Giáo sư Hoàng Tụy: Giáo dục không thể đổi mới vụn vặt

03:05 CH @ Thứ Ba - 16 Tháng Bảy, 2019

>> Cùng một tác giả:Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng (Hoàng Tụy)

Căn nhà GD đã cũ nát…nhưng cứ loay hoay nay cơi nới chỗ này, mai sửa chữa chỗ kia, rốt cuộc thành ra căn nhà “dị dạng” chẳng ai muốn ở. Gia đình nào có khả năng đều tìm cách gửi con em ra nước ngoài để “chạy trốn” GD trong nước - GS Hoàng Tụy

Trước tâm lý bức xúc của xã hội về giáo dục và đào tạo hàng chục năm gần đây, các quan chức GD thường bảo những hiện tượng không hay chỉ là riêng lẻ, và để cho công bằng phải nhắc đến biết bao gương tốt hằng ngày vẫn âm thầm diễn ra. Đúng thế thật, song tiếc thay điều đó chỉ càng nói lên khoảng cách lớn giữa tiềm năng với thực tế – một khoảng cách không thể chấp nhận được mà nguyên nhân, như Chính phủ đã chỉ rõ gần đây, là do quản lý bất cập.

Cần cải cách có hệ thống, chứ không phải đổi mới vụn vặt

Thực trạng GD như thế nào đã rõ như ban ngày, chẳng qua chúng ta mê ngủ nên chưa thấy, hoặc có thấy nhưng vì những ràng buộc, áp lực nào đó nên cứ phải bịt mắt, giả mê để tự dối mình, dối người khác và yên vị. Giờ là lúc cần trung thực nhìn thẳng vào sự thật. Đó là lương tâm, là trách nhiệm chẳng những đối với xã hội hiện tại mà còn đối với lịch sử, đối với nhiều thế hệ mai sau.

Xin cảnh báo: Tình hình GD hiện nay tương tự như tình hình kinh tế xã hội của đất nước giữa những năm 80 thế kỷ trước. Thử tưởng tượng lúc đó nếu chúng ta cứ một mực nhắm mắt trước thực tế đời sống bi đát của người dân mà không đổi mới thì đất nước có tồn tại được đến ngày nay không? Rõ ràng chỉ nhờ nhìn thẳng vào khủng hoảng kinh tế xã hội chúng ta mới thấy được giải pháp, mới có đầy đủ quyết tâm thoát ra bế tắc, cứu đất nước khỏi sự sụp đổ.

Thật đáng tiếc ngành GD chưa học được bao nhiêu bài học đắt giá đó. 20 năm qua, hết đời bộ trưởng này đến đời bộ trưởng khác vẫn tiếp tục ca cái điệp khúc “thành tựu GD là vĩ đại, bên cạnh đó còn nhiều bất cập”. Căn nhà GD đã cũ nát thảm hại nhưng cứ loay hoay nay cơi nới chỗ này, mai sửa chữa chỗ kia, rốt cuộc thành ra căn nhà dị dạng chẳng ai muốn ở. Gia đình nào có khả năng đều tìm cách gửi con em ra nước ngoài để chạy trốn GD trong nước. Chẳng thế mà có người nói vui nhưng thật cay đắng: Nên có luật cấm quan chức cấp cao gửi con em du học nước ngoài thì may ra GD mới có cơ hội được chấn hưng.

Điều rất lạ là các nghị quyết của Đại hội Đảng và các Hội nghị TƯ 3, 7, 9 đều đòi hỏi phải tiến hành cải cách GD như một yêu cầu bức thiết của xã hội, nhưng những vị nhận trách nhiệm trực tiếp thì lại chẳng hề quan tâm thực hiện các nghị quyết ấy, thậm chí còn nói ngược lại.

Chiến lược GD dự thảo đến lần thứ 15 vẫn chỉ thấy lặp lại những quan niệm, tư duy cũ rích, tuy ngôn từ và số liệu có thay đổi cho hợp thời trang (như từ “đổi mới” xuất hiện với tần số kỷ lục). Bên cạnh đó, có những mục tiêu nghe thật hoành tráng, nào là từ nay đến 2020 (tức trong 11 năm tới) đào tạo 20.000 tiến sĩ, xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế, 1 trường vào tốp 200 thế giới…

Song người dân vẫn phân vân: 3 năm qua ta đã làm được gì mà có thể đặt kỳ vọng cao như thế cho 11 năm tới? Hay là ta đang mơ mộng thiếu thực tế, thiếu trách nhiệm, và căn bệnh thành tích từ ngoài da đã đi vào xương tủy?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhiều lần đòi hỏi phải thực hiện những biến đổi có tính cách mạng để chấn hưng GD. Trong một bài viết đăng trên báo Tiền Phong số 25 ngày 18-6-2006, cố GS Lê Văn Giạng, một cựu lãnh đạo có uy tín của ngành đại học, cũng đã phát biểu: “Đã đến lúc phải chuẩn bị tiến hành một cuộc CCGD thực sự nghiêm túc và thực sự khoa học để ra khỏi tình hình khủng hoảng triền miên của GD 20 năm vừa rồi, để bước vào thời kỳ chấn hưng GD như Nghị quyết của Đại hội Đảng X vừa yêu cầu”.

Thiết nghĩ chỉ những ai quá vô tâm với đất nước mới có thể yên lòng trước tình hình GD hiện nay.

Những “đổi mới” trong các đề án công tác của ngành GD, giỏi lắm cũng chỉ cho ta một nền GD tốt theo chuẩn mực… nửa thế kỷ 20, chứ không thể biến nó thành một nền GD hiện đại ở thế kỷ 21. Cứ xem bản chiến lược GD 2009-2020 thì rõ: Ví thử chiến lược này được thực hiện đầy đủ (điều khó thể), thì đến 2020 Việt Nam cũng chỉ có một nền GD kiểu 1950, lạc hậu, còn xa mới hòa nhập được vào nền văn minh thời đại.

Có ý kiến biện bạch rằng hàng loạt cải tiến, đổi mới lớn nhỏ mà ngành GD đang thực hiện cũng là cải cách. Phải công nhận hai chữ “đổi mới” nhan nhản trong hầu hết các đề án công tác của ngành, nào là đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo, đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới phương thức triển khai hoạt động khoa học công nghệ, v.v.

Chỉ có điều đổi mới thế nào thì chẳng ai giải thích nổi, chẳng ai biết rõ, cho nên cứ đổi mới tùy hứng, tùy tiện, tùy nghi, theo kiểu đầu Ngô mình Sở. Vả chăng cần thấy rằng cái cày chìa vôi dù có cải tiến giỏi đến đâu vẫn không thể biến thành cái máy cày hiện đại được; căn nhà tập thể thời bao cấp dù sửa chữa tân tạo hết mức vẫn không thể thành một chung cư tiện nghi hiện đại.

GD không phải là phòng thí nghiệm

Từ lâu ngành GD đã có thói quen xem học sinh như những con chuột bạch để làm thí nghiệm thoải mái, mà điển hình là mười mấy năm liền thí nghiệm các chương trình phân ban trung học phổ thông. Thí nghiệm đi thí nghiệm lại không biết bao nhiêu lần, tốn kém bạc tỉ và không tính được hết thiệt hại cho các thế hệ học sinh nạn nhân thí nghiệm. Rất khó hiểu tại sao lợi ích của học sinh bị xem thường đến vậy.

Thử nghĩ có hãng hàng không nào dám mạo hiểm đưa máy bay mới ra chỉ để thí điểm xem chở khách có an toàn không? Vậy tại sao Bộ GD và ĐT có quyền thực hiện thí điểm các chương trình phân ban cho hàng nghìn, thậm chí hàng vạn học sinh trong cả hơn chục năm trời ? Mỗi lần thí điểm đều kết luận chưa thành công, kết quả chưa tốt, thế mà người ta vẫn vô tư tiếp tục thí điểm.

Tại sao sau ba mươi năm mà các quy chế đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, hay công nhận, bổ nhiệm GS, PGS của ta vẫn còn nhiều điểm ấu trĩ so với ngay cả một số nước trong khu vực? Tại sao nhiều quy định sai lầm đến buồn cười trong các quy chế ấy vẫn tồn tại dai dẳng thời gian dài trước đây và có nhiều cái tồn tại mãi đến tận hôm nay?

Có người bảo rằng ta không thể máy móc sao chép cách làm của nước ngoài cho nên phải sáng tác cách làm riêng phù hợp với điều kiện của ta. Nghe rất có lý, nhưng phải xét hậu quả thực tế là với cách quản lý ấy ta đã đào tạo ra hàng ngàn tiến sĩ giấy và xây dựng được một đội ngũ PGS, GS với trình độ, chất lượng ra sao ai cũng biết. Ngay gần đây tôi được biết chúng ta có cả những cơ sở đào tạo tiến sĩ về quản lý GD. Cái tin ấy thật sự làm tôi ngỡ ngàng: rồi đây số tiến sĩ ấy đương nhiên sẽ đóng góp vào con số 20.000 tiến sĩ ta dự định đào tạo trong 11 năm tới.

Quan điểm coi thường lợi ích của xã hội thể hiện trong nhiều chủ trương GD mà nếu mô tả là “ngoan cố” có lẽ cũng không sai lắm. Về hàng loạt vấn đề quan trọng như quy chế công nhận, bổ nhiệm GS, PGS, quy chế tổ chức Hội đồng GD Quốc gia, chuyện biên soạn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa, chuyện thi cử, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, v.v. đã có biết bao đề xuất hợp lý bị bỏ ngoài tai, phải chờ đợi đến cả chục năm trời hay hơn mới được nghiên cứu để tiếp thu.

Dù là bậc trí lự cao siêu, thì những người lãnh đạo ngành GD và ĐT cũng không thể luôn luôn sáng suốt. Huống chi, nhìn vào bảng chi tiêu của ngành GD thấy quá nhiều khoản chi lớn để “nâng cấp năng lực quản lý”, cử cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các nước, chứng tỏ điều ngược lại có lẽ đúng hơn.

Như đã nói trên, nguyên nhân sa sút của GD là quản lý yếu kém, song cần nói cụ thể hơn là quản lý yếu kém như thế nào.

Trong chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, giữa muôn vàn khó khăn, GD nói chung và đại học nói riêng vẫn phát triển tốt là nhờ có được những vị tư lệnh hiểu biết sâu sắc GD, có tầm nhìn xa, có uy tín cao trong ngành về cả đức độ và tài năng. Sau này chúng ta thường xuyên gặp khó khăn cũng chính là vì tâm và tầm của cơ quan quản lý GD.

Nếu xem GD là quốc sách hàng đầu thì phải hết sức coi trọng nhiệm vụ lãnh đạo GD. Người được giao phó nhiệm vụ này chẳng những phải hiểu biết sâu sắc GD hiện đại mà còn phải có điều kiện tập trung toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ ấy. Không thể giao nhiệm vụ quan trọng trong quản lý GD cho những người chưa biết việc, chưa thạo việc.

Trong GD, khoa học có những vấn đề mà tranh luận cả ngày cũng không kết luận nổi, nếu vốn hiểu biết và vốn văn hóa phổ quát quá khác nhau. Cho nên cần, rất cần chờ đợi và lắng nghe nhau, song trước hết phải được thẳng thắn trao đổi ý kiến.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Để có lớp trí thức xứng đáng

    12/05/2018Hoàng TụyThời thế tạo anh hùng thì cũng thời thế, cơ chế tạo ra phẩm chất người trí thức. Nói rõ hơn là hoàn cảnh chính trị xã hội, là bản lĩnh, tài năng các nhà lãnh đạo quốc gia, và một phần chính yếu, là môi trường giáo dục đương thời. Cho nên tôi rất tán thành hãy bắt đầu bằng vấn đề giáo dục để bàn chuyện xây dựng lớp trí thức mới.
  • Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng

    07/10/2009GS Hoàng TụyNếu xem giáo dục là quốc sách hàng đầu thì phải hết sức coi trọng nhiệm vụ lãnh đạo giáo dục. Người được giao phó nhiệm vụ này chẳng những phải hiểu biết sâu sắc giáo dục hiện đại mà còn phải có điều kiện tập trung toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ ấy. Không thể giao nhiệm vụ quan trọng trong quản lý giáo dục cho những người chưa biết việc, chưa thạo việc.
  • Khó chữa căn bệnh “thâm căn, cố đế” trong giáo dục

    24/08/2009Hoàng Anh ThắngNhững nỗ lực cải cách giáo dục để vượt qua khỏi trì trệ, bảo thủ đã được Giáo sư Hoàng Tụy gửi đến các cơ quan cao nhất của Chính phủ, Quốc hội. Thẳng thắn nhìn lại những tồn tại trong vấn đề giáo dục hiện nay, ông đã có buổi trò chuyện với phóng viên Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
  • Về triết lý giáo dục

    28/07/2009Nguyên NgọcTheo tôi, nguyên nhân đầu tiên, sai lầm đầu tiên và bao trùm là ở chính vấn đề quan trọng nhất, cơ bản nhất của giáo dục: ở triết lý giáo dục. Nói nôm na ra là chúng ta định xây dựng và thực hiện nền giáo dục này để làm gì? Tôi cho rằng đang có vấn đề hết sửa nghiêm túc ở chỗ này, nơi lâu nay ta tưởng mọi sự đã chẳng còn có chuyện gì phải bàn nữa.
  • Hoàng Tụy (1927 - 2019)

    27/06/2009Ông là một GS toán học nổi tiếng, Viện trưởng Viện toán, Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam. Ông đặc biệt quan tâm và có nhiều đóng góp để chấn hưng, cải cách và hiện đại hóa nền giáo dục nước nhà...
  • Tôi rất lo lắng cho giáo dục của ta

    23/10/2008Trần NguyễnGiáo sư Hoàng Tụy là cháu nội người em ruột của cụ Hoàng Diệu. Ông sinh năm 1927 tại Quang Nam. Lĩnh vực nghiên cứu: hàm thực, giải tích lồi, lý thuyết tối ưu. Vừa là người mở đường vừa đi đầu trong việc xây dựng lý thuyết, phương pháp và thuật toán cho các bài toán tối ưu toàn cục. Tác giả một phương pháp cắt nổi tiếng mang tên ông. Viện trưởng Viện toán học Việt Nam từ 1980 - 1990.
  • Năm mới, buồn vui với giáo dục

    04/03/2008Giáo sư Hoàng TụyTrong bài viết "Năm mới, chuyện cũ" trên Tia Sáng đầu năm 2007, nhân bàn về hướng giải quyết những chuyện cũ tồn đọng trong giáo dục và khoa học từ nhiều năm trước tôi có bày tỏ hy vọng sẽ được thấy trong năm 2007 những biến chuyển mạnh mẽ và nhanh chóng bù lại sự chậm trễ của chúng ta so với thế giới trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng gay gắt. Nhưng nay nhìn lại dường như chúng ta vẫn còn loay hoay chưa tìm thấy lối ra để thoát khỏi tình trạng rối ren bùng nhùng tùừlâu đã kìm hãm giáo dục và khoa học VN...
  • 7 kiến nghị cấp bách về phát triển giáo dục Đại học

    21/06/2006GS Hoàng TụyTrước đây ta xây dựng Đại học theo mô hình Liên xô cũ, nay nềnĐại học đó không còn thích hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, song những biện pháp sửa đổi chắp vá thời gian qua đã phá vỡ tính hệ thống của nó, rốt cuộc tạo ra cảnh tượng lộn xộn, không còn chuẩn mực, không theo quy củ, tuỳ tiện, và kém hiệu quả. Muốn thoát ra khỏi tình trạng này, cần có thời gian và một lộ trình hiện đại hoá thích hợp.
  • “Lương, cỡ nào cũng sống được - thế mới lạ!”

    23/03/2006Mai LanGiáo sư Hoàng Tụy vẫn thường kêu lên như thế mỗi khi ông phải giải đáp băn khoăn của tôi về những sự việc “không thể hiểu” được trong giáo dục và khoa học. Lần này cũng thế, khi đề cập đến tệ nạn tham nhũng ông lại bắt đầu gọn lỏn: lương thế này thì chống tham nhũng sao nổi!
  • "Tôi nói, cơ chế sản sinh ra tham nhũng…"

    16/10/2005GS. Hoàng TụyTham nhũng là một quốc nạn, điều đó ai cũng nói và cũng biết. Song để phòng, chống và hạn chế được tình trạng tham nhũng không phải là điều dễ dàng. Cho đến nay, chúng ta vẫn đang trên con đường tìm tòi, xin ý kiến nhân dân để chọn ra các giải pháp, các biện pháp đủ mạnh và hiệu quả để phòng và chống tham nhũng. Trăn trở, bức xúc với quốc nạn này, Giáo sư Hoàng Tuỵ đã có những tâm sự rất chân về tham nhũng và chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay...
  • Đổi mới giáo dục ĐH theo hướng nào?

    03/07/2005Gs. Hoàng TụyTuy đã có nhiều cố gắng thể hiện tư duy mới, nhưng dự thảo vẫn chưa đưa ra được những ý tưởng khả thi có khả năng tạo nên chuyển biến đột phá làm xoay chuyển tình hình theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước.
  • Giáo sư Hoàng Tụy và Giải pháp cứu ngành giáo dục.

    17/10/2003“Thực trạng giáo dục nước ta hiện nay có thể nói là đang rất nguy kịch. Trước thực trạng này, hầu hết mọi người đều nghĩ đến việc phải quy trách nhiệm chính cho ông Bộ trưởng Bộ giáo dục và cách chức ông ta. Riêng tôi lại nghĩ khác ” – trả lời phỏng vấn Tạp chí Ngày Nay, giáo sư toán học Hoàng Tụy, nguyên là Viện trưởng Viện Tóan học, người từng được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đã phát biểu như vậy 
  • xem toàn bộ