Cụ Huỳnh Thúc Kháng và những năm cuối đời
Khi vận mệnh đất nước như “Ngàn cân treo sợi tóc”, sự gắn bó giữa Hồ Chí Minh và Huỳnh Thúc Kháng đã góp phần hệ trọng biết bao đối với việc bảo vệ những thành quả của cách mạng mới giành được. Có thể không nhắc đến những lời đánh giá trân trọng và thống thiết của Hồ Chủ tịch khi Huỳnh Thúc Kháng qua đời (21-4-1947) nhưng cũng cần gợi lại những trọng trách mà thông qua Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước đã gửi gắm ở Huỳnh Thúc Kháng vào một thời điểm rất hiểm nghèo: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, quyền Chủ tịch nước, thay mặt Chính phủ đi kinh lý các tỉnh miền Trung và miền Nam Trung Bộ.
Với những cương vị nói trên, chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối năm 1945 đến lúc qua đời, Huỳnh Thúc Kháng đã có nhiều cống hiến lớn lao và hệ trọng cho đất nước. Bằng nhiệt tâm và uy tín cao của một cuộc đời trong sáng, một nhân sĩ trí thức, Huỳnh Thúc Kháng đã cùng với Hồ Chủ tịch mở rộng và củng cố khối đoàn kết dân tộc, sáng lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Cụ đi nhiều nơi thăm hỏi đồng bào, giải thích đường lối đối nội và đối ngoại của Chính phủ, của Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt, động viên mọi người tin tưởng vào tương lai của dân tộc. Quan điểm đoàn kết toàn dân của Huỳnh Thúc Kháng rất rõ ràng, khúc chiết. Cụ hết lòng mong mỏi mở rộng khối đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc nhưng mặt khác, cụ khuyên mọi người phải tôn trọng pháp luật của Nhà nước, cũng có nghĩa là tôn trọng quyền sống và lợi ích của nhân dân. Trước việc có một số phần tử của Việt Nam Quốc dân đảng dựa thế quân Tưởng gây ra các vụ tống tiền, bắt cóc, ám sát những người dân lành ở phố Ôn Như Hầu (Hà Nội), ngày 16-7-1946, cụ Huỳnh nhân danh quyền Chủ tịch Chính phủ tuyên bố: “Đoàn kết là cần để xây dựng nền dân chủ - cộng hòa, nhưng không thể dựa vào “đoàn kết” mà làm những điều phi pháp. Tôi khuyên mọi đảng phái, mọi phần tử quốc dân đoàn kết. Nhưng cũng vì quyền lợi quốc gia, tôi phải đem ra trước pháp luật những kẻ làm điều phi pháp. Pháp luật là pháp luật chung. Những đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng chân chính được bảo đảm sự tự do trong vòng pháp luật. Những kẻ bắt cóc, tống tiền, ám sát phải bị pháp luật nghiêm trị”.
Sau khi Chính phủ ta ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, tướng Lư Hán chuẩn bị về nước. Hồ Chủ tịch nói với cụ Huỳnh : “Lư Hán sắp về nước mà bên Tàu họ còn trọng câu đối, trướng lắm. Cụ nghĩ cho bốn chữ để Chính phủ thêu bức trướng tặng Lư Hán”. Cụ Huỳnh ứng khẩu đọc ngay 4 chữ : “Bắc Phương Chi Cường !”. Bác Hồ khen : “Hay ! Hay lắm !”.
“Bắc Phương Chi Cường” nghĩa là “Người mạnh phương Bắc”. Nhưng thâm ý câu này là chữ “cường”, còn một chữ nữa là tùy chữ thứ 5 lắp vào (ví dụ như : địch, di, tắc...) thì ý nghĩa câu trên sẽ khác đi.
Cũng trong thời gian đất nước có nhiều khó khăn sau Cách mạng Tháng Tám, Huỳnh Thúc Kháng rất quan tâm làm cho cán bộ ta hiểu rõ cuộc đời, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Và cụ đã làm việc này rất có hiệu quả. Sở dĩ như vậy, vì tuy không phải là người cộng sản, thậm chí trước 1945 có lúc cụ chưa thật hiểu về Đảng Cộng sản, nhưng cuộc đời của cụ Huỳnh và Cụ Hồ lại rất gần gũi nhau về lý tưởng và nhân cách. Có lần cụ Huỳnh thổ lộ rằng cụ đã rất nhiều năm “ôm ấp độc lập, tự do” và tư tưởng độc lập - tự do cũng là tư tưởng chủ đạo trong tâm hồn và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự gặp gỡ giữa Hồ Chí Minh và Huỳnh Thúc Kháng còn có nguyên nhân từ sự trong sáng về phẩm chất của hai người. Chính sự tương đồng trên đây đã giải thích vì sao Huỳnh Thúc Kháng đã có những điều kiện thuận lợi nhất để giải thích với đồng bào và cán bộ về con người và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cụ Huỳnh nói : “Ông Hồ không phải như nhiều người khác mượn hai tiếng “cách mạng” để rồi làm giàu hoặc làm quan to. Ông Hồ không đồng xu dính túi. Nói bằng cấp thì ông Hồ không là tiến sĩ, phó bảng gì cả. Nhưng nói tri thức và sự nghiệp cách mạng thì sự hiểu biết của ông Hồ rất xa rất rộng, chẳng những việc trong nước mà cả việc thế giới”.
Đầu năm 1947, với cương vị Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng viết bức thư dài bằng chữ Hán (thể phú), nhan đề “Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư” có đoạn :
“Người thân yêu, kính mến nhất của đồng bào quốc dân chúng ta là Hồ Chí Minh tiên sinh, là bậc yêu nước đại chí sĩ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia, chân đi khắp năm châu, mắt trông xa ; nhận rõ thời cuộc, lặng dò thời cơ...”.
Cuối năm 1946, về lại Quảng Nam, trò chuyện với nhân sĩ trí thức và đồng bào ở quê hương, cụ Huỳnh tâm tình : “Đội ngũ cách mạng trẻ bây giờ rất tốt, rất giỏi, khả năng dồi dào. Anh Võ Nguyên Giáp khi ở Huế là “bạch diện thư sinh” nhưng bây giờ là một cán bộ rất giỏi, rất giỏi. Tôi làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhưng chỉ làm đường lối chung, công tác lớn, còn mọi việc đều do anh Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi) đảm trách giải quyết. Trên có Cụ Hồ, Cụ Hồ rất vĩ đại, dưới có đội ngũ cách mạng tài năng, nhất định sẽ đưa dân tộc ta đến toàn thắng. Toàn dân đoàn kết, đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Cụ Hồ thì con thuyền cách mạng Việt Nam ta nhất định đến bến vinh quang, nước ta sẽ hoàn toàn độc lập, tự do”.
Niềm tin của cụ Huỳnh đã trở thành hiện thực rạng rỡ. Và dù cụ đã đi xa, nhưng những gì cụ đã nghĩ, đã làm vẫn góp phần soi sáng cho cuộc sống hiện tại.
Nguồn:Báo Quảng Nam
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá