Bảy yếu tố tạo nên chất lượng giáo dục thực và ''ảo''
(VietNamNet) - Ngành GD-ĐT đang chuẩn bị cho công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ năm 2003. Những dư âm của mùa thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2002 vẫn còn nguyên ''vị đắng''. Không chỉ xã hội, mà ngay cả Bộ GD-ĐT, cơ quan chủ quản của ''giải pháp ba chung'' trong đó có chung đề thi, cũng bị bất ngờ bởi kết quả chất lượng thi quá thấp.
Điểm thi bình quân của gần 830 nghìn thí sinh trúng tuyển chỉ đạt 8,3 điểm/30 điểm/3 môn thi; trong khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đó, tỷ lệ học sinh thi đỗ tới gần 95%. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XI vừa qua, trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển biện minh về sự khác nhau của hai kỳ thi: ''Thi tốt nghiệp phổ thông là đánh giá và công nhận trình độ học vấn theo một số yêu cầu nhất định, trong khi kỳ thi ĐH, CĐ mang tính tuyển chọn!''. Tuy nhiên, những người am hiểu giáo dục có nhận xét kết quả thi tuyển sinh thực ra không phải là điều đáng bất ngờ. Những kỳ thi ĐH, CĐ trước đây, do cách tổ chức thi khác mà chất lượng giáo dục đã không có cơ hội bộc lộ. Còn lý lẽ của Bộ trưởng GD-ĐT vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Bởi lẽ cho dù là tuyển chọn, thì ít nhất điểm bình quân cũng phải đạundefinedt tới điểm số trung bình cho 3 môn thi, chứ không thể quá kém đến như vậy. Hơn nữa, cho dù là tuyển chọn, thì giữa kết quả thi tốt nghiệp phổ thông và ĐH cũng không thể ''vênh'' đến một 5, một 10, bởi tính kế tiếp, liên tục của nó, nhất là khi đề thi ĐH năm nay lại được đánh giá là ''dễ, bám sát chương trình phổ thông, không đánh đố, không lắt léo''. Như vậy, chỉ có thể chất lượng giáo dục là yếu thực chất, nhưng lại mạnh ''ảo'' qua thi tốt nghiệp.
Vậy những yếu tố nào tạo nên cái thực, cái ảo đan xen để tạo nên sự ''ảo vọng'' cho các bậc cha mẹ và cả xã hội? Xem xét những điều kiện dạy - học - thi, ở các giải pháp kỹ thuật và quản lý, người ta nhận thấy có 7 yếu tố, trong đó có 3 yếu tố trực tiếp, 4 yếu tố gián tiếp tạo nên chất lượng giáo dục thực và ''ảo''. Ba yếu tố tạo nên chất lượng giáo dục yếu thực chất là nội dung, chương trình, sách giáo khoa (SGK); phương pháp dạy, học; và ngân sách đầu tư. 3 yếu tố, cũng là 3 điều kiện liên hoàn này từ lâu không còn là vấn đề mới mẻ và xa lạ với xã hội. Bản thân ngành GD-ĐT, trước công cuộc đổi mới đã phải thừa nhận chương trình, nội dung SGK phổ thông hiện hành mang tính ''hàn lâm'', ít tính ứng dụng, thực hành, không giúp cho học sinh phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, chủ động và tích cực học tập. Một giáo sư - nhà giáo nổi tiếng đã nhận xét ngắn gọn: ''Chương trình giáo dục phổ thông vừa nặng lại vừa thấp''.
Gắn với chương trình, nội dung, SGK nặng tính ''hàn lâm'' như bóng với hình là phương pháp giảng dạy thụ động thày đọc - trò chép. Phương pháp thày đọc - trò chép không chỉ là của riêng giáo dục phổ thông, mà còn là của ngành đào tạo ĐH. Chả thế, người ta vẫn gọi ĐH là phổ thông cấp 4. Bản thân người thày phổ thông, khi được đào tạo ở các trường sư phạm, đã là sản phẩm của phương pháp thày đọc - trò chép. Bởi thế mới có hiện tượng giáo viên vật lý, hóa học mô tả các thí nghiệm bằng... miệng; mới có hiện tượng, giáo viên vật lý không hề biết thực hành về điện...
Chất lượng giáo dục còn phụ thuộc vào điều kiện không thể thiếu - kinh phí. Mấy năm trở lại đây đầu tư cho GD-ĐT đã đạt tới tỷ lệ 15% tổng ngân sách nhà nước. Nhưng thực tế, 80-90% ngân sách này đã chi trả cho lương giáo viên, còn lại mới chi cho các hoạt động giáo dục khác. Mặc dù mục tiêu giáo dục của ngành tuyên bố ''giáo dục toàn diện'', nhưng thực chất hầu hết các trường, kể cả trường chuyên, cơ sở vật chất cực kỳ thiếu thốn: thiếu sân chơi bãi tập, nhà đa chức năng, phòng học bộ môn, thư viện, phòng đọc, phòng thí nghiệm thực hành và thiết bị giáo dục. Thật khó mà hình dung ra được mô hình con người phát triển toàn diện lại được đào tạo trong một môi trường chỉ có bàn ghế, sách vở, phấn trắng, bảng đen; không những thế, nhiều nơi vùng sâu vùng xa, không có cả sách, vở, bàn ghế . Khi được hỏi kinh phí đào tạo cho một học sinh phổ thông, một cán bộ có trách nhiệm về kế hoạch - tài chính đã lắc đầu: ''Thấp lắm, không đáng kể, nên không thể nói ra!''.
Nhưng vì sao, nhiều năm nay, ngành GD-ĐT vẫn đưa ra những tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp khá cao, những tỷ lệ học sinh khá giỏi, tạo nên chất lượng ''ảo''. Có 4 yếu tố thuộc về các giải pháp quản lý - 4 yếu tố gián tiếp góp phần đắc lực.
Trước hết là các chỉ tiêu thi đua. Về tổng thể, chỉ tiêu này không sai, thậm chí là đúng đắn để cổ vũ, khuyến khích phong trào dạy tốt, học tốt. Nhưng trong quá trình chỉ đạo , nó đã biến thành một sức ép lớn: sở chỉ đạo trường - phải có bao nhiêu học sinh khá, giỏi mới là lớp tiên tiến. Trường chỉ đạo tiếp giáo viên, cụ thể hơn: lớp phải có bao nhiêu học sinh khá giỏi mới là lớp tiên tiến, giáo viên giỏi Các tỷ lệ học sinh khá, giỏi, quan hệ rất chặt chẽ với các danh hiệu bình bầu, với cái ''danh''. Khác với các ngành kinh tế, kỹ thuật, sản phẩm giáo dục được thẩm định trực tiếp bằng điểm số do chính giáo viên quyết định (trong khi chất lượng thực chất lại do xã hội thẩm định, và cũng phải 5-10 năm sau, mới thấy hết). Và thế là giáo viên có quyền ''nống'' điểm, ''cấy'' điểm, dẫn đến tình trạng học sinh, các bậc cha mẹ ''xin'' điểm giáo viên. Chất lượng thực và ''ảo'' lẫn lộn.
Chúng tôi có dịp phỏng vấn một học sinh nữ ở nông thôn đoạt giải nhì văn quốc gia. Em còn được biểu dương là học sinh giỏi toàn diện các môn. Nhưng thật bất ngờ khi em ngập ngừng rất lâu: ''Em chưa học giỏi toàn diện như thế đâu. Nhưng có lẽ được các thầy các cô thương. Thấy em học và thi vất vả, các thầy các cô nâng điểm cho em thôi. Chứ sức học của em chỉ loại trung bình''. Em là học sinh, em còn trong sáng, có lẽ còn biết day dứt, biết băn khoăn trước những điều không thật. Nhưng một khi, sự nói dối của người lớn đã thành ứng xử thường tình ngay trong môi trường sư phạm, nó sẽ di họa ẩn sâu
Tâm lý thành tích chủ nghĩa không phải chỉ của riêng ngành GD-ĐT, mà nó đã trở thành căn bệnh trầm kha, vô phương cứu chữa của cả xã hội, các cấp ủy, chính quyền các địa phương, phản chiếu nhất là ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp phổ thông cao hay thấp, đã không còn là của riêng ngành GD-ĐT, mà đã trở thành ''màu cờ, sắc áo'' của chính địa phương đó trước con mắt nhân dân, trước con mắt xã hội. Chính vì thế ngành GD-ĐT các địa phương, đứng đầu là giám đốc sở GD-ĐT phải chịu một sức ép tâm lý cực lớn ở mỗi kỳ thi tốt nghiệp. Từng có chuyện giám đốc sở GD-ĐT một địa phương nổi tiếng là đất học, khi chấp nhận tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh mình có 75%, ông đã phải kiểm điểm ''lên bờ, xuống ruộng'' trước tỉnh ủy, UBND và HĐND tỉnh đó. Lại có những sở GD-ĐT khác, từng chấp nhận tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh mình có 25% và 31%, đã bị chính ngành GD-ĐT các tỉnh khác la ó. Có một lý do chính đáng trong sự phản ứng với những tỷ lệ này, đó là nếu như quản lý giáo dục dở, giáo viên dạy dở, tại sao lại bắt trẻ em phải trả giá cho những yếu kém của người lớn. Tại sao học sinh lại phải ''hy sinh'' cho sự kém cỏi của giáo viên? Mặt khác, nếu học sinh không tốt nghiệp, phải lưu ban, sẽ lấy đâu ra phòng học, giáo viên, lấy đâu ra trường sở, trong khi cả nước còn thiếu hơn 100 nghìn giáo viên, còn hơn 1.700 phòng học ba ca? Và thế là đố vị giám đốc sở GD-ĐT nào dám đứng mũi chịu sào trước dư luận, bảo lưu các tỷ lệ đỗ thực chất ? Họ lại tiếp tục hành trình ''vết xe đổ'': sở chỉ đạo trường, trường chỉ đạo giáo viên chấm thi, chấm nâng điểm, ''nống'' điểm; kết hợp với sự coi thi, thi cử vốn không nghiêm túc Tất cả, nhào trộn ra một thành tích, một tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chất lượng ''ảo'', lạc quan ''ảo''.
Góp phần vào chất lượng giáo dục ''ảo'' còn có sự tiếp tay không nhỏ của các trường ĐH. Trong các kỳ thi tuyển sinh trước đây, khi ngành GD-ĐT chủ trương các trường tự ra đề thì cũng chính giảng viên các trường mở lò luyện thi. Thí sinh thi vào trường ĐH nào, tâm lý suy diễn và xu hướng tất yếu, sẽ luyện thi ngay trong lò luyện thi của giảng viên các trường đó cho hợp ''gu'' đề thi của trường. Trường tự ra đề, giảng viên mở lò luyện thi, không những thế, nhiều trường còn xin phép Bộ GD-ĐT nhân điểm thi đầu vào lên theo hệ số 1, hệ số 2, cho ''đẹp'' đầu vào, và cũng là đẹp lòng các bậc cha mẹ thí sinh, nâng cao uy tín trường mình trước xã hội. Chính vì thế, ở các kỳ thi tuyển sinh ĐH trước đây, sự yếu kém thực chất của chất lượng giáo dục phổ thông khó có điều kiện bộc lộ.
Chất lượng giáo dục thực và ''ảo'' nói trên xét cho cùng là sản phẩm của một nền giáo dục vốn có mục đích rất rõ ràng, đó là đào tạo những người lao động năng động, sáng tạo, có khả năng giải quyết những vấn đề từ thực tiễn nảy sinh, Nhưng tiếc là phương thức tổ chức, cách làm giáo dục thực chất lại rất thực dụng, trước mắt, nặng tính đối phó với xã hội, theo kiểu ''mì ăn liền''. Đó là học sinh đi học, bên cạnh SGK lại có sẵn sách bài tập, sách in đáp án, học sinh đi thi có sẵn bộ đề thi mà theo lời một quan chức ''Thí sinh chỉ cần học thuộc 150 mẫu đề thi thì cũng thu lượm được một cái gì đó!''. Cái gì đó, phải chăng là tính thụ động, sự ỷ lại, sự lười nghĩ và thiếu trung thực, hoàn toàn mâu thuẫn và xa lạ với mục tiêu giáo dục và đào tạo, với tuyên bố sứ mạng của ngành?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm