"Thảm họa" Lệ Rơi: Đừng nhầm lẫn nghệ thuật và giải trí
Từ những cái bẫy bản năng tự nhiên và cái bẫy ý đồ giăng ra, cuối cùng cả quần chúng lẫn truyền thông đều tự sập bẫy của nhau, tạo nên một bộ mặt văn hóa nhếch nhác và cẩu thả...
Gần đây, 2 hiện tượng xuất hiện đã gây xôn xao và tạo nên hiệu ứng xã hội rất cao trong làng giải trí cả nước. Đó là sức hút của nhân vật Hoài Lâm từ game show truyền hình Gương mặt thân quen, phát sóng trên VTV3 và Lệ Rơi từ mạng xã hội. Hai hiện tượng này cho thấy trình độ dân trí của một số người và bản lĩnh của một bộ phận truyền thông đã dần dần tiệm cận xuống đáy của văn hóa.
Từ cái bẫy của dân trí thấp
Hoài Lâm tạo nên cơn sốt là nhờ khả năng bắt chước giống như thật và đầy biến hóa qua nhiều gương mặt nghệ sĩ khác nhau khiến đa số công chúng ngưỡng mộ và tôn vinh như một hiện tượng nghệ thuật mới.
Trong khi đó, với giọng hát “sát âm nhạc” qua hàng trăm bài cover và hình ảnh xấu xí, âm thanh hạng bét bằng sự đầu tư không chi phí, Lệ Rơi đã tạo nên lượng người xem kỷ lục trong một thời điểm. Lệ Rơi qua mặt cả các ca sĩ thị trường hàng đầu được mệnh danh là “diva”, “ông hoàng” có sản phẩm đầu tư tiền tỉ.
Phân tích thế nào từ 2 hiện tượng đó? Nó có giá trị thế nào mà đã tạo nên được hiệu ứng đồng cảm và thưởng thức của một bộ phận quần chúng?
Lệ Rơi bước vào phòng thu chuyên nghiệp Ảnh: Internet
Khi bạn vẽ một bông hoa như thật, người ta sẽ khen quá hay! Bạn vẽ một con mèo giống như đúc: Quá khéo! Bạn vẽ một cánh đồng như ảnh chụp: Quá tuyệt! Nhưng tuyệt nhiên, đó không phải là nghệ thuật. Bởi lẽ, những công phu, kỹ xảo của bạn chỉ tạo ra thêm một bông hoa, một con mèo, một cánh đồng mà cuộc sống đã có để nhìn cho vui mắt, vui lòng và đi ngủ. Nghệ thuật là tạo ra một cái gì đó mà cuộc sống chưa có khiến ta thức tỉnh và suy nghĩ.
Vậy thì đừng nông cạn, ngây ngô mà ca tụng rùm beng một nhân vật nào đó bắt chước y hệt một nghệ nhân, một ca sĩ hay một tài năng đã có. Hoài Lâm chỉ là một người giúp vui khéo léo và tinh xảo. Một người thợ đáng yêu tạo nên những phút giây sảng khoái, vậy thôi. Gọi những người như Hoài Lâm là “tài năng nghệ thuật” là xúc phạm nghệ thuật thông qua sự rêu rao dân trí thấp của mình.
Hãy để thời gian làm công việc định chất và định danh của nó. Nếu sau này Hoài Lâm thoát ra được những cái bóng mà anh bắt chước rất giỏi, rất khéo để tạo nên một hình tượng mới không lặp lại và có sức hút sáng tạo thì lúc đó, sự tung hô nêu trên mới đúng đối tượng.
Còn với Lệ Rơi thì sao? Anh ta không bắt chước ai hết. Đúng là anh ta đã tạo nên một hình tượng mới chưa từng có trong showbiz nhưng rất tiếc là không thiếu trong các quán karaoke, quán hát với nhau hay các bàn nhậu vỉa hè khắp cả nước của những tay bợm nhậu mê hát nhưng không biết nhạc hoặc không năng khiếu lại cộng thêm chất men rượu làm ríu lưỡi.
Vậy tại sao Lệ Rơi tạo được “thương hiệu” khủng khiếp như thế? Bởi anh ta là người đầu tiên hát dở nhất - giai điệu - và tầm bậy nhất - phát âm - nhưng hồn nhiên dám khoe những cái đó ra một cách chất phác và vô tư. Có thể thấy ngay người ta nghe Lệ Rơi hát không phải để nghe hát và càng không phải để nhìn anh ta như nhìn các “hot boy”, “hot girl” trong các MV (video ca nhạc) chuyên nghiệp. Đơn giản là họ nghe và xem để cười.
Như vậy, kiểu ca hát của Lệ Rơi chỉ là một trò hề rất hợp gu thị hiếu giải trí thấp kém đang đầy rẫy hiện nay. Một thị hiếu tuột đáy, cả thèm chóng chán đang quá bội thực với trai đẹp, gái đẹp “hát hay nhân tạo”, nay quay qua đổi món với cực tương phản là xấu và “hát dở tự nhiên”, nhất là dở một cách hạng bét.
Đánh đồng khái niệm
Chúng ta đừng quên hiện nay, khái niệm nghệ thuật đã trở nên không biên giới, không còn như quy định trong 7 môn nghệ thuật từ thời cổ đại. Bất cứ cái gì cũng có thể trở thành nghệ thuật kể từ lúc chủ nghĩa Đa Đa ra đời từ cái chậu đi tiểu của Marcel Duchamp được đưa ra triển lãm vào năm 1917 với tên gọi thanh tao hơn: “Đài phun nước”.
Sau đó vài thập niên, với những tác phẩm âm nhạc là sự im lặng của diễn tấu và âm thanh là tiếng động ngẫu nhiên của hoàn cảnh (tác phẩm: 4’33) hoặc toàn tiếng ồn hỗn tạp của 12 chiếc radio phối âm tự nhiên do John Cage đề xướng (tác phẩm Những hình ảnh tưởng tượng No4), lúc này nghệ thuật đã mở rộng vô biên.
Nhưng để tạo nên những tác phẩm kiểu tự nhiên, trần tục như trên là việc làm của một thứ chủ nghĩa nghệ thuật có hệ thống lý luận và cố tình tạo ra ý đồ nghệ thuật bởi những nghệ sĩ lão luyện tay nghề trong chuyên môn của họ. Còn với Lệ Rơi, anh ta không lý luận và cũng không cố tình tạo ra cách hát thọt lét người nghe mà đơn giản chỉ do hát dở trời sinh, do không có khả năng âm nhạc và chỉ là một con số 0 về ý tưởng nghệ thuật.
Cái bẫy dân trí thấp đã khiến nhiều người nhầm lẫn và chỉ quy nghệ thuật vào tiêu chuẩn duy nhất: Giải trí, tệ hơn nữa là giải trí rẻ tiền. Đáng sợ hơn, nó càng tăng thêm hiệu ứng cấp số nhân nhờ vào cái bẫy truyền thông
Mọi sự trở nên bị thổi phồng và đánh đồng hơn nữa khi một bộ phận trong giới truyền thông thò cái vòi bạch tuộc của mình vào bằng sự khủng hoảng tự thân về trình độ và bản lĩnh của người làm báo cùng cơn đói “view” của các tờ báo mạng, nhất là những tờ báo được liệt vào hàng “lá cải”. Họ lao vào bằng các bài viết nông cạn và thiếu hiểu biết về nghệ thuật, đánh đồng mọi khái niệm, kích thích thêm hiệu ứng bầy đàn ở những người dân trí thấp và kích thích tò mò ở tầng lớp dân trí không thấp để tạo nên lượt “like”, đẩy sự việc đi theo tốc độ chóng mặt với lượng chia sẻ, tìm xem trên mạng xã hội tăng lên cấp bội số.
Truyền thông trong 2 hiện tượng nêu trên đã bơm chất tăng trọng ảo vào trong đó bởi đơn giản nó là cái mồi câu lý tưởng cho những “đàn cá dư luận”. Rồi đến lượt sức mạnh dư luận lại lôi kéo truyền thông đi trong dòng chảy hỗn độn của cái gọi là thỏa mãn nhu cầu thông tin. Đến nỗi, đã có tờ báo tổ chức giao lưu trực tuyến với Lệ Rơi với tư cách là người nổi tiếng. Cũng không hề chậm chân, cả một thương hiệu karaoke mới đã nhảy vào khai thác triệt để sức hút Lệ Rơi bằng cách dùng anh này làm hình ảnh “đại sứ” cho thương hiệu của mình!
Từ những cái bẫy bản năng tự nhiên và cái bẫy ý đồ giăng ra để bẫy lẫn nhau, cuối cùng cả quần chúng lẫn truyền thông đều tự sập bẫy, tạo nên một bộ mặt văn hóa nhếch nhác và cẩu thả của mình. Tất nhiên, hiện tượng này sẽ không tồn tại nổi thêm vài tuần nữa. Nó sẽ biến mất rất nhanh khỏi mặt bằng dư luận lẫn truyền thông sau khi đã được “tế thần cười” bởi bất cứ cái gì không tồn tại bằng giá trị và nội lực tự thân thì sẽ mau chóng bị quên lãng.
Hy vọng “thoát đáy”
Với hiện tượng Lệ Rơi, thị hiếu giải trí của một bộ phận công chúng đã rơi xuống tận đáy thì chắc chắn sẽ không còn chỗ nào để rơi tự do tiếp nữa. Như vậy, chúng ta có quyền hy vọng nó sẽ sớm thoát khỏi cái đáy văn hóa kém cỏi này để bắt đầu ở những vị thế cao hơn trong tương lai. Không dám chắc là ở đẳng cấp nào nhưng “thoát đáy” là sẽ bắt đầu!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn