Con người tự do, nhân ái là đích đến của giáo dục nhân cách

07:56 SA @ Thứ Tư - 22 Tháng Giêng, 2014
Xã hội thuần nông lâu đời của người Việt đã khiến chúng ta dễ đồng tình với nhau để hình dung hoạt động giáo dục như là việc “trồng người”.

Thật ra thì sự “trông người”, tức là việc sản sinh ra những thế hệ người mới để kế tục trong tương lai mọi hoạt động sống căn bản của các thế hệ người hiện tại − là mối bận tâm không chỉ của ngành giáo dục, mà còn của nhiều lĩnh vực hoạt động khác, kể cả hoạt động kinh tế, theo nghĩa rộng, nơi mà một loạt hoạt động sống của con người, từ hôn nhân, sinh sản, đến đào tạo ngành nghề… đều được xem như những khâu cốt yếu của sự tái sản xuất sức lao động. Tất nhiên, khâu trọng tâm của việc đào tạo các thế hệ người mới vẫn là công việc của ngành giáo dục, với đối tượng là con người tự nhiên đã được sinh ra, cần được trau dồi, bồi luyện, đào tạo, để có được những năng lực, những phẩm chất, đức tính… khiến nó có thể kế thừa lớp người trước, đảm trách các hoạt động sống liên tục từ hiện tại đến tương lai. “Trồng người” chính là làm hình thành những lớp người mới để tiếp tục cuộc sống của chính con người. 

Con người là sinh vật xã hội; mọi cá thể người được sinh ra đều cần được trải qua một quá trình “xã hội hóa” để trở thành sinh vật xã hội như những con người khác. Nhân cách là kết quả của quá trình ấy.
Tiền đề của sự hình thành nhân cách, trước hết là môi trường sinh trưởng của mỗi cá thể người, là những sự liên hệ, liên hội được mỗi cá thể tích lũy từ ấu thơ, là quá trình giáo dục, là những đặc điểm của các chế định gia đình, của thái độ đối với đứa trẻ… Có những ý kiến theo đó thì cá thể người ta là do được sinh ra, còn nhân cách người ta lại do được lắng đọng lại.  

Chính vì nhận thấy nhân cách là “cái lắng lại”, là kết quả những tác động từ nhiều phía đến cá thể, người ta từ xưa đến nay đều chú trọng đến giáo dục. Cũng chính vì thấy rõ nhân cách là cái có thể tạo ra từ những tác động ngoại tại, cho nên, các chính thể, các tập đoàn người trong lịch sử đã từng đề xuất những “mô hình” nhân cách khác nhau, coi như đích đến của họ trong sự nghiệp giáo dục.  

Ở nước ta, suốt hàng ngàn năm, trong xã hội nông nghiệp làng xã dưới chế độ quân chủ chuyên chế theo Nho giáo, “mô hình” nhân cách duy nhất được tạo ra chính là “con người chức năng”: Con người không có giá trị tự thân, chỉ có danh phận trong các quan hệ và trật tự thứ bậc. Như nhận định xác đáng của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu (1926-1995): “Con người là của gia đình, của họ hàng, của làng của nước. Bản thân họ không có gì là của mình: thân thể là của cha mẹ cho, phận vị là của vua cho, số mệnh là của Trời cho. Có được cái gì cũng là nhờ ơn vua ơn Trời. Giá trị của nó được tính theo chỗ nó là con ai, thuộc họ nào, làng nào, có chức sắc gì, chứ không theo chỗ bản thân nó là gì. Trong xã hội tất cả là thần dân của vua, đều được xếp vào bậc thang tước vị, rồi lại chia thành hạng cha chú hay con cháu. Con người phải nhìn xuống nhìn lên trong cái thang trật tự trên dưới đó, tự xác định vị trí của mình mà ăn mặc, nói năng, đi đứng cho phải phép. Đó là con người chức năng trong xã hội luân thường chứ không có nhân cách độc lập” (Trần Đình Hượu: Đến hiện đại từ truyền thống, H., 1996, tr. 395).

          Người nông dân hay nhà nho − hai mẫu người phổ biến nhất dưới thời quân chủ chuyên chế − đều là những dạng “con người chức năng”, tuy ít nhiều có khác nhau.

Người nông dân, tức là người lao động nông nghiệp, cuộc sống gắn với làng xã, về căn bản là những con người tiểu kỷ, cam phận nhỏ bé hèn mọn, sống với những tính toán ích kỷ vụn vặt; ngay cả cái khôn ngoan, cái tốt đẹp ở họ cũng chưa vượt ra ngoài khuôn khổ chất tiểu kỷ làng xã, sự tư lợi ở họ chưa phải chủ nghĩa cá nhân, sự tùy tiện ở họ chưa phải chủ nghĩa tự do phóng túng.

Nhà nho, sản phẩm của nền giáo dục duy nhất − du nhập từ thời ngàn năm Bắc thuộc rồi định hình trong thời độc lập dưới chế độ quân chủ chuyên chế − là học chế Nho giáo, truyền giảng tứ thư ngũ kinh của đạo Khổng. Nhà nho được rèn và phải tự rèn mình theo mô hình người quân tử, đỗ đạt thì làm quan giúp vua trị dân, không thành đạt thì lui về làm thầy (thầy đồ, thầy thuốc, thầy bói…) của dân quê làng xã. Điểm nổi bật ở nhà nho Việt Nam không phải là học vấn uyên bác mà thường chỉ là năng lực làm văn làm thơ, không phải là khả năng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển mà chỉ là năng lực duy trì một cuộc sống ổn định, phù hợp với xã hội đứng yên không phát triển. Nhà nho Việt Nam có thể là những tấm gương về đạo đức, nhất là về lối sống cao khiết tự tại, nhưng rất khó có thể là những thợ cả hay thủ lĩnh về sự sáng tạo.  

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sự bành trướng và xâm lược của tư bản Âu Tây sang Viễn Đông nói chung, trong đó có Việt Nam, vừa tước đoạt nền độc lập của xứ sở chúng ta, lại vừa lôi cuốn xã hội Việt Nam vào quỹ đạo một quá trình Âu hóa, thế giới hóa, hiện đại hóa. Ở xã hội Việt Nam từ 1858 đến 1945, một nền kinh tế tư bản đã hình thành bên cạnh kinh tế nông nghiệp tự túc cũ, một xã hội thị dân đã hình thành bên cạnh làng xã của nông dân trong làng quê cổ truyền; mô hình nhân cách tự do đã hình thành cả ở giới doanh gia lẫn giới lao động, nhất là giới trí thức. Một diện mạo mới của con người và xã hội Việt Nam thời hiện đại đã bộc lộ rõ, sau những đổi thay về lối sống, nếp sống, về văn hóa tinh thần, diễn ra vừa âm thầm vừa bột phát, nhất là vào những năm 1930-40s.  

Tuy vậy, diện mạo hiện đại ấy chưa hề được gia cố vững bền thì những chuyển động đầy xung đột bạo liệt của các trào lưu chính trị thế giới trong thế kỷ XX đã tràn đến, lôi cuốn cuộc sống xứ sở chúng ta, khiến cả diện mạo xã hội lẫn diện mạo con người đều chịu những đổi thay khốc liệt. Nền chính trị độc lập được khôi phục, sự thống nhất lãnh thổ được thực hiện, nhưng cuộc sống đất nước suốt nửa thế kỷ bị chi phối bởi chiến tranh, bởi nền kinh tế tập thể hóa, quốc doanh hóa, nền quản lý quan liêu hóa, đã làm biến dạng gần như toàn bộ những gì đã có trước đó. Cho đến những năm đầu 1980s, người nông dân càng trở về dạng tiểu kỷ hơn khi chỉ còn thiết tha với mảnh ruộng “phần trăm” ít ỏi còn được tự chủ; người công nhân càng ý thức rõ hơn thân phận làm thuê khi lãnh đạo xí nghiệp càng tỏ rõ là những ông chủ. Vào lúc nhiệt tình cách mạng thời đầu đã dần dà phai nhạt từ lớp người trước qua lớp người sau, mô hình người cán bộ − một thời được hình dung như kẻ có sứ mệnh xả thân sáng thế − càng ngày càng tỏ ra gần gũi với mô hình nhà nho xưa kia, trong đó, bộ phận thành đạt ngày càng được cảm nhận như hạng quan chức hãnh tiến, bộ phận còn lại ngày càng giống đám thầy thợ ăn theo nói leo, cuộc sống công sở lương ba cọc ba đồng không có gì nhiều hứa hẹn để khích lệ sự học hỏi hay sáng tạo.  

Công cuộc đổi mới khởi lên giữa những năm 1980s đã đem lại sức sống, đem lại sinh sắc cho xã hội và con người, chuyển biến đất nước từ trì trệ sang phát triển. Ba chục năm mở cửa cho đầu tư phát triển kinh tế, ta đã thấy nhiều dấu hiệu chuyển biến trong chiều sâu thể chất xã hội và con người, tuy hầu như tất cả đều đang còn dang dở. Những mô hình con người được nêu làm khuôn mẫu của thời bao cấp đã mất dần sức sống, sức cuốn hút. Những mô hình con người kiểu khác đang thành hình, trong đó những đường nét của nhân cách tự do đã xuất hiện và đang tự khẳng định. Cùng lúc ấy, những mô hình con người ích kỷ, phi nhân, cơ hội, bám vào cơ chế cũ, vào lợi ích nhóm, chống lại các xu thế tiến bộ và nhân bản… cũng cạnh tranh quyết liệt giành chỗ đứng trên trường đạo đức của xã hội.  

Về việc xây dựng một mô hình nhân cách, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã từng khẳng định: “Trước khi bàn về một mô hình nhân cách thì phải khẳng định sự tồn tại của nhân cách độc lập đã. Có nhân cách độc lập mới có con người tự trọng. Có tự trọng mới thành con người đáng giá để có sự quan hệ với người khác, với đất nước, với nhân loại. Muốn khẳng định nhân cách độc lập, con người cần được giải thoát khỏi tình trạng phụ thuộc… vào gia thế, vào họ, vào làng, khỏi mặc cảm vào ân huệ, để không phải sống chờ đợi, ỷ lại, tìm cách tự bảo vệ bằng dối trá, che đậy, hay tìm ô dù để nấp bóng. Tóm lại là cần có thể chế dân chủ, cần có luật pháp bảo vệ nhân quyền.” (sđd., tr. 395).  

Như vậy, điều kiện tiên quyết của việc xây dựng một mô hình nhân cách, là tạo ra những điều kiện cho nhân cách độc lập, con người tự chủ; đó là những khuôn khổ luật pháp và thực thi tư pháp để đảm bảo những quyền năng cơ bản của con người nói chung trên khắp hành tinh này mà Liên hiệp quốc đã ra tuyên ngôn năm 1948 và nhà nước Việt Nam đã tham gia từ những năm 1980s. Tất nhiên, từ tuyên bố đến thực hiện là những khoảng cách không ngắn, đòi hỏi những giám sát thường trực và nghiêm nhặt.

Còn lại, việc xây dựng một mô hình nhân cách với một số nội hàm định tính cụ thể, tuy vẫn là phần việc chung toàn xã hội, song có phần là sự can dự tích cực của giáo dục, của hệ thống nhà trường từ phổ thông đến cao đẳng, chuyên nghiệp, đại học.  

Thiết nghĩ, trong sự định hướng, sự tác động vào quá trình hình thành nhân cách của các thế hệ trẻ, điều cần tránh, cần chống lại chính là những ý đồ lũng đoạn thế hệ trẻ, biến họ thành công cụ, thành phương tiện thực thi các mục tiêu của các nhóm lợi ích nào đó. Tinh thần nhân bản cần được giữ vững trong việc giáo dục đào tạo con người. Được sinh ra làm người là hạnh phúc của mỗi cá thể; mỗi con người là một giá trị tự tại; không ai, không thế lực nào được phép nhào nặn người khác thành công cụ, thành phương tiện cho các mục tiêu riêng của nhóm phái mình. Cũng cần chống lại những mưu toan thổi phồng các giá trị cục bộ để biệt lập thế hệ trẻ nước mình khỏi những giá trị nhân loại chung. Con người là sản phẩm chung, là thành tạo lịch sử chung toàn nhân loại; không có thuộc tính hay đặc tính nào của con người lại không thể trở thành đặc tính hay thuộc tính của con người Việt Nam.

Nhân cách tự do của con người các thế hệ mới sẽ là cái đảm bảo cho quyền năng sống của nó, cũng là cái đem lại khả năng sáng tạo lớn lao cho nó, trong thế giới hiện tại và tương lai.

Con người của các thế hệ sắp bước vào đời cần được cung cấp sự hiểu biết và phương pháp hiểu biết mà nhân loại đã có, cần được truyền cho cái năng lực sống của các thế hệ trước. Nhưng cuộc sống mà họ sẽ trải qua chưa chắc đã lặp lại các thế hệ đã qua. Hãy để họ lựa chọn cách sống của họ, bởi sẽ không ai có thể sống thay người khác, sống thay thế hệ sau.  

Nếu cần định hướng điều gì cho người của thế hệ sẽ bước vào đời, thiết nghĩ, ấy là tính nhân ái, nhân bản, vì họ cũng như chúng ta, là những con người, đều thuộc loài người. Tính nhân ái, nhân bản còn đang cần được phổ cập rộng hơn, sang thế giới các sinh vật khác, sang thiên nhiên, khi mà việc bảo vệ sinh thái của ngôi nhà chung – trái đất – đang ngày càng trở nên cấp thiết. Nhân ái, nhân bản, vì thế sẽ vượt quá phạm vi một thứ tình cảm để trở thành một thứ nhận thức lý trí.

Nếu có thể định tính cho một mô hình nhân cách, thì cái nên chọn là nhân cách tự do, nhân ái. Con người tự do, nhân ái là đích đến của giáo dục nhân cách.
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Con người tự do là đích đến của giáo dục

    22/09/2015Lê Ngọc Sơn thực hiệnTuy nhiên, nếu bắt buộc phải gọi tên một khủng hoảng thế hệ, thì có lẽ đó là việc phần lớn người trẻ đã để mặc đời sống vật chất cuốn đi mà không nhận ra đang có khủng hoảng về các giá trị tinh thần. Nói một cách khó nhọc và tù mù kiểu truyền thống thì đó là cuộc khủng hoảng không có khủng hoảng. Tức là anh bình chân như vại, vô cảm với các giá trị tinh thần.
  • 'Con người tự do' là đích đến của giáo dục

    15/06/2015Chi Mai thực hiệnMở trường trên mạng, TS Giáp Văn Dương theo đuổi triết lý "trên một mệnh đề duy nhất: Con người tự do là đích đến của giáo dục"...
  • Con người tự do vẫn là ý niệm xa lạ

    03/06/2015Hải Tâm (thực hiện)Quả thật là giới trẻ Việt Nam rất thiệt thòi khi ý niệm về con người tự do vẫn là một điều xa lạ, và xa xỉ, trong xã hội. Cái được nói đến thường xuyên hơn là trách nhiệm công dân.