Khủng hoảng giáo dục, đáng mừng hơn lo!
Chúng ta phải phân biệt hai loại khủng hoảng: khủng hoảng phát triển và khủng hoảng suy thoái. Khủng hoảng giáo dục ở nước ta hiện nay, theo tôi, thuộc loại thứ nhất. Một mặt, nó chứng tỏ những thay đổi sâu rộng trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước, mặt khác, nó là dấu hiệu trưởng thành của ngành giáo dục.
Một nguyên nhân khách quan của cuộc khủng hoảng giáo dục là sự thay đổi vũ bão của thế giới, nhất là về khoa học và công nghệ. Những thay đổi này khiến cho mọi nền giáo dục đều ít nhiều rơi vào khủng hoảng.
Ở Mỹ chẳng hạn, ngay từ những năm 1990, người ta đã tranh luận về khủng hoảng giáo dục. Năm 1992, Gerald Graff, mở đầu cuốn sách đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia Beyond the Culture Wars: How Teaching the Conflicts Can Revitalize American Education (Vượt qua những cuộc chiến văn hóa: Giảng dạy mâu thuẫn có thể giúp phục hồi nền giáo dục Mỹ ra sao) như sau: “Nếu tin vào những gì chúng ta đọc gần đây, nền giáo dục đại học Mỹ đang ở trong tình trạng thê thảm” (1)
Bill Readings thậm chí còn nặng lời hơn. Ông đặt cho cuốn chuyên khảo xuất sắc của mình về nền giáo dục đại học Bắc Mỹ cái nhan đề The University in Ruins (Trong cảnh đổ nát - 1996) (2)
Một nguyên nhân khách quan khác là thành công của quá trình đổi mới, cải cách và hội nhập, dẫn đến những đòi hỏi cao hơn về trí tuệ và kỹ năng của con người Việt Nam.
Nếu như đất nước không mở cửa, nếu như không có sự hiện diện của các công ty nước ngoài, sự phát triển nhanh chóng của du lịch và thành công về ngoại thương của Việt Nam, chắc chắn đào tạo ngoại ngữ không phải trở thành một thị trường rộng lớn và không ngừng tăng trưởng như hiện nay.
Cũng vậy, nếu như không có sự nở rộ và thành công của kinh tế tư nhân, các ngành đào tạo về quản trị kinh doanh và luật pháp sẽ không thể đắt khách như chúng ta đang thấy.
Chính sự phát triển nhanh chóng của đất nước, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng thông tin, là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự lạc hậu nhanh chóng của chiến lược, phương pháp cũng như nội dung giáo dục.
Trong những nguyên nhân chủ quan, bên cạnh sự yếu kém về tư duy chiến lược, kiến thức quản lý và chuyên môn, còn một nguyên nhân khác quan trọng hơn, đó là những thành tựu của chính ngành giáo dục.
Chính bằng thành công trong việc phổ cập giáo dục, xây dựng hệ thống trường học đông đảo từ cấp cơ sở đến đại học và trung học, ngành giáo dục đã góp phần quyết định trong việc nâng cao dân trí, tiền đề của những thay đổi trong nhu cầu và quan niệm giáo dục, cũng là tiền đề của cuộc khủng hoảng giáo dục hiện nay.
Thử nhìn lại lịch sử ngành giáo dục hiện đại còn khá non trẻ của chúng ta, từ cái mốc 3/9/1945, khi Hồ Chủ tịch, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam độc lập, kêu gọi tiêu diệt giặc đói và giặc dốt, chúng ta sẽ thấy những thành tích đạt được thật đáng tự hào.
Từ một quốc gia trên 90% mù chữ, chúng ta hiện nay là quốc gia có trên 90% dân số biết chữ, một chỉ số ngang với những quốc gia phát triển nhất. Từ chỗ chỉ có một trường đại học với số sinh viên ít ỏi, chúng ta hiện có hàng trăm trường đại học, hàng triệu người tốt nghiệp đại học và hàng ngàn thạc sĩ, tiến sĩ.
Những thành tích này còn đáng khâm phục hơn nữa nếu chúng ta nhớ lại những khó khăn to lớn của những ngày đầu độc lập. Trong cuộc họp giữa Hồ Chủ tịch với Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đưa ra bài toán: “Cứ dạy cho một người biết đọc, biết viết trong ba tháng phải tốn ít ra là 6 đồng. Dạy cho 10 triệu người trong một năm phải tiêu hơn 60 triệu đồng tiền sách vở, giấy bút. Nếu trả lương giáo viên thì phải thêm 10 triệu đồng nữa vì phải cần đến 10 vạn giáo viên, mỗi giáo viên có thể dạy 100 học sinh trong một năm”.
Ông Vũ Đình Hòe kể lại: Sau khi bàn bạc, hội nghị cùng bàn bạc “đi đến thống nhất: về khoản chi cho giáo viên thì không phải tốn vì phong trào sẽ không ai nhận tiền lương. Còn về con số 10 vạn giáo viên thì tính ra cả nước có 57 tỉnh, mỗi tỉnh phải tự tổ chức 2.000 giáo viên, mỗi tỉnh có khoảng 800 làng, mỗi làng phải tự túc lo bảy giáo viên...
Căng nhất vẫn là khoản chi 60 triệu đồng để mua sách vở, ông Hòe đề nghị: “Trong lúc ngân sách còn eo hẹp, các lớp bình dân học vụ có thể dùng phấn hay gạch để viết xuống đất, chi phí sẽ rút xuống còn 2 đồng chứ không phải 6 đồng như trước đây, vậy Chính phủ có thể trả 5 triệu đồng cho khoản đó không?”.
Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng đang ngồi bên dưới trả lời ngay: “được!”. Cả hội trường vỗ tay hoan nghênh. Ông Hòe thừa thắng xông lên: “Còn 15 triệu nữa, chi phí này ta không nhờ Chính phủ mà sẽ trông vào nhân dân, mỗi làng tự lo 1.000 đồng một năm có được không?”. Các đại biểu từ khắp nơi về dự đều hô to: Được... Được...” (3)
Người biết nhiều giúp người biết ít, người biết ít giúp người chưa biết, nền giáo dục của chúng ta bắt đầu như thế, bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc. Về bản chất, đó là một công cuộc giúp nhau học tập vĩ đại, không chỉ ở những lớp học bổ túc, không chỉ qua hoạt động của Nha bình dân học vụ, mà ở mọi ngành, mọi cấp.
Tôi còn nhớ, khi tôi lên 5, đi học lớp vỡ lòng ở Vĩnh Phú, cô giáo tôi mới tốt nghiệp lớp 4. Khi tôi học lớp 5, cô giáo chủ nhiệm của tôi mới tốt nghiệp “7+2”. Khi tôi học lớp 8, cô giáo tôi tốt nghiệp hệ “10+3”. Hình thức cuốn chiếu này còn tiếp tục ở bậc đại học khi đại đa số các giảng viên đại học chỉ là những người tốt nghiệp đại học được giữ lại dạy tại trường. Tình hình hiện nay về thực chất vẫn chưa thay đổi nhiều lắm, mặc dù nhiều giảng viên đã được tạo điều kiện “chuẩn hóa” để có bằng cấp trên đại học.
Sự phát triển “cuốn chiếu” này lúc nào cũng tiềm ẩn những mặt tiêu cực, nhưng trong quá trình phát triển theo chiều rộng vừa qua, những mặt tích cực đáng kể hơn nhiều. Chính nó đã góp phần quyết định vào việc đào tạo nhân lực và nâng cao dân trí.
Tuy nhiên, sự phát triển theo bề rộng đã chạm đến giới hạn và bộc lộ nhiều hơn những mặt trái của nó. Ngày nay, khi ngay cả giáo viên cấp một nhiều người cũng đã tốt nghiệp đại học, khi con người Việt Nam không còn quanh quẩn ở làng xã với cây đa bến nước, mà phải đối mặt, phải cạnh tranh với các đồng nghiệp trên thế giới, những yêu cầu cao hơn về kỹ năng lao động, quản lý và hưởng thụ đang được đặt ra.
Xã hội Việt Nam đã trưởng thành đáng kể. Nó không còn bằng lòng với nền giáo dục truyền thụ thông tin đơn thuần, với những chương trình “cuốn chiếu”, trong đó người thầy chỉ là người học trước. Internet và ngoại ngữ càng làm cho vai trò truyền thụ kiến thức của người thầy trở nên mờ nhạt.
Cuộc khủng hoảng giáo dục, vì thế, nói cho cùng chính là hệ quả của những thành tựu giáo dục. Nhưng đó chính là biện chứng của sự phát triển. Đó là một cuộc khủng hoảng trưởng thành. Nó đặt ra những yêu cầu mới, những thách thức mới, nhưng đồng thời cũng mở ra những triển vọng mới. Vấn đề của chúng ta là phải có đủ bản lĩnh, trí thông minh và cả lòng dũng cảm để đổi thay cơ bản trong quá trình đi tới.
(1) “If we believe what we have been reading lately, American higher education is in a disastrous state”. Graff, Gerald Beyond the Culture Wars: How Teaching the Conflicts Can Revitalize American Education, New York: Norton, 1993, tr. 3.
(2) Readings, Bill, The University in Ruins, Cambridge: Harvard U.P., 1996.
(3) Vu Bình, Công việc đầu tiên của chính phủ đầu tiên, báo “Tuổi trẻ”, http://www.tuoitre.com.vn/
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu