Bàn về lao động

10:00 SA @ Thứ Sáu - 01 Tháng Năm, 2009

Gần đây người ta hay nói: Người Nhật làm việc quá nhiều. Nhưng theo tôi, lao động là thứ mà thời đại nào cũng quý, cũng quan trọng. Lấy một ví dụ có thể là hơi cực đoan, nhưng nếu không một ai lao động thì cũng sẽ không có sự tiến bộ nào và không thể hình thành nên thế giới con người.

Lao động chính là ý nghĩa cuộc sống

Mọi động vật đều lao động, trước hết là để duy trì sự sống. Ngay cả chú chim yến, khi còn non thì được bố mẹ mang mồi về mớm cho, nhưng khi lớn lên sẽ phải tự mình đi kiếm mồi. Hổ và sư tử cũng đều như vậy. Tự mình lao động để tồn tại chính là nguyên lý mà tự nhiên ban tặng cho tất cả các sinh vật.

Con người cũng là một loại động vật, nên về cơ bản là giống như vậy, nhưng sự tuyệt vời của con người là khả năng tìm thấy niềm vui trong lao động. Không chỉ là khả năng, mà con người cần phải trở nên như vậy.

Không phải nói cũng thấy công việc là thứ chiếm phần lớn trong cuộc đời con người. Tôi nghĩ, việc có cảm nhận được niềm vui trong công việc hay không sẽ có ý nghĩa lớn lao, quyết định cuộc đời của một người hạnh phúc hay không.

Có nhu cầu sẽ có công việc

Chúng ta chỉ nói một từ là công việc, nhưng trong đó có biết bao nhiêu loại ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, công việc nào cũng có chung một điểm là phát sinh do xã hội có nhu cầu. Có thể có nhiều cách nhìn nhận khác nhau, nhưng tôi cho rằng không phải chúng ta tự tiện làm việc, mà là do xã hội nhờ chúng ta.

Chẳng hạn, phải có người muốn đánh giày trên phố nên mới sinh ra nghề đánh giày. Chi phí dù có cao hơn bình thường, nhưng vì có người yêu cầu đến nơi mình muốn đến thật nhanh và thoải mái, nên mới cần đến taxi. Nếu mọi người thấy dù có mất thời gian cũng sẽ dùng tàu điện hay đi bộ, thì có lẽ không sinh ra nghề lái taxi. Trên đời, nếu con người không cần đến điều gì thì ngành nghề đáp ứng nhu cầu đó cũng sẽ không được hình thành.

Nếu như vậy, chúng ta sẽ cảm nhận được thứ mà người ta gọi là ý nghĩa của công việc. Tôi nghĩ, công việc của mình là cần thiết cho xã hội, là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người. Bởi vậy, nếu tôi thành tâm lao vào công việc sẽ có thể giúp ích cho cuộc sống của mọi người và có lợi cho xã hội. Công việc tuyệt nhiên không phải là thứ tôi làm cho riêng mình, không đơn thuần là cách để có thể nhận được lương, mà tôi nhận thức được rằng công việc chính là thứ quý báu nhất. Nếu không nhận thức được như vậy sẽ không thấy được ý nghĩ cuộc sống lớn lao ẩn chứa trong công việc.

Công việc vượt trên lương bổng

Nếu một người chỉ nhận được 100 nghìn yên tiền lương, mà lại làm ra đến một triệu yên, thì khoản chênh lệch 900 nghìn yên sẽ còn lại trong công ty. Nhưng số tiền đó tuyệt nhiên không nằm nguyên ở công ty. Một phần sẽ được chi cho lợi ích của người tiêu dùng như nâng cao chất lượng hay hạ giá thành sàn phẩm, một phần khác sẽ giữ lại để chia cho các cổ đông. Phần lớn sẽ để nộp thuế cho nhà nước. Điều đó gắn liền với việc nâng cao phúc lợi xã hội của toàn dân, trong đó một phần là dành cho các nhân viên của chính công ty.
Một trăm nghìn yên tiền lương sẽ dần trở lại với người làm ra nó. Cứ như vậy, cuối cùng số tiền nhận được có thẽ lên tới 150 hay 200 nghìn yên. Bởi vậy, 900 nghìn yên mà người đó làm ra hơn so với mức lương được nhận thực tế sẽ được phân phối cho toàn xã hội, trong đó có bản thân người đó và công ty của anh ta theo nhiều cách khác nhau.

Ngược lại, với khoản lương 100 nghìn yên mà người đó cũng chỉ làm ra đúng 100 nghìn thì sẽ không mang lại lợi ích gì cho công ty và xã hội.

Nâng cao năng suất lao động

Có lẽ cũng có người nghĩ: "Mình làm dôi ra những 900 nghìn yên mà cuối cùng chỉ có một phần quay trở lại thì bất công quá!". Nhưng theo tôi, đấy chỉ là suy nghĩ một chiều mà thôi. Bởi vì, cũng như việc người đó làm ra một triệu yên, ở một nơi khác cũng sẽ có người làm ra gấp mấy lần, mấy chục lần so với giá trị lương của mình. Hơn nữa, cũng như thành quả lao động của mình được phân phối cho người khác, thành quả lao động của người khác cũng sẽ được đem đến cho mình bằng nhiều hình thức khác nhau. Điều đó có lẽ sẽ giá trị hơn cả một triệu yên giá trị lao động của chính mình. Và nhờ sự phân phối lẫn nhau như vậy mà toàn xã hội sẽ trở nên giàu có hơn.

Bởi vậy, lao động của chúng ta không chỉ dành cho bản thân chúng ta mà còn dành cho người khác. Lao động của người khác cũng không chỉ dành cho họ mà còn cho cả chúng ta. Nếu suy nghĩ ở tầm cao như vậy, chúng ta sẽ thấy rất cần phải nâng cao năng suất lao động của chính mình.


Tính tất yếu của sự thành bại

Cho đến nay tôi vẫn thường nói với các nhân viên trẻ của của công ty rằng: “Sự thành sẽ thành, mà sự bại sẽ bại”. Trong số các bạn, có lẽ sẽ có người nghĩ: “Đó chẳng phải là điều đương nhiên hay sao?”. Cũng có thể, nếu bảo là đương nhiên thì đúng là đương nhiên thật. Nhưng trong đó hàm chứa một điều quan trọng, cần phải nghĩ đến trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Bởi vì, con người thường lầm tưởng những điều vốn không thể thành là điều nhất định sẽ thành. Từ đó sẽ nảy sinh những điều bất hợp lý và có khi phải bỏ dở giữa chừng. Hoặc cũng có khi lại nghĩ điều có thể thành công là điều sẽ thất bại mà buông tay, không chịu nỗ lực, vươn lên sao cho điều đó trở nên thành công, cuối cùng rơi vào tuyệt vọng. Nhất là khi bị vướng bận bởi một điều gì đó, con người ta lại nghĩ những điều có khả năng thành công là điều sẽ thất bại. Đó là chuyện thường xảy ra đối với mỗi chúng ta. Trong những công việc mà tôi tham gia cho đến nay thường là như vậy. Chẳng hạn, vào năm Showa thứ 34-35 (tức năm l959-l960), khi diễn ra những tranh luận về tự do hóa thương mại, đã có một câu chuyện thế này.

Một lời yêu cầu đường đột

Khi tôi đến xưởng sản xuất rađio cho xe hơi, thì đúng là lúc người quản lý ở đó mở cuộc họp khẩn cấp và mọi người đang có vẻ rất căng thẳng. Thấy vậy tôi mới hỏi: "Hôm nay có cuộc họp về vấn đề gì vậy?", thì được trả lời: "Một khách hàng quen đòi chúng ta hạ giá ạ!" Nghĩa là từ phía hãng sản xuất xe hơi có gắn radio mà chúng tôi sản xuất lại yêu cầu giảm giá radio đó xuống 20% trong nửa năm. Vì vậy, công ty con đang tìm cách đối phó với yêu cầu đó.

Hãng sản xuất xe hơi đưa ra yêu cầu như vậy vì Nhật Bản sắp tiến hành tự do thương mại. Để cạnh tranh với các hãng xe hơi của nước ngoài như Mỹ, nếu cứ giữ mức như hiện nay thì giá cả sản phẩm bên phía Nhật sẽ cao hơn, không thể cạnh tranh được. Cứ để như vậy thì ngành sản xuất xe hơi của Nhật Bản sẽ bị diệt vong. Nghe thấy thế tôi bảo: "Đúng là căng thật! Thế hiện nay công ty thu được bao nhiêu lãi từ radio ấy?". Người quản lý trả lời tôi rằng: "Chỉ thu được 3% lãi từ ấy thôi ạ!". Tôi mới bảo rằng:

- Như thế là quá ít. Bản thân việc chỉ lãi được có 3% là một vấn đề. Đã thế mà lại còn phải giảm xuống 20% nữa thì nguy quá!

Thực tế, tôi nghĩ đây không phải là vấn đề có thể giải quyết dễ đàng. Hiện nay lãi được có 3% mà phải giảm giá xuống 20% nữa thì sẽ lỗ những l7%. Theo cách nhìn nhận bình thường thì không thể chấp nhận được đòi hỏi đó. Nhưng nếu đứng ở địa vị của khách hàng, để đối phó với việc tự do hóa thương mại và duy trì sự tồn tại của ngành sản xuất xe hơi Nhật Bản, dù thế nào cũng phải hạ giá thành sản phẩm. Bởi vậy, họ đang nỗ lực không kể ngày đêm. Nếu nghĩ đến điều đó thì tôi nghĩ chúng ta không thể từ chối họ, mà phải làm sao để hạ giá thành sản phẩm xuống cho bằng được. Bởi vậy, tôi đã nói chuyện với những người có mặt trong cuộc họp thế này:

“Hiện nay, do tiến hành tự do thương mại mà các doanh nghiệp phải cạnh tranh với hàng hóa của nước ngoài. Vì vậy, yêu cầu của phía khách hàng là điều đương nhiên. Vì đất nước Nhật Bản, chẳng phải chúng ta nên tiếp nhận yêu cầu ấy hay sao? Chúng ta nhất định không được giảm chất lượng và tính năng của sản phẩm. Trong điều kiện phải duy trì chất lượng và tính năng sản phẩm như cũ, chỉ được thay đổi thiết kế mà thôi. Hơn nữa, phải xem xét lại căn bản để làm sao sau khi giảm 20% giá thành chúng ta vẫn có được một phần lợi nhuận thích đáng. Đại thể, việc chúng ta chỉ nhận được có 3% lợi nhuận là một sự tính toán sai lầm!”

Khi đó, ngay cả tôi cũng không tin chắc 100% là có thể thực hiện được điều mình nói. Nhưng khi nghe câu chuyện, tôi đã xin bày tỏ ý kiến như vậy. Tôi nghĩ, dù thế nào cũng phải thực hiện bằng được vì sự phát triển của Nhật Bản. Đồng thời, từ những trải nghiệm của bản thân từ trước đến nay, bằng trực cảm tôi thấy, điều đó có khả năng thực hiện và nhất định sẽ thành công. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách làm của mình.

Không được bận tâm

Kết quả là tất cả mọi người đều thay đổi ý tưởng, nỗ lực nghiêm túc, nên sau đó chỉ trong nửa quý đã hạ được giá thành sản phẩm theo đúng đòi hỏi của khách hàng, thậm chí còn nâng lợi nhuận của công ty lên mức hợp lý. Nếu khi đó mà bản thân tôi nghĩ: "Việc này chịu thôi!", và tất cả mọi người cũng cho rằng: "Không thể làm được", thì đã không hạ được giá thành sản phẩm, cải tiến kỹ thuật và tạo những bước nhảy vọt. Đây chỉ là một ví dụ, nhưng thông qua những kinh nghiệm như vậy, tôi thấy chúng ta hay bị bận tâm bởi thường thức hay một điều gì đó mà nghĩ những điều có thể thành công là những điều không thể thành công. Có lẽ, trong công việc hay cuộc sống thường nhật, các bạn cũng đều phải trải qua những điều như vậy.

Henry Ford, ông vua của ngành sản xuất xe hơi có nói một câu thế này: "Tôi biết một điều rằng, càng những kỹ sư giỏi thì càng không thực hiện được những ý tưởng của tôi". Ford là người liên tục đưa ra những ý tưởng mới và truyền đạt những ý tưởng đó cho các kỹ sư, thì những kỹ sư giỏi thường trả lời phủ định rằng: "Thưa ngài Tổng giám đốc, điều đó là không thể thực hiện được. Không thể làm được. Xét về mặt lý luận đã thấy là không thể làm được rồi!". Câu nói trên của ông Ford được nói ra trong những trường hợp như thế. Câu nói đó cũng có thể hiểu là: Cũng như những kỹ sư giỏi, những người có tri thức đều thường dễ bị chi phối bởi những kiến thức mình có và dễ dàng cho rằng những điều lẽ ra sẽ thành công là điều không thể thành công.

Nhất định sẽ thành công nếu thay đổi nguyên tắc.

Tất nhiên, trên đời có rất nhiều điều không thể thành được. Chẳng hạn, chúng ta có hết lòng cầu mong đừng già thêm tuổi nữa thì điều đó vẫn không thể thành hiện thực. Hơn nữa, cũng có những khi dù thế nào môi trường xung quanh cũng không cho phép chúng ta thành công. Nhưng tôi nghĩ, nếu việc làm của chúng ta hợp với nguyên lý của tự nhiên thì nhất định sẽ thành công. Nghĩa là, trong công việc, giữa quan hệ với mọi người xung quanh hay cả về sức khỏe của cơ thể con người cũng vậy, việc nào thành thì sẽ thành. Nhìn thấu xem việc gì có khả năng thành hay bại là điều vô cùng khó. Tôi nghĩ, khi chúng ta bế tắc trong một việc gì đó hay vấp phải khó khăn mà nao núng tinh thần, thì rất cần phải ngồi lại trong tĩnh lặng nghĩ xem mình có bị phân tâm bởi điều gì không, có tưởng nhầm điều lẽ ra có thể thực hiện được thành điều chắc chắn sẽ không thực hiện được hay không.

Công ty với vài người được thành lập từ gần 70 năm trước đây của tôi trở nên lớn mạnh như ngày nay, hay việc thân thể từ nhỏ đã yếu ớt mà tôi vẫn có thể sống đến bây giờ đều là những điều thành cả. Tôi vừa cảm ơn nguyên lý của trời đất, của tự nhiên và vừa mong sẽ được đi tiếp trên đường đời bằng trái tim trong sáng, không bị vướng bận bởi điều gì.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Con người - Tiền đề của sự phát triển

    08/04/2020Nguyễn Trần BạtTrước khi nói về vai trò của nguồn lực con người trong một nền kinh tế, ta phải nói đến tính năng động của nền kinh tế. Tính năng động vô cùng quan trọng như thế nào trong điều kiện kinh tế thị trường, có lẽ không cần nhắc lại...
  • Để hệ giá trị của giai cấp công nhân Việt Nam trở thành một hệ thống giá trị xã hội

    25/01/2008TS. Nguyễn An NinhTác giả đã phân tích một cách khái quát hệ giá trị của giai cấp công nhân biểu hiện trên một số khía cạnh cơ bản: lao động, công bằng, bình đẳng, sự phát triển tự do và toàn diện, phân tích những tiền đề, điều kiện cần thiết cho sự hình thành và phát triển hệ giá trị của giai cấp công nhân. Trên cơ sở làm rõ một số vấn đề đang đặt ra trong quá trình xác lập và phát triển hệ giá trị giai cấp công nhân ở Việt Nam, tác giả đã luận chứng những yêu cầu về mặt nhận thức và mặt hành động nhằm khẳng đinh và phát huy hệ giá trị của giai cấp công nhân Việt Nam đưa hệ giá trị đó trở thành một hệ giá trị xã hội.
  • Kinh Tế thị trường và Xã hội Công dân như một Hệ thống: Trường hợp Việt Nam

    22/11/2005Vũ Quang Việt, Ph.d. kinh tế, New York UniversityBài viết này thử nhìn kinh tế thị trường và xã hội công dân như một hệ thống và điểm lại tình hình Việt Nam qua một số kết quả nghiên cứu của tác giả về kinh tế Việt Nam đã xuất bản hoặc mới chỉ phổ biến hạn hẹp trong vòng bạn bè...
  • Chương 2. Phong cách khoa học trong lao động

    14/07/2005