Hai chữ lao động

Tiếng Dân 1/1930
07:03 SA @ Chủ Nhật - 16 Tháng Tám, 2009

Từ văn hóa Đông Tây tiếp xúc nhau, trên thế giới mỗi ngày mỗi sinh ra chuyện mới. Xem như văn tự Trung Hoa là một thứ xuất hiện trên đời đã rất cổ, nay bị triều lưu Âu Mĩ cảm xúc chùi mài, mà tự nhiên nẽ ra cái vẻ mới. Trên ba bốn mươi năm nay danh từ mới xuất hiện đã nhiều (như dân quyền, tự do, xã hội chánh đảng v.v... ) mà từ nay về sau, trong kho chữ Hán cũ rích kia, có lẽ còn nhiều thứ lần lần trồi đầu ra mà mang cái huy hiệu mới. Hai chữ lao động cũng là một hạng trong danh từ mới đó, truyền sang nước ta đã trên mười năm nay và bây giờ đã thành một tiếng thông thường, ai cũng quen tai cả.

Hai chữ ấy trong Hán học vẫn có đã lâu mà nhập lại một danh từ liền nhau thì thành ra mới. Gần đây, những tiếng lao động xã hội, lao động giai cấp, lao động chánh đảng tràn khắp thế giới, báo chương tạp chí không ngày nào không nói đến, dầu ở xứ ta là một nơi nghe sưa thấy hẹp mà hai tiếng ấy cũng nhao nhao lên. Tuy vậy, nghe đến cái tên thì nhiều mà xét đến cái nghĩa thì giống như theo ý kiến một số nhiều người còn có chỗ nhận lầm. Vậy kí giả lấy sở kiến hẹp hòi phô bày ra sau này. Trước khi viết bài này, xin có mấy điều thưa trước. Một là ký giả không phải cố thủ cái thuyết "lao tâm lao lực" ngày xưa mà biện bộ cho những bọn giá áo túi cơm, thây đi thịt đứng như phường sâu mọt xã hội kia.

Hai là không phải theo cái thuyết "lao động thần thánh" mà cổ động phù hiệu theo lời quá khích làm cho những bọn du đảng vô lại ai cùng nghề thất nghiệp tự mình làm hư lấy mình mà cũng mạo xưng là lao động.

Ba là không phải theo con mắt giai cấp ngày xưa ở ta "trọng sĩ khinh công, tiện thương", mà mạt sát những hạng người thiệt làm thiệt ăn trọn đời khó nhọc.

Kí giả viết bài này cốt là theo tình thế trong xứ cùng lịch sử sinh hoạt chung của loài người mà lược giải chính nghĩa hai chữ "lao động" theo chỗ sở kiến cạn gần để bày tỏ cùng đồng bào ta, mong rằng đồng bào ta hãy tự xét lấy, may có rõ thêm nghĩa chân chính đổ ra chăng?

Theo lịch sử sinh hoạt của loài người thì sinh ra ngày nào bắt đầu lao động từ ngày ấy: có lao động mới có cơm mà ăn, có áo mà mặc, có nhà mà ở, có đồ này giống nọ để chống với thiên tai vật hại mà sau mới sinh tồn được. Song đương thời đại đất rộng người sưa, những đồ thiên nhiên, dùng mà cung cấp vào cuộc sinh hoạt của mỗi người, vẫn có dễ dàng, nên tình cảnh lao động không đến vất vả cho lắm. Vì thế mà trong xã hội mới nảy ra những bọn không lao động mà cũng sống được, lần lần mới có những giai cấp "bất lao động". Hạng "bất lao động" đó đã được chiếm cái địa vị sung sướng, bụi không đến chưn, mồ hôi không ra vóc, có thì giờ thong thả mà tìm ra mưu này chước nọ bảo thủ cái sung sướng của mình.

(Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ)

Bên Âu Tây các nước nhóm nhau ở chung trên một vùng đất con con, về đường sinh hoạt không cạnh tranh thì không tự tồn được, cái thuyết công lợi đã thành ra không khí, nên trọng nghề nông và nghề thương. Tuy trong nước cũng có quân quyền, quý tộc, tăng lữ, giai cấp chưa tiêu hết được, song đại đa số trong xã hội, đã xu hướng về đường thực nghiệp, vẫn chiếm một cái thế lực trọng yếu trong xã hội. Nhà thực nghiệp đã có thế lực, tự nhiên người làm nông, làm thợ, không những không ai khinh bỉ mà những người học thức cao xa tài trí lỗi lạc, thường mang mình vào nơi công xưởng, thương trường mà làm công nọ việc kia. Các nhà phát minh những đồ cơ khí, cùng sáng tạo cách mới kiểu hay, phần nhiều xuất thân từ trong đám thợ thuyền. Ông Stephenson là thợ mỏ mà phát minh ra máy in. Trong bọn lao động mà có người như vậy, còn ai dám khinh rẻ nữa. Nói tóm, lao động bên Âu Mỹ mà sở dĩ có đoàn thể lớn, có thế lực to đủ sức mà đối phó với các giai cấp khác, tạo thành cái phong triều “lao động thần thánh” ngày nay, chính là do trong đám lao động có người học thức chủ trương cổ lệ, dắt anh em lao động lên con đường tư cách chân chánh mà sau mới có hiệu quả tốt vậy.

Lao động ở nước ta thì thế nào?

Ở xứ ta cái phong khí tiện nông, khinh công như trên đã nói, nên đã là nhà khá, đã là nhà học trò, thì không ai chịu mó tay vào những nghề mà trong xã hội đã cho là khinh tệ. Bởi thế nên trong đám thợ thuyền phần nhiều là người nghèo khổ không học, hoặc con nhà phú quý mà bị sa cơ lỡ bước, du đảng thất nghiệp. Nói cho đúng là người mình gọi là lao động, toàn xuất tự bất đắc dĩ mà làm để nuôi miệng qua ngày, chớ thật ra thì không có ý tưởng mục đích gì như bọn lao động bên Âu Mĩ cả.

Kĩ giả nói thế, không phải mạt sát và khinh dễ anh em lao động ta đâu, cốt là chỉ rõ cái trình độ tư cách của đồng bào ta đê hèn thấp hẹp, cùng chế độ tập quán trong xã hội hủ lậu đồi bại, trọng đều (1) hư mà khinh sự thực xu hướng về đường “ngồi không ăn sướng” mà xa tránh con đường "mình làm mình ăn" thành ra trong toàn thể lao động ta cũng bị cái ảnh hưởng đó, làm hại mà có cái cảnh tượng bèo rẽ cát rời mấy mươi đời này, không ngóc đầu dậy được.

Gần đây phong triều lao động toàn cả thế giới, mây tuôn sấm dậy lần lọt vào xứ ta, gia dĩ sinh kế trong nước một ngày một thấy khuẩn bức, một mặt thì phong triều bề ngoài kích thích, một mặt thì bọn con ma đói nó xui giục, bao nhiêu hoàn cảnh bao bọc, nó bày rõ con đường nguy cấp cả vừa hiện tại cả vừa tương lai cho anh em, mà trong giấc mộng khè khè, hốt nhiên tỉnh thức.

(Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ)

Kí giả là con nhà nông, thuở nay tuy có theo nghề học, song từ nhỏ đến lớn tuổi, ở trong nhà quê, thường hay tiếp xúc với bọn tay lấm chân bùn, làng chài nhà thợ, nên đối với tình cảnh lao động trong xứ, có thấy đôi chút chân tướng. Theo sở kiến của kí giả thì có một cái viễn nhân (nguyên nhân lâu dài) và một cái cận nhân (nguyên nhân gần đây) nó làm cho người mình thiếu cái tư cách lao động ngày nay. Viễn nhân có nhiều mà nhất là "không học". Đây nói học không phải thường cầm viết, ôm sách đi tới trường như học trò kia đâu. Không học nghĩa là không biết tập cách siêng năng kiệm ước và lo trau dồi cái nghề của mình cho tinh xảo, sửa sang tánh nết của mình cho có tư cách công nhân. Những nhà sáng tạo phát minh bên Âu Tây, nhiều người tự học trong thì giờ làm thợ; còn người mình đi làm công nghệ, thì không để ý về việc học tập, đã không học thì nghề đã không tinh mà tư cách cũng kém, đều hư thói xấu, không chừa cái gì, mà lời nói phải đều hay không biết bắt chước, thiếu hẳn cái tư cách công nhân ngày nay. Âu là một đều khuyết điểm nên bỏ.

Cái cận nhân to nhất là lánh “ham chơi". Nhân phong triều lao động thế giới hiện thời tiếp xúc nghề này nghiệp nọ, hết bị khinh rẻ như ngày xưa, nhiều người muốn lãnh cái huy hiệu lao động thần thánh đó, vào sở công nghệ này, tới xưởng chế tạo kia, tự xưng là làm thực nghiệp mà kỳ thực không chăm nghề gì, không tập được việc gì, rày đây mai đó, lở dở thành người thất nghiệp. Lại có kẻ du thủ du thực, phóng đãng quen nết may gặp sở nào thuê mướn, làm công, làm mấy cũng không đủ tiêu, lại xoay bày cách chơi bời cờ bạc mà quơ quét của bọn làm công, làm sâu mọt trong đám lao động mà cũng tự xưng là lao động. Ấy là một đều ngộ điểm nên chừa.

Tư cách lao động ta kém thua người ta vẫn có nhiều cớ mà thiết thiệt "không học""ham chơi" là hai đều làm cho anh phải chịu khốn nạn phiền lụy mà không cất đầu được. Ai là người có lòng muốn nâng cao tư cách lao động mình lên, thì trước cần nhất phải chừa cái "không học" và "ham chơi" đó trước mà sau sẽ nói đến chuyện khác.

Trên đã nói lao động hiện hành, nay xin nói về hạng người bước chưn vào trong trường lao động mà sẽ bị tình thế bức xúc, rồi phải chui vào trong hạng lao động mà không có đường tránh. Theo thói quen "học để làm quan" và làm nghề thong thả phong lưu ở xứ ta, nên nghe đến hai tiếng lao động thì đã sinh sợ, sinh chán trước khi chưa mó tay vào, đã là học trò thì thường thường hay tránh xa, gia dĩ văn minh vật chất một ngày một tới, cái lối ăn sung mặc sướng, lên ngựa xuống xe, dễ khuyến dụ người ta sinh lòng hâm mộ. Vì thế nên cũng là nghề làm ăn mà nhất định chọn nghề phong lưu đã, đưa đơn cửa này, chầu chực tòa nọ, cùng nữa cũng tìm cho ra một việc thong thả qua ngày, chớ có ai chịu gieo mình vào trường lao động, mà học lấy nghề này nghề nọ, lo đến việc tự lập ngày sau đâu. Trong bạn lao động ta mà ít có người học thức thông thường, chính vì lẽ ấy. Những bạn lao động hiện tại đã mang lấy cái hại "không học, ham chơi"mà những thợ bạn lao động tương lai, người có học không ai chịu vào trường học "kinh nghiệm thiên nhiên"ấy, thì có mong sau này có kẻ chủ trương công ích, đề xướng thiệt lợi ra mà đương cuộc này cuộc nọ như công đoàn ở các nước không? Vậy anh em nghề lao động là ti tiện thì chẳng nói làm gì, nếu đã biết lao động không phải là một hạng mạt trong loài người mà cũng có thể lập thân mà làm công việc có ích cho nhân quần xã hội, thì nên nhân tuổi nhỏ ngày dài, chen vai vào trong đám tay chì chưn sắt mà tập thành một nghề, không nên dụ dự qua ngày để con ma đói nó giục, cái già tới bên chưn. Tây triết có câu rằng: "Khi người ta có cái chí lớn, càng bước từ chỗ rất thấp thì càng lên chỗ rất cao" (Plus on part bas, plus on monte haut quan un a un grand coeur). Bọn thanh niên ta có nên ghi lấy câu ấy mà tìm cách lập thân không?

Vả chăng, lao động có hai nghĩa: một là chỉ về phạm vi hẹp, hai là bao quát cả nghề sinh hoạt của loài người.

Cứ như hiện tình cũng dư luận ở xứ ta, thì giống như chuyên chỉ về mặt nghĩa hẹp, nghĩa là chỉ bọn thợ thuyền thuê mướn mới gọi là lao động. Theo nghĩa ấy thì vẫn đúng, song có điều hại.

a) Ở xứ ta giai cấp sẵn có thuở nay, ngày nay có hơi thông dụng mà mình tự cắm sào chia lũy, lại đắp cao bờ ấy thêm lên thì giai cấp khi nào tiêu được?

b) Bạn lao động ta còn thiếu cái học phổ thông mà dân gian cũng chưa có người xứng tên tư bản (tư bản chỉ người ngoài thôi). Thế mà đã vạch hẳn cái bờ ấy ra thì những bọn du đãng thất nghiệp hễ thấy ai có quần the áo lụa, hoặc năm, mười mẫu ruộng, một hai cái nhà buôn con con, đã gia cho một tiếng tư bản, mà đem lòng ghen ghét, thành mối ác cảm trong nhân gian.

Muốn tránh cái tệ hại ấy thì nên dùng hợp với nghĩa rộng. Cái nghĩa rộng ấy nhà xã hội học đã giải rõ như thế này: “Ai cũng phải làm hết bản năng của mình (có lẽ khả năng) và dùng sự nhu yếu của mình(các tận sở năng, các thủ sở nhu)”. Theo cái nghĩa sau thì có vẻ thông dụng mà hợp với tình thế xứ ta. Nói cho rõ ra thì bạn thợ thuyền lao động là lao động đã cố nhiên rồi; ngoài ra trừ những bọn ngồi không ăn sướng, làm sâu mọt cho xã hội thì không kể, còn bao nhiêu những kẻ làm theo bản năng của mình như nghề buôn nghề học, nghề làm thuốc, dạy học v.v…tài năng trời phú cho mình chừng nào, mình gắng sức làm cho hết bổn phận, trước là tự lập lấy thân, sau là làm việc bổ ích cho xã hội tức cũng là lao động, miễn là đối với anh em lao động theo lối bình đẳng, đừng có chuyên nghề gì là sang, nghề gì là hèn như ngày xưa. Theo nghĩa rộng ấy thì hai chữ lao động có vẻ hoạt bát lưu thông, mà người trong một nước chia công xẻ việc liên lạc với nhau, mà cái giai cấp ngăn trở mới lần lần tiêu diệt được. Anh em thử nghĩ: dầu cho là nước hiện thực hành cái chánh thể lao động ngày nay mà thử xem người trong nước họ, cũng tất phải có kẻ đi học, dạy học, kẻ làm sách, làm báo, người làm ở các công sở, người chăm việc sáng tạo, miễn là làm hết khả năng của mình để giúp việc ích chung trong xã hội, thì xã hội cung cấp đồ nhu yếu trong cuộc sinh hoạt lại cho mình, chớ nào phải là cả người trong nước toàn phải đi cày và quây máy trong các xưởng hết đâu.

Xét theo nghĩa trên thì hai chữ lao độngkhông phải riêng về phần thợ thuyền mà đã là người ai cũng phải lao động, ai cũng tự nhận mình là một người lao động, ai cũng phải nhớ đến việc lao động. Tóm lại thì lao là siêng nhọc, cực khổ, mà động tức là vận động:lao động tức như nhà Phật gọi là khổ hạnh. Tuy cảnh địa có khác, công việc không đồng, nhưng ai ai cũng tự khổ hạnh cho hợp cái câu: "các tận sở năng, các thủ sở nhu" của nhà xã hội nói trên như thế thì mới đúng nghĩa hai chữ lao động mà "lao động thần thánh" mới có ngày xuất hiện.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giá trị lao động và giá trị tri thức

    01/05/2017Trần Quân Tuyền (GS, TS Viện khoa học xã hội Trung Quốc)Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra sự phân tích và luận chứng khoa học để, một mặt, phê phán quan điểm của phương Tây cho rằng lý luận giá trị lao động của C.Mác đã không ý nghĩa, mặt khác chứng minh một cách thuyết phục lý luận giá trị thặng dư của C.Mác không hề lỗi thời, mất tác dụng...
  • Người lao động xuất sắc

    19/08/2016Dương Xuân BảoLao động của con người ngày nay đã được xã hội hóa, được phân công rất chuyên biệt ra hàng triệu loại lao động khác nhau. Nhưng theo bạn, cần có những kiến thức gì để có thể hoàn thành tốt lao động của mình để có thể trở thành "Nhất nghệ tinh - Nhất thân vinh?"
  • Hãy lao động đi!

    07/07/2016Chungta.com sưu tầmĐi làm việc đi, đồ nhác ! Đừng có ăn không nữa, quân ăn bám. “Hãy tìm nghề mà sinh nhai, làm một công việc, thực hiện một bổn phận, mày không muốn à ? Làm việc như mọi người mày cho là chán phải không ? Làm việc là một quy luật. Kẻ nào chốn tránh lao động vì cho là buồn chán thì sẽ phải lao động như một hình phạt...
  • Bóc Lột ngoài kinh tế

    30/04/2016Nguyễn Trần BạtSuy đến cùng, bóc lột ở thời nào cũng đều kéo dài kiếp sống lầm lũi, kém phát triển của cả tầng lớp dân chúng nghèo khổ trong xã hội. Đích cuối cùng của chúng ta không phải là chống lại bóc lột, mà là chống lại chính sự bần cùng hóa con người. Nói cách khác, chúng ta phải giải phóng con người ra khỏi đời sống kém phát triển và tạo không gian tự do sáng tạo để họ có thể phát huy hết năng lực của mình...
  • Tại sao chúng ta phải làm việc chăm chỉ?

    15/05/2015Nguyễn Quang TháiThái độ làm việc thể hiện chỉ hướng của con người. Muốn tìm hiểu thái độ làm việc của một người, hãy tìm hiểu thái độ của anh ta với cuộc sống. Bạn lựa chọn một công việc như thế nào? Thái độ làm việc của bạn ra sao? Về cơ bản mà nói, đây không phải là vấn đề liên quan đến việc bạn làm gì và nhận được thù lao bao nhiêu, mà là vấn đề liên quan đến ý nghĩa của cuộc sống mỗi con người.
  • Sức lao động hiện đại

    30/06/2009GS. Hồ Ngọc ĐạiThực tiễn xã hội phải được xử lý trước hết bằng lý luận, bằng sự định hướng lý thuyết, rồi mới thực thi bằng một công nghệ được thiết kế trên cơ sở khoa học. Công cuộc Đổi mới hiện nay rút cục phải biến một thực tiễn tự phát có thể xử lý bằng kinh nghiệm, thành một thực tiễn tự giác, xử lý bằng định hướng lý luận, bằng khoa học - công nghệ hiện đại của thế giới hiện đại.
  • Con người - Động vật xã hội - Con người Văn hóa và sự nghiệp giải phóng con người

    14/03/2009Hồ Bá ThâmCon người từ thời sơ khai đến hiện đại thì dù có cao cả đến đâu vẫn là một động vật đặc biệt, cao nhất trong giới tự nhiên. Những nhu cầu có tính động vật vẫn phải được thỏa mãn với tư cách đảm bảo sự tồn tại của cơ thể vật chất không bị phá vỡ, có khả năng tồn tại và phát triển hợp quy luật...
  • Bàn về lao động

    01/05/2009Masushita KonosukeGần đây người ta hay nói: Người Nhật làm việc quá nhiều. Nhưng theo tôi, lao động là thứ mà thời đại nào cũng quý, cũng quan trọng. Lấy một ví dụ có thể là hơi cực đoan, nhưng nếu không một ai lao động thì cũng sẽ không có sự tiến bộ nào và không thể hình thành nên thế giới con người.
  • Để hệ giá trị của giai cấp công nhân Việt Nam trở thành một hệ thống giá trị xã hội

    25/01/2008TS. Nguyễn An NinhTác giả đã phân tích một cách khái quát hệ giá trị của giai cấp công nhân biểu hiện trên một số khía cạnh cơ bản: lao động, công bằng, bình đẳng, sự phát triển tự do và toàn diện, phân tích những tiền đề, điều kiện cần thiết cho sự hình thành và phát triển hệ giá trị của giai cấp công nhân. Trên cơ sở làm rõ một số vấn đề đang đặt ra trong quá trình xác lập và phát triển hệ giá trị giai cấp công nhân ở Việt Nam, tác giả đã luận chứng những yêu cầu về mặt nhận thức và mặt hành động nhằm khẳng đinh và phát huy hệ giá trị của giai cấp công nhân Việt Nam đưa hệ giá trị đó trở thành một hệ giá trị xã hội.
  • Sửa đổi lối làm việc

    01/10/2005Bùi Quang MinhTác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh X.Y.Z, viết xong tháng 10 năm 1947. Đây là tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, một tài liệu học tập của cán bộ để tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc…
  • Chương 2. Phong cách khoa học trong lao động

    14/07/2005
  • Thử nhận diện bóc lột

    09/07/2005TS. Nguyễn Sĩ DũngCâu trả lời mà chúng ta có sẵn là: trả tiền công thấp hơn giá trị mà lao động làm ra là bóc lột. Điều này là hoàn toàn đúng trong một mô hình tĩnh, và trong điều kiện giá trị với giá cả là tương đương nhau. Vấn đề là chúng ta phải áp dụng nó vào thực tế của nền kinh tế thị trường sống động và hiện thực như thế nào?
  • Quan niệm của Các Mác về sự vận động lịch sử của Cái Đẹp trong một số hình thái kinh tế

    07/07/2005Nguyễn Thu NghĩaMột trong những kết luận quan trọng được C.Mác rút ra từ quá trình nghiên cứu về cái đẹp tất yếu này sinh trong tiến trình phát triển của lịch sử. Quy luật của cái đẹp không "nhất thành biết biến" từ một hình thức lao động, một hình thái xã hội nào. Cái đẹp có quy luật phổ biến từ thực tiễn thẩm mỹ. Ở mỗi hình thái xã hội nào, quy luật ấy có sự vận động và biểu hiện khác nhau....
  • Thay đổi cách nhìn và thái độ sống

    06/07/2005FISH! - Thay đổi cách nhìn và thái độ sống là một câu chuyện bắt đầu từ Mary Jane - người được giao phụ trách một nơi làm việc có thái độ trì trệ nhiều năm liền, nơi có những con người, và môi trường làm việc tệ hại không thể thay đổi được, một môi trường được mệnh danh là “bãi rác sinh lực độc hại”. Cảm giác bất lực, chán nản đã hoàn toàn xấm chiếm Mary Jane trong những ngày đầu. Thật bất ngờ, trong một lần ghé thăm khu chợ cá Pike Place đầy thú vị, những ý tưởng bổ ích từ khu chợ cá đặc biệt này đã giúp cô làm được những điều tuyệt vời…
  • 7 lưu ý để làm việc đạt hiệu quả

    03/02/2004Bạn luôn cảm thấy thiếu thời gian, công việc luôn ùn tắc mặc dù bạn đã rất chăm chỉ và nỗ lực. Song, hiệu quả công việc luôn làm cho bạn thất vọng, chán nản. Để giúp bạn vượt qua được “lực cản vô hình” đó, bạn hãy tuân thủ những nguyên tắc sau...
  • xem toàn bộ