Sự học đề cao thực nghiệp
Thực học và Công dân toàn cầu là hai khái niệm không còn mới đối với thế giới, nhưng ở Việt Nam hiện nay lại trở nên “nóng bỏng” vì ngày càng có nhiều trăn trở về câu hỏi: học để làm gì?
Có bạn đặt cho tôi câu hỏi: “Nhiều người rất tán đồng quan điểm: Thực học nghĩa là học những gì từ thực tế cuộc sống, từ đó, đi xa hơn, họ lại đặt ra nghi vấn: triết học có giải quyết gì được những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày không?”
Nguỵ học đối lập với thực học
Nghĩa thứ nhất là chống lại “hư học”, tức chống lại lối học vấn trống rỗng, vu vơ, xa rời thực tế cuộc sống mà tiêu biểu là nền giáo dục khoa cử hủ bại (học chỉ để đỗ đạt, làm quan…) của các nước Đông Á trước đây, trong đó có nước ta. Phong trào bắt đầu từ cuộc Minh Trị canh tân ở Nhật Bản, lan sang Trung Quốc thời kỳ trước Cách mạng Tân Hợi (1911) và ở nước ta thời kỳ Duy Tân và Đông kinh nghĩa thục vào đầu thế kỷ 20. Nền học vấn hủ bại ấy được Thái Nguyên Bồi, vị bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Trung Hoa dân quốc, đúc kết thành sáu tệ trạng: Bỉ(xấu xa, học chỉ để làm quan), Loạn (lộn xộn, nội dung học không đáp ứng nhu cầu phát triển cá nhân), Phù (sáo rỗng, phương pháp học thuộc lòng), Tỉ (sợ sệt, thầy lẫn trò đều lo đối phó với áp lực từ bên ngoài, từ cấp trên), Trệ (đình trệ, không tạo được cảm hứng sáng tạo) và Khi (dối trá, hậu quả của các tệ trạng trên). Các bạn có thấy sáu tệ trạng này xa lạ với chúng ta hiện nay lắm không?
Vì thế, thực học đề cao thực nghiệp (mỗi người phải tinh thông một nghề), xem trọng tri thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ… để thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển so với phương Tây.
Nghĩa thứ hai của thực học là chống lại nguỵ học, như trong cụm từ quen thuộc chân tài thực học. Nguỵ học là cái học chỉ chuộng bằng cấp, hư danh, che đậy sự khiếm khuyết về tri thức và sự dày công trong tìm tòi, nghiên cứu.
Ở phương Tây, người đề xướng “thực học” mạnh mẽ nhất và nổi tiếng nhất là nhà triết học giáo dục người Mỹ John Dewey. Trong nội dung giảng dạy, ông chủ trương không bắt đầu bằng những môn học “trừu tượng” theo thói quen trước nay như văn chương, toán học, khoa học tự nhiên, v.v. mà bằng những hoạt động thiết thực và quen thuộc như nấu ăn, may mặc, xây cất, v.v. Nhưng, xin đừng vội hiểu lầm! Ông không chủ trương chỉ “dạy nghề”, trái lại, từ những hoạt động ấy, sẽ từng bước nâng lên tri thức khoa học. Từ việc nấu ăn, ta sẽ học môn hoá học và khoa học thực phẩm một cách hào hứng. Từ việc may mặc, ta sẽ học lý thuyết về màu sắc một cách sinh động. Từ việc xây cất, ta sẽ học cơ học và tĩnh học một cách thấm thía. Rồi từ các hoạt động sáng tạo như làm thơ, viết văn, ca hát, khiêu vũ…, ta sẽ đi tới chân trời rộng mở và đầy xúc cảm của văn chương và nghệ thuật. Nói cách khác, thực học nơi John Dewey là phương pháp và nghệ thuật “đi đường vòng”, để tri thức khoa học ngày càng vững chắc, chặt chẽ, có hệ thống. Không phải là xem nhẹ những môn học trừu tượng, mà làm cho nó sinh động hơn, hay như cách nói của ông, giúp nó có dịp quay trở lại với khung cảnh xã hội vốn là cội nguồn của nó, như vị thần khổng lồ Antée trong thần thoại Hy Lạp luôn tìm cách bám vào lòng đất mẹ để có thêm sinh lực.
Trở lại với triết học
Từ nấu ăn, may mặc, xây cất vươn lên thành hoá học, khoa học thực phẩm, lý thuyết màu sắc hay cơ học, tĩnh học… là một sự tiếp nối rất… lôgích, đồng thời, là một bước nhảy quan trọng trong tri thức của con người. Rồi từ hoá học, cơ học, v.v. vươn lên triết học lại là một sự tiếp nối khác và một bước nhảy vọt khác. Tất cả chúng đều không kéo ta ra khỏi thực tại, mà giúp ta hiểu sâu hơn về thực tại.
Trong khoa học, ta làm quen với những khái niệm khá trừu tượng, nhưng vẫn còn có thể “hình dung” ra được, ví dụ: khối lượng, vận tốc, năng lượng, điện, nguyên tử, v.v. Nhưng, có nhiều khái niệm còn trừu tượng hơn nữa, khiến ta khó hình dung, song lại rất cơ bản: vận động, thời gian, không gian, nguyên nhân, kết quả, tồn tại nói chung, v.v. Đó là những khái niệm lớn, gọi là những phạm trù để ta có thể suy tưởng sâu hơn về những hiện tượng. Nói khác đi, nhà khoa học làm khoa học, nhưng không cần tự hỏi: khoa học là gì? Nhà khoa học sử dụng các phương pháp, nhưng hiếm khi tự hỏi: phương pháp là gì? Triết học làm thay công việc ấy, hình thành nên “khoa học luận” và “phương pháp luận”, v.v. Vậy đó, khoa học là sự trừu tượng cấp 1, triết học là sự trừu tượng cấp 2, cấp 3… Cả hai đều bám rễ sâu vào thực tại, nhưng với chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Người ta bảo đó là đặc tính thứ nhất của triết học: triết học là khoa học cơ bản.
Nhà khoa học sử dụng phương pháp và chỉ chịu từ bỏ khi nó tỏ ra bất lực. Trong quá trình ấy, nhà khoa học có thể quá tin vào phương pháp, với nhiều định kiến và ảo tưởng. Triết học làm công việc phản tỉnh để sớm phát hiện và phê phán các định kiến và ảo tưởng ấy – nếu có. Đó là đặc tính thứ hai của triết học – khoa học khai minh.
Các nhà khoa học quen nhìn thực tại bằng nhãn quan riêng của ngành chuyên môn, dễ “méo mó nghề nghiệp”. Triết học đề nghị cần phải lưu ý đến những nhãn quan khác, những góc nhìn khác khi tiếp cận thực tại. Đó là đặc điểm thứ ba của triết học: triết học là khoa học cân đối, khuyến khích nhiều lối nhìn khác nhau, tôn trọng những ý kiến khác nhau.
Tóm lại, với tính cách “ba trong một” ấy, triết học luôn đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo đường, trong mọi bước suy tư khi giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Một cách thiết thực, khi giải quyết một vấn đề, ai trong chúng ta cũng phải tiến hành mấy bước sau đây: nhìn vào hậu cảnh để biết thực chất của vấn đề, quyết định có cơ sở, hành động có trách nhiệm, hoạt động có hiệu quả, truyền thông rõ ràng và sau cùng, có được sự thanh thản, hạnh phúc với kết quả công việc. Ở mỗi bước, ta đều chạm phải ba tính chất trên đây của triết học: những phạm trù nào cần đào sâu để làm cho quyết định thật sự có cơ sở, những định kiến, ảo tưởng nào cần phải loại bỏ để hành động có trách nhiệm, những lối nhìn khác nhau nào cần phải lưu ý và tôn trọng để hoạt động có hiệu quả, và sau cùng, cần giao lưu, ứng xử và quan hệ với những người khác như thế nào để kết quả việc làm thực sự mang lại sự thanh thản và hạnh phúc cho ta và cho cả cộng đồng?
Triết học, như trình bày trên đây, là công việc của mọi người và của mỗi người, hàng ngày, miên viễn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn