Đạo kinh doanh cũng là đạo làm người

09:36 SA @ Thứ Năm - 02 Tháng Hai, 2006

Vốn là cán bộ đoàn, học sư phạm, tôi làm doanh nhân do… thời thế. Gọi nôm na là nghề chọn mình. Không được đào tạo bài bản, chỉ qua trường đời. Từ thực tiễn tôi có một góc nhìn riêng về đạo đức kinh doanh.

Làm nghề gì cũng phải có đạo đức

Đạo đức là nền tảng của xã hội - mỗi người có đạo đức cá nhân và ngành nghề có đạo đức nghề nghiệp. Kinh doanh cũng vậy. Đạo đức kinh doanh không chỉ được quy định bởi luật pháp mà còn tùy thuộc vào truyền thống mỗi dân tộc và lương tâm người lãnh đạo doanh nghiệp. Có việc luật pháp không cấm nhưng trái với văn hóa người Việt thì mọi người cũng phải dựa theo đó mà hành xử. Lãnh đạo vô đạo đức thì thuộc cấp hư hỏng là đương nhiên.

Ở Việt Nam, trong giáo trình đào tạo chưa thấy ngành nghề nào đưa đạo đức nghề nghiệp vào chính khóa để giảng dạy, để kiểm tra trước khi cấp bằng? Đáng lẽ ra đây là bài học nhập môn. Sẽ có những người bị loại từ đầu bởi thiếu đạo đức nghề nghiệp. Tài xế không chỉ giỏi kỹ thuật lái xe mà quan trọng hơn phải luôn nhớ đếntính mạng hàng chục người trên đường thiên lý đang trong tay mình.

Trước khi làm bất cứ nghề gì phải học làm người, học từ lứa tuổi mẫu giáo. Một sinh viên trường Đại học Huế đã hỏi tôi trong lần giao lưu “Sinh viên với doanh nhân” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức: “Tiêu chí nào để ông lựa chọn nhân viên?”. Tôi đã trả lời: “Cần một chữtâm, tâm đối với đời, tâm với người, tâm với nghề, sau đó mới tính tới những thứ khác”. Mỗi nhân viên khi thử việc đều được làm quen các hoạt động xã hội và bài học đầu tiên là lòng nhân ái.

Có một thời người ta gọi giới doanh nhân trong nước là gian thương. Các doanh nhân ngày nay đã chứng minh ngược lại. Họ làm giàu cho cá nhân, gia đình và xã hội. Các hoạt động hướng về cộng đồng đã thể hiện phần nào trách nhiệm của doanh nhân, đó cũng là đạo đức kinh doanh vậy.

Khách hàng và thương trường

Là doanh nhân cần có sự trung thực với khách hàng và minh bạch về các sản phẩm cũng như dịch vụ của mình. Một doanh nghiệp có lòng tự trọng sẽ không dám tự khen mình trước thiên hạ, càng không bao giờ dám vỗ ngực nói thêm dù chỉ là trong quảng cáo. Nhưng trong thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp tự khen mình về chất lượng, danh xưng đại ngôn, lập lờ về sản phẩm…Khách hàng chẳng biết đâu là thực hư dù họ được tâng bốc nào là vua, là thượng đế!

Nếu nói khách hàng là “vua” thì xã hội này không có dân vì mỗi người đều là khách hàng của nhau. Chưa có xã hội nào chỉ toàn “vua” mà không có dân cả? Nói khách hàng là “thượng đế” cũng chẳng đúng, bởi chưa ai thấy thượng đế bao giờ?Hay nói khách hàng là “ân nhân” cũng chưa hẳn đúng.

Mua - bán là quan hệ song phương, tự nguyện theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, cùng cần nhau. Người mua cần những người bán trung thực, ăn lời vừa phải, biết lắng nghe… Người bán cũng cần người mua chân tình, biết góp ý và giúp mình giới thiệu sản phẩm đến người khác… Vì thế, tôi quan niệm khách hàng là người thân. Tùy tuổi tác mà có cách xưng hô nhưng đối xử thì bình đẳng.

Đạo đức kinh doanh dạy tôi biết cảm ơn khách hàng (và họ cũng cảm ơn lại mình), đồng thời biết xin lỗi và tự giác hoàn trả lại tiền và đền bù thiệt hại khi sản phẩm hay dịch vụ của mình bị khiếm khuyết. Khi bán hàng, tôi luôn đặt mình vào vị trí người mua với lời dạy của Khổng Tử: “Kỷ sởbất dục vật thi ư nhân”.

Tôi cũng không đồng tình quan điểm: “Thương trường là chiến trường”. Từng là người lính, tôi biết trên chiến trường chỉ có ta và thù, và ở đó cũng chỉ có khái niệm: thắng - thua hay sống - chết. Mấy năm làm doanh nhân càng giúp tôi khẳng định: “Thương trường không phải là chiến trường”. Thương trường không có kẻ thù, chỉ có bạn, cả bạn tốt lẫn bạn xấu. Nếu đã coi nhau như kẻ thù thì cần gì các hiệp hội, các câu lạc bộ ngành nghề để tương trợ, liên kết với nhau?

Tôi là người theo chủ nghĩa hoài nghi nhưng lại sống lạc quan. Làm doanh nhân trước hết là làm người và luôn tự răn mình:“Trí thì không nghi người. Dũng thì không sợ người. Nhân thì không hại người”. Đạo kinh doanh suy cho cùng cũng là đạo làm người. Mình có thể làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho công ty nhưng không được phương hại đến người khác.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: