Cái đẹp cứu rỗi cuộc sống
Nhìn nhận các vụ án mạng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra thời gian qua, nhà nghiên cứu, luật sư Nguyễn Trần Bạt cho rằng: Khi chúng ta bàn cái đằng sau tội ác tức là chúng ta đã phạm sai lầm.
Truyền thông phải ẩn ác dương thiện
- Gần đây xảy ra nhiều vụ án mạng đối tượng gây án đều trẻ. Theo ông, đằng sau câu chuyện đó là gì?
Bao giờ chúng ta bàn cái đằng sau tội ác thì tôi nghĩ là chúng ta đã phạm phải một sai lầm. Xưa nay chúng ta đã tạo ra sai lầm là luôn luôn đổ vạ cho cuộc sống. Hiện tượng ấy là những hiện tượng đột biến của cuộc sống.
Để khắc phục những hiện tượng như vậy, không phải xoáy vào câu chuyện tội ác mà cần phải khích lệ những mặt tích cực, những mặt tử tế, những mặt lương thiện của con người, làm cho những kẻ giết người xấu hổ. Một kẻ khi giết người mà không còn xấu hổ nữa thì đó là kẻ giết người bẩm sinh, và đấy là căn bệnh. Chúng ta phải đối mặt với những căn bệnh ấy bằng một công cụ khác, không phải bằng công cụ đạo lý nữa.
Thưa ông, thông tin về các vụ án mạng liên tục xuất hiện trên báo chí mang ý nghĩa cảnh tỉnh hay tạo ra cảm giác bất an?
Truyền thông luôn luôn xoáy vào các hiện tượng nổi bật, mà nó nổi bật cũng do chính truyền thông tạo ra. Những hiện tượng như vậy có đầy rẫy ở trong các xã hội, phương Tây, ở Trung Quốc, ở Ấn Độ đều có.
Ở đâu, lúc nào cũng có những kẻ giết người. Những yếu tố ấy là hạt đỗ đen trong toàn bộ cánh đồng đỗ. Tôi không nghĩ rằng cần phải khái quát thành một hiện tượng có tính chất phổ biến trong xã hội. Phải ẩn ác dương thiện.
Ông có nghĩ rằng những hiện tượng tội ác trở nên nổi bật trên bao chí chỉ vì đơn giản là nó hấp dẫn hơn những hiện tượng lành mạnh?
Tôi có một bài đã được xuất bản thành sách đó là “Nhận thức thế giới trong thời đại thông tin”. Tôi cho là truyền thông của chúng ta có lỗi khi quá tập trung sự chú ý xã hội vào một số hiện tượng tiêu cực mà bỏ quên phần lớn còn lại là hiện tượng rất lành mạnh. Không nên câu khách thông qua phản ánh hiện tượng tiêu cực.
Tôi nghĩ chúng ta phải di chuyển sự chú ý của lớp trẻ ra khỏi những hiện tượng tiêu cực như vậy. Xã hội càng phát triển chậm, mặt bằng dân trí càng thấp thì sự chú ý vào những hiện tượng tiêu cực càng lớn.
Báo chí phải tự giải phóng mình ra khỏi những hiện tượng như vậy. Phải nhớ rằng hiện tượng lành mạnh hấp dẫn hơn hiện tượng tiêu cực. Nhưng chúng ta không biết mô tả một cách hấp dẫn hiện tượng lành mạnh. Có lẽ truyền thông buộc phải nghiên cứu một cách thức tiếp cận với mặt lành mạnh của cuộc sống một cách tự nhiên hơn.
Luật sư Nguyễn Trần Bạt.
ối phó với tội ác bằng sự trong sạch
Trong những vụ án mạng nghiêm trọng kẻ gây án chưa đủ 18 tuổi nên không bị khép hình phạt tử hình. Điều đó làm rất nhiều người căm phẫn. Phải chăng có sự vênh nhau giữa đạo đức và pháp luật, giữa pháp luật và cuộc sống trong câu chuyện này. Dưới góc nhìn của một luật sư ông đánh giá như thế nào?
“Cái đẹp cứu rỗi cuộc sống”, nói về cái đẹp, tạo ra cái đẹp cũng là một cách để đầy lùi tội ác. Tượng thần Venus de Milo và cái gậy có sức hấp dẫn khác nhau. Sức hấp dẫn của cái gậy là nỗi sợ, còn sức hấp dẫn của Venus de Milo là sức hấp dẫn của vẻ đẹp. Nếu anh không đủ năng lực để đưa ra một vẻ đẹp để khuyến khích và tập hợp cuộc sống thì anh buộc phải dùng cái gậy. Và thông qua mật độ xuất hiện của cái gậy và sự xuất hiện của Venus de Milo chúng ta có thể đo độ văn minh của đời sống” - Ông Nguyễn Trần Bạt. |
Vì một hiện tượng tiêu cực mà phải xé bỏ những chỉ giới của luật pháp quốc tế tức là chúng ta xem hiện tượng tiêu cực ấy quan trọng hơn cuộc sống. Tôi nghĩ rằng chúng ta buộc phải tuân thủ các chỉ giới của pháp luật, cho dù pháp luật ấy nó vẫn còn có vấn đề, cho dù nó thất bại trong một số hiện tượng cá biệt. Nếu chúng ta uốn cong luật pháp để giành thắng thế trong bất kỳ hiện tượng có tính chất tư pháp nào thì chúng ta là kẻ thất bại về mặt tư pháp.
Tôn trọng pháp luật, xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật thực chất là bảo vệ nhà nước của chúng ta. Bởi vì nhà nước phải dựa trên căn bản một hệ thống pháp luật tương đối ổn định. Khi thấy ở luật pháp có sự bất cập thì chúng ta phải uốn nắn lại nó thông qua con đường lập pháp, con đường tư pháp chứ không phải thông qua điều chỉnh thái độ của chúng ta đối với các điều luật.
Chắc hẳn việc một người dưới 18 tuổi không bị kết án tử hình dù phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đã thể hiện sự tiến bộ và nhân văn của pháp luật?
Bây giờ kể cả với những người thành niên rồi thì cũng đã có khá nhiều nước hủy bỏ án tử hình. Quốc hội chúng ta cũng đã từng thảo luận là có duy trì hay không duy trì án tử hình. Tử hình không phải là một cách thức tốt để khuyến dụ con người.
Nếu con người là một đối tượng dân sự có tài sản, có ràng buộc và được tôn trọng thì ngay sự không tôn trọng nó đã là một sự trừng phạt khổng lồ rồi. Vì thế, việc có ý kiến đòi hỏi phải xé bỏ luật để tử hình cho được một người vị thành niên là điều rất nguy hiểm.
Nói nhiều đến tội ác và trừng phạt chắc không phải cách tốt để hướng giới trẻ tới sự lương thiện. Làm thế nào để giới trẻ có thể tự vệ trước sự tha hoá của đời sống?
Tôi nghĩ cộng tác với lớp trẻ và thổi vào họ một nhận thức gì đấy, một tình cảm, một thái độ… là rất tốt. Khi chúng ta nói chuyện với giới trẻ chúng ta không nói đến tội ác, tội phạm.
Cuộc sống sẽ dạy cho họ đủ các bài, chúng ta không dạy thêm những bài ấy. Và trong những cách để con người tự vệ trước sự tha hóa của cuộc sống thì trong sạch là vũ khí quan trọng nhất, chứ không phải dạy nó kinh nghiệm để đối phó với tội ác. Kinh nghiệm lớn nhất để đối phó với tội ác là giữ cho mình trong sạch.
Một nhà toán học cũng đã hỏi tôi rằng: đọc sách của ông tôi thấy ông khuyên những người trẻ nên giữ gìn sự lương thiện. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, càng lương thiện càng dễ chết, vậy làm thế nào để giải thích hiện tượng này? Tôi trả lời: Là một nhà toán học thì anh biết rất rõ rằng không ai mặc cả với tiên đề. Sự lương thiện là tiên đề để hình thành con người, không mặc cả với nó được.
Có thể chết, có thể thua thiệt vì sự lương thiện, nhưng không thể hy sinh sự lương thiện để không thua thiệt và để không chết.
Cảm ơn ông.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015