Canh tân giáo dục để canh tân đất nước

10:27 SA @ Thứ Tư - 25 Tháng Sáu, 2014

Lúc 21 tuổi, người viết bài này - tác giả Nguyễn Quang Thạch - đã trăn trở làm sao cho nước Việt được cường thịnh, bởi thế năm 22 tuổi, anh quyết định làm “nhà cách mạng thư viện” để góp phần khai dân trí, nuôi dưỡng lý tưởng và khát vọng dân tộc. Mười tám năm nay, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh đã tạo được hệ thống thư viện dân sự với Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh, Tủ sách hậu phương quê hương chiến sĩ… giúp hàng trăm ngàn dân nông thôn có sách đọc ngang bằng cư dân Hà Nội và Sài Gòn. Mục tiêu đời anh là tìm mọi cách để giúp cho tất cả trẻ em nông thôn Việt Nam có sách đọc ngang trẻ em ở châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Israel.

Ý thức về sự học đã được người Việt ca dao hoá và truyền khẩu cho đến ngày nay, điển hình như “Trai thì đọc sách, ngâm thơ/Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa/ Mai sau nối được nghiệp nhà/Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân”.

Sự học xưa

Ngẫm lại thì sự học của người Việt ngày xưa ở mức cao nhất là kiếm được chức quan để ấm thân. Sự học chỉ dừng lại ở mức học thuộc lời người xưa, học thuộc lời của những ông thầy được phong thánh rồi áp dụng vào các quy tắc lễ, nghĩa, cai trị dân. Trong xã hội phong kiến kém phát triển, người dân nghèo và nhiều người mù chữ, thì không thể có khát vọng lớn lao ngoài kiếm cho đủ ăn đủ mặc. Bởi thế, ai có khát vọng làm quan cho ấm cái thân, cho vinh thân phì gia thì hướng tới sự học. Chính vì việc học bị giới hạn ở hai mức thầy và quan (tiến vi quan, thoái vi sư) nên số ông nghè, ông cử lên được đỉnh cao nhất là dừng ở đó hành nghề kiếm ăn. Còn các ông tú thì làm ông thầy gõ đầu trẻ ở làng mà độ nhật.

Cái sự học chữ nghĩa văn chương tầm chương trích cú của Nho giáo đã biến mỗi người học thành những kẻ nô lệ, ít ai thoát được khỏi nó để tạo hướng riêng cho mình. Học thuộc lòng mà ít sáng tạo. Cả nền khoa cử ngàn năm với rất nhiều tiến sĩ được đưa vào văn bia Quốc Tử Giám nhưng dường như không ai có công trình khoa học, sáng kiến, sáng chế… đóng góp cho nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tự hào về tổng công trình sư Nguyễn An đã tạo nên Tử Cấm Thành của Trung Quốc, hoặc trong nền giáo dục thiên về văn chương chữ nghĩa đã có ông Vũ Hữu với cuốn Lập thành toán pháp, ông Lương Thế Vinh với Đại thành toán pháp và Khải minh toán học, có nhà bác học Lê Quý Đôn. Tóm lại, đỉnh cao của sự học ngày xưa là quan vị. Khi khát vọng của con người chỉ nằm ở mức cai trị con người thì chắc chắn nền giáo dục đó không thể tạo nên những con người tự do, con người được khai phóng, không thể có các công trình sáng tạo đỉnh cao vì sự tiến bộ của loài người.


Ảnh minh họa: Trung Dũng

Sự học ngày nay

Sự học ngày nay là kế thừa sự học ngày xưa vì tiềm thức cộng đồng nước Việt Nam đã dung chứa sự học của Nho giáo, bởi vậy cái ngày xưa vẫn chi phối cái ngày nay không hề nhỏ, sự học tạo nên những kẻ nô lệ mình. Học để có công ăn việc làm thoát đời nông dân, thoát làm công nhân mà thành công chức và quan chức. Những mong muốn và khát vọng đó là chính đáng. Tuy nhiên, chúng ta cần xem sự học lẫn đào tạo ngày nay đã tạo cho xã hội những sản phẩm gì. Những cử nhân, kỹ sư, những thạc sĩ và tiến sĩ đã đóng góp được gì cho sự tiến bộ của đất nước và nhân loại?

Đỉnh cao của sự học ngày xưa là quan vị. Khi khát vọng của con người chỉ nằm ở mức cai trị con người thì chắc chắn nền giáo dục đó không thể tạo nên những con người tự do, con người được khai phóng, không thể có các công trình sáng tạo đỉnh cao vì sự tiến bộ của loài người.

Về nông nghiệp: đồng ruộng chúng ta không có nhiều thay đổi. Người nông dân vẫn chủ yếu làm việc bằng tay. Nông sản không có đầu ra bền vững. Dưa hấu, vải, nhãn, xoài… cứ được mùa thì ế. Các địa phương không bao tiêu hết sản phẩm cho người dân. Ở Thái Bình, gia đình người nông dân chỉ kiếm được 2.000 - 3.000 đồng/ngày/sào.

Về công nghiệp: từ công nghiệp nhẹ đến công nghiệp nặng, hầu hết đều nhập ngoại. Đến như phụ tùng xe đạp còn phải nhập từ Trung Quốc. Đất nước của chúng ta là công xưởng của tư bản ngoại quốc. Tự thân chúng ta không có những Sony, Samsung, Nokia.

Nói chung, chúng ta chưa có nền kinh tế sản xuất, nền kinh tế chế tạo… Đó là đầu ra hiển nhiên của một nền giáo dục thiếu kích thích sáng tạo. Từ khi sinh ra và lớn lên, con trẻ Việt Nam đã phải sống trong nỗi sợ. Ở nhà thì sợ và buộc phải nghe lời bố mẹ, không có quyền tranh luận bình đẳng. Ở trường thì thầy cô luôn đúng, ít khi học trò có cơ hội tranh luận để tìm ra những thứ ngoài thầy và sách. Ở cơ quan, người ta sợ quyền lực của ông lãnh đạo, hơn là sợ sai so với chuẩn khoa học, chuẩn minh bạch và chuẩn lương thiện. Ở xã hội, hễ ai có ý tưởng mới, có ý kiến khác… thì đám đông chê bai, dè bĩu.

Canh tân giáo dục để canh tân đất nước

Đã đến lúc mọi công dân phải biết tự nhục khi nước hèn, nước bị bắt nạt, khi hàng triệu đứa trẻ đang sống trong nghèo đói, khi hàng chục triệu học sinh nông thôn không có sách đọc. Hãy xem những yếu khuyết nêu trên là một liều thuốc đắng dã tật cho chúng ta. Mỗi cá thể cần biết rằng xã hội, dân tộc, đất nước là ngôi nhà của chính mình. Hãy hiến dâng trái tim khối óc cho đất nước được cường thịnh và tôn trọng.

Đương nhiên, để mỗi cá thể có một trái tim biết yêu con người, mỗi cá thể có khát vọng học để thay đổi đất nước, học để có sản phẩm bằng người Nhật, Hàn rồi vượt họ trong tương lai… chúng ta phải thay đổi ngay lối giáo dục nô lệ con người hiện nay. Cha mẹ và thầy cô giáo hãy chấm dứt khoá miệng con trẻ, hãy để cho các em nói, các em sáng tạo, các trải nghiệm. Cần xoá bỏ mọi gian trá trong giáo dục, hãy loại bỏ tất cả thầy cô giáo và ông quan giáo dục bất tài và bất lương ra khỏi bộ máy giáo dục.

Xin hãy thiết kế, xây dựng và áp dụng triết lý giáo dục nhân bản, vị quốc gia và vị nhân loại để dân tộc này được sáng lên và cùng thắp sáng nhân loại.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người Việt trẻ tự đốt đuốc mà đi

    04/05/2019TS. Giáp Văn DươngĐất nước cần vượt lên. Vì thế, với người Việt trẻ, một cuộc vượt lên chính mình là cần thiết. Khi còn mò mẫm trong sáng tối, khi còn chao đảo giữa muôn vàn xô đẩy của cuộc đời, thì không còn cách nào khác là phải tự đốt đuốc cho mình, phải tự mình vạch đường mà tiến bước...
  • Cần thêm nhiều đốm lửa

    23/03/2018Giáp Văn DươngĐọc lại những trước tác của Phan Châu Trinh, ta thấy rằng lý do cụ Phan chọn con đường khai dân trí bởi cụ cho rằng Việt Nam chịu cảnh nô lệ là vì thua kém phương Tây cả một nền văn minh chứ không phải kém về lòng quả cảm...
  • Canh tân quyết định sự phồn vinh

    12/02/2018Trần Kiêm Đoàn (Việt kiều Mỹ)Tiếp cận với môi trường giáo dục phương tây, đặc biệt là ở xứ Mỹ, tôi không nghe ai hô hào cải cách sáo rỗng như thế, những chương trình, nội dung và phương tiện giáo dục thay đổi nhanh chóng từng năm học; thậm chí, thay đổi từng học kỳ, học khóa...
  • Tư tưởng canh tân sáng tạo nền văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX của chí sĩ Phan Châu Trinh

    26/09/2014Đỗ Hòa HớiVới sự nghiệp đổi mới, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa và hiện đại hóa văn hóa dân tộc đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Qua tìm hiểu chí sĩ Phan Châu Trinh, chúng tôi thấy ông là một tấm gương mạnh dạn canh tân và sáng tạo nền văn hóa dân tộc vào thời điểm đầu thế kỷ XX.
  • Dân tộc hào vượng, Quốc gia hùng cường

    12/08/2014Nguyễn Tất ThịnhChúng ta không muốn tự hào vì thế kỷ nào cũng có chiến thắng trong chiến tranh ! Chiến tranh xảy ra nhân dân luôn là bị thua thiệt nặng nề, dai dẳng và dính nhiều di căn nhất ! Chúng ta học hỏi cách không để xảy ra chiến tranh không phải bằng tâm lý chấp nhận kẻ bạo cường, cam phận đội vòng kim cô ma mị , mong tồn tại trong thân phận thấp hèn, bị khinh rẻ trong thế giới văn minh. Đó chính là phải KHAI TÂM, PHÁT LỰC, TẠO THẾ, MỞ ĐẠO cho từng người Dân...
  • Bài học canh tân từ tiểu thuyết Hồ Quý Ly

    05/06/2014Hà Thủy NguyênGiữa lúc tình trạng văn học nước nhà vào những năm 90 đang rơi vào cảnh èo uột, không có tác phẩm nào đáng kể thì “Hồ Qúy Ly” như một cơn địa chấn lớn khiến độc giả bừng tỉnh. “Hồ Qúy Ly” không đơn thuần kể lại câu chuyện của thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 mà nhà văn đang “ôn cố tri tân”...
  • Canh tân quyết định cho sự phồn vinh

    28/02/2014Trần Kiêm Đoàn (Việt kiều Mỹ)Trong đợt nghiên cứu và thăm dò của PEW, một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Mỹ tại Washington DC, vào mùa xuân 2013 về tình hình cải cách giáo dục toàn cầu trong thời đại mới, cơ quan này ghi nhận rằng, đã có 127 trên tổng số 195 quốc gia tiến hành cải cách giáo dục trong thập niên đầu thế kỷ 21...
  • Ngẫm về khát vọng canh tân nước Việt

    13/02/2014Nguyễn ThiệnCó mối liên quan nào giữa mức độ khát khao canh tân đất nước trong quá trình phát triển với một nước Nhật Bản đã hiện đại từ hơn nữa thế kỷ trước và một Việt Nam vừa mới thoát khỏi danh sách nước nghèo dù việc canh tân nước Việt đã được đặt ra từ hơn một thế kỷ trước?
  • Cần cuộc cách mạng Khai Sáng của người Việt

    27/09/2010Bùi Quang MinhĐể ý nhiều bạn trẻ, trung niên, và cả bậc cao niên lảng tránh bàn luận việc lớn nhỏ của đất nước, dân tộc hay của chính họ, tôi nhận thấy nguyên nhân chung họ đưa ra là: “Ôi dào, rách việc, nghĩ nhiều thì cũng đến thế, việc khó để người khác lo”. Có phải họ lười suy nghĩ, hay là họ ích kỷ cá nhân, họ chưa đủ khả năng nhận thức đầy đủ về dân quyền và việc quốc gia hay là họ đang thờ ơ với vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình chăng? Họ chưa trưởng thành dù cho cơ thể và địa vị xã hội của họ đã lớn...
  • xem toàn bộ