Người thầy thời số hóa
Thời đại số hóa đang đặt ra những thử thách to lớn cho nghề làm thầy.
Có người còn mường tượng một ngày không xa sẽ có hàng loạt giáo viên phải thất nghiệp do không cạnh tranh nổi với máy vi tính về số lượng người theo học lẫn hiệu quả dạy học.
Nếu xét về số lượng người theo học thì quả là máy vi tính cùng lúc có thể dạy cho hàng ngàn người học, hơn hẳn người thầy.
Nếu chỉ xét về khối lượng kiến thức mà máy tính có thể cung cấp cho người học thì quả là khó có giáo viên nào có hiểu biết vượt nổi khối lượng kiến thức bách khoa đồ sộ, gần như vô hạn mà máy tính có thể cung cấp.
Nếu xét về khả năng huấn luyện kỹ năng, dù là tính toán, đọc viết, phát âm tiếng mẹ đẻ hay ngoại ngữ, kỹ năng đàn, vẽ hay vận động thì những phần mềm máy tính cũng vượt xa ông thầy truyền thống về tính kiên trì, về cách ứng phó, đưa ra các tình huống, các bài tập khác nhau phù hợp với trình độ kiến thức và mức độ thuần thục của người học, lại còn có thể phụ đạo cho học sinh đang có lỗ hổng kiến thức hay kỹ năng cơ bản, giúp người học luyện đi luyện lại đến khi vững vàng và thành thạo mới thôi.
Vậy người thầy truyền thống liệu có bị mất việc không? Câu trả lời là: không.
Máy tính dù hiện đại đến mấy, với các phần mềm lập trình sẵn dù hay đến đâu cũng chỉ là một loại robot không hơn không kém.
Ngay cả khi máy tính đưa ra lời khen, nó cũng ban tặng người học theo kiểu robot, theo tình huống được soạn sẵn trong đáp án.
Vì là robot nên nó vô hồn, vô cảm: nó không sao nhận ra được nét mặt lo âu của một học sinh đến lớp mà cha mẹ chưa đóng học phí, vẻ cô độc của một trẻ đang bị bạn bè tẩy chay, vẻ ngượng ngập của một học sinh phải mặc áo rách đến lớp...
Một bàn tay mềm mại của cô giáo cầm bàn tay non nớt của bé mới vào lớp 1 để luyện nét chữ, một gói xôi nhỏ thầy dúi vào tay đứa học trò đang đói, một cái cau mày nghiêm khắc nhắc nhở học trò phải tập trung nghe giảng, một nụ cười khuyến khích học sinh thành công, một lời khuyên kịp thời để ngăn chặn một học sinh sắp thực hiện hành vi sai trái...
Tất cả cử chỉ nhỏ bé trên có sức cổ vũ, động viên người học thật lớn lao, góp phần làm người học cảm nhận được tình người ấm áp trong giao tiếp cùng thầy cô, bạn bè, thấy việc học của mình có ý nghĩa hơn, vui vẻ hơn.
Thời đại số hóa đang đem đến những thay đổi lớn lao trong cách truyền đạt kiến thức, rèn luyện kỹ năng trong nhà trường truyền thống, buộc cách dạy và học trong nhà trường sẽ phải thay đổi theo. Máy vi tính đang thách thức đồng thời tạo ra những cơ hội tuyệt vời cho người thầy.
Song trái với dự đoán bi quan, thay vì thành kẻ loại bỏ người thầy, máy vi tính sẽ là trợ thủ vô cùng đắc lực cho thầy cô nào theo kịp tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Ông thầy khi đó có thể nhường bớt “sân” cho máy vi tính trong việc truyền đạt kiến thức và luyện kỹ năng cho học sinh để giữ vai trò người hướng đạo cho học sinh định hướng giữa đại dương thông tin mênh mông lẫn lộn thực hư, lành độc.
Người thầy sẽ vận dụng mặt mạnh của máy vi tính trong dạy kiến thức, huấn luyện kỹ năng để dành thêm sức lực cho thiên chức dạy làm người, một thiên chức lâu nay bị coi nhẹ. Đây chính là một mục tiêu quan trọng của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục lần này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn