Bàn về “Cái vô lý” và “Cái thiếu hiểu biết” trong xã hội
Lâu nay, những ai quan tâm đến cải cách giáo dục, đều thấy rõ tầm quan trọng của việc xác định “Triết lý Giáo dục". Có lẽ cũng không thừa, nếu nói một chút về khái niệm Triết lý nói chung.
Theo sách vở, thì trước đây hơn 3000 năm, các triết gia cổ điển, như Platon, Aristote, Kant và Hêgel đã bàn luận nhiều về khái niệm Triết lý, mà tiếng Hy Lạp cổ gọi là Philosophia. Theo người Hy Lạp, Philosophia có 2 nghĩa: một là Đường hướng; hai là Một con đường mà chúng ta đang đi trên đó.
Trong phạm vi bài viết này Triết lý được hiệu là một lý luận mang tính triết học, được diễn tả một cách cô đọng, nhưng có tính khái quát cao, để nói lên tư duy về quan điểm, chủ trương đường lối hay phương châm hành động nhằm đạt được một mục tiêu nào đó. Ví dụ: "Khôn sống, mống chết", "Hãy tiến gần đến cửa nhà tù, song đừng để sa vào đó” đó là những triết lý về sự khôn - dại của người đời.
Ngày nay, sự tiến hoá của loài người đã làm nẩy sinh những triết lý mới về cuộc sống. Ví dụ: "Người tìm kiếm lợi ích cá nhân thông minh, trí tuệ nhất, an toàn, hiệu quả nhất thời nay, ở thế kỷ 21 này, chính là người biết hết lòng hùn hạp trí - lực của mình cho lợi ích tập thể, cho lợi ích xã hội và lợi ích của cả Đất nước". Triết lý không hoàn toàn là mục tiêu. Nó mang nhiều ý nghĩa một cách nhìn, một chính sách, một biện pháp hay phương châm hành động dẫn đến mục tiêu. Triết lý về bản chất là kết quả của một quá trình suy tư, nghiền ngẫm, tư duy ở tầm cao nhất, khái quát nhất về cái có lý và cái phi lý, về các quan điểm, những tư tưởng mang tính quy luật, phản ảnh kết quả của quá trình vận động và đổi mới trong tư duy của con người. Nói cách khác Triết lý là những tư tưởng thực sự có vai trò định hướng cho mọi hoạt động mang tính hệ thống để thực hiện một mục tiêu nhất định. Vì vậy không phải ngẫu nhiên, nhiều chuyên gia khi bàn về Cải cách GD, luôn yêu cầu: trước khi bàn vào chi tiết, kỹ thuật cụ thể, hãy làm rõ cái "Triết lý" mà anh muốn theo".
Một đặc điểm nữa của triết lý là, do tính suy lý thường khá sâu sắc và khái quát cao, triết lý thường cần có sự bình giải thêm, đặc biệt là để trợ giúp cho việc tìm hiểu vận dụng của quảng đại quần chúng.
Trong lĩnh vực Giáo dục, ta có thể bắt gặp rất nhiều Triết lý cổ điển và hiện đại. Ví dụ: "Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"; "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư “. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia"; “Vì lợi ích mười năm - trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người"; Đã có một số phương châm GD, khẩu hiệu hành động ngắn gọn mang tính triết lý rõ rệt, như: "Giáo dục phải kết hợp được tính Dân tộc, khoa học, đại chúng"; học đi đôi với hành; Nhà trường gắn với xã hội"; "GD phải luôn luôn xuất phát từ thực tiễn; phải tôn trọng hành động theo quy luật khách quan; phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại". Gần đây, rất nhiều triết lý GD mang tính đổi mới, đột phá, như "Học liên tục, học suốt đời", "Giáo dục cho mọi người, mọi người cho giáo dục"; xã hội học tập, nhà trường tư duy"; những tư duy cụ thể mang tính triết lý, đại loại như " Cần coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cơ bản của con người hiện đại có cá tính nhưng bao dung, biết giao tiếp và hợp tác, biết làm việc có hiệu quả, có tư duy cởi mở với cái mới, thích dấn thân, không ngại đương đầu với thách thức, khó khăn, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm vì mục đích lớn, trung thực và có đầu óc sáng tạo"; "Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người"... được nhắc tới rất nhiều.
Vừa qua, một học giả có tiếng của Pháp còn "suy tư", triết lý" sâu thêm bước nữa: "Học để học là một chuyện. Học để làm là một chuyện khác. Học để quán triệt các kết quả và mục đích của việc làm lại là một chuyện khác nữa"v.v...
Quan sát lại toàn bộ các vấn đề về tư duy và triết lý trong thực tiễn nền Giáo dục nước ta, có thể có 2 kết luận:
1/ Tất cả những chủ trương, đường lối, chính sách, phương châm tổng quát nhất của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực Giáo dục thực chất đó là một hệ thống những triết lý chỉ đạo làm giáo dục của Đảng và Nhà nước, có mục đích hướng mọi người dân hành động có kết quả để thực hiện mục tiêu giáo dục đã được ghi trong Hiến pháp.
2/ Hệ thống các Triết lý tổng quát về GD của Đảng và Nhà nước ta về cơ bản là đúng đắn, đã và đang được bổ sung, hoàn thiện và đổi mới. Vì triết lý thường được diễn tả một cách cô đọng, ngắn gọn, súc tích, gần như những khẩu hiệu, những câu cách ngôn, và do đó, chúng thường chỉ nói lên từng mặt riêng biệt của cả vấn đề lớn.
Trong khi đó, để xây dựng một nền GD hoàn chỉnh, hiện đại, cần có một hệ thống triết lý đẩy đủ, toàn diện. Bởi lẽ cuộc sống đòi hỏi triết lý đáp ứng cả hai yêu cầu trái ngược nhau đó (súc tích, cần và đủ) nên dường như không ít người vẫn đi tìm "Triết lý GD", chính là họ đi tìm cách thức diễn đạt đầy đủ những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, hơn nữa còn có thể cập nhật những yêu cầu hiện đại, cấp tiến, đón trước...mà những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đề ra trước đây chưa bao hàm hết.
Hoà vào sự tìm tòi chung đó, sau nhiều ngày nghiền ngẫm, suy tư, trăn trở về " đường hướng", hay về một con đường mà chúng ta đang đi" của nền Giáo dục nước ta, đổi mới cách nhìn, nâng tầm quan sát và dự báo thời thế, tổng hợp toàn bộ những vấn đề của một nền Giáo dục cần sớm được hiện đại hoá, của một xã hội đang hiện đại hoá, hướng tới nền kinh tế tri thức, trong điều kiện mở cửa hội nhập tham gia cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, trong môi trường sống,xã hội và tự nhiên, ngày càng khắc nghiệt mà nhân loại đang đối mặt, với lòng mong mỏi chung sống hoà bình, nhân đạo, phát triển bền vững, chúng tôi thấy nên có một Triết lý Giáo dục mới, ngắn gọn, nhưng lại bao quát được nhiều hơn những định hướng lớn, những nguyên tắc tổng quát, những nguyện vọng cụ thể của mỗi con người bình thường, cũng như nguyện vọng cao cả của cả loài người tiến bộ... và kết quả đã dẫn chúng tôi tới việc phát triển một triết lý giáo dục mới, hy vọng đạt được phần nào những yêu cầu như vậy:
"Giáo dục thế kỷ 21 có trọng trách rèn dậy cho mọi người cách thức để cùng chiến thắng trong cuộc sống hiện đại". Cái mới chính là ở chỗ: Nó nói rõ mục đích của GD là Dậy (và học) để ai cũng thành đạt, để không có ai bị thất bại trong cuộc sống, đó là cái vế nhân văn nhân đạo cần đạt được của mọi nền Giáo dục chân chính. Mọi người cần được trải qua một quá trình giáo dục, rèn luyện không ngừng, đầy đủ cả đức dục lẫn trí dục đúng với nghĩa rộng, phức hợp và hiện đại của những từ này, để họ có được nhiều khả năng tránh bị thất bại, hơn nữa còn hy vọng thành đạt trong cuộc sống. Kết quả của kém giáo dục là sự thất bại. Cái bí thua (người và quốc gia) chỉ là "Cái vô lí"- thiếu đức dục, hoặc "Cái thiếu hiểu biết” - thiếu trí dục, thua nặng hơn cả là khi người ta hành động vừa vô lý, lại vừa dốt nát?
Ngày nay, hàng ngày vẫn diễn ra quanh ta vô vàn nhưng điều dốt nát, hoặc những cái vô lý, cố ý hoặc vô tình đem lại cho con người và xã hội biết bao những tổn thất và tai hoạ, hoặc chí ít cũng làm kém hạnh phúc Gia đình, làm giảm tốc độ phát triển của Đất nước, làm chậm sự tiến hoá của Nhân loại. Trừ thiên tai, còn mọi thứ thua cuộc khác đều là do cái vô lý hoặc cái dốt nát gây ra.
Triết lý trái đất nhỏ hẹp, Của trời có hạn, Người này thắng, ắt Kẻ khác phải thua" là một triết lý sẽ trở nên cũ kỹ, vô lý, không còn phù hợp với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, và những khả năng vô tận của con người đang được khơi dậy. Vì vậy, Giáo dục ngày nay phải có nghĩa vụ và khả năng biết rèn, dậy, giúp đỡ mọi người những cái gì họ cần để có cuộc sống an toàn và thành đạt, góp phần làm cho quốc gia an ninh và phát triển, mà không nhất thiết phải làm cho kẻ khác thất bại.
Nhà trường, một mặt cần dậy những tri thức, kỹ năng rất đa dạng, cơ bản và thiết thực, cùng với khả năng tự tìm kiếm, liên kết phát triển, vận dụng chúng, mặt khác cần rèn dậy lý tưởng sống cao đẹp, những nhân cách, những bản lĩnh và nghị lực...cần thiết để người học biết cách:
- Hợp tác cùng chiến thắng trong cạnh tranh toàn cầu mọi mặt ngày càng gay gắt;
- Hợp tác để cùng chiến thắng thiên tai, dịch bệnh diễn biến khôn lường;
- Hợp tác để cùng tận hưởng được hạnh phúc trong cuộc sống gia đình ngày càng phức tạp;
- Hợp tác để cùng chiến thắng những thói hư tật xấu đang rình rập hàng ngày;
- Hợp tác để cùng thành đạt trong việc chinh phục những chân trời mới..v.v và v.v...
Để thực hiện được "Thiên chức " dậy mọi người tuỳ từng lứa tuổi những cái gì họ cần trong thời đại mới không thiếu, nhưng cũng không thừa, đương nhiên các thày cô giáo, các chuyên gia GD-ĐT, những nhà lãnh đạo, quản lý tài năng của chúng ta chắc chắn sẽ phải dầy công nghiên cứu để hiểu được cần phải đổi mới cả hệ thống tư duy cũ như thế nào, cần hiệu chỉnh đường lối, chính sách, luật pháp, chiến lược phát triển và những điều cụ thể hơn, như tổ chức, quản lý, Chương trình Sách Giáo khoa, dậy thêm - học thêm, phân luồng, phân tầng, đào tạo nhân tài, vận dụng cơ chế thị trường v.v... như thế nào.
Trong công cuộc cải cách GD đầy trọng trách và khó khăn này, chắc chắn giới trí thức sẽ được huy động để cùng góp sức hỗ trợ Bộ quản lý ngành, các thầy cô giáo thể nghiệm về thực chất triết lý mới đó, để họ có thể chiến thắng trước hết ngay trong cái xã hội nhỏ là nhà trường của chính mình?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn