Sách dịch ở Trung Quốc và sách dịch ở Việt Nam
Theo những số liệu của tờ China Book Business Report, tạp chí ra hàng tuần chuyên cung cấp thông tin về sách vở và về những hoạt động của ngành xuất bản, thì hiện nay khắp Trung Quốc có 568 nhà xuất bản, gồm 219 nhà xuất bản Trung Ương và 349 nhà xuất bản địa phương.
Việt Nam từ ngày đổi mới cũng đã có sự nở rộ của sách dịch, nhưng ở một tầm khiêm tốn chứ không hừng hực đầy khí thế để có thể gọi là một bước nhảy vọt đáng kể.(1)
* Sách dịch ở Trung Quốc
Theo những số liệu của tờ China Book Business Report, tạp chí ra hàng tuần chuyên cung cấp thông tin về sách vở và về những hoạt động của ngành xuất bản, thì hiện nay khắp Trung Quốc có 568 nhà xuất bản, gồm 219 nhà xuất bản Trung Ương và 349 nhà xuất bản địa phương. Trong năm 2003, các nhà xuất bản ấy đã tung ra 170.962 tựa sách, trong số đó có 100.693 tựa sách mới và 70.269 tựa sách tái bản.
Tổng số sách in năm 2003 lên đến gần 7 tỷ bản, tăng 8,9% so với năm 2002 chiếm tròm trèm 4% của con số 170.962 nói trên. Từ khi Trung Quốc mở cửa theo cơ chế kinh tế thị trường cho đến nay sách vở và ngành xuất bản ở Trung Quốc đã có một sự nhảy vọt tới trước không tiền khoáng hậu.
Không nói đến những sách sáng tác của các nhà văn Trung Quốc mà chỉ nói đến những sách dịch hiện nay của Trung Quốc thôi, thì chúng ta nên biết rằng trong vòng hai mươi năm trở lại đây, hoạt động dịch thuật của Trung Quốc đã nhộn nhịp, sôi nổi lên một cách đáng phục và có thể so sánh với công việc dịch tất cả những bộ sách kinh điển đồ sộ của Phật giáo ở thế kỷ thứ IX và thế kỷ thứ X của nhóm Tam Tạng Huyền Trang xưa kia.(2)
Chúng ta còn nhớ, hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vừa qua, người Trung Quốc, trước những biến chuyển lịch sử dồn dập của đất nước họ, trước những ảnh hưởng nặng nề của cái mà các cụ của chúng ta ngày trước đã gọi là “mưa Âu gió Mỹ”, đã bắt đầu nhận thấy rằng nếu không muốn bị nuốt chửng trong cuộc cạnh tranh sống còn đang diễn ra khốc liệt thì họ phải biết rõ những chỗ yếu của đối phương để đánh vào những chỗ mạnh của đối phương từ đó tìm ra cách chống lại.
Họ cũng hiểu ra rằng, nền văn hóa cổ kính có từ mấy ngàn năm của họ cũng phải cần đến những yếu tố thực dụng, năng động và khoa học mà tiền nhân đời xưa của họ đã chê là cơ xảo không hợp với cách hành xử của người quân tử. Từ đó, họ bèn đọc sách của đối phương, tìm hiểu những tư tưởng và học thuyết của đối phương và vỡ lẽ ra là trong những sách ấy, những tư tưởng và học thuyết ấy cũng có những điểm rất hữu ích, rất khả thủ có thể đem nói ra, truyền bá cho tất cả những người Trung Quốc khác cùng biết.
Do đó, khoảng những năm đầu của thế kỷ XX, Lâm Thư mới bắt đầu dịch hơn trăm tác phẩm văn học nước ngoài, mà năm 1919 mới có cuộc Ngũ Tứ vận động, mới có chuyện tranh biện và chọn lựa giữa bạch thoại và văn ngôn, kết quả là đưa đến những thay đổi lớn trong thượng tầng kiến trúc của xã hội Trung Quốc.
Năm 1978, khi ông Đặng Tiểu Bình chủ trương mở cửa thì sự khao khát học hỏi, khao khát hiểu biết, khao khát thông tin, khao khát được nhìn ra thế giới bên ngoài bị dồn ép bấy lâu nay đã nổ bùng ra mãnh liệt như một ngọn sóng thần. Thư viện và nhà sách xuất hiện khắp nơi ở Trung Quốc.
Dài theo đại lộ Vương Phủ Tỉnh lớn nhất, rộng nhất, sang trọng nhất của thủ đô Bắc Kinh có rất nhiều nhà sách. Những nhà sách lớn nhất ở đây là của Tập đoàn phát hành sách Tân Hoa của Nhà nước. Đi vào đó, tìm đến khu dành cho sách dịch chúng ta phải sửng sốt, không ngờ…
Sách dịch loại nào cũng có. Nguyên một tầng cao ốc rộng gần bằng một sân đá bóng là tầng bán những sách tham khảo, nghiên cứu của đại học và bậc trên đại học. Đủ các sách của mọi khoa, mọi ngành, mọi bộ môn. Tầng lầu thứ ba là tầng trưng bày những tác phẩm cổ điển của văn học nước ngoài. Có thể gặp đủ mặt những nhà văn, nhà thơ lớn trên thế giới: Dickens, Tchekhov, Hugo, Blake, Byron, Longfellow, Goethe, Balzac, Rabelais, Villon, Tolstoi, Gogol, Turgeniev, Whitman, Mark Twain, Dostoievski, Ibsen, Fielding, Defoe, Swift, Sterne, Tagore, Dante, Boccace, Akutagawa…
Trên tầng lầu thứ tư là sách về khoa học xã hội, khoa học nhân văn và những tác phẩm cổ điển của những triết gia, tư tưởng gia lừng danh kim cổ từ Socrate, Platon, Aristote, Descartes, Nietzsche, Schopenhauer, Comte và nhiều tên tuổi khác. Những nhà lập thuyết đương đại và những nhà chủ trương những đường hướng tư tưởng mới thì có Habermas, Foucault, Merleau - Ponty, Edward Said, Max Weber, Sigmund Freud, Georg Simmel, Walter Benjamin, Martin Heidegger… Toàn bộ tác phẩm triết học của Hegel được dịch thành hai mươi hai tập. Toàn bộ Kant sáu tập...
Về văn học đương đại nước ngoài thì A đến Z không thiếu một nước nào: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Nhật, Ấn, Thổ… đủ mọi xu hướng, mọi trường phái, mọi phong cách: Ohan Pamuk, Ismail Kadaré, Agosta Cristof, Robert Musil, Umberto Eco, Italo Calvino, Luggi Pirandello, Bertolt Brecht, Dino Buzzati, Alexis Tolstoi, Thomas Mann, Aldous Huxley, John Irving, David Lodge, Haruki Murakami…
Bộ À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất) của Marcel Proust do Chương Châu Đức, giám đốc nhà xuất bản Nghĩa Lâm, nhờ đến 15 dịch giả dịch suốt 10 năm mới xong đã được những độc giả sành văn chương hoan nghênh nhiệt liệt. Giám đốc Chương còn cho biết: “Một số người không sành văn chương lắm cũng mua để có một bộ trong tủ sách của mình vì nghe nói đây là một kiệt tác của thế kỷ XX và Proust là một nhà văn lớn rất tài hoa có những nhận xét tinh tế và sâu sắc về tâm lý con người”.
Cuốn Le Rouge et le Noir (Đỏ và Đen) của Stendhal cũng là một cuốn sách dịch bán rất chạy ở Trung Quốc vì lẽ Stendhallà một đại văn hào đã đành nhưng cũng do một duyên cớ khác nữa là trong thời gian được nắm quyền hành trong tay, bà Giang Thanh đã tỏ ra không thích nó nên có nhiều người dù không biết Stendhal là ai cũng mua một cuốn về xem để biết, vì sao nó bị bà Giang Thanh ghét bỏ.
Le Rouge et le Noir đã được dịch ra tiếng Trung Quốc từ năm 1947. Bản dịch hồi ấy chỉ là một bản gồm những đoạn trích dịch và là bản dịch rất kém nên các nhà xuất bản bây giờ đã cho dịch lại. Hiện nay, có đến 8 bản dịch khác nhau và trong số những bản dịch ấy chỉ có 5 hay 6 bản là dịch hay và dịch đúng.
Bản dịch cuốn L’Amant (Người tình) của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras cũng là một “best-seller”, một phần nhỏ vì cái hay của văn chương nhưng một phần lớn vì sự thích thú của người Trung Quốc khi biết đó là câu chuyện tình giữa một đồng bào của họ và một cô đầm, da trắng…
Ngoài những sách nghiêm túc có tính mở rộng tầm nhìn, nâng cao kiến thức thì nhiều nhà xuất bản cũng chiều theo thị hiếu của số đông độc giả nên họ đưa ra bản dịch những loại văn chương đơn thuần là văn chương giải trí của những tác giả ăn khách bên Tây, bên Mỹ như: Tom Clancy, James Clavell, Frederick Forsythe, Marc Lévy, Danielle Steele, Michael Crichton, Mary Higgins Clark, Ken Follett...
Vừa rồi là chuyện sách dịch bên Trung Quốc. Còn ta thì như thế nào?
* Sách dịch ở Việt Nam…
Việt Nam từ ngày đổi mới cũng đã có sự nở rộ của sách dịch, nhưng ở một tầm khiêm tốn chứ không hừng hực đầy khí thế để có thể gọi là một bước nhảy vọt đáng kể.
Đi vào những nhà sách lớn, chúng ta thấy hàng trăm tựa sách dịch đang chen chúc nhau trên những kệ trưng bày. Có đủ loại. Đổ đồng cứ 100 tựa sách thì có khoảng 40% thuộc loại tiểu thuyết giải trí của những tác giả đang ăn khách trên thế giới mà phần lớn là những tác giả Âu và Mỹ như James Clavell, Frederick Foisyth, John Grisham, Mario Puzo, Agatha Christie, Mary Higgins Clark, James Hadley Chase, Dan Brown, Marc Lévy, Quỳnh Dao…, Khoảng 30% là truyện kiếm hiệp với Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh, Tiêu Đỉnh…
Khoảng 5% là những tác phẩm được xem là “cổ điển” của những bậc thầy trong văn học thế giới như Tolstoi, Anton Tchekhov, Henry Fielding, Laurence Sterne, Honoré de Balzac, Stendhal, Charlotte Brontë, Emily Brontë, Jane Austen, William Makepeace Thackeray, Tào Tuyết Cần…
Khoảng 8% là sáng tác của những cây bút cận đại, đương đại nổi tiếng: Marcel Proust, André Gide, Anatole France, William Faulkner, John Steinbeck, Ernest Hemingway, Albert Camus, Mạc Ngôn, Mao Thuẫn, Lão Xá, Ba Kim, Murakami Haruki, Yukio Mishina… Khoảng 2% là sách triết học và sách về các ngành khoa học xã hội, nhân văn… Khoảng 3% là hồi ký, tiểu sử những nhân vật nổi tiếng trên thế giới… Khoảng 12% là sách về kinh tế và quản trị kinh doanh.
Phải nói rõ đây là những con số ước lượng theo cảm nhận chứ không phải lấy từ những số liệu thống kê chính thức nào. Tuy nhiên, những ai tìm hiểu tình hình sách dịch khi đi một vòng qua các nhà sách hẳn sẽ có cùng cảm nhận như trên.
Hiện nay về sách dịch, so với Trung Quốc thì chúng ta chưa làm được một phần rất nhỏ của công việc mà họ đã làm. Chúng ta chưa có một nhận định đúng đắn và nghiêm túc về vai trò của sách dịch đối với sự phát triển văn hóa và tiến bộ xã hội. Cách đây một trăm năm và hiện nay cũng vậy.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trước họa ngoại xâm về quân sự và văn hóa của các nước phương Tây, người Trung Quốc, người Nhật Bản đã có những phản ứng tự vệ rất tích cực. Họ cố học lấy cái mạnh của phương Tây để bồi dưỡng những chỗ yếu của họ. Thời Minh Trị ở Nhật Bản, từ 1870 – 1880, người Nhật đã dịch không biết bao nhiêu là sách của Pháp, Anh, Đức…
Người Trung Quốc, ngay từ năm 1608 đã biết thế nào là cái hay của văn minh phương Tây qua cuốn Những truyện ngụ ngôn củaEsope, nhờ bản dịch tiếng Trung Quốc của nhóm chủng sinh của giáo sĩ người Ý Matteo Ricci, nên sau này, đầu thế kỷ XX, họ đã bắt đầu đọc và dịch nhiều tác phẩm văn học phương Tây.
Năm 1903, tạp chí Chiết Giang triều của một nhóm cựu sinh viên Trung Quốc đã từng du học bên Nhật đã cho đăng từng kỳ truyện - do Chu Thu Nhân, sau này là nhà văn lớn Lỗ Tấn, lấy bút hiệu là Canh Thìn dịch từ Les Misérables (Những người khốn khổ) của Victor Hugo. Năm 1904 Lâm Thư đã dịch lại đầy đủ tác phẩm này với tựa sách là Độc tinh lệ, và ông còn dịch nhiều tác phẩm của nhiều nhà văn phương Tây nổi tiếng khác.
Những dịch giả Trung Quốc khác thì dịch Le contrat social của Rousseau (mà họ phiên âm là Lư Thoa), L’esprit des lois (Vạn pháp tinh lý) của Montesquieu(phiên âm là Mạnh Đức Tư Cưu). Chính nhờ đọc Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu, Stuart Mill mà Lương Khải Siêu có ý định cùng vua Quang Tự nhà Thanh chủ trương biến pháp.
Hồi ấy, những nhà trí thức cựu học của chúng ta ít nhiều cũng đã đọc Tân Thư của Trung Quốc và những sách trứ tác của Ẩm Băng tiên sinh, thì chắc hẳn cũng có đọc những sách dịch của Lâm Thư. Giá mà họ, nếu không dịch thẳng từ tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Đức, tiếng Nga được thì dịch qua những bản dịch của Lâm Thư, của những dịch giả Trung Quốc khác thì có lẽ phong trào dịch thuật của chúng ta không phải đợi đến khi có nhóm Đông Dương tạp chí, nhóm Nam Phong mới chính thức bắt đầu.
Năm 1900, người Hàn Quốc (lúc bấy giờ còn gọi là người Triều Tiên, người Cao Ly) chưa có khả năng tiếp xúc với văn học Pháp thế mà qua những bản dịch của người Nhật họ đã dịch được Lịch sử cuộc cách mạng Pháp (Histoire de la Révolution Française) của Micheletra tiếng Hàn là Bopkook hyokshin-jons. Năm 1907, dịch giả Pak-yong Hi dịch Hai vạn dặm dưới đáy biển (Vingt mille lieues sous les mers) của Jules Verne thành “Haejoyo hanggi”.
Năm 1916, dịch giả Lee Sang Hyop dịch Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas thành “Haewang song”. Năm 1918, dịch giả Min Tae-Won dịch Những người khốn khổ của Victor Hugo thành “Aesa”.
Sau Nguyễn Văn Vĩnh và nhóm Nam Phong của Phạm Quỳnh hình như công việc dịch thuật của Việt Nam không còn được mấy ai quan tâm đến, chỉ trừ một vài bản dịch phẩm ngắn xuất hiện lẻ tẻ trên các báo và tạp chí, chỉ trừ một vài người dịch thơ Lamartine, thơ Alfred de Vigny, thơ Sully Prudhomme, thơ Arvers, thơ Đường, thơ Tống, chỉ trừ Tản Đà dịch Liêu trai chí dị, Phan Kế Bính dịch Tam quốc chí, Á Nam Trần Tuấn Khải dịch Thủy hử, Nguyễn Đỗ Mục dịch Đông Chu liệt quốc, Trần Phong Sắc dịch Tây du ký, Nguyễn An Khương dịch Vạn Huề lầu, chỉ trừ Khái Hưng dịch Sanatorium của Somerset Maugham, Huyền Hà dịch The Painted Veil cũng của Somerset Maugham, chỉ trừ Khánh Hội Trần Văn Lai dịch Một nghìn lẻ một đêm qua bản dịch tiếng Pháp của Galland, Phan Khắc Khoan dịch thơ Ba Tư Robáyát của Omar Khayyâm cũng qua bản dịch tiếng Pháp, chỉ trừ Vũ Ngọc Phan dịch An-na Kha-lệ-ninh của Tolstoi, Đảo chôn vàng của Robert. L. Stevenson và Tiêu Nhiên và Mị Cơ từ truyện Tristan et Yseult của Pháp.(3)
Nói tóm lại, trong nửa đầu thế kỷ XX (khoảng từ năm 1900 - 1945) Việt Nam chẳng có được bao nhiêu sách dịch.
Chúng ta đã bước vào thế kỷ XXI. Trong khu vực châu Á, trong bốn nước đồng văn: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam thì phải nói rằng nếu có một sự đánh giá xếp hạng để khen thưởng về những nỗ lực của mỗi nước trên địa hạt văn hóa, học thuật thì có lẽ chúng ta phải đứng ở vị trí thứ tư. Đây là một sự thật mà chúng ta nên nhìn thẳng vào nó vì có như vậy chúng ta mới không cảm thấy mình nói dối với chính mình và với những người khác.
Nhìn nhận những yếu kém để rồi tìm cách khắc phục thì không có gì là mất mặt và đáng xấu hổ cả. Hiện nay, trình độ văn hóa tổng quát (culture générale) của phần đông chúng ta còn cần được nâng cao thêm nữa.
Trong bảng tỷ lệ phần trăm những loại sách mà chúng ta đã dịch trong mấy năm qua, sách văn chương giải trí và sách chưởng nghĩa là loại sách đọc để tiêu khiển, không ích lợi gì cho văn hóa, học thuật lại chiếm đến 30% - 40%, sách văn học đúng đắn nghiêm túc chỉ 5% - 8%, sách khoa học và triết học nhân văn 2%, sách kinh tế và quản trị kinh doanh 12%.
Tỉ lệ 12% của loại sách sau cùng này làm cho nhiều người trong chúng ta băn khoăn và suy nghĩ. Trong một nhà sách lớn, trên kệ trưng bày loại sách này, chúng ta có thể đếm được hơn 50 tựa sách: Xin kể ra một số:
- Bí quyết làm giàu dịch Big Bucks của Ken Blanchard và Sheldon Bowles.
- Nguồn gốc những khủng hoảng tài chính dịch Origin of Financial Crises của George Cooper.
- Kỷ nguyên hỗn loạn dịch The Age of Turbulence của Allan Greenspan.
- Những bong bóng tài chính của Greenspan dịch Greenspan’s Bubbles của William Fleckensteen.
- Nghĩ như một tỷ phú dịch Think like a billionaire của Donald J.Trump.
Loại sách kinh tế quản trị kinh doanh này bán khá chạy, bằng cớ là cuốn Trí tuệ kinh doanh châu Á dịch Lessons from the Region’s Best and brightest Business Leaders của Diana Louise C. Dayad được nhóm Alpha Books và nhà xuất bản Lao Động in lần thứ nhất đã bán hết, phải tái bản lần hai.
Như thế thấy rõ ràng là chúng ta đang rất muốn vươn lên, rất muốn làm giàu. Cũng là chuyện rất phải vì há đã chẳng có câu “Có thực mới vực được đạo đó sao?” Nhưng thiển nghĩ, giá mà chúng ta lo cho “thực” bao nhiêu thì cũng lo cho “đạo” bấy nhiêu thì quý hóa và hay ho biết mấy. Đàng này, những sách thuộc loại văn chương vô bổ và những sách chưởng thì chiếm đến 30 - 40%, còn những sách văn học và học thuật tối cần thì chỉ chiếm 8% và 2% thì quả là đáng ngại. E rằng khi lo cho đủ “thực” rồi thì có lẽ sẽ không còn “đạo” đâu để mà “vực” nữa.
Trước tình hình này chúng ta phải làm gì?
Việt Nam đã đổi mới từ hơn 20 năm nay. Chúng ta không nên và không thể bỏ lỡ cơ hội nhiều hơn nữa. Mọi người phải nhận thấy rằng trong địa hạt sách dịch và dịch thuật chúng ta phải đổi mới chính chúng ta và cách làm việc của chúng ta. Dịch thuật bây giờ không còn như ở thời ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh nữa. Nó đã trở thành một ngành học, một ngành nghiên cứu. Người Pháp gọi ngành đó là traductologie và chúng ta chưa biết phải dịch từ này ra tiếng Việt như thế nào. Nhưng đó là chuyện chúng ta sẽ bàn sau. Bây giờ chỉ nên nói đến những vấn đề trước mắt.
Có bốn vấn đề:
- Một là đổi mới cách làm việc của nhà xuất bản và những tổ chức tư nhân làm sách dịch.
- Hai là tổ chức, sắp xếp lại hàng ngũ các dịch giả để làm việc có hiệu quả hơn. Song song với Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, Hội nhà văn cần mở một trường dịch văn và đặt tên... chẳng hạn là “Trường dịch văn Phan Huy Thực” (một cách để tôn vinh người dịch bài “Tỳ bà hành”) để đào tạo những dịch giả có trình độ cao hơn và có năng lực cao hơn.
- Ba là các dịch giả nên được chuyên môn hóa. Một dịch giả không nên vừa dịch tiếng Pháp, vừa dịch tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, cũng không nên vừa dịch loại văn học vừa dịch sách của những ngành chuyên khoa (triết học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn).
- Bốn là nên có một chương trình dịch thuật ngắn hạn và một chương trình dịch thuật dài hạn. Chương trình ngắn hạn để đáp ứng những nhu cầu trước mắt (dịch những tác phẩm hiện đại vừa được xuất bản ở các nước trên thế giới).
Chương trình dài hạn nhắm tới việc dịch tất cả những tác phẩm văn học, khoa học cổ kim trong kho tàng văn học và kho tàng tư tưởng của nhân loại.
Bài viết hơi dài, xin hẹn nếu có dịp sẽ nói rõ chi tiết của bốn vấn đề trong một bài sau.
(1) Đây là một bài báo, không phải là một bài khảo cứu chuyên sâu. Những con số đưa ra chỉ có tính cách minh họa, tuy nhiên vẫn phản ánh được thực trạng sách dịch của chúng ta.
(2) Cách so sánh ở đây là của tờ tạp chí LIRE, số đặc biệt về văn học Trung Quốc. Để chứng minh nó thật tình là của tờ LIRE, xin chép nguyên văn tiếng Pháp của đoạn so sánh ấy ra đây: … Elle (tức Trung Quốc) a connu en deux décennies une extraordinaire floraison de traductions sans équivalent dans son histoire, sinon la traduction de l’immense corpus des canons du bouddhisme aux IXe et Xe siècles de notre ère. Tôi chỉ thêm mấy chữ “Nhóm Tam Tạng Huyền Trang” cho đầy đủ hơn thôi.
(3) Chúng tôi nhận thấy tác giả bài báo chưa thống kê những sách đã dịch ở miền Bắc từ 1954 trở đi, số lượng và chất lượng của các bản dịch. Ở miền Nam cũng có những bản dịch nghiêm túc. Tuy nhiên, nhìn chung, chúng ta vẫn đứng trước một công việc khổng lồ (B.B.T)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc