Diễn văn đọc trước Viện dân biểu Trung Kỳ ngày 1.10.1928
Thưa quan Khâm sứ,
Thưa các quan Tây Nam,
Thưa các Ngài,
Kì hội năm nay là kỳ hội thứ ba Viện Nhân dân đại biểu Trung kì mà về phần bầu cử chúng tôi là kì hội chót (sang năm sẽ có lớp bầu cử mới) do quan Khâm sứ Jabouille là người thay mặt cho nước Pháp sang cai trị xứ này làm chủ tọa, có các cụ Cơ mật cùng các quan Tây quan Nam tới dự hội và người Nam vào dự thính, xem quang cảnh có vẻ trang nghiêm thận trọng (ngày hội năm nay có ba lần nghị định đầu tiên vào ngày 15 Septembre sau cùng mới định vào ngày 1 Octobre là ngày hôm nay). Chúng tôi vâng lệnh quan Khâm sứ triệu tập chiếu lệ mà ra dự hội ngày nay, trước có mấy lời cảm ơn chính phủ sẵn lòng hợp tác cùng viện chúng tôi, sau xin lấy lòng thành thực bày tỏ tình hình nhân dân trong xứ đôi chút.
Chúng tôi thể theo chính sách khai hóa của Nhà nước và chịu nhân dân ủy thác mà ra đương cái chức trách đại biểu đã hai năm nay, những điều chúng tôi bày giải trong hai kì trước, vẫn biết là hẹp hòi đơn giản, chưa hợp với chính sách to tát của nhà nước định thi hành trong xứ này, cùng nguyện vọng nhân dân đang khao khát, song dầu thế nào mặc lòng cũng đủ tỏ cho chính phủ rõ rằng chúng tôi thật tin cái chính sách quảng đại của nhà nước đem cái ý nguyện của nhân dân mà bày tỏ cùng chính phủ, mong cho cái Viện của nhà nước mới đặt ra khỏi mang cái tên trống mà chúng tôi khỏi phụ cái tấm lòng tin cậy của nhân dân, chứ tuyệt nhiên không có ý gì khác. Thế mà đã hai năm nay, hình như nhà nước không lấy lời yêu cầu của chúng tôi làm điều để chứng cho nhân dân trong xứ hiểu rằng, một cái cơ quan mới của nhà nước, khác với chính thể chuyên chế ngày xưa. Bởi thế nhân dân đã ngã lòng tin cậy nơi chúng tôi mà nhân dân cũng không dám tin đến cái chính thể của Nhà nước. Chính chúng tôi đã từng nghe những câu trong dân gian phê bình viện chúng tôi: "Tên là nhân dân đại biểu mà thật là một quan trường mới".
Chúng tôi ở vào địa vị dở dang bỡ ngỡ này, đối với chính phủ đã không làm được việc gì và đối với nhân dân cũng không thể cầm hai chữ đại biểu suông mà đáp lại cái lòng mong mỏi của họ, đêm nằm tự nghĩ đã thẹn lại buồn, cái hi vọng cuối cùng của chúng tôi, nên làm cho cái kỳ hạn ba năm dài hơn nửa thế kỷ.Ấy là sự thực của chúng tôi như thế.
Bỗng đâu lại đến kì hội thứ ba này, chúng tôi nghĩ rằng, cái quyền thi hành là tự chính phủ, còn về phần chúng tôi, nhà nước đã cho nhân dân cử ra mà tham chất đôi chút ý kiến về công việc trong xứ, thì thấy những lợi tệ trong nhân dân điều gì, đem bày tỏ cùng chính phủ điều ấy. Ấy là chức trách của chúng tôi, mà thủy chung vẫn đứng trong vòng trật tự cả. Vậy nhân ngày khai hội này, chúng tôi xin đem lòng thành thực bày tỏ mấy điều như sau này:
Khổ trạng nhân dân Trung Kỳ vẫn nói không hết, song tóm lại có ba điều cần yếu:
1. Một là học giới bó buộc: Mắt có thấy thì đi mới khỏi lạc, tai có tỏ thì nghe mới khỏi lầm, người có học mà sau mới biết điều phải trái. Biết cách làm ăn mới mong sống còn trên cõi đời được. Dân An Nam là một dân tộc sẵn có văn hóa đã mấy trăm đời, ai cũng công nhận sự học là sự cần thiết nhất xem như tính mệnh, tài sản, không có không sống được. Huống trong thời đại tranh khôn cạnh khéo như ngày nay mà không có sự học thì còn nói đến chuyện gì nữa! Xứ Trung Kỳ bây giờ học cũ đã bỏ hẳn, mà học mới trăm phần chưa được một, trường công không đủ dùng mà trường tư thì không có, gia dĩ chương trình hạn chế, quy luật ngăn ngừa, dân thì lấy sự học làm sinh mệnh, mà quan xem sự học như một sự thù nghịch (trường công thì nghị định thay đổi, trường tư thì xin phép lãnh bằng, khai báo lôi thôi, gần đây vì sự lập trường học mà bị lũy cũng thường thấy luôn). Hiện nay những lớp học trò lở dở, không vào trường được mà thành ra một lớp thất nghiệp, còn những con em chực học cũng đành úp mặt vào tường, ngày xanh ngơ ngáo, cha thấy con mà đau lòng, tuổi trẻ bơ vơ, anh em trông mà nóng ruột, tình cảm rất là thê thảm. Nhà nước một nói rằng khai hóa, hai nói rằng hợp tác, mà về đường học giới không chịu châm chước thế nào cho thỏa hiệp, thì ức vạn thiếu niên An Nam, sẽ thành ra một bọn thất nghiệp. Nhóm bao nhiêu người vô nghiệp mà lại mong dìu dắt lên đường tấn hóa, thật là một điều dân gian không sao tin được, đem đứa đui đi đường thì người dân cũng nhọc sức, bảo người điếc nghe hát thì hát hay cũng thành uổng công. Cái dốt là cái họa của người An Nam mà cũng có thể phương hại đến chính sách hợp tác của nước Pháp.
Vậy thì về đường học giới có nên thi hành cách cưỡng bách giáo dục và nhân dân tự do lập trường không?
2. Hai là tài nguyên kiệt quệ: Nước có nguồn thì múc mới khỏi cạn, cây có gốc thì trái mới được thường. Tài nguyên trong một xứ sinh sản có ít mà tiêu phí nhiều, thì tự nhiên ngày thấy khốn đốn. Xứ Trung kỳ đất hẹp dân nghèo, khai thông chậm trễ, công nghệ không có gì là nội hóa, thương mại thì quyền ở ngoại là thương như tơ, đường, chè, quế v.v...người khách chở đi xứ nọ xứ kia cái giá cao thấp tự người khách định, người Nam vì không đi đâu được, nên người khách ép uổng thế nào cũng phải chịu.
Phần nhiều nhân dân trong xứ chết sống chỉ nhờ nghề nông, lại bị thủy hạn không năm nào không có, ruộng đất, vật sản chỉ có ngần ấy mà ngạch thuế mỗi năm mỗi gia, tuy tự nhà nước đã lấy sự gia thuế làm cái phương pháp lí tài, quan lại nhân đó mà lập công, hào cường nhân đó mà nhiệm có. Mỗi năm đến kì thuế, trong nhân gian chạy sấp chạy ngửa, trống mõ om sòm gông cùm hò hét, tình cảnh rất là rắc rối. Đó là chưa kể cái lệ phụ thu, lạm bổ của bọn quan lại gian hào, mồ hôi nước mắt cứ cào trong dân gian đã đến đáy, tiền chưa lên đến kho nhà nước mà rớt đường rớt sá đã lọt vào túi tham đâu đâu, rút cục lại thì chỉ quy oan cho nhà nước. Tát ao bắt cá, được cá vẫn dễ mà ngày sau thành ra ao khô, đốn cây hái trái, đuốc trái vẫn nhiều, mà mùa sau thành cái vườn bỏ. Nhà nước một nói rằng nhân từ, hai nói rằng khoan đại mà về đường tài chính không trù cách gì cho ra sự gia thuế được, thì cái nạn nghèo khốn của người An Nam cũng không phải là cái lợi lâu dài của nước Pháp.
Thế thì về tài chính có nên đánh thuế những vật xa xỉ, cùng thuế sưu có nên sắp đặt một cách cho nhất định không?
3. Ba là hình luật phiền lụy: Thuốc trị bệnh điên mà dùng trị người thường, thì thần kinh phải đến rung chuyển, hầm lùa thú dữ mà đào giữa đường cái thì hành khách không khỏi sỉa chân, hình luật nước nhà đặt ra là cốt để trị người có tội (như đạo kiếp, loạn tặc) để giữ gìn trật tự duy trì cuộc an trong xứ. Như người không tội mà bị hình, hoặc bị vu oan chưa tra xét cho đích thực mà đã bị bắt giam, thì sao cho khỏi điều oan khuất. Mà những người trọn đời lương thiện cũng không biết đường mà tránh. Hiện xứ Trung Kì mấy năm gần đây, bị cái phong triều bề ngoài kích thích mà cái không khí bề trong có hơi lộn xộn, nhà nước vì cuộc trị an, phải thi hành cái hình luật nghiêm nhặt (báo sách bị cấm, bị bắt, dân gian thì bị xét nhà xét cửa, cho đến diễn thuyết làm trường học cũng bị lụy). Những người làm quấy mà bị tội đã đành mà những kẻ oan lụy cũng không ít, gia dĩ tội danh không được rõ ràng, chứng tỏ không có xác thực (ở Trung Kì) bắt tội đã không tuyên án cho người bị tội biết, lại không được cái lẽ nữa, thật là một điều rất lạ, những bọn sinh thủ đoạn ám muội, một tờ đầu cáo, tra xét đến năm bảy nhà, hai chữ "tình nghi" hãm hại biết bao nhiêu kẻ, tự nhà nước tin theo những lời thêu dệt, cho là phản kháng, cho là phiến loạn, không trị không được, mà biết đâu ở trong vòng chuyện ít mà xít ra nhiều, sự nhỏ mà gây ra lớn làm cho dân ngu cùng bọn thiếu niên sỉa vào lưới tội mà không biết và cũng không tránh được, thảm hại biết là chừng nào. Trẻ con té giếng khách qua đường cũng phải đau lòng, kẻ bệnh đau rên, thầy thuốc cũng không nằm yên gối. Nhà nước một nói rằng nhân đạo, hai nói rằng công lí, mà dân An Nam có cái cảnh tượng khủng hoảng như vậy, tưởng cũng phương hại đến danh dự nước Pháp?
Vậy thì về phần hình luật, không nên thi hành những điều chúng tôi đã yêu cầu trong hai kì hội trước sao? (xin thi hành luật Nam Bắc Kì).
Cái tình hình kể trên thì khổ trạng nhân dân xứ Trung kỳ, ba điều đó (việc học, việc thuế, việc hình) là cần thiết cốt yếu, đã lâu nay vì cái cớ che đậy ngăn lấp, hiếp dưới, dua trên không ai đem cái nhân tình khổ thống nhân dân mà đạo đạt cùng chính phủ, nên chính phủ chưa hiểu thấu mà thi hành nhiều điều bất tiện, nay ra nghị định này, mai ra nghị định khác, sớm thay chiều đổi, nhân dân không biết nương tựa vào cái gì làm chừng mực, nên tai mắt hóa loạn. Quan lại ép dân mà mua oán cho nhà nước tại đó, nhân dân ghen ghét quan lại, không tin đến chính sách của nhà nước cũng tại đó. Cho đến bọn gian tham, nương gió bẻ măng, phải phản đối thừa cơ mà gây loạn cũng tại đó. Thật là một điều rất trở ngại về chính sách khai hóa của nhà nước.
Chúng tôi xem hết tình tệ, nghe thấy rõ rằng, nay xin đứng trước chính phủ cùng người Pháp, người Nam lấy lòng ngay thẳng và thừa một câu rằng:
Phỏng nhà nước Bảo hộ cứ một mực lấy quyền lực đối đãi dân An Nam, để cho dân càng ngày càng nghèo, càng dốt mà dần dần tiêu diệt, cho là cái lợi của người Pháp, thì chúng tôi không dám nói, bằng nhà nước có nghĩ tới lợi hại chung của hai dân tộc sau này mà sẵn lòng dìu dắt dân An Nam lên con đường tiến hóa, được hợp tác với nhà nước thì ba điều kể trên đó, cần trước phải sửa đổi một cách cho rất đơn giản, rất minh bạch, có chừng mực và ít thay đổi, cho hợp với nguyện vọng của dân, thì từ đó trở đi, những vấn đề khác tiếp tục mà thi hành thì không chút gì là trở ngại cả.
Nếu không như vậy thì chính sách hay đến thế nào, quan lại ra công mà hiểu thị, các nhà báo hết sức tán dương, mà bọn đại biểu chúng tôi cũng theo ý nhà nước tới từng nhà, đi từng người mà nhân gian cũng cho là lời nói hão, không dám tin y nguyên như trước.
Tục ngữ An Nam có câu: “Nước xa không cứu được lửa gần”.
Mấy điều chúng tôi nói trên đây là lửa gần, mà những điều nhà nước định thi hành, như vấn đề kiểm lâm v.v...thì nhân dân xem như nước xa, cái não đơn giản của nhân dân xứ này bị cái lẽ đó in sâu đã mấy lớp, nhà nước không tìm cho đến cội gốc mà thi hành một đôi điều thực sự cho oán trách không sao tiêu tan được.
Trên là nói tóm tình hình nhân dân trong xứ. Sau này xin bày tỏ một điều cốt yếu về trường chính trị:
Ngày hội năm ngoái tôi có đề khởi hai chữ “Hiến pháp” quan Toàn quyền có trả lời trong bài diễn văn đại khái ngài sẵn lòng đề cử điều ấy cho Nam triều nên chú ý v.v...Sau quan khâm khâm sứ Friès có hỏi ý kiến viện chúng tôi (thư số 990A ngày l5 Novembre).
Chúng tôi sở dĩ nói đến vẩn đề Hiến pháp là vì có thấy rõ xứ Trung Kỳ này phụ thuộc dưới quyền bảo hộ gần nửa thế kỷ nay, mà chính thể trong xứ, quyền hạn không được rõ ràng, trách nhiệm không đi đảm thụ, trăm điều rắc rối bởi đó mà ra, nhà nước trở làm một nơi quy oán, dầu có vua quan mặc lòng, bất kì động một việc gì, dân gian kêu rên chỉ chung một tiếng "Đời Tây! Việc ông Tây”.Quốc thị đã mơ màng, thì nhân dân không biết đường nào xu hướng, đó là cái lẽ tự nhiên. Bởi vậy, cho nên muốn cho cuộc trị an trong xứ được lâu dài cùng các dây liên lạc giữa người Pháp cùng người Nam được bền chặt, thì cần nhất phải có một cái cơ thể chính trị, chia bộ phận mà có trách nhiệm, định quyền hạn mà có quy thức, để chỉnh đốn việc lợi ích chung trong xứ. Đó là một điều cốt yếu tức là Hiến Pháp vậy.
Vấn đề quan yếu như thế mà chúng tôi không thể trả lời khinh suất được là bởi ba cớ này:
.1 Chiếu theo tờ giao ước 1884 về khoảng 1,5,7 và 11, Trung Kỳ vẫn thuộc quyền bảo hộ nước Pháp, mà nội chính còn do Nam triều chủ trương, chính quan Toàn quyền trong bài diễn văn đọc tại ngày hội năm ngoái ngài cũng nói rằng:
Đại Pháp đã ký giao ước minh bạch với Nam triều, nếu như bỏ mấy điều giao ước thì nước Pháp cho là một sự mất danh dự v.v...
Xem đó thì mấy điều giao ước ngày trước là cái nguồn gốc chính trị xứ này, mà xem trên sự thực thì trên ba mươi năm nay thay đổi đã nhiều mà tình thế ngày nay đã khác hẳn với giao ước đó.
2. Chiếu theo tờ hiệp ước năm 1925, khoản thứ nhất rằng: "Nay đã tới thời kỳ nên cho nhân dân dự vào việc nước", mà trong bài diễn văn quan Toàn quyền Pasquier đọc tại kỳ hội đại biểu chúng tôi năm thứ nhất, ngài chỉ rõ chức trách dân biểu, mà nói rằng: "Các ông phải làm thế lào cho kẻ cày ruộng, người hái củi, người làm thợ, ông hào mục trong thôn quê, cho đến người buôn bán, kẻ chuyên môn mỹ thuật, ai nấy cũng đều công nhận rằng hậu vận của nước là ở trong tay họ mà ra v.v..."
Xem đó thì một cái chính thể của nhà nước định thi hành trong lúc hiện thời rất hợp với thời thế cùng nguyện vọng của nhân dân trong xứ đều tỏ lòng hoan nghinh, chính bắt đầu từ tờ hiệp ước đó. Thế là xét trong sự thực, chưa kể điều khác, chỉ một cái điều lệ của viện "Nhân dân đại biểu", chúng tôi xin sửa đổi một đôi điều mà nay vẫn y như hồi Tư Phỏng trước, thì đối với tờ hiệp ước nhân dân cũng chưa có lòng tin.
3. Nói về tờ giao ước ngày trước như thế, đối với tờ hiệp ước hiện thời lại là thế. Ba cái nguyên tố của hiến pháp là thổ địa, nhân dân, chính sự ở trong xứ này, xu vức giới hạn đã không phân minh thì cái hiến pháp cũng chẳng biết dựa vào đâu làm cơ sở, mà cơ quan hiến pháp thì quyền lập pháp, hành pháp, tu pháp, cũng khó phân bộ rõ ràng, dầu có thảo một bản giấy không chắc rồi cũng có hiệu lực.
Vì mấy cớ đó nên chúng tôi chưa trả lời vội được, mà trước hết xin một điều: Nhà nước mà cho hiến pháp là một cái nền nếp chính trị, bền vững lâu dài trong xứ này, hợp với toàn thể ý nguyện trong nhân dân, thì xin:
1. Quan Toàn quyền đề đạt vấn đề đó sang Pháp đình, trước hết có một đạo sắc lệnh đức Giám quốc, một đạo chỉ dụ đức Bảo Đại chuẩn hứa và tuyên bố cho nhân dân biết rằng xứ An Nam bây giờ phải lập một cái hiến pháp.
2. Lập một hội gọi là Dự thảo Hiến Pháp cho toàn thể quốc dân sung vào để điều tra và thảo bản Hiến pháp.
3. Trong thời kỳ dự bị hiến pháp thì viện Dân biểu điều lệ chương trình mở rộng quyền hạn thêm ra và cách bảo cử nên cẩn thận chú ý để cho nhân dân được tự do đầu phiếu, không bãi bị...(mấy năm trước, về khoản bảo cử đại biểu cũng xem như cử lý trưởng, chánh tổng rất là khinh xuất) .
Chúng tôi nói thế, chắc nhà nước bảo rằng: “Nhân dân chưa có trình độ lập hiến”. Chúng tôi vẫn công nhận nhân dân xứ này chưa được toàn thể hiểu cái chính thể mới có, song xin thưa rằng:
Đường có đi mà sau tới nơi, người có học mà sau mới biết chữ.
Nay chưa cho đi mà bảo đường đi này không đi tới được, chưa học mà bảo rằng: "Mày không phải là đứa biết chữ" thì dầu trăm ngàn năm cũng không sao tới nơi và biết chữ được.
Thưa quan Khâm sứ cùng các quan,
Đoạn trước là tình hình nhân dân, đoạn sau là tình hình chính trị, một tấm lòng thành, mấy câu vắn tắt, gọi là một bài kết luận về phiên bảo cử chúng tôi, xin chính phủ để lòng suy xét mà thi hành thì dân Trung Kỳ chúng tôi lấy làm cảm động vô cùng.
Nhân dịp khai hội này, viện chúng tôi xin thay mặt cho nhân dân xứ này, nhờ quan Khâm sứ chuyển đạt lời chúng tôi hầu thăm quan Toàn quyền, quan Toàn quyền mới Pasquier, quan Thượng thư thuộc địa và kính chúc đức Giám đốc, đức Bảo Đại, chúng tôi cảm ơn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh