Hạnh phúc cùng giáo dục hướng tâm
Năm qua, xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp xã hội với mô hình giáo dục khai phóng (liberal education). Đó là những lớp học trẻ trung, tiết kiệm, hướng đến niềm vui, tâm hồn người học, như: “Toa tàu”, “Tôi xê dịch”, “Lớp học một tô hủ tiếu”…Các lớp này xuất phát từ những nhóm bạn trẻ và luôn đầy ắp người tham gia.
TS Nguyễn Đức Lộc, Phó Trưởng khoa Nhân học, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM), là người nghiên cứu tâm huyết về giáo dục khai phóng. Ông khởi xướng lớp học viết văn theo tinh thần giáo dục khai phóng rất thành công. Ông chia sẻ cùng Sinh Viên Việt Nam xu hướng giáo dục đang hấp dẫn này.
Chiếc nhẫn bằng thép
Thưa ông, có thể coi giáo dục khai phóng là một hình thức giáo dục mới ở Việt Nam?
Chuyện “giáo dục khai phóng” không hề mới ở Việt Nam. Trước năm 1975, trường ĐH KHXH&NV TP. HCM hiện nay được biết đến là trường ĐH Văn khoa. Tại đó, sinh viên nơi khác như: Y khoa, Luật… đến ghi danh học các chương trình học nhân văn để bồi bổ cho chính mình. Giáo dục khai phóng (liberal education) là một cách giáo dục hướng về nội tâm, về tính nhân bản. Ban đầu, nhiều đồng nghiệp nhìn từ “khai phóng” một cách nghi ngờ, như thể đây là một điều gì đó nhạy cảm lắm. Nhiều người khác lại cho rằng, những cái gì phi chính thống thì không đáng tin. Thực ra, giáo dục khai phóng rất thân thuộc trong cuộc sống.
Theo Wikipedia, các môn khai phóng hay các ngành khai phóng (tiếng Anh: Liberal arts; Latin: artes liberales)là những môn học hay kỹ năng trong thời cổ đại được xem là thiết yếu mà một con người tự do (một công dân) cần biết để có thể đóng một vai trò năng động trong đời sống công dân. Ở Hy Lạp cổ đại, những hoạt động này bao gồm: Tham gia vào các cuộc tranh luận công cộng, tự biện hộ trước tòa, phục vụ với tư cách thành viên bồi thẩm đoàn trong các phiên xét xử và quan trọng hơn cả là phục vụ trong quân đội. Mục tiêu của những môn học này là để đào tạo ra một con người có đạo đức, có tri thức và có khả năng diễn đạt ý kiến của mình một cách lưu loát. Trong thời hiện đại, giáo dục các môn khai phóng (liberal arts education) là một thuật ngữ có thể được hiểu theo những cách khác nhau. Nó có thể chỉ những lĩnh vực nhất định trong: Văn học, Ngôn ngữ, Triết học, Lịch sử, Toán học, Tâm lý học, và Khoa học. Nó cũng có thể chỉ chương trình học để lấy một số loại bằng cấp học thuật nhất định. Chẳng hạn, Viện ĐH Harvard cấp bằng Master of Liberal Arts (Thạc sĩ) trong các ngành: Khoa học Sinh học, Khoa học Xã hội, cũng như trong các ngành khoa học nhân văn. Trong cả hai nghĩa, thuật ngữ “giáo dục các môn khai phóng” thường chỉ đến những gì không phải là những chương trình học chuyên nghiệp, mang tính huấn nghệ, hay kỹ thuật. |
Sự bồi bổ của giáo dục khai phóng quan trọng như thế nào, thưa ông?
Trường ĐH Y Dược TP. HCM cũng có bộ môn Khoa học Nhân văn, bổ trợ cho đào tạo y, bác sĩ tương lai. Trong bất kỳ doanh nghiệp nào, dù là doanh nghiệp hoạt động kỹ thuật cũng cần một vị trí nhân lực xuất phát từ ngành thuộc khoa học nhân văn. Ở châu Âu, một trường đào tạo kỹ sư cơ khí còn có truyền thống tặng cử nhân của mình một chiếc nhẫn bằng thép trong lễ tốt nghiệp. Thép làm nên chiếc nhẫn đó được lấy từ một cây cầu bị đổ sập, cướp đi sinh mạng của nhiều người trước đó. Chiếc nhẫn thép có tác dụng nhắc nhở kỹ sư về sự cẩn thận trong thi công, thiết kế, vì trong tay họ là sinh mạng của biết bao người. Đó cũng là một hình thức giáo dục tính nhân bản, giúp người ta biết trắc ẩn, ý thức được công việc, vai trò của mình trong xã hội. Xét cho cùng, việc học theo tinh thần khai phóng là cách để con người có thể hòa nhập vào xã hội một cách tốt nhất.
TS Nguyễn Đức Lộc chia sẻ: “Khi xã hội phát triển nhanh, người ta giàu nhanh nhưng tâm hồn không “giàu” tương xứng. Họ trở nên bối rối. Có nhiều sách kỹ năng dành cho họ ồ ạt ra đời, kiểu: Làm sao làm giàu nhanh, tư duy thành đạt… Nhưng những loại sách này cũng chưa thể khai mở chiều sâu tâm hồn. Có những loại sách giúp con người ta trắc ẩn, tư duy thì lại bị bỏ qua. Ngay cả nhiều đồng nghiệp của tôi cũng xem những cuốn sách triết học tôi đọc là khó hiểu. Họ không nhận ra, đó là cách tôi làm phong phú thêm thế giới nội tâm của chính mình. Hiện nay, nhiều người thích thú với việc chụp ảnh được nhiều món ăn, thể hiện bản thân hào nhoáng trên trang cá nhân. Thực ra, đó chính là cách đơn giản nhất để thể hiện sự nghèo nàn trong tâm hồn mình cho người khác thấy”. |
Vì sao xã hội ta hiện nay bắt đầu chú trọng đến giáo dục khai phóng?
Ở Mỹ, có những trường đại học giảng dạy liberal arts là nhờ có nhiều doanh nghiệp có điều kiện tài chính bảo trợ. Người ta đi học liberal arts khi có điều kiện, không quá lo lắng về kinh tế. Học để cảm nhận và thấu hiểu cuộc sống. Xét cho cùng, việc học của con người là để vui thích và hạnh phúc. Trong khi đó, đa phần người Việt mình thì đổ xô đi học, chỉ cốt sao ra trường kiếm được nhiều tiền hơn. Trong một thời gian dài, các phụ huynh luôn quan niệm cho con em đi học để kiếm tiền, đỡ đần gia đình nên ép con em phải học theo ý họ. Các lứa học sinh, sinh viên phải tạm gác lại đam mê để theo ngành học kiếm được nhiều tiền nhất. Chợt một ngày, các bạn được nhắc lại về niềm đam mê trong mình, họ lập tức cảm thấy thú vị, hứng thú tham gia các lớp liberal arts.
Gần đây, tôi rất vui vì khi đời sống vật chất người Việt đã khá lên, người ta quan tâm hơn đến nhu cầu bồi bổ tâm hồn, giáo dục tính nhân bản. Họ đến các lớp giáo dục khai phóng tự phát của các nhóm tâm huyết làm dự án giáo dục. Cụm từ “giáo dục khai phóng” đã xuất hiện trên các mặt báo một cách bình thường. Nhiều bạn trẻ thực hiện các dự án khởi nghiệp xã hội liên quan đến giáo dục khai phóng… Đây là xu hướng tốt, đáng mừng.
Ở góc độ người nghiên cứu về giáo dục khai phóng, ông có thể lý giải sự thăng trầm của chiều sâu nhân bản trong đời sống hiện đại?
Chúng ta đang phát triển quá nhanh. Người trẻ dễ mất đi cảm giác về thế giới xung quanh, mất đi khả năng tưởng tượng về “câu chuyện”. Họ dễ bi quan, đổ lỗi, oán trách hoặc làm những hành động mất nhân tính, không lường trước hậu quả. Điều đó, phần nào giải thích nguyên nhân của nhiều vụ án giết người dã man, xuất hiện gần đây. Khi không chú ý đến thế giới nội tâm, không hình dung được kết cục câu chuyện, con người chỉ hành động một cách rời rạc, không kết nối thành câu chuyện, không thấy dằn vặt lương tâm. Họ không tưởng tượng ra nỗi đau khổ cho tha nhân. Con người lúc ấy rời xa đặc tính người. Họ ưu tiên tư duy duy lợi.
Lan tỏa cảm hứng
Hiện nay, nhiều bạn trẻ vẫn lưỡng lự giữa học vì sự áp đặt của người khác và học vì đam mê của bản thân. Ông có chia sẻ gì?
Tôi có một người quen, làm trong thư viện, đến hơn 40 tuổi thì phát hiện mình bị ung thư. Cô quyết định chuyển lên Đà Lạt sống và học lại hội họa từ đầu. Hội họa là ước mơ của cô từ thuở nhỏ nhưng cô đã phải kiếm cho mình một nghề nuôi sống bản thân. Những năm tháng cuối đời, cô vẽ tranh. Tranh vẽ của cô rất thành công, được triển lãm ở châu Âu. Sau vài năm, cô mất. Nhưng những năm tháng cuối đời là lúc cô sống thật vui với sở trường, đam mê của mình. Câu chuyện này đặt ra câu hỏi cho tất cả chúng ta: Tại sao khi không còn cơ hội sống, chúng ta mới nghĩ đến cuộc sống đích thực, cuộc sống mơ ước của chúng ta? Tại sao chúng ta không sống với đam mê ngay từ bây giờ? Tôi chỉ nhấn mạnh rằng, dù bạn học gì, làm gì thì thế giới này cũng đủ rộng để cho tất cả mọi người.
Ông có thể chia sẻ về lớp học viết văn theo tinh thần giáo dục khai phóng do mình khởi xướng?
Khi mở lớp dạy viết văn theo hình thức giáo dục khai phóng, tôi đã từng lo ngại sẽ không mấy ai đăng ký. Nhưng bất ngờ là các bạn trẻ tham gia rất đông, vượt ngoài khả năng đáp ứng. Chúng tôi phải lập danh sách học viên chờ vì không đủ nhân lực giáo viên, cũng như lớp học như thế này thường hạn chế số lượng. Vấn đề nằm ở chỗ, mỗi người xác định cho mình giá trị cuộc đời mình là gì? Tiền bạc hay đam mê? Chúng ta sống để an vui.
Vậy điều gì khiến chúng ta an vui? Giáo dục khai phóng trong tương quan với nền giáo dục nói chung ra sao, thưa ông?
Chúng ta không nên coi giáo dục khai phóng là “giáo dục ngoài luồng”. Chính giáo dục truyền thống cũng phải nhìn vào đó để học hỏi tinh thần khai phóng. Để làm được điều này, cần những lãnh đạo, giáo viên, giảng viên ý thức được và lan tỏa cho học sinh, sinh viên. Với tinh thần học tập vui thú lan tỏa đam mê, người học mới lĩnh hội được tinh thần học, tinh thần sống. Tinh thần này giúp họ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong đường đời.
Các lớp liberal arts của nhiều nhóm bạn trẻ hiện nay đã cho thấy một bộ phận giới trẻ, một bộ phận xã hội đã phản ứng ngược với quan điểm coi giáo dục là hàng hóa, là món lợi để làm giàu. Chính phủ cũng đã đưa ra chính sách đối với đại học phi lợi nhuận. Tiếc là, ở đâu đó, vẫn còn quan điểm coi giáo dục là hàng hóa. Điều vui là xã hội đã biết trân trọng sự đa dạng trong giáo dục. Ở xứ ta, có nhiều bạn tốt nghiệp ra trường, đã không đi làm việc chuyên ngành mà làm việc họ thích. Họ vẫn thành công. Nói điều này, tôi không phủ nhận vai trò giáo dục hiện tại mà để chứng minh rằng, xã hội luôn có đủ chỗ cho nhiều người, ở nhiều lĩnh vực.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn