lăng Thiên Thụ này là ít đồ bầy hơn cả; nhiều nhất là điện Khiêm lăng.

Xem xong trong điện mới ra xem ngoài lăng. Sánh với các lăng kia thì lăng Thiên Thụ là giản dị hơn cả, nhưng có cái vẻ hùng tráng, thực là biểu được cái chí to tát một ông vua sáng nghiệp. Bốn bề là núi cả, trong sách nói cả thẩy ba mươi sáu ngọn đều quây quần về đấy. Giữa mấy từng sân đá rộng thênh thang, thềm cao rồng chạy; trên một tòa thành tròn ba bề xây như hình cái ngai, trong hai nấm đá hình chữ nhật, tức là mộ đức Thế tổ Cao Hoàng đế cùng đức Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, hai ông bà nằm song song ở giữa khoảng trời rộng núi cao, như muốn chứng với trời đất rằng công ta đã đánh đông dẹp bắc mà gây dựng nên cái nền nhất thống của nước Đại Việt này, từ nay vững như bàn thạch, bền như Thái Sơn vậy. Không có đình, không có tạ, không có lâu, không có đài, chỉ trơ trơ một tấm sân đá mênh mông, ngoài xa hai cột đồng trụ cao ngất trời! Hùng thay! Thực rõ cái chí một bậc khai quốc đại anh hùng, không ưa những sự hư văn vô ích. Phàm lăng là xây tự sinh thời vua, chớ không phải khi vua băng hà rồi mới xây, cho nên mỗi cái lăng là biểu tinh thần tính cách riêng của mỗi ông vua, tự tay đặt kiểu lấy cái nhà ở sau cùng của mình. Như thế thời lăng Thiên Thụ này thực là tấm gương phản chiếu cái khí tượng anh hùng của đức Gia Long ta vậy.

Có người cho lăng đức Minh Mệnh là đẹp, có người cho lăng đức Tự Đức là khéo. Tôi lấy lăng đức Gia Long là hùng hơn cả. Nhưng một triều được mấy vua sáng nghiệp? Công khai sáng chỉ có một đời, mà nền bình trị thực muôn thủa. Cho nên các lăng sau này có văn vẻ hơn nhiều mà thực là kém bề hùng tráng vậy.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bài học lịch sử

    04/08/2019Phạm QuỳnhLịch sử không chỉ có tác dụng giáo dục; nó còn khích lệ. Nó làm nguôi ngoai, đem lại sự bình tâm; nó xoa dịu những nôn nóng cũng như những âu lo và cung cấp chỗ dựa cho niềm tin và hy vọng. Giữa những ưu tư nặng nề trước các khó khăn hiện tại, nó đưa lại sự tĩnh tâm thư thái khi thanh thản chiêm ngưỡng quá khứ vì dường như ta được tham dự vào sự bất tận của thời gian và vĩnh hằng của muôn vật. Nó là một phương thuốc tuyệt vời chống lại sự nản lòng và bi quan.
  • Phạm Quỳnh và quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

    25/03/2018Vương Trí NhànKhi một người có hoạt động thực sự trên lĩnh vực văn hoá, trở thành có đóng góp về văn hoá, người đó nhất thiết phải có tình cảm tốt đẹp và sâu sắc với dân tộc, với đất nước. Ấy là niềm tin đến với chúng tôi khi lần giở lại Nam Phong. Nó cũng là nhân tố giúp chúng tôi yên tâm khi tìm hiểu những đóng góp của Phạm Quỳnh...
  • Báo chí - nhà báo và sự hình thành tầng lớp trí thức hiện đại đầu thế kỷ XX

    21/06/2017Trần Văn ToànKhái niệm trí thức hiện đại ở đây được hiểu trong sự đối nghĩa với trí thức - kẻ sĩ trong xã hội Việt Nam truyền thống. Sự hiện diện của tầng lớp trí thức hiện đại, trên thực tế, mới chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bài viết này sẽ tập trung làm sáng tỏ vai trò của báo chí - một thiết chế văn hóa có nguồn gốc phương Tây - đã đóng vai trò như một dung môi, một tiền đề vật chất cho sự xuất hiện của tầng lớp trí thức hiện đại như thế nào...
  • Bàn phiếm về văn hóa Đông Tây

    26/01/2016Phạm QuỳnhTừ ngày Đông phương và Tây phương giao tiếp nhau thân mật đến cảm hóa lẫn nhau về đường tinh thần, đường tri thức, những bậc đại trí trong thiên hạ để ý nghiên cứu về vấn đề ấy cũng đã nhiều. Nhưng vì cái phạm vi nó to rộng quá, nên chửa ai xem được khắp và xét đến cùng. Đem Đông phương và Tây phương đối nhau, tựa hồ như hai cái khối hồn nhiên đem ra so sánh...
  • Văn minh luận

    21/10/2009Phạm QuỳnhVăn minh là đối với dã man. Chữ “văn minh” là một chữ mới. Tuy trong kinh Dịch đã có câu, nhưng dùng theo nghĩa mới để dịch chữ Tây civilisation thời mới bắt đầu tự người Nhật Bản. Người Nhật dùng trước (đọc là bunmei), người Tàu theo sau, rồi người ta bắt chước, ngày nay thành một chữ rất thông dụng.
  • In lại Nhật ký đi Pháp của Phạm Quỳnh

    02/07/2009Ngô Phan (thực hiện)Pháp du hành trình nhật ký (Nhật ký đi Pháp) của Phạm Quỳnh vừa được in lại sau mấy chục năm ngủ yên trong tạp chí Nam Phong suốt từ 1922 tới nay. Nhân dịp này, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn- người thực hiện việc biên soạn và chú giải – có dịp trao đổi với TT&VH về giá trị của tập sách cũng như về việc khai thác bộ phận văn học viết bằng quốc ngữ đầu thế kỷ 20.
  • Phạm Quỳnh (1892 - 1945)

    29/06/2009Một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu...
  • Nghĩa vụ của nhà làm báo

    19/06/2009Phạm QuỳnhNhà báo vừa tiêu biểu mà vừa tạo thành ra dư luận trong một nước. Ai nói đến báo là nói đến dư luận, ai hỏi đến dư luận là tìm đế báo, báo với dư luận, dư luận với báo là lần lót, là hình ảnh cho nhau, là tinh thần là hình thức của nhau vậy.
  • Nhãn quan văn hóa của Phạm Quỳnh, qua du ký

    28/04/2009Đặng Hoàng Oanh...một loạt tác phẩm của Phạm Quỳnh, từ Th­ượng Chi văn tập, Luận giải văn học và triết học, M­ười ngày ở Huế, Pháp du hành trình nhật kí cho đến Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932 đã “tái xuất”, đến tay độc giả. Tuy chừng đó cũng cho thấy sự phong phú trong sự nghiệp tr­ước tác của một học giả một thời lừng lẫy và cũng một thời từng chịu nhiều tai tiếng. Đánh giá một cách công bằng và thỏa đáng về Phạm Quỳnh, công việc đó đòi hỏi nỗ lực, thái độ công tâm và khoa học của nhiều ngư­ời...
  • Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây qua sự hiện diện của tờ báo

    09/04/2009Trần Văn ToànSự ra đời của báo chí, lẽ tự nhiên, làm xuất hiện một chân dung mới: ký giả, hay nhà báo. Những danh xưng này, trong ngôn ngữ đương đại thiên về ý nghĩa nghề nghiệp thuần túy nhưng ở vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX lại có nét nghĩa chỉ một nhóm có vai trò ưu đẳng trong xã hội (status group). Với quốc dân, họ là đại diện cho luân lý và tri thức, có chức phận dẫn dắt, hướng đạo. Trong một xã hội vốn có truyền thống trọng quan tước, ký giả thậm chí được liệt vào tầng lớp “quan lại cao cấp”.
  • xem toàn bộ