Đầu tư cho chất lượng giáo dục, đâu là trọng điểm?
Mục tiêu của đầu tư cho giáo dục (GD) cốt là để nâng cao chất lượng GD – bước đầu của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.
Không đầu tư tràn lan, dàn đều; phải đầu tư có trọng điểm, có ưu tiên để tạo nên sức bật và sức kéo từ trọng điểm. Đó là chiến lược đầu tư mà nước Nhật (và sau này là những “con rồng” khác của châu Á) thực hiện trên mọi lĩnh vực kinh tế, kể cả giáo dục.
Vấn đề còn ở chỗ tìm cho đúng: đâu là trọng điểm của GD, để ưu tiên dồn công sức vào đó, rồi từ đó tạo nên một hiệu ứng dây chuyền cho mọi chất lượng thật sự (không phải là chất lượng ảo)?
Lâu nay ở VN người ta vẫn hay đổ thừa việc dạy học kém chất lượng là do thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất. Nhưng trên thực tế như báo chí đưa tin, nhiều trường nghèo dạy vẫn tốt, nhiều trò nghèo học vẫn giỏi, có khi còn giải hơn nơi giàu. Nói như vậy không phải để “ráng chịu” nghèo và khuyến khích cái nghèo. Nếu được tiếp sức về kinh phí và cơ sở vật chấtthì chất lượng dạy học sẽ có cơ hội được nâng cao hơn. Nhưng đó là “cơ hội”, là tác nhân khách quan, thay vì nội lực – nguyên nhân chủ quan. Nếu có cơ hội mà non yếu về nội lực thì chất lượng dạy học (hạt nhân của chất lượng GD) vẫn thấp kém. Con nhà giàu, học trường giàu mà vẫn không lo học hoặc học lơ mơ thì vẫn là kẻ vô tích sự, chẳng có chút chất lượng nào!
Cũng hoàn cảnh như VN, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc phải đi lên từ đổ nát của chiến tranh, từ nghèo đói và lạc hậu. Nhưng cách dạy và cách học của họ không đến nỗi lạc hậu ngay từ đầu – khi vẫn còn “bụng đói mà đi dạy và uống nước lã để đi học”. Chẳng hạn, họ không cam chịu cái kiểu “thầy đọc – trò chép”, dù ở bậc tiểu học. Họ cũng phê phán gay gắt nạn quay cóp và coi việc học thuộc lòng bài ghi hoặc sách giáo khoa để “trả bài” khi kiểm tra là một biểu hiện rất kém cỏi của chất lượng GD.
Khi nền kinh tế của họ đã khá dần lên, họ càng dồn sức đầu tư cho chất lượng GD từ việc cải tiến phương pháp (trước hết là phương pháp quản lý giáo dục, đi liền với đổi mới phương pháp dạy học) theo hướng ngày càng tích cực hơn. Họ quan niệm: sau khi “thực” đã đủ để vực được “đạo”, đến lượt “pháp” phải đúng mới nâng được “chất”. Họ cũng chú ý đến hình thức bên cạnh thực chất, nhưng không chuộng hình thức đến mức “có vỏ mà rỗng ruột hoặc ruột dỏm” vẫn được coi là “oai”! Với họ, dù học sinh có thực hành ở phòng Lab hay được trang bị máy tính, thì đó chỉ là lớp vỏ, còn “ruột” của chất lượng dạy học phải được xác định từ 4 thái độ căn bản sau đây (trả lời có/không, mạnh/yếu) trong dạy học: 1- Thái độ cầu học, 2- Thái độ khiêm tốn. 3- Thái độ tìm tòi. 4- Thái độ sáng tạo.
Chính việc nâng cấp 4 thái độ đó góp phần trực tiếp cải thiện phương pháp dạy và phương pháp học theo hướng tích cực, giúp cho “ruột” của chất lượng GD thêm “đặc” và không “dỏm”. Quan niệm đó của Nhật bản, Hàn quốc, Singapore đã được Tổ chức UNESCO ghi nhận thành những tiêu chuẩn GD của thanh niên thế giới khi bước vào thế kỷ 21 (xem TTCN 27-8-1995).
Như vậy, đầu tư trọng điểm trong GD là nhằm vào nội lực – vào ý thức và cách thức, vào thái độ và phương pháp của người dạy và người học, chứ chủ yếu không nhằm vào ngoại lực – như cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật đành rằng không nên thiếu chúng. Nhưng trong hoàn cảnhđang thiếu vật chất thì điều mà luôn luôn không thể thiếu và yếu ấy là nội lực phải tích cực. Bài học đầu tiên và cũng là bài học lớn nhất của nền GD Nhật Bản là như thế. Vì vậy, ngay mỗi trang đầu của sách giáo khoa ở Nhật, họ nhắc nhở học sinh đại ý: “Đất nước chúng ta không được thiên nhiên ưu đãi. Cho nên các bạn hãy tự biết khai thác nguồn lực của chính mình cho Tổ quốc”.
Để giúp nội lực được thăng hoa, yếu tố nào trong quản lý GD có ý nghĩa quyết định? Đó là nội dung và phương pháp dạy học có khơi dậy và phát huy mạnh tính tích cực nhân bản hay không. Nếu nội dung không có tình huống để suy nghĩ, lại quá tải về lý thuyết, nếu phương pháp thiên về đọc-chép để áp đặt, lại nhồi nhét và thuộc lòng điều đó đồng nghĩa với sự bào mòn và triệt tiêu nội lực.
Cho đến ngày nay, một đất nước quá giàu như Nhật Bản, tiền của và vật chất dư thừa, nhưng trong GD họ không cho phép thày giáo và học trò ỷ lại vào máy móc tân tiến. Với họ, toạ độ của chất lượng cao không nằm ở phòng Lab hoặc ở giờ học có nối mạng, mà thường trực ở những thấy giáo và học trò có thái độ và phương pháp dạy- phương pháp học tích cực. Họ quan niệm rằng chất lượng GD không bao giờ chỉ là vấn đề của kinh phí, mà chủ yếu là vấn đề của ý thức và nhận thức, của xu thế đổi mới cách làm từ trong cách nghĩ. Đồng tiền chỉ hỗ trợ cho tư duy và hành động, chứ không thể thay thế được chúng.
Ấy vậy mà ở VN mới đây Bộ GD-ĐT lại dự kiến tăng học phí với lý do “học phí tăng sẽ tỉ lệ thuận với chất lượng đào tạo”. Đó là kiểu biện luận theo lối tư duy tiểu nông: học phí tăng --> bổng lộc tăng --> cơ sở vật chất tăng --> chất lượng GD tăng! Quan niệm như thế chưa thoát khỏi vòng ấu trĩ trong vấn đề nâng cao chất lượng. Việc cải thiện cơ sở vật chất khôngkhó (nếu có tiền) nhưng cải tiến cách dạy và cách học theo hướng tích cực mới là chuyện cực kỳ khó (dù đã có tiền), vì đây là cái khó từ việc chiến thắng nếp cũ, đánh bại bảo thủ, đánh gục sức ỳ tâm lý, xây dựng nếp mới trong việc dạy và học.
Để rút ngắn khoảng cách tụt hậu về cơ sở vật chất và thiết bị kỹ thuật GD, hiện nay đã có rất nhiều trường học ở VN làm được điều đó. Nhưng trong số đó đã có mấy trường đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng dạy và chất lượng học? Hình như chưa! Trong khi chúng ta đã phải chứng kiến những sự thật rùng mình về chất lượng GD ở phổ thông trong hai năm vừa rồi, qua hai mùa thi cử! Và sự rùng mình đó chắc sẽ còn kéo dài chưa biết bao giờ mới dứt, nếu không có một cuộc cách mạng thật sự về phương pháp dạy và phương pháp học. Lời nói sau đây của GS-TS Nguyễn Cảnh Toàn (nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT) đáng để toàn ngành GD phải ngẫm suy: “Không sợ thiếu công nghệ dạy học bằng thiết bị hiện đại. Chỉ sợ thiếu ý thức dạy học tích cực bằng não công, bằng tìm tòi sáng tạo. Đừng quá sùng bái cơ sở vật chất và kỹ thuật trong dạy học. Có máy mà ỷ lại vào máy, không nỗ lực tư duy, chỉ vô ích, không hiệu quả”.
Quang Dương, Tuổi trẻ chủ nhật - 9.11.2003
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi