Người thầy đại học đầu tiên của đời tôi
Đó là cố Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Thầy không phải là giáo sư đại học đầu tiên duy nhất của tôi, bên cạnh các tên tuổi lớn khác: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Nguyễn Đức Chính, Trương Tửu... nhưng thầy là khuôn mặt độc đáo, đặc sắc trong số các vị đó để lại những kỷ niệm không bao giờ quên trong ký ức và trong cuộc đời tôi.
Tôi được học với GS.Nguyễn Mạnh Tường tại Trường Dự bị Đại học và Sư phạm Cao cấp thời kháng chiến chống Pháp trong hai năm 1952 và 1953 tại một làng quê bên bờ sông Chu mang cái tên dân dã: Chợ Đu - Cầu Kè, thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ngay trong buổi lên lớp đầu tiên vào một buổi chiều tối trên một sân gạch “nhà địa chủ”, lớp chúng tôi vừa từ Nghệ An “hành quân” ra được thầy mở đầu bằng một câu nói tự giới thiệu: “Tôi là Nguyễn Mạnh Tường, Văn khoa Tiết sĩ, Luật khoa Tiến sĩ, Giáo sư đại học, luật sư tòa Thượng thẩm. Các anh được học các thầy như tôi mới gọi là học đại học, dù chỉ mới là dự bị đại học thôi”. Khi còn ở Nghệ An, lớp chúng tôi đã được học giáo trình: Các tư trào văn học Phương Tây với GS. Đặng Thai Mai, song học còn dở dang vì thầy Mai đau yếu luôn. Ra Thanh Hóa, được học tiếp với thầy Tường, bắt đầu bằng Văn học cổ đại Hy Lạp - La Mã. Tất nhiên, lũ sinh viên chúng tôi ngày ấy đều có trình độ ngang tú tài lại từ các địa phương và chiến trường về học không phải là bọn “mỏ trăng” cả. Tuy vậy cũng rất phấn khởi vì mình được học đại học với giáo sư đại học thực sự, tuy được phủ đầu bằng một sự dẫn nhập choáng váng như trên.
Khác với các giáo sư khác thường có phong thái khiêm tốn, thực sự hay giả vờ, phong thái của GS. Nguyễn Mạnh Tường thẳng băng như vậy. Nhiều người trong chúng tôi đã nghe tiếng thầy từ trước cho nên không lấy làm lạ, lại càng lấy làm khoái, chỉ lo học không nổi vì thầy giỏi quá mà mình dốt quá thôi. Riêng tôi lúc ấy 20 tuổi, nghệ rằng mới 22 tuổi rưỡi, thầy đã là Bi-docteur (hai bằng tiến sĩ) ở bên Tây thì thật là ghê gớm lắm. Thầy tự phụ thật song cũng có cái gì để thầy tự phụ chứ! Phải nói rằng, nhờ thầy Tường, chúng tôi mới có ý thức rằng mình đã là sinh viên đại học, dù học đại học kháng chiến ở cái xó nhà quê này, song vẫn là khóa đại học đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đang anh dũng kháng chiến.
Suốt cả thời Pháp thuộc, cho đến Cách mạng tháng Tám 1945, cả nước Việt Nam chưa từng có Đại học Văn khoa, muốn học Văn khoa phải sang Pháp học, như thầy Tường. Tuy có vẻ tự phụ song điều thầy Tường nói, chúng tôi thấy đó là sự thật, cho đến ngày nay tôi vẫn thây như thế. Ấn tượng đầu tiên của tôi với GS Nguyễn Mạnh Tường là như vậy. Rất độc đáo và đặc biệt, rất có cá tính, cũng như cái trường đại học kháng chiến của chúng tôi ngày đó vậy.
Có lẽ điều khổ sở của thầy Tường trong quá trình dạy chúng tôi là làm sao đưa cái khối kiến thức uyên bác từ đầu óc của thầy về văn hóa, văn học Phương Tây vào các đầu óc còn quá hạn hẹp của chúng tôi.
Trong những buổi học đêm khuya dưới ánh đèn dầu tự tạo, trong điều kiện tài liệu, sách vở còn quá hạn chế, nguồn thông tin chỉ từ lời giảng của thầy được chúng tôi ghi chép vội vàng, chỗ được chỗ mất. Thầy lại phải giảng những chuyện bên Tây bằng tiếng Việt, nhiều thông tin chưa kịp vào đầu chúng tôi đã vung vãi, rơi rụng ra ngoài. Tuy nhiên, đối với tôi và nhiều bạn cùng học ngày đó, những lời thầy giảng không phải là “nước đổ đầu vịt” cả. Tuy giáo trình của thầy phải bỏ dở ở phần chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỷ XVII, song một phác đồ về Văn học Phương Tây từ Cổ đại Hy Lạp qua Trung đại, Phục hưng rồi các thế kỷ về sau chủ yếu là văn học Pháp vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của bọn sinh viên chúng tôi, để công việc học tập, nghiên cứu về sau tiếp tục bổ sung, lấp đầy dần dần. Đúng như lời thầy giảng ngày ấy, đấy là giáo trình gọi là Initiation à la litterature occidentale (Khởi đầu vào văn chương Phương Tây).
Học đại học thì phải nghe giảng rồi phải làm bài. Bọn Văn Khoa thường giỏi mồm mép song viết lách lại kém, khi viết lại lắm lý luận ba hoa, bị thầy Tường chặn lại, bày cho cách viết tiểu luận đại học, có đề tài hạn chế. Không được vu khoát, phải biết sử dụng tài liệu tham khảo, biết trích dẫn, chú giải, phân biệt ý của mình ở chỗ nào, ý của người khác ở chỗ nào, thầy gọi đó là làm quy chiếu (reference) trong nghiên cứu văn học. Ngày đó, chúng tôi cho đó là cách học của nhà trường thực dân, tư sản, ngày nay nhớ lại mới thấy mình là đồ dốt nát, trẻ con, ếch ngồi đáy giếng, không biết trời cao đất rộng là gì.
Cũng như thầy Mai, thầy Tường dạy chúng tôi không được liên tục, giáo trình hay bị bỏ dở. Không phải vì sức khỏe mà vì thầy rất bận rộn. Thầy thường ra Việt Bắc họp, đi cả tháng mới về, đi bộ thôi song có “ba lô viên” tức người cần vụ đi theo phục vụ, mang ba lô và lo đời sống dọc đường, thời đó như thế là ưu đãi đối với trí thức, cán bộ cao cấp như thầy. Chuyến đi xa lâu nhất của thầy là được cử đi trong đoàn đại biểu của Uỷ ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam dự Hội nghị Hòa bình châu Á ở Bắc Kinh và Hội nghị Hòa bình thế giới ở Vienne. Đó là chuyến đi làm thầy phấn khởi, thoả mãn nhất. Từ chuyến đi đó trở về, thầy đọc cho chúng tôi nghe mấy bài thầy viết bằng tiếng Pháp được công bố ở nước ngoài. Như tôi đã nói, nghe các bài của thầy, chúng tôi càng bái phục thầy về học vấn, văn chương và cả tinh thần yêu nước nữa. Tôi nhớ mấy chi tiết. Trong bài thầy viết phát trên Đài phát thanh Leningrad khi đi qua Liên Xô, thầy nhắc đến vở nhạc vũ kịch Hồ thiên nga của Tchaikovsky, trong đó nhân vật chính là nàng công chúa bị tên ác thần dưới dạng ác điểu hãm hại, biến thành thiên nga, song nhờ tình yêu của vị hoàng tử nên được trở lại làm người. Trong bài viết của mình, thầy so sánh Việt Nam đang bị Pháp xâm lược với nàng công chúa bị ác thần hãm hại, rồi đây sẽ trở lại làm người. Chúng tôi tán tụng thầy đem chuông đi đánh ở nước ngoài như vậy là tiếng chuông kêu to lắm, vang lắm. Trong bài thầy viết ở Vienne gửi đăng báo La Démocratie nouvelle (Báo Dân chủ mới) của Đảng Cộng sản Pháp. Tôi nhớ một hình ảnh thầy viết về sông Danube trong bài ấy: “ …những điệu vĩ cầm của đàn ve trong những khu rừng hai bên bờ sông Danube...” (... les violons des cigales dans les forêts sur les deux rives du Danube). Ngồi ở một làng quê Thanh Hoá, chúng tôi được bay bổng sang tận sông Danube xanh bên châu Âu, thật là kỳ diệu.
Sau lần đó, thầy Tường cũng không dạy chúng tôi được liên tục vì thầy còn bận công việc của một luật sư. Không lên lớp được, thầy bảo chúng tôi: “Tôi còn bận bào chữa cho mấy ông gián điệp Hòn Mê - Ba Làng”. Nguyên trong thời gian đó, một toán tình báo gián điệp của Pháp lén lút thâm nhập vùng tự do của ta ở vùng biển Hòn Mê - Ba Làng, bị công an ta vây bắt, đưa ra tòa án Liên khu IV xét xử thầy Tường được mời làm luật sư biện hộ cho bọn chúng. Thầy bảo: “Mình chỉ khuyên chúng nó khai nhận rồi ra Tòa kêu gọi Tòa khoan hồng, giảm án, chứ làm gián điệp cho Tây thì bào chữa thế nào được!”. Đêm xử án bọn này, trên một bãi cỏ rộng căng lều bạt, có đèn điện ắc-quy sáng trưng, hàng ngàn đồng bào đến dự phiên toà, lũ sinh viên chúng tôi cũng kéo nhau đi dự, chủ yếu để nghe thầy Tường bào chữa cho bị cáo, cũng để biết tài hùng biện của một vị trạng sư, từng được nổi tiếng là “ngôi sao ở tòa án Montpellier” bên Pháp. Tuy bị hạn chế vì phát biểu bằng tiếng Việt, song trước Tòa, lời bào chữa của thầy cũng rất hùng biện. Tài hùng biện ấy chúng tôi cũng đã được thưởng thức trong các bài giảng của thầy ở trên lớp.
Cuối năm 1953, học xong Sư phạm Cao cấp (ở lớp này chúng tôi được học Giáo dục học với thầy Tường), chúng tôi ra trường và về các trường cấp III để dạy học. Tôi được cử sang dạy sư phạm Trung cấp ở Khu học xá Trung ương. Bản thân tôi những năm làm việc ở Viện Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục trong chiến tranh chồng Mỹ, có một số lần đi sơ tán tránh bom Mỹ với thầy ở nông thôn. Tôi rất cảm động thấy người trí thức nổi tiếng ngày xưa ấy trong phong độ của một ông già cần kiệm, cần mẫn, sinh hoạt giản dị, vui vẻ, đồng cam cộng khổ với nhân dân, trên tay lúc nào cũng có một cuốn sách văn học bằng tiếng Pháp. Ở Viện Giáo dục, tôi đã nhiều lần xin ý kiến của thầy về văn học, thầy chỉ dẫn rất nhiệt tình, nhất là về phương pháp dạy văn theo kinh nghiệm và truyền thống của nhà trường Pháp, với các giáo sư danh tiếng như G. Lanson, J.Vianey vốn cũng là các giáo sư của thầy những năm đầu thế kỷ XX. Chính thầy đã chỉ dẫn cho tôi tìm đọc và dịch bài tựa sách Lịch sử văn học Pháp của vị đại sư G.Lanson, một nhà bác học đồng thời một nhà sư phạm lớn của nước Pháp, có tư tưởng rất gần với chủ nghĩa Marx. Bài tựa này đề cập đến việc dạy văn ở trường đại học và trung học.
Ngày thầy Tường qua đời, tôi ở trong Nam, không được tin và cũng không được đưa tiễn Thầy. Nhớ lại hình ảnh thầy Tường, tôi thường cảm kích nghĩ rằng chỉ riêng sự có mặt của Thầy trong hàng ngũ những nhà trí thức yêu nước đi kháng chiến theo cụ Hồ ngày ấy đã là một sự cổ vũ lớn đối với thế hệ thanh niên chúng tôi. Chỉ riêng điều đó thôi đã là một cống hiến vô giá của thầy cũng như của những người như thầy đối với đất nước, xứng đáng với sự hàm ơn và tưởng nhớ của các thế hệ sau này, cần được vinh danh mãi mãi trong lịch sử văn hoá và giáo dục của dân tộc ta.
Sinh thời của Thầy, tôi được biết những người như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, cố Viện trưởng Nguyễn Lương Ngọc đều rất kính trọng thầy và chúng tôi cũng noi gương các vị đó. Tôi lại thường nghĩ: đến khi mình hiểu được thầy, có những điều cần hỏi thầy để học thì thầy lại không còn nữa. Giá mình ngày xưa mà là mình bây giờ thì có bao nhiêu điều có thể hỏi và học ở thầy, bây giờ có muốn cũng không làm được. Rồi nghĩ lại đến lượt mình cũng vậy, ngày nay mình có bao nhiêu điều có thể nói với học trò, song họ lại có những quan tâm mới, khác, có vẻ chẳng cần gì đến học thức và kinh nghiệm của mình. Đến khi sau này, cũng như mình ngày nay, họ hiểu được và muốn hỏi thầy điều này, điều kia thì mình lại không còn để trả lời họ nữa.
Dù sao thì đó cũng là sự tiếp nối và đứt đoạn giữa các thế hệ, một lẽ thường trong lịch sử xưa nay. Với những cảm khái như thế, tôi viết mấy lời tưởng niệm đối với người thầy đại học đầu tiên của đời tôi, năm nay nếu còn tại thế đã tròn 100 tuổi: Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường kính mến!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập