Chứng cứ về sự hiện hữu của Thượng đế

04:39 CH @ Thứ Ba - 23 Tháng Tám, 2005

Thưa tiến sĩ Adler,
Tôi thấy dường như tôn giáo và triết học có thể hòa giải được nếu như có chứng cứ về sự hiện hữu của Thượng Đế được hai bên thừa nhận. Các triết gia vĩ đại trong truyền thống của chúng ta có đạt tới đồng thuận về sự hiện hữu của Thượng Đế không? Và sự hiện hữu của ngài có thể chứng thực một cách thuần lý không? Đâu là những quan điểm triết học chính yếu đối với câu hỏi quan trọng này?

R.C.

R.C. thân mến,

Không có sự đồng thuận nào giữa những tác giả của những cuốn sách lớn nói về sự hiện hữu của Thượng Đế (về bất cứ vấn đề quan trọng nào khác cũng vậy thôi.) Vài người trong số họ nghĩ rằng sự hiện hữu của Thượng Đế có thể thực chứng được; số khác thì cho rằng không. Nhưng ngay cả những người nghĩ rằng sự hiện hữu của Thượng Đế có thể thực chứng được thì những chứng cứ mà họ đưa ra cũng rất khác nhau.

Chúng ta có thể chia chứng cứ về sự hiện hữu của Thượng Đế thành hai loại chính. Chứng cứ thứ nhất vẫn thường được gọi là “chứng cứ hữu thể luận.” Nó cũng được gọi là chứng cứ Tiên thiên,bởi vì nó hoàn toàn không tùy thuộc vào kinh nghiệm của chúng ta mà chỉ tùy thuộc vào ý niệm của chúng ta về Thượng Đế.

Theo Thánh Anselm(1), Thượng Đế chỉ có thể quan niệm đượcnhư một hữu thể tối cao; nói cách khác, như “một hữu thể mà người ta không thể quan niệm được có mộtcái gì lớn hơn nó.” Một hữu thể như vậy, ông khẳng quyết, không chỉ nhất thiết phải hiện hữu trong trí năng, mà còn nhất thiết phải có một hiện hữu thựcnữa. Để bảo vệ luận điểm này, Anselm yêu cầu chúng ta xem xét hệ quả của giả định cho rằng Thượng Đế không thực hiện hữu mà chỉ là một ý niệm trong tâm trí chúng ta thôi.

Ông giải thích, nếu cái hữu thể tối cao, mà người ta không thể quan niệm được có một cái gì lớn hơn nó, chỉ hiện hữu trong trí năng thì nó sẽ thiếu đi tính hoàn hảo của sự hiện hữu thực. Do đó nó sẽ không còn là hữu thể tối cao mà chúng ta đưa ra để quan niệm. Vậy nên, Anselm kết luận, hữu thể tối cao phải hiện hữu trong thực tại cũng như trong tâm trí. Một lối giải thích có khác biệt chút ít về chứng cứ (hữu thể luận) này cũng được Descartesđưa ra trong tác phẩm Méditations(“Những suy niệm”) của ông.

D’Aquinas phản bác chứng cứ này. Theo ông, nói như vậy chẳng khác nào cho rằng sự hiện hữu của Thượng Đế tự nó hiển nhiên đối với chúng ta, mà ông thì không nghĩ vậy. Luận cứ này muốn cho thấy, chúng ta không thể quan niệm về một hữu thể tối cao mà không quan niệm rằng một hữu thể như thế đang hiện hữu thực; nhưng D’Aquinas, và sau này Kant, luôn luôn khẳng định rằng chúng ta không có căn cứ để suy luận ra sự hiện hữu của Thượng Đế từ sự kiện rằng chúng ta không thể tư duy về một hữu thể tối cao mà không nghĩ rằng một hữu thể như thế phải hiện hữu.

Loại luận cứ chính yếu thứ hai về sự hiện hữu của Thượng Đế bao gồm tất cả những bằng chứng nhân quả hoặc hậu nghiệm. Đây là những chứng cứ đi từ kết quả tới nguyên nhân. Chúng là hậu nghiệmtrong ý nghĩa chúng khởi xuất từ những sự kiện đã biết của thực tại, rồi từ những sự kiện đó chúng cho thấy sự hiện diện của một nguyên nhân, nguyên nhân này nhất quán với ý niệm của chúng ta về Thượng Đế.

Tôi xin đưa ra một ví dụ về cách suy luận này. Chúng ta quan sát thấy mọi hiện tượng trong thế giới này có đó rồi mất đó. Điều này dẫn chúng ta đến một nhận xét, rằng bản chất của chúng là vậy đó, đến nỗi rằng có thể chúng khônghiện hữu. Nhưng điều này không đúng nếu sự hiện hữu của chúng bắt nguồn từ bản chất của chúng. Do vậy, một cái gì nằm ngoài bản chất của chúng hẳn phải là nguyên nhân hiện hữu của chúng – nghĩa là, đương nhiên, nếu chúng ta chấp nhận định đề rằng mọi vật tồn tại hoặc xảy ra đều phải có nguyên nhân cho sự hiện hữu hoặc xảy ra đó.

Cái gì là nguyên nhân hiện hữu của một vật mà nó không tồn tại vì chính bản chất của nó? Một vật nào khác cùng loại chăng? Hầu như không thể; bởi vì nếu có một vật không tồn tại vì bản chất của nó như vậy, nó không thể là nguyên nhân tồn tại của bất cứ vật nào khác. Nếu luận điểm sau này đúng thì hệ quả là, nguyên nhân phải được tìm thấy trong một hữu thể tồn tại bởi chính nội dung bản chất của nó. Nhưng một hữu thể như vậy là những gì chúng ta quan niệm về Thượng Đế; tức là, một hữu thể tối cao, với sự hoàn hảo tuyệt đối của nó, đã bao hàm sự hiện hữu.

Tính hợp lý của kiểu lập luận này đã bị phi bác bởi những người cho rằng thế giới xét như một tổng thể thì không sinh, không diệt và vì vậy không cần đến một nguyên nhân cho sự hiện hữu của nó. Kiểu lập luận này cũng bị nghi ngờ bởi những người cho rằng chúng ta không thể dùng nguyên lý nhân quả để, từ sự hiện diện của những hậu quả nằm trong kinh nghiệm, chúng ta suy ra sự tồn tại của những nguyên nhân vượt quá kinh nghiệm.

Phản bác cả luận cứ hữu thể luận lẫn luận cứ nhân quả về sự hiện hữu của Thượng Đế, nhiều triết gia, như Hume(2)và Kantchẳng hạn, có khuynh hướng bất khả tri hơn là vô thần. Trong khi nói chúng ta không thể biết được sự hiện hữu của Thượng Đế nhờ bằng chứng của lý trí hay kinh nghiệm, họ không phủ nhận chuyện Thượng Đế hiện hữu. Theo quan điểm của họ, niềm tin của chúng ta vào Thượng Đế không khởi phát từ lý trí hay kinh nghiệm nhưng từ những nguồn gốc khác. Đối với Hume, đó là “đức tin và sự mặc khải thiêng liêng.” Đối với Kant, sự hiện hữu của Thượng Đế là vấn đề của niềm tin lý trí, là định đề của lý trí thực hành. Ông nói, “Giả thiết có sự hiện hữu của Thượng Đế là một yêu sách đạo đức.”

(1)Saint Anselm(1033 – 1109): nhà thần học và triết gia người Ý. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là luận cứ Hữu thể luận về sự hiện hữu của Thượng Đế, được hoàn thành năm 1078.
(2)David Hume(1711 – 1776): triết gia và sử gia ngườiScotland, được mệnh danh là người đáng nể nhất của thuyết hoài nghi. Các tác phẩm chính của ông là: A Treatise of Human Nature(“Luận về nhân tính”; 1739 - 1740) và An Enquiry Concerning Human Understanding(“Về trí năng Con người”; 1748).

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Quan điểm của Albert Einstein về Chúa

    13/11/2013Albert Einstein có những quan điểm về Chúa cùng các quan điểm duy vật khác hết sức đúng đắn, sắc sảo, tính nhân bản sâu sắc. A. Einstein phủ định khả năng tồn tại của Chúa từ góc nhìn của bản thể luận và nhận thức luận...
  • Tôn giáo có ý nghĩa gì?

    15/07/2005F. Engels trong tác phẩm Chống During đã chỉ ra bản chất của Tôn giáo: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo – vào trong đầu óc của con người – của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ, chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”.
  • Khoa học và tôn giáo phụ thuộc lẫn nhau

    15/07/2005Đây là bản lược dịch bài Science & Religion are interdependent của nhà bác học Albert Einstein. Nó cũng đồng thời phản ánh rõ nhất quan điểm của nhà bác học về vấn đề Tôn giáo...