Cải cách Hiến Pháp ở Trung Quốc
Hỏi: Ngày 14/03/2004, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua sửa đổi Hiến pháp, trong đó 3 điểm nổi bật là: (i)- bảo vệ quyền sở hữu tư nhân; (ii)- tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và (iii)- thuyết Ba đại diện của Giang Trạch Dân vào trong Hiến pháp. Kể từ năm 1982, Trung Quốc đã 4 lần sửa đổi Hiên pháp, nhưng lần sửa đổi này được đánh giá là mang tính cách mạng nhất, đánh dấu bước đột phá trong đường lối phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước hết, theo ông, lý do của việc Trung Quốc cải cách Hiến pháp với những thay đổi đột phá như vậy là gì?
Trả lời: Trước tiên, tôi muốn nhắc lại một kết luận quan trọng được rút ra từ những nghiên cứu của chúng ta về vấn đề cải cách, đó là trong đời sống quốc tế hiện đại, tự do không còn là quyền chính trị mà đã trở thành quyền phát triển và nó gắn liền với các cuộc cạnh tranh toàn cầu. Nếu không có tự do thì năng lực cá nhân, năng lực xã hội không được giải phóng và do đó, năng lực phát triển của dân tộc cũng không được giải phóng. Khi năng lực phát triển không được giải phóng thì năng lực cạnh tranh sẽ giảm.
Trung Quốc là một cường quốc và rất có thể sẽ trở thành một cực chính trị hay một siêu cường trong đời sống chính trị quốc tế. Trên thực tế, có thể thấy Trung Quốc đã trở thành như vậy, tuy không được toàn diện như Hoa Kỳ. Khi tham gia vào WTO, Trung Quốc nhanh chóng trở thành người lãnh đạo, người điều khiển phản ứng của các nước đang phát triển trong tổ chức này. Nhiều người đã nhận ra điều ấy từ khi Trung Quốc bắt đầu tham gia vào WTO. Nhưng tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Trung Quốc muốn vươn lên thành một cực chính trị của thế giới, vì vậy Trung Quốc buộc phải cải cách, cải cách triệt để để không ngừng nâng cao tính hấp dẫn đối với cộng đồng quốc tế và giảm thiểu các nguy cơ rủi ro. Sự hấp dẫn về mặt chính trị của một quốc gia là một trong những điểm quan trọng nhất tạo ra sự hấp dẫn của quốc gia đó. Do vậy, Trung Quốc không thể cứ lần lữa mà không cải cách chính trị được. Đối với Trung Quốc, thời điểm hiện nay chính là thời cơ của họ.
Từ năm 1979, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách và mở cửa. Đến nay, sau 25 năm, Trung Quốc đã chấm dứt giai đoạn bản năng của sự phát triển và chuyển sang giai đoạn phát triển có lộ trình. Cải cách Hiến pháp của Trung Quốc lần này là sự đúc rút kinh nghiệm của các cuộc cải cách mà người Trung Quốc đã tiến hành trước đây, tức là đi từng bước một để khẳng định những thành tựu chính trị, những kinh nghiệm chính trị trong quá trình cải cách, làm cho Trung Quốc trở thành thị trường hấp dẫn một cách toàn diện đối với nền kinh tế thế giới.
Cuộc cải cách Hiến pháp lần này là một bước nữa để Trung Quốc khẳng định kinh nghiệm chính trị của mình trong tiến trình cải cách toàn diện đất nước theo hướng dân chủ về chính trị, tự do về kinh tế và cởi mở về văn hóa. Đây cũng chính là ba tiêu chuẩn lý thuyết mà chúng ta đã rút ra khi đánh giá bất cứ một hiện tượng có chất lượng cải cách nào trên thế giới. Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Việc cụ thể hóa lý thuyết "Ba đại diện" cho thấy quyết tâm của Trung Quốc nhằm xây dựng một nền chính trị tiên tiến.
Hỏi: ông có thể nói rõ hơn về luận điểm quan trọng này?
Trả lời: Trung Quốc xây dựng xã hội dân chủ dựa trên cấu trúc của hệ thống chính trị một Đảng cầm quyền. Xét về mặt lý luận, đây là một việc cực kỳ khó. Người Trung Quốc cố gắng thoát ra khỏi bế tắc về mặt lý luận trong lĩnh vực này. Trung Quốc không phải là xã hội một Đảng mà là xã hội một Đảng cầm quyền. Khác xã hội chúng ta, Trung Quốc có 8 đảng phái khác nhau đều thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong khuôn khổ mà Trung Quốc gọi là hợp tác đa đảng “dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản"*), trong đó có Đảng Dân chủ Công Nông, Đảng Chí công hay Hội cách mạng dân chủ... Do vậy, có thể nói trong ba nội dung sửa đổi của hiến pháp, lý thuyết Ba đại diện theo tôi là quan trọng nhất, bởi vì nó giải quyết mâu thuẫn căn bản của Trung Quốc là xây dựng xã hội dân chủ dựa trên hệ thống chính trị một Đảng cầm quyền, hay dựa trên sự khẳng định tính cầm quyền lâu dài của những người cộng sản. Có thể nói, đây là một trong những nghệ thuật lãnh đạo rất căn bản và thể hiện tầm nhìn của những người lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc.
Hỏi: Những sửa đổi đó có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Trả lời: Rõ ràng, cải cách Hiến pháp lần này ở Trung Quốc là một cuộc thay đổi quan trọng vì nó tạo nền tảng cho sự tồn tại và phát triển lâu dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc với tư cách là Đảng Ba đại diện: đại diện các lực lượng sản xuất tiến bộ, đại diện nền văn hóa tiến bộ và đại diện lợi ích cơ bản của đại đa số nhân dân Trung Quốc. ở đây, Trung Quốc dùng thuật ngữ "nền văn hóa tiên tiến" để tránh đụng chạm trực tiếp đến chính tả, và điều này thể hiện sự khôn ngoan về chính trị của các nhà cộng sản Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện sự tiên tiến về chính trị, do đó, mới có hệ quả là thừa nhận quyền con người và hệ quả thứ hai là thừa nhận quyền sở hữu tư nhân các tài sản - nội dung quan trọng nhất của quyền con người. Khi thuyết Ba đại diện thừa nhận những người cộng sản Trung Quốc, Đảng cầm quyền ở Trung Quốc là đảng đại diện cho khuynh hướng chính trị tiên tiến nhất tức là đã khẳng định dân chủ về mặt lý luận, mà tính ứng dụng của quá trình dân chủ đó chính là thừa nhận quyền con người và pháp chế hóa sự thừa nhận đó. Đây chính là hai quyền hết sức căn bản trong các tập hợp các quyền của con người, và việc Trung Quốc đến nay mới thừa nhận hai quyền này tố cáo sự lạc hậu chính trị ở Trung Quốc thời gian trước đó.
Không thể phủ nhận là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đi một bước khá dài từ đại diện cho một lực lượng cụ thể trở thành đại diện cho các vấn đề của đời sống chính trị. Đó là sự sáng tạo của lý thuyết Ba đại diện và phải khẳng định, Giang Trạch Dân đã làm một cuộc cách mạng xét về mặt phương pháp luận để xây dựng một Đảng chính trị. Bằng lý thuyết "Ba đại diện" Trung Quốc đã giải quyết được vấn đề xây dựng Đảng. Xây dựng Đảng là thay đổi cương lĩnh chính trị của Đảng và phương pháp xây dựng Đảng cho phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống, ở đây là cuộc sống toàn cầu, chứ không phải chỉ là cuộc sống của Trung Quốc. Lý thuyết Ba đại diện, do đó, trở thành giải pháp mang tính triết học chứ không đơn thuần là giải pháp chính trị, và giá trị triết học của nó trước hết nằm ở việc nhận thức về Đảng cầm quyền, về xây dựng Đảng cầm quyền trong bối cảnh thế giới hiện đại ngày nay.
Hỏi: Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn khẳng định sự trung thành với Chủ nghĩa Marx-lenin, nhưng với việc đưa thuyết Ba đại diện vào trong hiến pháp lần này, chúng ta nên hiểu thái độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Chủ nghĩa Marx - Lenin như thế nào?
Trả lời: Nếu quan sát chúng ta sẽ thấy, Trung Quốc sắp xếp các hệ tư tưởng chính trị theo chiều dọc: Chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, bây giờ là thuyết Ba đại diện của Giang Trạch Dân. Sự sắp xếp này phản ánh sự phát triển liên tục của đời sống xã hội nói chung và đời sống chính trị nói riêng của Trung Quốc. Chính tả là sự phản ánh các cách thức điều hành cuộc sống, khi cuộc sống thay đổi thì cách thức điều hành cuộc sống cũng thay đổi. Như vậy, sự tiếp nối của các hệ tư tưởng ở Trung Quốc đáp ứng đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống, không phải do tình thế bắt buộc.
Việc đưa thuyết Ba đại diện vào Hiến pháp cho thấy người Trung Quốc đối xử trân trọng đối với Chủ nghĩa Marx-Lênin, với thái độ biện chứng và quan điểm lịch sử nghiêm túc. Chủ nghĩa Marx-Lênin đã có vai trò lịch sử đối với việc hình thành hệ tư tưởng Trung Quốc và đến nay hệ tư tưởng Trung Quốc đang tiếp tục phát triển bằng thuyết Ba đại diện. Vào đầu thế kỷ XIX, khi giai cấp công nhân công nghiệp trở thành lực lượng tiên tiến của thời đại thì Đảng chính trị đại diện cho giai cấp công nhân công nghiệp là đúng. Nhưng khi bước sang nền kinh tế hậu công nghiệp thì giai cấp công nhân công nghiệp không còn là lực lượng tiên tiến nữa. Cần phải xác định lại lực lượng mà các Đảng chính trị đại diện. Trung Quốc đã làm được việc đó. Với thuyết "Ba đại diện", Đảng Cộng sản Trung Quốc không còn đại diện cho lực lượng con người cụ thể mà đại diện cho những yếu tố tiên tiến của cuộc sống, đó là các khuynh hướng chính trị hay trình độ chính trị của đời sống phát triển.
Hỏi: Trung Quốc là cây đại thụ trong khối các nước XHCN. Theo ông, việc cải cách hiến pháp lần này báo hiệu một tương lai như thế nào của CNXH?
Trả lời: Xưa nay, chúng ta tư duy dựa vào lý thuyết lưỡng cực, lý thuyết về Chiến tranh Lạnh, tức là có CNXH và CNTB, và chúng ta luôn trăn trở với câu hỏi CNXH còn hay mất. Sẽ đến lúc không còn câu hỏi như vậy về tương lai của CNXH vì người ta không cần quan tâm đến việc anh được gọi là gì. Tôi cho rằng, không có CNXH theo kiểu này hay CNTB theo kiểu kia mà thế giới là một cộng đồng các quốc gia với các khuynh hướng. chính trị khác nhau. Các khuynh hướng chính trị cũng diễn biến, cũng thay đổi trên cơ sở những thay đổi hàng ngày của nhịp điệu cuộc sống. Tôi đã đến nhiều nước và thấy rằng địa vị của con người mới chính là đối tượng phản ánh chất lượng chính tri của một xã hội.
Hỏi: Theo ông, các nhà chính trị Trung Quốc có nhận thức được những rủi ro khi họ chủ trưng thể chế hóa quyền con người và sở hữu tư nhân hay không?
Trả lời: Theo tôi, những sửa đổi Hiến pháp mang tính cách mạng lần này là kết quả của sự cân nhắc có chất lượng khoa học và tỉnh táo của những người cộng sản Trung Quốc. Việc thay đổi những nguyên lý chính trị của Trung Quốc là kết quả của đời sống trí tuệ chứ không phải là kết quả của nhiệt tình cách mạng hay tình yêu cái mới, cũng không đơn giản là tình cảm của các nhà cộng sản Trung Quốc đối với nhân dân của mình. Đã qua rồi cái thời các nhà chính trị có thể gặp may trong việc tìm ra các giải pháp chính trị đúng đắn; bây giờ, các quyết định chính trị phải là kết quả của sự cân nhắc khoa học. Các cuộc cải cách ở Trung Quốc là kết quả của ý thức tỉnh táo về lợi ích của những người cộng sản Trung Quốc. Họ đã giải quyết được vấn đề gắn liền quyền lợi của những người cộng sản Trung Quốc với quyền lợi của nước CHND Trung Quốc và nó tạo ra tính tương thích giữa một dân tộc với một đảng chính trị cầm quyền với tư cách đại diện cho những yếu tố tiên tiến của cuộc sống. Đấy là lý do tôi đi đến kết luận rằng, lý thuyết "Ba đại diện" là một cuộc thay đổi có chất lượng triết học trong lý thuyết về xây dựng đảng chính trị và chúng ta buộc phải nghiên cứu vấn đề này một cách nghiêm túc.
Sự đột phá trong cải cách hiến pháp cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc ý thức rất rõ về những rủi ro, quan trọng hơn, họ nhận thức về những lợi ích mà sự thay đổi sẽ đem lại. Tôi cho rằng, những người cộng sản Trung Quốc không chỉ dũng cảm, họ còn là những người thông minh, có tầm nhìn khi quyết định những bước đi quan trọng đó.
Hỏi: Cải cách Hiến pháp Trung Quốc lần này có phải là thời cơ cho Việt Nam hay không? Và các nhà lãnh đạo Việt Nam có ý thức được sức ép đối với công cuộc cải cách và mở cửa ở Việt Nam trong thời gian tới hay không?
Trả lời: Trước hết, chúng ta cần làm rõ khái niệm thời cơ. Theo tôi, thời cơ ở đây cần phải hiểu là không gian cho phép của sự trì hoãn cải cáchvà trên thực tế, nó được quy định bởi hai yếu tố quan trọng là đối nội và đối ngoại. Khi nhân dân hay đời sống của nhân dân phát triển đến một mức độ mà khoảng cách giữa sự tiên tiến của Đảng lãnh đạo với nhân dân còn đủ dài thì đó là thời cơ. Khi nhà chính trị lạc hậu hơn nhân dân thì thời cơ không còn nữa. Về mặt đối nội, khoảng cách ấy được đo bằng khả năng các nhà chính trị hiểu nhân dân của mình. Về đối ngoại, nó được đo bằng năng lực cạnh tranh và hội nhập của cả đất nước, trong đó có các nhà chính trị. Trong khi toàn dân thực hiện đổi mới và cải cách thì các nhà chính trị cũng phải đổi mới . Họ phải tự đổi mới mình để đáp ứng với những đòi hỏi của đời sống chính trị hiện đại, nhưng trước hết là để tạo ra sự tiên tiến chính trị và dẫn dắt quá trình cải cách và mở cửa đi đúng hướng. Công cuộc cải cách ở Việt Nam cũng đã trải qua gần 20 năm, một khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng không phải là ngắn cho một quá trình cải cách, những kết quả thu được chủ yếu là trong lĩnh vực kinh tế. Tôi cho rằng, những bước đi mạnh bạo và đột phá như vậy của Trung Quốc mở ra không ít cơ hội cho Việt Nam. Chúng ta nên tranh thủ thời cơ này để tiến hành những bước cải cách triệt để hơn, sâu rộng hơn, nếu không sẽ là quá muộn. về sức ép, có thể khẳng định ngay rằng, sức ép đối với Việt Nam là rất lớn, chúng đến từ cả hai phía: đối nội và đối ngoại. Về sức ép đối nội, nếu Trung Quốc phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tựu thì một cách tự nhiên Việt Nam sẽ chịu sức ép từ chính sự phát triển đó do những đòi hỏi của xã hội. Còn về sức ép đối ngoại, khi Trung Quốc đổi mới, họ trở nên hấp dẫn hơn và như vậy nguồn đầu tư sẽ chảy vào họ nhiều hơn. Việt Nam có sự hấp dẫn riêng của mình nhưng nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn và kém khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Việc cải cách Hiến pháp của Trung Quốc sẽ mở rộng không gian phát triển và chắc chắn Trung Quốc sẽ có những bước tiến mới. Chắc chắn Việt Nam sẽ thấy sốt ruột. Đó là những sức ép mà Việt Nam sẽ phải đối mặt.
Hỏi: Trước những thay đổi mang tính chất cách mạng ở Trung Quốc, ông có liên hệ gì với Việt Nam?
Trả lời: Phải khẳng định, nếu không thay đổi hệ quy chiếu của tư duy người Việt Nam sẽ không nhìn ra sự sáng suất của Trung Quốc. Việt Nam dường như vẫn chưa hiểu hết lợi ích của cải cách. Tất cả các nước phát triển đều hiểu một điều đương nhiên, là không thừa nhận các quyền sở hữu thì con người sẽ không tiết kiệm, sẽ lãng phí; không tự do thì con người sẽ không sáng tạo; và không dân chủ thì sẽ không có nhà nước đúng đắn và lành mạnh. Những chân lý ấy được các nhà Khai sáng Pháp khẳng định từ cuối thế kỷ XVII. Trung Quốc đã thay đổi được hệ quy chiếu của tư duy bằng sự sáng suốt và bằng cả khát vọng vươn tới sự tiến bộ.
Cải cách chính trị ở Việt Nam dễ hơn nhiều so với Trung Quốc ở chỗ, Việt Nam bé hơn Trung Quốc rất nhiều cho nên số lượng rủi ro và các vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt khi tiến hành cải cách chắc chắn không nhiều và ít phức tạp hơn. Hơn nữa, trong khi những tư tưởng tự do chỉ xâm nhập vào Trung Quốc qua vùng Thượng Hải, qua Hồng Kông thì tư tưởng tự do, dân chủ của phương Tây xâm nhập vào Việt Nam qua nhiều con đường Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng... Thế hệ cha tôi cũng đã hiểu những tư tưởng tự do phương Tây từ rất sớm. Chúng ta xâm nhập cái mới dễ hơn thì chúng ta sẽ cải cách dễ hơn. Và tôi tin rằng, trước thời cơ này, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ có đủ sự sáng suốt và dũng cảm để quyết định những bước đi đúng đắn.
*)Hợp tác đa đảng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc: Hiện nay ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có 9 chính đảng được chính thức công nhận là: Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban cách mạng Quốc dân đảng Trung Quốc (gọi tắt là Dân Cách), Đồng minh dân chủ Trung Quốc (gọi tắt là Dân Minh), Hội kiến quốc dân chủ Trung Quốc (gọi tắt là Dân Kiến), Hội xúc tiến dân chủ Trung Quốc (gọi tắt là Dân Tiến), Đảng dân chủ nông công Trung Quốc (gọi tắt là Nông Công Đảng), Đảng trí công Trung Quốc (gọi tắt là Trí Công Đảng), Học xã Cửu Tam, Đồng minh tự trị dân chủ Đài Loan (gọi tắt là Đài Minh)
Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định: Đảng Cộng sản Trung Quốc (thành lập năm 1921) là chính đảng chấp chính duy nhất, 8 chính đảng còn lại được gọi là Đảng phái dân chủ (hay đảng tham chính). Đại bộ phận các đảng phái dân chủ được thành lập trong thời kỳ chiến tranh Trung-Nhật và nội chiến Trung Quốc. Các đảng phái dân chủ tham gia chính trị thông qua Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, phát huy vai trò giám sát và là phụ tá của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phương châm hợp tác cơ bản giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và 8 đảng phái dân chủ được xác định là: "Trường kỳ cộng tồn, hỗ tương giám đốc, can đảm tương chiếu, vinh nhục dữ cộng" (cùng tồn tại lâu dài, giám sát lẫn nhau, đối xử chân thành với nhau, vinh nhục có nhau).
Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng quy định nhân dân có quyền tự do lập hội lập đảng, nhưng chưa hề có phê chuẩn chính thức nào cho các Đảng phái đã đệ trình. Riêng tại Hồng Kông và Ma Cao là 2 đặc khu hành chính của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các chính đảng và đoàn thể ở đây được phép hoạt động, không dưới sự quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá