Truy nguyên tình trạng lạc hậu của hệ thống giáo dục

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
05:46 CH @ Thứ Sáu - 13 Tháng Tư, 2012

Truy nguyên những căn bệnh của hệ thống giáo dục đào tạo ở thế giới thứ ba không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, đây là việc cần phải làm vì nếu không tự nhìn ra điểm yếu của mình thì con người không thể nhận thức và lựa chọn đúng đắn được. Trong số những nguyên nhân được chỉ ra dưới đây, có thể có nguyên nhân không mang tính chất chung đối với toàn bộ thế giới thứ ba, có thể nó chỉ là vấn đề của một số nước có chung những đặc điểm kinh tế, chính trị hay văn hóa nào đó nhưng ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến ảnh hưởng và tính chất đặc biệt quan trọng của các nguyên nhân hơn là xem xét những nguyên nhân chung chung.

Sự lạc hậu về chính trị, kinh tế và văn hoá

Thực trạng của hệ thống giáo dục ở các nước thế giới thứ ba xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân căn bản phải kể đến trước tiên là ảnh hưởng quyết định từ sự lạc hậu về chính trị, kinh tế cũng như văn hoá. Một xã hội có nền chính trị lạc hậu, nền kinh tế lạc hậu và nền văn hóa lạc hậu, tất yếu sẽ dẫn đến một nền giáo dục lạc hậu. Bởi vì nền giáo dục không những phát triển cùng với các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa mà nó còn được đòi hỏi bởi trình độ phát triển của xã hội về các mặt đó. Thế giới thứ ba là khu vực lạc hậu trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống nên nền giáo dục nói chung vừa yếu kém vừa chậm tiến.

Khi một xã hội lạc hậu, trước hết là về mặt kinh tế, xã hội đòi hỏi lực lượng lao động bằng tiêu chuẩn nào? Người ta cần giáo dục được hình thành bởi các nhu cầu của nền kinh tế, để sản phẩm đầu ra của nền giáo dục là con người với những kỹ năng chuyên môn và kỹ năng ứng xử thỏa mãn các đòi hỏi của xã hội và với một thái độ thích hợp với địa vị người lao động trong những điều kiện khác nhau của xã hội. Cùng với sự lạc hậu của kinh tế, sự lạc hậu của chính trị và văn hóa cũng không đưa ra được các đòi hỏi đối với con người, nhất là đối với người lao động. Trong các trạng thái kinh tế, chính trị, văn hóa lạc hậu, người ta không những không biết đặt ra đòi hỏi cho hiện tại mà còn không biết quy hoạch các đòi hỏi cho tương lai của xã hội, tức là, xã hội mất phương hướng về phẩm chất con người. Khi đã mất phương hướng về phẩm chất con người thì xã hội không thể kiến tạo được các chương trình giáo dục, và do đó xã hội không thể tiên tiến được. Tức là giáo dục mất phương hướng do không biết đặt ra nhiệm vụ cho mình. Chúng ta vẫn nhầm lẫn giữa sự chăm học của người Việt với tính tiên tiến của nền giáo dục Việt Nam. Trên thực tế, học sinh Việt Nam có thể đi thi rất giỏi nhưng học sinh Việt Nam không phải là người tiên tiến, bởi sản phẩm đầu ra của giáo dục là con người chứ không phải chỉ là người lao động, càng không phải chỉ là kiến thức của con người.

Ở đây, có lẽ cần nói rõ hơn về ảnh hưởng của chính trị đối với giáo dục, cụ thể là về sự khác nhau ở các nước có thể chế dân chủ và các nước có thể chế phi dân chủ. Về bản chất, hệ thống chính trị là nền tảng để cầm quyền, là lực lượng cầm quyền. Đời sống chính trị chính là đời sống văn hóa cầm quyền tức là, người tổ chức và lãnh đạo xã hội. Vì thế chính trị có ảnh hưởng quyết định đến giáo dục vì nó ảnh hưởng một cách quyết liệt tới đời sống, không chỉ cuộc sống hiện tại mà cả cuộc sống tương lai. Mọi nền chính trị phi dân chủ hay một nền chính trị không đa dạng về mặt tinh thần và không dân chủ về hoạt động thì đều lạc hậu. Nền chính trị ấy không có năng lực giải phóng con người, không có năng lực giải phóng tất cả mọi hoạt động ra khỏi chính trị, nền chính trị ấy neo con người và các hoạt động của nó vào một số tiêu chuẩn hạn hẹp để quản lý. Một nền chính trị mà đặt ra nhiệm vụ quản lý của nó bằng điều kiện trói buộc cuộc sống thì đó là một nền chính trị lạc hậu. Tất cả các nền chính trị vĩ đại và tiên tiến đều lãnh đạo, tổ chức và điều chỉnh con người trên cơ sở tự do, nếu mất yếu tố tự do để tiện cho hoạt động quản lý và lãnh đạo thì nền chính trị ấy được gọi là nền chính trị lạc hậu. ở mọi nền chính trị lạc hậu, con người không có tự do, con người không được tôn trọng và không tin cậy vào cuộc sống. Con người không tự do, không được tôn trọng và không tin cậy một cách chủ động vào cuộc sống là biểu hiện tập trung nhất, quan trọng nhất của sự lạc hậu của các nền chính trị và sự lạc hậu ấy tác động trực tiếp vào giáo dục, mà giáo dục là định hướng con người. Vậy, giáo dục định hướng con người đến đâu khi con người không tin cậy vào hệ thống chính trị, không tin cậy vào cuộc sống? Định hướng con người đến đâu khi con người không được tôn trọng? Nếu con người không có tự do thì sự định hướng ấy mang tính áp đặt, mà khi chịu định hướng một cách áp đặt thì con người không thể là đầu ra của quá trình chính trị này và là đầu vào của quá trình chính trị khác. Khi con người không tự do tức là con người không thể tạo ra năng lực ứng phó một cách đa dạng đối với tất cả các tình huống của cuộc sống thì con người không có tương lai. Khi con người không phải đồng thời là đầu ra của quá trình chính trị A và là đầu vào của quá trình chính trị B thì con người cũng không còn tương lai. Rủi ro lớn nhất của con người là trở thành phế phẩm của mọi quá trình chính trị.

Tóm lại, chính trị lạc hậu tạo ra sự lạc hậu của thể chế, văn hóa lạc hậu tạo ra sự lạc hậu của con người. Sự lạc hậu của thể chế và của con người là vật cản quan trọng nhất đối với toàn bộ tiến trình phát triển con người. Nếu không còn con người thì giáo dục cũng không đóng vai trò gì cả vì giáo dục chính là phương tiện, là công cụ định hướng sự phát triển của con người.

Sự áp đặt chính trị

Ảnh hưởng của sự lạc hậu của nền chính trị, nền kinh tế và nền văn hóa đối với giáo dục có tính chất hệ thống nhưng trong đó có một nguyên nhân mang tính bản chất dẫn đến sự trì trệ của nền giáo dục ở hầu hết các quốc gia chậm phát triển, đó chính là sự áp đặt chính trị hay chính trị hóa giáo dục. Việc chính trị hóa hệ thống giáo dục đào tạo đã làm cho nhà nước rất khó tạo ra các yếu tố tích cực cho nền giáo dục. Nếu như có yếu tố tích cực nào đó xuất hiện thì có lẽ đó chỉ là công cụ tích cực của đời sống chính trị, chứ không phải công cụ tích cực của đời sống giáo dục. Một đảng chính trị tích cực, hay ở trong giai đoạn tích cực của nó, cũng sẽ có những đóng góp nhất định. Nhưng đời sống giáo dục không phải là một giai đoạn mà là một quá trình liên tục, và chắc chắn nó không thể "ngủ đông" chờ qua giai đoạn tiêu cực của hệ thống chính trị.

Tôi cho rằng, vấn đề áp đặt chính trị đối với giáo dục cần được nhận thức rất nghiêm túc ở các nước thế giới thứ ba. Vì chính nó đã dẫn đến những khuynh hướng rất sai lầm trong giáo dục và đào tạo con người. Trong đó sai lầm cơ bản nhất là người ta định hướng con người trong không gian quen thuộc của đời sống tinh thần, tức là huấn luyện con người để có đủ năng lực sống và khai thác những không gian tinh thần quen thuộc mà quên mất rằng đào tạo con người chính là huấn luyện, định hướng để họ có bản lĩnh sống trong các môi trường không quen thuộc. Những con người như vậy không có năng lực thích nghi với những môi trường khác ngoài môi trường quen thuộc của mình. Toàn bộ mục tiêu của giáo dục là trang bị cho con người những vũ khí, trí tuệ và cảm hứng để sống và phát triển trong các không gian tinh thần không quen thuộc. Đó chính là mục tiêu của giáo dục hiện đại. Hơn bao giờ hết, giáo dục hiện đại phải định hướng về bản lĩnh, trí tuệ và cảm hứng để con người sống và làm chủ những không gian tinh thần không quen thuộc.

Ở đây, cần phân biệt ngăn cấm sự tác động của chính trị và giải phóng giáo dục ra khỏi chính trị. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Chúng ta không ngăn cản sự tác động của chính trị đối với giáo dục nhưng chúng ta ngăn cản sự áp đặt chính trị hay chính trị hóa giáo dục. Chúng ta không ngăn cản con người tiếp nhận sự lãnh đạo chính trị nhưng chúng ta ngăn cản sự bắt buộc con người phải chấp nhận sự lãnh đạo. Khi ta bắt buộc con người chấp nhận các tiêu chuẩn chính trị thì không còn là chính trị nữa. Chính trị đã biến mất bởi đối tượng của chính trị là tạo ra sự đồng thuận mang tính tinh thần của con người. áp đặt là không đồng thuận, không đồng thuận là phi chính trị. Nếu bắt con người chấp nhận các tiêu chuẩn chính trị thì đến lúc nào đó họ không còn là con người nữa, tức là không có đối tượng để xúc tiến các hoạt động chính trị. Thậm chí có thể nói là, trói buộc giáo dục vào chính trị đã làm biến mất con người vì tất cả mọi người đều là sản phẩm của sự nhân bản tinh thần do giáo dục tạo ra.

Hơn nữa, như trên đã phân tích về vấn đề tự trị giáo dục ở thế giới thứ ba, chính vì thiếu tính tự trị trong giáo dục nên con người không được tiếp cận nhiều lượng thông tin, nhiều nguyên thông tin và khuynh hướng, và điều này không thể dẫn đến tính tự do phát triển của nguồn nhân lực trong tương lai. Việc tiếp tục chính trị hóa hệ thống giáo dục đào tạo, giáo dục sinh viên những định kiến và tín điều, biến họ từ đồng minh trở thành tù binh chính trị của nhà nước, sẽ đồng nghĩa với việc tiêu diệt tương lai nhận thức, và do đó, tiêu diệt tương lai phát triển của cả dân tộc.

Sự tha hóa của giới trí thức

Đội ngũ trí thức bao giờ cũng là ăng-ten của lực lượng lao động, là bộ phận quan trọng nhất, bộ phận dẫn hướng của lực lượng lao động. ở hầu hết các nước thuộc thế giới thứ ba, đội ngũ trí thức bộc lộ nhiều nhược điểm.

Trước hết, phải kể đến đội ngũ trí thức khoa học công nghệ. Đội ngũ trí thức này hầu như chỉ biết mải mê đuổi theo những thành tích cá nhân đối với những thành tựu khoa học mà quên mất phải làm thế nào để phổ biến nhanh chóng và dễ dàng những phát hiện của họ để tạo ra chất lượng tri thức trong lực lượng lao động. Do vậy, giới trí thức luôn luôn đứng ngoài, hay nói cách khác, xã hội phải đi qua một đội ngũ trung gian trong tất cả các loại dịch vụ mà đội ngũ trí thức buộc phải cung cấp.

Đội ngũ trí thức cao cấp buộc phải thông qua các cơ sở đào tạo, mà các cơ sở đào tạo ở các nước đang phát triển thì cực kỳ lạc hậu, do vậy đội ngũ trí thức không truyền tải được các hiểu biết, phát hiện của mình để tri thức hóa lực lượng lao động. Hệ thống giáo dục ở hầu hết các nước đang phát triển là của nhà nước và nhà nước chỉ phát triển lực lượng lao động của mình và không quan tâm đến đòi hỏi của xã hội, của đời sống và do đó lực lượng lao động rất kém năng động. Hơn nữa, với sự thiếu trách nhiệm, đội ngũ trí thức còn đi đầu trong việc sử dụng các khái niệm một cách méo mó, lệch lạc và không nhân dân, vì thế chức năng hướng dẫn lực lượng lao động không còn nữa. Chính đây là lý do giải thích tại sao trong phương pháp luận giáo dục, hệ thống giáo dục ở những nước này vẫn dựa trên khái niệm cũ, tư duy cũ, dẫn đến sự suy thoái trong phương pháp luận giáo dục so với thực tiễn và chất lượng thấp của sản phẩm đầu ra của hệ thống giáo dục.

Đội ngũ trí thức tinh thần hay những người hướng dẫn tinh thần còn tệ hại hơn nhiều. Căn bệnh phổ biến nhất của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực này ở nhiều nước chậm phát triển là mang tính phụ hoạ. Giới trí thức cho đến nay vẫn chỉ đóng vai trò phụ họa đối với những đường lối, chính sách của nhà cầm quyền chứ hoàn toàn chưa nói lên tiếng nói của nhân dân bởi họ chưa bao giờ biết lắng nghe những tiếng khóc, những tiếng vọng thực sự của cuộc sống. Họ, thậm chí, còn tự hào là mình thành đạt hơn nhân dân. Chính vì thế, họ chưa bao giờ đưa ra những cảnh báo khách quan đối với những nguy cơ của cuộc sống, thậm chí còn góp phần hợp thức hóa những sai lầm chính trị mà hậu quả lớn nhất của nó là tình trạng chậm phát triển mọi mặt của xã hội, đặc biệt là nhận thức chính trị yếu kém của nhân dân.

Với những nhược điểm trên, hoàn toàn có thể khẳng định, đội ngũ trí thức của thế giới thứ ba đã góp phần làm trì trệ hệ thống giáo dục vì chính họ đã không dự báo được tương lai và không xây dựng cơ sở dự báo về việc hình thành các lực lượng xã hội cho những chặng phát triển tiếp theo. Đội ngũ trí thức đáng lẽ phải là những người có khả năng dự báo sự phát triển xã hội. Nhìn vào đội ngũ trí thức có thể thấy được chất lượng về mặt dự báo. Tuy nhiên, nhìn vào đội ngũ trí thức ở thế giới thứ ba chúng ta không thấy chất lượng dự báo.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: