Giáo dục và sự phát triển văn hóa
Lại một năm học mới đã đến, trong cái không khí nao nức của buổi tựu trường, nơi trái tim mỗi nhà giáo dục, mỗi người dân vẫn còn những mối trăn trở về những bất cập của nền giáo dục nước nhà, Người Đô Thị xin giới thiệu một góc nhìn về giáo dục của cố GS, TS Dương Thiệu Tống như cách tưởng nhớ ông.
Văn hóa của mỗi dân tộc đều có tính chất khác biệt, mặc dầu chính thể hoặc lý tưởng chính trị của các quốc gia có thể có những điểm tương đồng. Chính giáo dục sẽ phản ánh sự khác biệt văn hóa ấy.
Thế nhưng, văn hóa của một dân tộc không phải bất di bất dịch, mà phải luôn biến chuyển. Sự biến đổi của văn hóa nhanh hay chậm tùy theo mỗi dân tộc và chính sự biến đổi ấy tạo nên một nhiệm vụ mới của giáo dục: Giáo dục không phải chỉ có nhiệm vụ truyền thụ nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, mà còn có nhiệm vụ đào luyện ở con người những nếp sống, thái độ và ý thức giá trị mới để thích nghi với xã hội mới, đồng thời góp phần vào công việc tạo dựng một nền văn hóa canh tân. Như vậy, giáo dục trong một quốc gia đang phát triển phải nhằm phục vụ cho sự phát triển văn hóa hay phải đặt ưu tiên cho sự phát triển kinh tế. Đó là một vấn đề xưa cũ đã từng đặt ra cho các quốc gia mới ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ La tinh từ đầu thập niên 1960. Trước tình trạng nghèo đói, bệnh tật và hoàn cảnh thiếu tổ chức, vô hiệu quả của công việc quản lý, vấn đề ưu tiên đặt ra cho các quốc gia này dĩ nhiên là phát triển kinh tế, gia tăng tổng sản lượng quốc dân, nâng cao mức sống người dân. Nhưng mặt khác, các quốc gia ấy, sau một thời gian dài chịu sự áp đặt của văn hóa thực dân, lại có nhu cầu gây dựng lại nền văn hóa truyền thống đã bị mai một hay đang tan rã, nhằm duy trì và phát huy bản sắc dân tộc, hầu có thể hội nhập vào cộng đồng quốc tế trong tư thế bình đẳng và có lợi.
Thật ra, phát triển văn hóa và phát triển kinh tế không phải là hai mặt riêng biệt hay đối tập, mà chúng có liên hệ mật thiết với nhau và phải được đồng bộ hóa một cách hiệu quả. Người ta không thể quan niệm các giai đoạn "cất cánh" của sự phát triển kinh tế như là một chuỗi cơ học của các thời kỳ trong một mô hình tiến hóa được xác đinh trước dựa trên các cơ sở vật chất. Kinh nghiệm của các quốc gia mới nổi châu Phi, châu Á châu Mỹ La tinh, từ thập niên 1960 đến nay, cho thấy rằng mô hình thuần túy vật chất ấy đã thất bại do chính những yếu tố phi vật chất mà người ta thường quên lãng hoặc xem thường. Đó là mối liên hệ giữa các nguồn gốc động cơ và ý chí con người và sự biểu lộ chúng trong quá trình thay đổi kinh tế và đời sống vật chất. Nguồn gốc ấy, theo tôi nghĩ, chính là văn hóa.
Nội dung khác
Bài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Xuân Quỳnh xin đi với Lưu Quang Vũ vào vùng chiến sự biên giới 1979
20/02/2019PGS.TS. Lưu Khánh ThơNhà thơ Dương Soái và câu chuyện 'Gửi em ở cuối sông Hồng'
05/02/2019Hoa ChanhTết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)Bạn đang "Sống" hay đang "tồn tại"?
28/09/2016Khả AnhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường