Chất lượng giáo dục thấp vì sao?

03:51 CH @ Thứ Ba - 21 Tháng Mười, 2003

1. Thông tin để suy ngẫm

Sau khi quá nhiều báo đưa tin và bình luận về thống kê điểm thi của 2 kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng theo kiểu “3 chung” với những đề thi không khó gì so với chương trình đã học mà có tới 25.000 thí sinh chỉ đạt tổng 3 môn là 0 và 0,5 điểm, 70% thí sinh đạt dưới 10/30 điểm cho 3 môn, 87% thí sinh đạt dưới 15/30 điểm cho cả 3 môn, - dư luận chung vừa buồn vừa giận, thậm chí  rùng mình!

Đầu tháng 9-2003. Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo  (GD&ĐT) lần đầu tiên đã có “lời  thừa nhận thẳng thắn”: “Nguyên nhân chủ yếu hạn chế chất lượng giáo dục của chúng ta hiện nay là nguyên nhân nội tại của ngành Giáo dục”. Đúng là không thể đổ lỗi cho ai! Nhưng Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển lại không ngần ngại mà nói tiếp rằng :”Câu trả lời trước tiên phải từ các địa phương. Chúng tôi sẽ yêu cầu các địa phương trả lời chúng tôi tại sao?”

Hoá ra là làm bộ trưởng thì không dại gì không hỏi cấp dưới, không bắt cấp dưới trả lời.

Ngày 23-9-2003, ông Trần Văn Nhung, thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Thời gian qua, Bộ vẫn áp dụng phương thức 3 chung (chung đợt, chung đề, chung kết quả thi) trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng nhưng làm như vậy vẫn còn chưa ổn. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT chỉ giữ lại việc chung đề thi, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng sẽ làm nhiệm vụ xây dựng ngân hàng đề thi, các trường chủ động thời gian và phương thức tuyển sinh. Cũng theo ông Nhung, trong tương lai có thể sẽ tổ chức tuyển sinh 2- 3 lần/ năm.

Như vậy ông Nhung chỉ thừa nhận "còn chưa ổn" chứ không phải sai! Lại một lần con em nhân dân được dùng làm vật thí nghiệm (mỗi năm khoảng 1 triệu tú tài) và cái lãi ảo 500 tỉ mỗi kỳ thi vẫn thấy chưa ổn! Cần nói thêm rằng, ông Nhung còn là đồng tác giả của Trường đại học ma "Quốc tế châu Á", đào tạo sinh viên không cần tốt nghiệp trung học phổ thông, đào tạo tiến sĩ không cần tốt nghiệp đại học và hàng năm tuyển sinh 4-5 lần không cần thi tuyển chỉ cần thi tiền trên mức sàn : nhiều ngàn đôla Mỹ!

2. Nhân nào, quả ấy

"Ngày nay, giáo dục đại học của ta đang tụt thấp hơn 50 bậc so với đại học của Thái Lan" (Tài liệu của Ban Tư tưởng - Văn hoá, Khoa giáo và Tổ chức T.Ư phục vụ nghiên cứu các kết luận Hội nghị BCH T.Ư lần 6 khoá IX, NXB Chính trị Quốc gia - 2002).

Chất lượng giáo dục đang là một thách thức lớn cho quá trình phát triển, hội nhập. Giáo dục phổ thông đã ở mức báo động cấp ngoại hạng. Các cuộc cải cách triền miên đã làm cho mọi nền nếp, mọi quy tắc bị phá vỡ. Cải cách chữ viết, đã tạo ra mấy thế hệ viết chữ như mèo bới. "Chỉ thấy những sổ và gạch, không thấy đâu là nết người". Cải cách chương trình, SGK sẽ được gì đây? Được học đại lý với diện tích nước ta có số liệu vênh nhau tới 991 km2 trong 4 quyển sách liên quan lớp 5, lớp 8, lớp 9 và hướng dẫn thực hành. Đây là sự cẩu thả hay có ý gì? Bao điều lộn xộn, bát nháo. SGK cải cách Ngữ văn lớp 7 còn đưa vào nhiều bài văn của học sinh trong các cuộc thi, nhiều bài dài 4-5 trang sách, buộc phải học như những tác phẩm kinh điển. Như vậy, người biên soạn được tính trang in lại đỡ mất công biên soạn, phân tích vì chỉ cần bê nguyên xi những gì ban giám khảo đã xem, đã xét. Thật không hiểu cái gì là chuẩn của SGK cho lứa tuổi học trò - tại sao họ không đưa vào bài đọc thêm? Chuẩn "và công phu" biên soạn SGK chỉ được đưa ra để hù doạ những ai ít biết đến công việc đó và bắt người khác phải im miệng!

Theo GS. Võ Tòng Xuân, tình hình giáo dục phổ thông ngày càng xuống dốc, nhưng chưa có ai dám nhìn thẳng vào thực trạng để phân tích nhằm có hướng khắc phục, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long: trên 60% chỉ đạt 3 điểm cho 3 môn thi, trên 90% đạt dưới 5 điểm cho 3 môn thi. Còn với GS. Trần Đình Sử, một trong những người tham gia chỉ đạo cải cách giáo dục, nói :" Nền giáo dục của chúng ta không được thế giới công nhận, bằng phổ thông của chúng ta không được ai thừa nhận, đại học của chúng ta không ai khen cả. Chúng ta chỉ là hạng cuối, chúng ta không có một trường đại học nào được quốc tế công nhận là đủ tiêu chuẩn. Ngay ở Đông Nam Á, chúng ta đang ở hạng cuối và ngày càng tụt hậu". Đúng thật, thế giới làm sao công nhận được khi từ lớp 1 cải cách, trẻ con ta lại học chữ "e" trước, còn người ta lại học chữ "a"! Không tụt hậu sao được khi "Nhân lực - 4 điểm" mà Bộ GD&ĐT đã có văn bản duyệt điểm tuyển cho 2 trường Đại học Dân lập Bình Dương và Lạc Hồng (Đồng Nai). Cầm nói rõ hơn 4 điểm/30 điểm (13% là điểm của yêu cầu nhân lực cho các khu ưu tiên công nghiệp Đồng Nai mà Bộ GD&ĐT chuẩn bị cho tương lai. Con số 13 có lẽ ám anh quá nhiều cho nền giáo dục nước nhà! Trong khi chỉ 13% đạt trung bình trong kỳ thi thì Bộ lấy điểm 13% của yêu cầu để tuyển vào đại học và chắc chắn cũng có rất nhiều thí sinh trên 13 điểm sẽ bị "từ đậu thành rớt".

Trong khi khoảng cách chênh lệch và đầu tư cho học tập của con cái những giữa mức bình quân cao nhất và thấp nhất ở nước ta là 53 lần thì một số người cầm cân nảy mực của Bộ GD&ĐT lại đề ra chủ trương tăng học phí mà thực chất là đánh vào cái túi đã rất rách của người nghèo (vì tăng học phí là tăng đều) lại càng làm cho khoảng cách rộng ra nhiều lần. Mặt khác, đã có khoảng 2.000 lượt người đi nước ngoài khảo sát chỉ riêng cho Chương trình tiểu học, cải cách (có việc đưa chữ "e" lên trước chữ "a"). Còn lương của các chuyên gia tham dự các dự án giáo dục khoảng 12.000 - 15.000 USD/ 1 tháng.

22 triệu học sinh và sinh viên, 25.000 tỉ đồng ngân sách, vay dự án và công trái khoảng 1 tỉ USD; dân đóng góp (xã hội hoá giáo dục ?!) cho tiểu học 44,5%; cho THCS 48,7%; THPT 51,5%; đại học, cao đẳng 30,7% chi phí giáo dục. Như vậy là với giáo dục phổ thông xấp xỉ 50% chi phí do dân đóng góp (trích dẫn cùng nguồn). Phần không nhỏ của tiền dự án dành cho các chuyến đi khảo sát - theo giấy tờ thì đó là những chuyên gia đi tìm hiểu, học hỏi... còn sự thực thì :"Tôi nói thật thế này, các vị đi nước ngoài rất nhiều, đi liên tục nhưng mà đi chơi thôi. Họ đi về, hỏi khoa học thế nào? Không biết! Tổ bộ môn thế nào? Không biết. Sách giáo dục phổ thông họ dạy thế nào? Không biết... Còn người thực sự quan tâm đến giáo dục thì không bao giờ được đi" (lời GS. Trần Đình Sử).

Thế vẫn chưa đủ, ngoài độc quyền in SGK, sách tham khảo của 22 triệu học sinh, sinh viên họ còn nghĩ ra "Bộ đề thi" và "Bộ đáp án" cho đề thi để bán mỗi năm gần 1 triệu bản cho thí sinh thi đại học (trong 10 năm liền, thậm chí có năm còn bán cả đính chính các lỗi trong bộ đề). Thu lợi hàng năm hàng trăm tỉ đồng và tệ nhất là đẻ ra nạn phao thi tràn lan, dạy luyện thi vô tội vạ, còn in lậu cả cuốn: "Những điều cần biết" cho tuyển sinh, ra lệnh thay mẫu giấy thi một cách bất thường (năm 2003) để ăn thêm của mỗi thí sinh một kỳ thi một khoản tiền và huỷ đi bao nhiêu giấy thi đã có sẵn đang tồn đọng. Đấy là Vụ công tác chính trị của Bộ GD&ĐT. Họ tận dụng tối đa và đặt ra các khoản độc quyền tối đa với tiêu chí "công bằng xã hội" và "chống thương mại hoá giáo dục"!

Con em chúng ta ở PTTH vừa qua thí điểm không kết thúc trong 7 năm của chương trình phân ban (3 ban A, B, C) nay lại bước vào cuộ thí điểm phân ban (2 ban A, C kèm thêm môn học tự chọn), lại một đợt in sách mới thay SGK chỉ có sửa đổi 20% thời lượng và chỉ sau 1 năm thôi sẽ được phổ biến đại trà. Đây phải chăng  vẫn là “lại một lần ăn đong vội vã” như có tờ báo đã viết?

Điều 87 của Luật Giáo dục quy định:”Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của cả một bậc học, cấp học ” Thế thì tại sao lãnh đạo Bộ GD&ĐT lại không làm đúng như thế? Chắc chắn họ không thể quên, càng không thể không biết, vì chính họ là những người dự thảo Luật Giáo dục để trình Quốc hội. Hay họ cho rằng họ có quyền làm tất cả vì họ đã thảo ra luật nên có quyền phá luật.

Có lẽ đúng hơn ở đây là thiếu cái tâm, mà như GS. Trần Đình Sử thì họ thiếu lòng yêu nước, ai góp ý tốt như GS thì họ hoan nghênh, nhưng “chúng em chỉ cất vào cặp. Bởi vì cấp trên bận nhiều việc lắm !”. Khi trả lời câu hỏi của phóng viên : ”Theo ông, lý do vì sao họ tiến nhanh được mà ta ì ạch như thế ?”,

GS. Trần Đình Sử nói rằng: “  Rõ ràng họ có các nhà lãnh đạo giáo dục tầm cỡ. Tôi nói điều này chắc chắn làm mất lòng đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Xin nói với các đồng chí giữ chức vụ 5 năm, hai nhiệm kỳ 10 năm. Một thế kỷ cũng được 10 lần 10 năm như thế thôi !”.

Cái tầm đã ở mức như vậy còn cái tâm cũng thiếu nốt thì làm sao mà không gặt hái kết quả như trên? Chỉ vô cùng đau buồn là người nhận quả đắng lại là các thế hệ con em của một nhân dân anh hùng, còn người nhận “lại quả” gồm các dự án vay và các kết quả của sự độc quyền lại là những người mà nhân dân giao phó trách nhiệm tổ chức và quản lý ngành Giáo dục.

Có lẽ còn có những nhà trí thức biết tự trọng như GS. Văn Như Cương khi trả lời một nhà văn :”Nếu tôi là Bộ trưởng, việc đầu tiên là tôi xin từ chức!”. Còn GS NGND Nguyễn Cảnh Toàn thì nói :”Nền giáo dục Việt Nam rất cần có minh chủ” (An ninh thế giới Cuối tháng số 25, tháng 9-2003). Tất nhiên đó là giải pháp bước đầu, cơ bản cho thế hệ conem chúng ta thoát khỏi những sai lầm của nền Giáo dục hôm nay và cũng là giải pháp để chấn hưng lâu dài cho nền Giáo dục nước nhà.

Niệm Phước - Minh Hằng

LinkedInPinterestCập nhật lúc: