Kiểm định chất lượng giáo dục?
Chất lượng giáo dục là vấn đề được bàn cãi nhiều. Những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học quốc tế dựa trên số liệu thống kê hàng chục năm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy những bằng chứng mạnh mẽ về mối quan hệ nhân quả giữa chất lượng giáo dục và tăng trưởng kinh tế nói riêng và phát triển nói chung.
Những kết quả khoa học này phù hợp với lẽ phải thông thường khá đơn giản là: những người có hiểu biết, có kỹ năng, có tay nghề cao là những người làm việc có hiệu quả và vì thế thường có thu nhập cao. Khi người dân của một nước có hiểu biết, có những kỹ năng được cập nhật phù hợp, có năng lực sáng tạo, có tinh thần kinh doanh, năng nổ và thích ứng nhanh với sự thay đổi,... thì ở nước đó có sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội.
Một hệ thống giáo dục có chất lượng là hệ thống giúp tạo ra những con người có những phẩm chất như vậy. Đấy là những sự thật không quá khó hiểu. Như thế hệ thống đánh giá chất lượng giáo dục là hệ thống đo lường kết quả đầu ra của hệ thống giáo dục. Không có đo lường thì không có khoa học, không có cơ sở để đánh giá. Dựa trên những sự thực đơn giản này hãy xem xét vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục ở ta.
Thật đáng tiếc chúng ta đã chưa chú ý đúng mức đến đánh giá chất lượng giáo dục. Việc lập Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục năm 2003 vẫn mang nặng dấu ấn của thời quản lý tập trung. Theo tôi, đến nay chúng ta vẫn chưa làm thật rõ những khái niệm như chất lượng giáo dục là gì; đánh giá, thẩm định, kiểm định chất lượng giáo dục là thế nào; ai tổ chức, ai làm những công việc đó, v.v...
Đầu tiên, đánh giá chất lượng giáo dục, như đã nói ở trên, là đo lường chất lượng đầu ra của hệ thống giáo dục. Những người đánh giá có thẩm quyền nhất (nếu không nói là duy nhất) là những người sử dụng lao động và sự đánh giá được thực hiện trên thị trường lao động.
Hiện nay bản thân hệ thống giáo dục (và cơ quan quản lý của nó) không có thẩm quyền đánh giá. Đánh giá là đánh giá từ bên ngoài, từ những người sử dụng lao động theo các tiêu chí về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất do họ nêu ra và những tiêu chí đó thay đổi không ngừng. Một thời mục đích của hệ thống giáo dục là đào tạo ra những người phục vụ cho chính bộ máy nhà nước (ở nước ta từ ngàn xưa đến gần cuối thế kỷ trước vẫn là vậy: học để làm quan, để làm cán bộ) và trong trường hợp đó Nhà nước là người sử dụng lao động, là người đánh giá chất lượng theo tiêu chí của mình.
Từ hơn 20 năm nay Nhà nước chỉ còn là một người sử dụng lao động "nhỏ" và vai trò của Nhà nước cũng phải thay đổi. Chừng nào Nhà nước chưa nhận ra vai trò "đã thay đổi" của mình, thì đó là khó khăn lớn nhất để cải thiện chất lượng giáo dục nói riêng và phát triển đất nước nói chung.
Thứ hai, kiểm định chất lượng có nghĩa là ai đó có thẩm quyền nêu ra những tiêu chí được cho là gắn với chất lượng và tổ chức việc kiểm định xem các trường có đạt được các tiêu chí đó hay không. Tuỳ vào các tiêu chí và những khuyến khích mà chúng tạo ra, hệ thống kiểm định có thể góp phần nâng cao chất lượng hay gây ra những hậu quả khôn lường.
Việc lập Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục là một bước tiến theo hướng này, còn mang nặng dấu ấn quản lý tập trung và chứng tỏ Nhà nước chưa nhận ra vai trò "đã thay đổi" của mình. Không một cơ quan nào, một hội đồng nào (dù có gồm những người thông minh nhất) có thể nêu ra những tiêu chí phù hợp với thị trường lao động luôn biến đổi. Năm 2004 bộ Tiêu chí kiểm định chất lượng đại học được ban hành với 40 tiêu chí.
Các tiêu chí, đôi khi được chuẩn hoá cứng, có thể tạo ra một hệ thống đại học "đồng đều" hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng của thị trường lao động. Kiểm định hay thẩm định chất lượng đại học phải để cho các tổ chức độc lập phản ánh nhu cầu đa dạng của xã hội tiến hành.
Dự thảo kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông nêu ra 30 tiêu chí. Chỉ nêu một tiêu chí: "trường phải có tường rào bao quanh, tổng diện tích mặt bằng tính theo đầu học sinh trong một ca hơn 6m2...; có đủ công trình phòng học, phòng bộ môn, khu vui chơi, bãi tập... Đủ phòng học để tổ chức 2 ca/ngày, mỗi ca không quá 45 học sinh/lớp..." nghe có vẻ rất có lý, song tiêu chí này tạo ra khuyến khích chi tiêu, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý "đòi" thêm ngân sách, khó khả thi và chưa chắc sẽ nâng cao chất lượng.
Hãy để các trường tự chủ, cạnh tranh nhau, tự nêu ra và đăng ký tiêu chuẩn chất lượng. Hãy để các cơ quan thẩm định hay kiểm toán bên ngoài (có thể do các hiệp hội cao đẳng đại học, và những người sử dụng lao động, đại diện phụ huynh, sinh viên tổ chức) thẩm định xem họ có làm đúng quy định của chính mình hay không.
Tổ chức các kỳ thi ngoài, tham gia vào các chương trình đánh giá chất lượng quốc tế, tạo ra khung khổ pháp lý để buộc các trường có trách nhiệm giải trình, hoạt động minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, để các tổ chức độc lập thẩm định chất lượng... là việc Nhà nước nên làm thay cho ôm lấy việc "kiểm định chất lượng" một việc Nhà nước làm không tốt và có nhiều nguy cơ gây ra các hậu quả khó lường.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng