Khai phá và hoàn thiện con người tự do
Trò chuyện với Lao Động Xuân Giáp Ngọ, GS Hoàng Tụy cho rằng, sau hàng thập niên đi lạc hướng, giờ đây giáo dục Việt Nam đã có dấu hiệu tìm được đúng đường. Mục tiêu tổng quát của Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”, là một minh chứng rõ nét...
Giáo sư Hoàng Tụy nói: Thật khó mà trả lời được câu hỏi, vấn đề nào đáng lo ngại nhất trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo hiện nay! Biết nói vấn đề nào bây giờ khi mà bao trùm lên toàn bộ là một trạng thái quá lạc hậu! Giáo dục bị kìm hãm trong quá nhiều năm bởi tư duy bảo thủ.
Chúng ta đã thấy từ lâu, rằng nền giáo dục trước đây ta học tập theo mô hình Liên Xô giờ không còn phù hợp, nhưng do bị ràng buộc quá nhiều với những tư tưởng cơ bản gắn liền với nền giáo dục đấy nên ta loay hoay mãi không thoát ra được.
Những năm gần đây, trước yêu cầu hội nhập quốc tế, ta buộc thấy mình cần phải thay đổi tư duy, vì thế đã có một số chuyển biến, nhưng sức ì quá nặng. Cái sức ì này không chỉ riêng của ngành giáo dục mà của cả xã hội. Vì thế, một khi xã hội không thay đổi thì thực sự rất khó để chuyển nền giáo dục theo xu hướng tiến bộ chung của cả thế giới.
Nền giáo dục lạc hướng
Đó có phải là thực trạng mà nhiều lần giáo sư gọi tên “nền giáo dục lạc hướng”?
- Đúng thế! Tôi gọi nó “lạc đường”, hoặc “lạc hướng”, bởi ta đi theo con đường sai, nói cách khác là không hợp với ta, và chưa thoát ra được. Nếu chỉ là lạc hậu thôi, thì vẫn có triển vọng dần dần đuổi kịp nếu đúng hướng. Đằng này đã lạc đường rồi thì dẫu có cố gắng đến mấy chúng ta vẫn không thu hẹp được khoảng cách với thế giới.
GS có thể mô tả trạng thái lạc đường đó một cách cụ thể hơn?
- Theo một cách nào đó, giáo dục của chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào thể chế. Trong rất nhiều năm, chúng ta để cho khẩu hiệu chính trị thống soái, chi phối toàn bộ nền giáo dục. Hiện giờ quan điểm đấy đã được điều chỉnh nhiều, nhưng vẫn còn ảnh hưởng rất nặng.
Trong khi đó hiện nay xu thế chung trên thế giới, mục đích của giáo dục là đào tạo - hoàn thiện con người như một chủ thể tự do. Giáo dục phải hình thành, phát triển những năng lực của con người hiện đại, trong đó có khả năng phê phán, xu hướng nhân bản - nhân văn, lòng nhân ái, sự trung thực... Đó là những giá trị đạo đức phổ quát của nhân loại.
Trước đây, trong chiến tranh, mọi việc làm, tình cảm chúng ta hướng về việc giành độc lập nên những khía cạnh khác phải lùi lại dành cho cái lớn. Nhưng mấy chục năm hòa bình rồi, ta phải xây dựng được một xã hội khác, phải trở lại với những tiêu chuẩn đạo đức phổ quát.
Thời đại này là thời đại vừa hợp tác vừa cạnh tranh - cạnh tranh rất ác liệt – nên anh phải trung thực bởi nếu không sẽ phải trả giá. Không trung thực, có thể anh đánh lừa người ta vào một giai đoạn nào đó thôi, nhưng cuối cùng anh sẽ phải thua.
Một ví dụ khác, trước đây chúng ta có khẩu hiệu "muôn người như một". Khẩu hiệu đó trong thời chiến có thể có ý nghĩa nhưng trong thời bình có khi nó là thảm họa! Một xã hội mà ai cũng như ai thì không có động lực phát triển được.
Xã hội phát triển khi nó thống nhất nhưng phải đa dạng, và mỗi người đều được khuyến khích sáng tạo. Chúng ta thống nhất những cái cơ bản, chẳng hạn về mục tiêu, còn suy nghĩ - tư duy phải đa dạng thì mới cho phép mọi người phát huy hết năng lực khác biệt của mình với xung quanh.
Kỳ vọng
Vừa rồi Nghị quyết TƯ 8 khóa XI đã thông qua Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Giáo sư kỳ vọng gì vào khả năng tìm đúng hướng cho giáo dục ở đề án đó?
- Tôi cho rằng đây là một đề án về giáo dục nghiêm túc nhất trong mấy thập kỷ nay. Tôi rất tán thành nội dung của đề án. Trong đó chúng ta đã xác định được phương hướng mà giáo dục của chúng ta cần phải theo để trở về con đường phát triển chung của nhân loại.
Nếu nghiên cứu kỹ đề án có thể thấy hướng đổi mới của ta chính là để thoát ra khỏi tình trạng như lâu nay. Tức là đào tạo con người theo một khuôn mẫu được áp đặt trước, không chú ý gì tới những yêu cầu khách quan và không chú ý gì đến năng lực, những tư chất khác biệt của từng người.
Chúng ta có xu hướng muốn giảm khác biệt đến mức tối thiểu. Còn yêu cầu của xã hội hiện đại là khuyến khích những khác biệt ấy. Bởi có như thế mới tìm ra được những cái mới, cái hay, mới có thể sáng tạo và cạnh tranh tốt với thế giới. Thời đại này là cạnh tranh trên cơ sở khác biệt. Mình cứ bắt chước y như người ta, thì mình có giỏi lắm cũng chỉ được như người ta, không bao giờ vượt được. Cái gì cũng cứ khuôn theo một kiểu tư duy như trước đây thì không khuyến khích sáng tạo được.
Cho nên một xã hội không đề cao cái trung thực, không khuyến khích tư duy sáng tạo, mọi thứ đều cứ muốn khuôn theo giáo điều có sẵn thì không bao giờ có thể cạnh tranh với người ta được. Tư duy giáo điều cũ kỹ là cái chủ yếu nhất của xã hội ta hiện nay, và nó phản ánh vào giáo dục trong mấy thập kỷ trì trệ lạc hậu không thoát ra được.
Nội dung nào trong đề án đó được giáo sư đặc biệt đánh giá cao?
- Vấn đề cơ bản đầu tiên là triết lý giáo dục đào tạo con người như thế nào? Từ trước đến nay, chúng ta đào tạo con người trở thành một công cụ, một phương tiện để xây dựng xã hội theo khuôn mẫu chúng ta đã định, tức là sẽ dùng con người ấy làm phương tiện tuyên truyền lý tưởng chính trị.
Từ nay, ta chuyển sang đào tạo - hoàn thiện con người với tư cách họ là một chủ thể tự do. Con người được hoàn thiện ấy lựa chọn như thế nào, việc ấy không áp đặt trước. Vì sao vậy? Vì xã hội giờ thay đổi liên tục, không chỉ chúng ta mà các nước văn minh nhất họ cũng phải luôn luôn điều chỉnh.
Nếu đào tạo con người để làm một phương tiện, một công cụ thì không bao giờ phù hợp với thực tế luôn luôn biến động. Chỉ có cách đào tạo con người có năng lực tự nó, có đủ tự do, có khát khao tự do, đủ điều kiện tự do thì mới thích ứng với những thay đổi liên miên của hoàn cảnh và mới có thể thành công được.
Dĩ nhiên trong văn bản đề án người ta diễn đạt theo một cách dễ nghe hơn đối với một số người quá bảo thủ, kiểu như chuyển từ tiếp cận kiến thức sang tiếp cận phát triển năng lực của học sinh...
Bản chất của vấn đề chính là phát triển năng lực của người học và quan điểm giáo dục đúng đắn chính là mỗi người có một năng lực, giáo dục nhằm phát huy tối đa tiềm năng của họ chứ không phải đào tạo theo những chuẩn mực mẫu.
Nhưng từ việc xác định được hướng đi đến việc sẽ đi trên con đường mới thế nào thì cần phải có những giải pháp cụ thể?
- Đúng rồi. Nếu chúng ta loay hoay ở chỗ lý luận thì không thể lay chuyển được nền giáo dục mà phải đi vào những cái cụ thể thể hiện triết lý đó. Khó nhất là tìm ra được điểm đầu tiên để ta khởi động…
Hãy hình dung hệ thống giáo dục của chúng ta tương tự như một cỗ máy gặp phải một điểm chết, tức là một trạng thái mắc kẹt không xê dịch được.
Đẩy tới đẩy lui đẩy qua đẩy lại vẫn không ăn thua! Phải có một lực mạnh kéo nó ra khỏi điểm ì đó thì mới có thể tiến lên, tức là phải có đột phá. Nghĩa là phải tìm ra chỗ nào mà khi ta tác động vào đó thì sẽ bắt đầu lay chuyển cả hệ thống.
Phải chăng có thể đột phá vào vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên như giáo sư từng rất nhiều lần đề đạt?
- Đây là vấn đề bức xúc nhất từ mấy thập kỷ nay nhưng tôi cho rằng chưa có triển vọng nào giải quyết trong vòng 5-7 năm tới. Trong vấn đề này có một yêu cầu hết sức cơ bản là đảm bảo cho nhà giáo điều kiện vật chất tinh thần thỏa đáng thì họ mới làm tốt công việc của mình.
Nhưng nhiều thập kỷ rồi giáo viên không có cách nào sống được bằng tiền lương, từ đó nảy ra bao nhiêu tệ nạn. Nếu bây giờ tập trung vào chuyện chống những tệ nạn đó mà không giải quyết được vấn đề đời sống cho các thầy cô thì về mặt đạo lý là không đúng.
Mình đẩy người ta đến chỗ phải làm những việc không hay, rồi mình đi trị những việc không hay đó thì không có đạo lý nào cho phép làm như vậy.
Nhưng tôi chưa thấy triển vọng gì rõ ràng giải quyết vấn đề này, bởi mắc mớ hiện nay không chỉ là lương nhà giáo mà là lương của mọi công chức. Chính đấy là nguồn gốc tham nhũng của cả xã hội. Nó là cái sai hệ thống, không chữa những cái sai đó thì không chữa được những cái sai khác.
Vậy đột phá bằng cách nào, thưa giáo sư?
- Theo đề án, đó chính là khâu kiểm tra – đánh giá - thi. Trong bối cảnh hiện tại, tôi đồng ý với điều đó. Có những vấn đề quan trọng hơn, có tính quyết định sự sống còn của hệ thống giáo dục, chẳng hạn như về đội ngũ nhà giáo.
Nhưng muốn thay đổi được chất lượng đội ngũ thì trước hết cũng phải tác động vào khâu kiểm tra – đánh giá – thi cử. Có xác định cách kiểm tra – đánh giá đúng thì mới có thể có cách học đúng, từ đó tác động tới các trường sư phạm – nơi đào tạo ra giáo viên tương lai, đồng thời là căn cứ để tạo điều kiện cho nhà giáo phấn đấu.
Trong kinh tế học và khoa học cơ bản có khái niệm “vận trù học”. Khi vận hành công việc có nhiều khâu, thì phải vận hành từng bước một.
Khâu quan trọng nhất không phải là khâu ta thấy nó có ý nghĩa của toàn bộ công việc mà là khâu vào thời điểm căng thẳng nhất ta không giải quyết được. Nhiều khi vấn đề mắc kẹt ở những chỗ rất vớ vẩn nhưng ta vẫn buộc phải phân tích, mổ xẻ để tìm ra chỗ “vớ vẩn” đó.
Xin chân thành cảm ơn Giáo sư!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015