Không gây hại !

08:50 SA @ Thứ Hai - 06 Tháng Ba, 2017

Đối với nghề giáo, tôi là một người vừa trong cuộc vừa ngoài cuộc. Ngoài cuộc vì tôi không thuộc biên chế của trường công chính quy nào. Trong cuộc vì lâu nay tôi vẫn đứng trên bục giảng, và trong thâm tâm tôi vẫn tự coi mình là một nhà giáo trước khi là bất cứ một người nào khác. Giáo dục, rộng hơn là mở mang tri thức và phát triển con người, vẫn là công việc mà tôi đang theo đuổi hằng ngày.


Chân thành quan sát và đón nhận những diễn biến vi tế trong đôi mắt trẻ.

Vậy nên, mỗi khi có dịp thảnh thơi thì tôi đều dành một khoảng thời gian tĩnh lặng để suy ngẫm về công việc mà mình đang theo đuổi, về những quy tắc mà nó chịu ràng buộc, và những giới hạn mà người làm nghề dạy học không được phép vượt qua.

Đã từ lâu tôi luôn nhắc các học viên của mình, trong đó có nhiều người đang làm nghề dạy học và đào tạo, rằng: Làm giáo dục, làm đào tạo, tiêu chí đầu tiên của đạo đức nghề nghiệp là KHÔNG GÂY HẠI!
Không gây hại ư!? Tại sao lại là không gây hại?

Người làm nghề dạy học chỉ nói lời hay lẽ phải. Ngoài dạy kiến thức, các thầy cô còn dạy làm người. Toàn những thứ thiện lành như thế, sao lại có thể gây hại cho học trò, những người mình hết mực thương yêu được cơ chứ? Việc nhắc nhở này phải chăng là chuyện lẩm cẩm, hay là quá khắt khe với các thầy cô?

Câu trả lời là không lẩm cẩm, cũng không khắt khe. Theo quan sát của cá nhân tôi, trong nền giáo dục còn nhiều bất cập này, thì để không gây hại với học trò của mình, nhà giáo cần một sự thức tỉnh và một lòng quả cảm dài hơi. Nếu không, rất có thể nhà giáo sẽ gây hại cho chính học trò của mình mà không biết, hoặc nếu có biết thì cũng “nhắm mắt đưa chân” cho xong việc, cho dễ dàng và bớt phiền toái.

Còn nhớ, khi tôi học cấp ba, lần đầu tiên được nghe cô giáo của tôi nói “nhà giáo là kỹ sư tâm hồn”. Mắt cô sáng long lanh. Giọng cô đầy tự hào. Tôi cũng tự hào theo cô. Mắt tôi cũng sáng long lanh như mắt cô vậy.

Bốn chữ “kỹ sư tâm hồn” đã trở thành một sự thật hiển nhiên về nghề giáo. Tôi mặc nhiên chấp nhận và không mảy may chất vấn tính chính đáng và sự phức tạp ẩn chứa phía sau bốn chữ “kỹ sư tâm hồn” này. Tôi thậm chí cũng không hề tự hỏi “kỹ sư” là gì, “tâm hồn” là gì, và “kỹ sư tâm hồn” có nghĩa là gì?

Rộng hơn, tôi hiểu rằng nghề giáo là nghề dạy làm người, và các thầy cô của tôi cũng hiểu như vậy. Tuy nhiên, tôi tự hỏi trong số tất cả các thầy cô, thực sự có bao nhiêu người từng nghiêm túc suy nghiệm về “Người là gì?” và “Dạy làm người là dạy cái gì?”. Nếu không trả lời thấu đáo những câu hỏi căn cốt này thì chúng ta, bao gồm thầy, trò, và cả những người thiết kế chương trình, sẽ chỉ đi qua phần việc của mình trong sự hiển-nhiên-đờ-đẫn.

Nhìn lại từ chính cuộc đời đi dạy của mình, chỉ đến khi ra trường, 22 tuổi - ở lại trường làm giảng viên - trẻ măng - ngơ ngác trước cuộc đời, tôi mới giật mình thảng thốt: Ngoài mớ kiến thức từ trong sách vở, ngoài cuốn giáo trình và những bài tập tôi gần như đã thuộc nằm lòng, tôi lấy tư cách gì để dẫn dắt cuộc đời của những bạn trẻ dưới kia, khi trải nghiệm của tôi còn ít ỏi, nhận thức của tôi còn non nớt, bản thân tôi còn hoang mang về con đường phía trước?

Tôi hiểu gì về đời và người để dẫn dắt con người đi trong cuộc đời? Tôi lấy tư cách gì để đào luyện tâm hồn của người khác, khi tôi chưa thấu hiểu bản thân, và chưa đào luyện được tâm hồn của chính mình?
Mà nếu như tôi đã không thấu hiểu việc tôi làm như thế, tôi cũng đang mò mẫm trên đường đời như thế, thì sự dẫn dắt của tôi có gây hại cho các học trò của tôi không?

Lúc đó, bốn chữ “kỹ sư tâm hồn” lại vang lên như một bám víu. Tôi hoàn toàn có thể bình thản làm công việc của mình như bao người khác, tự đánh bóng nghề nghiệp của mình lên thành nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, và thầm gọi tên công việc của mình là “kỹ sư tâm hồn” trong sự kiêu hãnh ngầm và tinh tế ngôn từ.

Nhưng sự mù mờ một khi đã nhận ra sẽ trở thành một nỗi ám ảnh, không thể thoát ra nếu chưa làm sáng tỏ nó. Càng ngẫm, càng nghĩ, càng quan sát, càng trải nghiệm, tôi càng hoang mang và thấy công việc của mình quá sức. Đó là lý do tôi tạm dừng việc giảng dạy để đi du học. Trước hết, để hiểu mình, sau đó để hiểu đời, hiểu cuộc sống ngoài kia.

Hành trình học hỏi và tra vấn cùng với những trải nghiệm trong cuộc sống trong suốt 13 năm giúp tôi hiểu ra một điều giản dị rằng, nếu đã làm nghề giáo thì phải rất cẩn trọng khi thiết kế và xây dựng tâm hồn cho người khác, tức đừng vội vàng nhận mình là “kỹ sư tâm hồn” kẻo gây hại cho lớp trẻ mà không hay biết.

Kỹ sư tâm hồn… Đó là công việc quá ư khó khăn, quá ư tinh tế, và quá sức của một người. Trong khi không ít những người làm giáo dục vẫn còn là những người chưa trả lời thấu đáo được những câu hỏi cơ bản: “Tôi là ai?”, “Cuộc sống này có ý nghĩa gì?”… Chính vì thế, việc các kỹ sư tâm hồn sẽ làm là bám thật chặt sách giáo khoa được biên soạn bởi ai đó ở cao cao, theo chỉ đạo của ai đó ở cao cao hơn nữa, những người cũng y chang như họ, tức cũng chưa chắc thấu hiểu được tâm hồn mình, mà nếu thấu hiểu ra thì chưa chắc đã có một tâm hồn trong sáng, để thực thi chức trách của mình.

Sách giáo khoa, chiếc gậy chỉ đường, thay vì chỉ là công cụ, nay trở thành chủ nhân uy quyền tuyệt đối. Nhưng khi người ta còn ở trong bóng tối, nắm thật chặt cây gậy không đảm bảo rằng ta sẽ đi ra ánh sáng. Nắm chặt quá, lại tự tin vung vít, có thể gây sát thương với chính mình và những người mình dẫn dắt.

Bám chặt cây gậy và những chỉ đạo rập khuôn từ trên xuống, khi đó cũng chỉ để cho mình đỡ sợ như người hát thật to khi đi qua bãi tha ma, hoặc để né tránh trách nhiệm lẽ ra ta phải gánh vác, chứ không đảm bảo sẽ giúp ta trở thành “kỹ sư tâm hồn”. Thay vì bồi đắp những tâm hồn cao thượng, những con người tự do, nhà giáo lại chung tay tạo ra những tâm hồn méo mó, những con robot được lập trình sẵn. Vì biết đâu, chính nhà giáo cũng đang là một người như thế.

Vì thế, trước mỗi thành tích của nhà giáo, chúng ta phải giật mình cẩn trọng. Trước khi tự hào là một giáo viên dạy giỏi, chúng ta phải giật mình nhìn xem trong một nền giáo dục còn nhiều bất cập như thế, “dạy giỏi” có nghĩa là gì? Dạy giỏi liệu có phải là dạy đúng theo sách, ép cho học sinh của mình thuộc lòng nội dung giáo trình và nhớ được vô vàn mẹo mực để giải những bài tập đánh đố? Nếu quan niệm dạy giỏi theo cách như thế, thì rất có thể dạy càng giỏi lại gây hại càng nhiều mà ta không hay biết? Hiểu ra như vậy, chúng ta sẽ thận trọng hơn trong việc cổ vũ những cuộc thi giáo viên dạy giỏi.

Nhìn vào bức tranh thực trạng giáo dục màu xám mà lâu nay chúng ta vẫn chứng kiến, người làm nghề giáo càng cần phải giật mình để tỉnh thức và kiên trì một nguyên tắc dẫn đường: Không gây hại!

Bất cứ khi nào có cảm giác rằng lời nói của mình, hành vi của mình, quan điểm của mình có thể gây hại cho lớp trẻ, thì phải giật mình dừng lại để suy xét và kiểm chứng. Muốn vậy, nhà giáo phải chân thật lắng nghe lương tâm mình, lắng nghe sự mách bảo từ trong sâu thẳm của tâm hồn mình, chân thành quan sát và đón nhận những diễn biến vi tế trong đôi mắt trẻ, thì mới có thể nhận ra và không lạc lối.

Nguồn:Tia Sáng
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ba người thầy vĩ đại

    19/11/2019Minh BùiNgười thầy là người thông qua đó ta bắt đầu học cách học hỏi. Người thầy cũng như một hồ nước nơi chúng ta đang học bơi. Một khi chúng ta đã học được cách bơi, cả đại dương mênh mông là của chúng ta...
  • Nghĩ về người thầy giáo và quan hệ thầy - trò

    16/11/2017Đào Ngọc ĐệCó người bảo: "Thầy giáo là người chở đò qua sông", ý nói: Học trò thường quên ơn thầy, cô; người đời không quan tâm đến các cô giáo, thầy giáo. Lời cảm thán đó phần nào có cơ sở thực tế. Nhưng...
  • Một người thầy giáo trong ký ức của tôi

    16/11/2015Nguyễn Tất ThịnhKhi đó tôi còn bé lắm, mới 5 tuổi, đang ở nơi sơ tán cùng với mẹ là Quân y sĩ trưởng của một Quân y viện chuyển về đây tá túc từ ngày đầu Mĩ leo thang bắn phá Miền Bắc… Tiếng là được đi cùng mẹ không phải đến nơi trại mẫu giáo tập trung, nhưng mẹ gần như không có thời giờ để quan tâm đến tôi...
  • Người thầy thời số hóa

    24/11/2014TS. Hồ Thiện HùngThời đại số hóa đang đặt ra những thử thách to lớn cho nghề làm thầy...
  • Bài hát Người Thầy

    19/11/2014Người thầy trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy thật bao dung. Ông vượt qua bao gian khó, nhọc nhằn, luôn nặng lòng với cuộc sống, với những gương mặt học trò đã được bàn tay ông nâng niu, dìu dắt...
  • Người thầy đại học đầu tiên của đời tôi

    19/11/2014GS.NGND Trần Thanh ĐạmĐó là cố Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Thầy không phải là giáo sư đại học đầu tiên duy nhất của tôi, bên cạnh các tên tuổi lớn khác: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Nguyễn Đức Chính, Trương Tửu... nhưng thầy là khuôn mặt độc đáo, đặc sắc trong số các vị đó để lại những kỷ niệm không bao giờ quên trong ký ức và trong cuộc đời tôi....
  • Người thầy trong thời đại mới

    20/11/2013Hà Văn Thịnh"Cơn bão" của thời kinh tế thị trường, toàn cầu hoá, net hoá đang ào đến mọi ngõ ngách xã hội; một mặt, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng hơn của người thầy; mặt khác, nó "định nghĩa lại", quy nạp lại hai chữ làm thầy...
  • Tri ân người thầy

    03/12/2009Nhân ngày Hiến chương nhà giáo 20/11, với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Chungta.com xin tỏ lòng kính trọng, tri ân các nhà giáo đã dẫn dắt biết bao thế hệ, truyền thụ tri thức, truyền thụ văn hóa, học cách sống, học cách làm Người, cách sống cho có ích cho xã hội. Qua tháng năm thời gian, bao thầy cô đã toàn tâm, toàn ý, tận tâm, thầm lặng thực thi công việc cao đẹp, trao ngọn đuốc văn hóa quý giá nhất cho các thế hệ sau nên người và tiếp bước cha ông, tiến vững chắc vào tương lai.
  • Vinh quang người thầy

    20/11/2009Bây giờ tóc đã hoa râm
    Vẫn lên bục giảng như năm tháng nào
    Đứng lên ở những tầm cao
    Trái tim hóa đuốc, ánh sao giữa trời...
  • Người thầy với việc giúp học sinh sửa chữa sai sót

    18/11/2009Ông đồ SơnQuá trình giáo dục, về một phương diện nào đó là quá trình bồi đắp dần cái hay và quá trình uốn nắn chỗ lệch lạc.
  • Để có chất lượng cần nhất là cái tâm của người thầy

    20/11/2003Tại cuộc gặp mặt với các đại biểu Quốc hội trong ngành giáo dục (GD) ngày 29-10-2003, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Minh Hiển đã cho biết quy mô học sinh (HS) ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông đều tăng hơn năm trước và sẽ tiếp tục tăng nữa. Như vậy, ngành GD-ĐT sẽ vẫn phải tiếp tục giải một bài toán khó và ngân sách dành cho GD, cơ sở vật chất trường lớp cũng như đội ngũ giáo viên ...
  • Chất lượng giáo dục bắt đầu từ người thầy “thật”

    18/11/2003Thầy ở đây gồm toàn bộ nhân sự trong ngành giáo dục từ thấy nhất đến chóp bu, từ người đứng lớp đến nhà quản lý. “Thật” liên quan đến nhiều mặt...
  • Mở rộng năng lực sáng tạo của những người thầy

    10/02/2003hãy mở rộng không gian sáng tạo của các nhà giáo Việt Nam, cho các thầy giáo Việt Nam để họ có điều kiện phát huy nội lực của mình, trở thành các nhà trí thức ưu tú, xuất sắc của dân tộc, những bậc thầy không những của thế hệ trẻ mà còn của đất nước, xứng đáng là những sứ giả về tư tưởng, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam và của trí tuệ thời đại, trong thế kỷ 21.
  • xem toàn bộ