Tự do ngôn luận
Đây nói tự do ngôn luận là mệnh ý phần nhiều, người mà theo cái nghĩa thông thường, tự do ngôn luận tức là tự do xuất bản (liberté de la presse), như viết báo, làm sách là thuộc về loại ấy.
Ở nước ta có quyền tự do ngôn luận hay không? Xét về phương diện pháp luật thì ở nước ta, vô luận là hạng ngôn luận nào, đều là chẳng có một chút tự do gì cả.
Về báo giới thì những thứ bằng chữ quốc ngữ muốn xuất bản phải xin phép và phải chịu kiểm duyệt trước, tư tưởng không được tụ do phát biểu, đều đó hiển nhiên, không cần bàn đến. Chỉ nói những thứ không phải xin phép và không chịu kiểm duyệt là những báo chữ Pháp và những xuất bản không hạn kỳ (như sách vở, truyền đơn v.v...). Ở Nam Kỳ thì phải theo đạo luật ngôn luận 29 Juillet 1881 của Pháp thi hành ở Nam Kỳ, vẫn hạn chế cũng nhiều điều, nhưng còn rộng hơn đạo sắc lệnh tháng October 1927 thi hành ở bổn xứ bảo hộ trong Đông Dương. Cứ theo đạo sắc lệnh này thì tòa án muốn bắt tội ai thì cũng có thể buộc vào phạm điều nhiễu loạn trị an hay là phạm đến danh dự quan Toàn quyền, các vua chúa và các quan lại. Theo cái ý nghĩa của đạo sắc lệnh ấy là những nhà ngôn luận cấm chỉ không dược phê bình đến nhân cách và hành động của các nhà chính trị “thần thánh bất khả xâm phạm”. Đối với Trung Kỳ thì lại có đạo nghị định Khâm sứ ngày 13 Février đem luật Gia Long mà thi hành đối với các tội phạm về ngôn luận. Nào yêu thơ, yêu luật ấy đều sẽ thi hành để hạn chế quyền ngôn luận của nhân dân. Vậy ta có thể nói rằng vô luận về tính cách gì ở nước ta vẫn không có quyền tự do ngôn luận.
Xét về phương diện thực tại thì phải hạn chế quyền ngôn luận là chỉ những thứ ngôn luận có tính cách phản đối.
Đến như những nhà trước thuật, những nhà viết báo Pháp thì họ nói gì, họ viết gì mà không được! Chánh phủ (những người cầm quyền chính trị) mà làm điều gì không thể tất lợi ích của họ thì họ công kích ngay - cuộc bút chiến Varenne - họ bất bình với ai thì tha hồ họ lăng nhục thóa mạ, chẳng có gì mà ngăn trở được, thậm chí chuyện không mà nói có, chuyện ít mà xít nhiều, thêu dệt đặt bày, không kể gì đến sự thực, mà chỉ cốt cho thỏa ý mình và mưu lợi riêng mình. Các nhà ngôn luận ấy, theo danh nghĩa thì vẫn phải nằm dưới pháp luật, mà theo sự thực thì họ được hoàn toàn tự do.
Nhưng ta xét lên một từng nữa thì sẽ thấy rằng cái tiếng tự do luôn luận ở xã hội hiện thời, chỉ là một tiếng trống không, vô luận là hạng người nào, cũng đều là không được tự do ngôn luận. Ngôn luận của người bản xứ, trừ một số "xu thời mưu lợi", bị con ma kim tiền và thế lực nó ám ảnh mà phải bỏ cái nhân cách mình mà mạo cái nhân cách khác, viết mà không phải ý của mình, nói mà không phải lời của mình, thực không có chút gì gọi là tự do. Còn những nhà không vì danh, không vì lợi, lòng son máu nóng, chan chứa vì nòi giống non sông, nhưng lại bị cái bị lưới pháp luật bủa vây, muốn nói mà không được nói, tư tưởng không thể bày tỏ tự do, điều ấy cũng không phải nói nữa. Đến những hạng ngôn luận mà bề ngoài phần nhiều người vẫn cho là tự do, nếu xét nội dung và ẩn tình thì thực chẳng có chút gì tự do cả. Một nhà báo nước Mỹ nói rằng: "Tài năng của chúng ta, sinh hoạt của chúng ta là vật sở hữu của người khác. Chúng ta là hạng mãi dâm tri thức mà thôi". Nhà ngôn luận là vật sở hữu của người khác, có khác gì người nô lệ là vật sở hữu của kẻ công dân, có khác gì người nông nô là vật sở hữu của nhà quý tộc. Đã vậy thì lời mình nói, bài mình viết không thể là ý của mình mà phải theo ý người làm chủ. Chân lý mà chống chỏi với lợi ích của chủ thì mình cũng phải giấu đi và thóa mạ, những điều khí trá, ác hại mà có lợi cho chủ thì dù mình biết là trái với lương tâm mà cũng phải xưng tụng tán dương. Nhưng người ích chủ ông đó là những hạng nào? Chính là những thế lực kim tiền (les puisances d'argent), họ đứng trong buồng mà rút dây cho mấy con trò rối múa may. Những nhà ngôn luận là những con trò rối máy của họ sai khiến. Họ đổ tiền ra mà chinh phục hết cả "tài năng" để làm lợi khí cho họ khuếch trương cái thế lực tư bản. Những nhà báo lớn ở nước ta ngày nay, phần nhiều phụ thuộc dưới một công ty lớn, hoặc công ty lượn, hoặc công ty đồn điền, hoặc công ty ngân hàng. Các nhà tư bản, họ không những bỏ tiền để mua ngôn luận của các nhà báo, họ lại mua cả ngôn luận của các nhà trước thuật nữa. Ai xem quyển sách “L’épopée du Caoutchoue” của ông Le fèvre thì đủ thấy rằng những lời ông tán dương cái sự nghiệp cao su ở Nam kỳ là những lời vì ai mà viết.
Nếu đem hai cái không tự do mà so sánh với nhau thì ngôn luận kiểm duyệt của ta mà còn có cái vẻ tự do hơn của họ, vì rằng ta không có quyền được tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói. Chứ họ thì không, những không được nói những điều ích cho công chúng mà lại nhiều khi phải nói những điều trái với lương tâm.
Ôi!Ngôn luận tự do! Đến bao giờ tự do ngôn luận mới thực là xuất hiện.
(Huỳnh Thúc Kháng, Báo Tiếng Dân, ngày 1/5/1929)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh