Giáo dục, trước hai vấn đề cốt lõi

08:49 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Giêng, 2014
Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (thực hiện NQ TƯ 8) đem lại hi vọng cho nhiều người quan tâm. Tuy nhiên cũng còn không ít nỗi âu lo ở việc thực hiện.

Năm 1979, Nghị quyết 14 của Bộ chính trị, theo bà Nguyễn thị Bình nguyên Bộ trưởng GD&ĐT thời ấy thì những quan điểm lớn trong đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Năm 1996, Nghị quyết TƯ 2, khóa 8 định hướng giáo dục đào tạo thời kỳ công nghiệp hóa,hiện đại hóa, có đề ra chế độ tiền lương cho nhà giáo. Được quan tâm như thế, vậy có điều gì cản trở đến nỗi  khiến cho “Về chất lượng giáo dục phổ thông và đại học Việt Nam đều thua kém các nước trong khu vực” (Công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới qua khảo sát 148 quốc gia).

Đề án đổi mới  giáo dục lần này được dư luận đặc biệt chú ý ở  nội dung: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang  phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.” Và  xác định mục tiêu “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”.

Từ thành, bại suốt nửa thế kỷ đã qua cho thấy việc thực hiện Nghị quyết, Đề án về giáo dục, đào tạo khác hẳn với việc thi công một công trình kiến trúc, không phải cứ nhất nhất theo y  như bản thiết kế là đảm bảo thành công. “Phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân” là thế nào? Sẽ có những cách hiểu rất khác nhau: “Giáo dục cho lớp trẻ mau chóng đuổi kịp về năng lực mọi mặt để kế tục con đường của lớp người tài giỏi cầm giữ vận mệnh đất nước ”. Lại có cách hiểu khác: “Lớp trẻ không chỉ tái tạo những gì hiện hành mà phải sáng tạo, hình thành những điều tốt đep, tiến bộ hơn”. Nhà giáo dục vĩ đại John Dewey cho rằng nền giáo dục bảo thủ và nền giáo dục tiến bộ có cách đặt vấn đề trái nhau: “Giáo dục có thể được coi như là làm cho tương lai phù hợp với quá khứ; hoặc như là sử dụng quá khứ làm nguồn lực cho một tương lai đang khai triển”.[1]. Một xã hội có lý tưởng về sự luôn luôn đổi mới sẽ có những tiêu chuẩn và phương pháp giáo dục phù hợp với yêu cầu đó, không đơn giản duy trì mãi nội dung giáo dục đã cũ để giữ cho bằng được tập tục, lề thói không hợp thời đại. Ông cha ta có câu châm ngôn ”Con hơn cha là nhà có phúc”. Thế mà lâu nay nền giáo dục đòi hỏi lớp trẻ phải giống hệt theo khuôn mẫu của cha ông, không được phép đổi khác. Trong khi đó, cuộc sống luôn thay đổi, hội nhập toàn cầu từng ngày cho thấy bao nhiêu điều mới lạ của thiên hạ , nhưng chúng ta cố gò con em mình trong khuôn khổ ngày xưa, nhân danh bảo vệ bản sắc. Không hiểu rằng bảo vệ bản sắc không phải là bảo thủ mà phải không ngừng tiếp nhận tinh hoa của nhân loại tiên tiến, không ngừng cải hóa, nâng cao bản sắc. Phát triển toàn diện mỗi người học, trước hết phải tôn trọng nhân cách, cá tính của học sinh. Muốn vậy phải cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin, dữ kiện: các tư tưởng kinh tế, các nền văn hóa, các hệ tư tưởng… để các em phán đoán, phê phán, lựa chọn. Tuyệt đối không được che giấu thông tin và dữ kiện, cũng không được võ đoán chọn thông tin, dữ kiện thiếu trung thực, hoặc chỉ chọn những gì phục vụ cho một chủ trương, một hướng đi đã định sẵn. Phương châm giáo dục tiên tiến đó phải được thực hiện ngay từ trường mẫu giáo trở lên.

Cách đây hơn hai mươi năm,ông Mai Chí Thọ khi là bí thư Thành ủy TP HCM đến thăm một trường mẫu giáo, đã góp ý: “Tại sao các bài dạy trẻ mẫu giáo mà quá đậm chất chính trị như vậy? E rằng chẳng những không thể đạt được yêu cầu chính trị mà mục đích trồng người cũng không đạt!” Cho đến nay, thử tìm sách giáo khoa cho trẻ 5, 6 tuổi: Quyển sách của Vũ Xuân Vinh do Nhà XB Đại học sư phạm ấn hành, phần lớn viết theo thể thơ lục bát, một ít theo thể ngũ ngôn, hầu hết không có chất thơ, gieo vần không đúng, như: “Công viên đường phố thật vui; Thêm yêu đất nước thêm yêu phố phường”. Rất nhiều câu “kêu gọi”: “Mỗi năm một tuổi thêm vui; Thi đua phấn đấu thành người trò ngoan”, “Ôi lá cờ Tổ quốc! Đứng nghiêm giơ tay chào”. Một quyển khác trong Tủ sách Mầm non, của Nhà XB Mỹ thuật có những bài Đồng giao chơi vỗ tay”: ”- Ở với ai? Với bà - Bà gì? Bà ngoại - Ngoại gì? Ngoại xâm - Xâm gì? Xâm lăng - Lăng gì? Lăng Bác - Bác gì? Bác Hồ - Hồ gì? Hồ ao - Ao gì? Ao cá - Cá gì? Cá quả - Quả gì? Quả đấm”! Thật không thể tìm ra lời bình nào về trách nhiệm giáo dục trẻ mầm non tệ hại đến vậy ! Ở sách dạy Tiếng Việt lớp 3 có những “chủ điểm” như: Đơn xin vào Đội; Người lính dũng cảm; Tập tổ chức cuộc họp”… Sách chỉ chọn tác phẩm của các nhà thơ thời kháng chiến. Bài thơ Đi hội Chùa Hương, nội dung nhạt nhẽo, có lẽ được chọn là vì mấy câu kết: “Ôi, phải đâu lễ Phật, Người mới đi Chùa Hương. Người đi thăm đất nước. Người về trong yêu thương”. Hình như các nhà soạn sách chê Nguyễn Nhược Pháp , ở bài Đi chùa Hương của ông, đã để cho người đi chùa thành tâm tụng niệm “Nam mô a di đà”?


Tranh "Đi học" của bé Đỗ Hoàng Cẩm Linh, học sinh lớp 2B trường
tiểu học Chu Văn An, Q. Bình Thạnh, Tp. HCM

Năm 2009, trên báo Phụ Nữ TP HCM số Xuân đăng “Điều ước năm mới” của chị Trần Mai Liên, mẹ của một học sinh cấp một ở Gò Vấp: “ Cầu mong năm mới sách giáo khoa sửa đổi, môn giáo dục công dân không còn tiếp tục dạy những lý tưởng quá cao xa không hợp với trẻ. Đối với trẻ, cần phải dạy cho chúng biết yêu ông bà, cha mẹ, anh em và mọi người; biết sống có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, không tham lam, ích kỷ”. Vậy mà 5 năm sau, giáo sư Văn Như Cương phải kêu lên: “Chuyện dạy người mãi là khoảng trống trong giáo dục phổ thông!”. Để chứng minh, giáo sư đã trích sách giáo dục công dân lớp 10 (cho trẻ 14- 15 tuổi) một bài giảng về “Phủ định siêu hình” và “Phủ định biện chứng”.Giáo sư nhận xét rất đúng, tuy nhiên rất có thể những nhà soạn sách không đồng ý với ông, họ sẽ cãi:”Không có khoảng trống nào cả! Chúng tôi trung thành với khuôn mẫu ý thức hệ nhằm đào tạo những con người kế thừa…

Thực ra, “dạy người” không chỉ ở môn giáo dục công dân mà phải trong toàn bộ chương trình giáo dục. Ngày nay, ở các nền giáo dục tiên tiến người ta đặt ra nhiệm vụ đào tạo ra con người tự do, con người đầy ắp ý kiến phản biện, con người dám khác với những người đi trước dù đó là những vĩ nhân. Albert Einstein nói: “Chúng dựa trên tự do của lòng tin và giáo dục, trên nguyên lý rằng, ước muốn tìm chân lý phải đặt trước mọi ước muốn khác” và “Không có tự do kia, sẽ không có Shakespeare, không có Goethe, Newton, không có Faraday và Pasteur”.[2]Đúng vậy, có thể nói thêm, không có tự do thì cũng không thể có Albert Einstein và không thể có Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu.

Nửa thế kỷ qua, thành ngữ “tôn sư trọng đạo” vẫn luôn được nhắc ở các Nghị quyết và trên các phương tiện truyền thông đại chúng . Vậy tại sao vị thế của nhà giáo không nhờ đó mà được nâng lên, trái lại cứ bị xuống cấp từng ngày? Bởi vì cuộc sống đã cho thấy những điều hoàn toàn trái lại!

Ngày xưa, từ các ông đồ đến các nhà giáo tân học, dù không thuộc lớp phú hộ, nhưng được mọi người kính trọng không hề kém mà còn hơn những người có chức vị trong làng xã, quận huyện. Bởi vì ông đồ, nhà giáo có chữ nghĩa, sống thanh bạch, nhưng không phải nghèo khó, vừa dạy chữ, vừa dạy người. Trước mắt dân chúng, họ là tấm gương cao đẹp trong cuộc sống. Ở Hà Nội trước năm 1954, miền Nam trước năm 1975, thày giáo cấp 1 có tiền lương đủ nuôi vợ con và thuê một người giúp việc. Thời ấy, phải là người học giỏi mới dám thi vào ngành sư phạm, vì ngành này tuyển sinh khắc khe nhất. Người vừa tốt nghiệp sư phạm cấp 1 đã được nhiều gia đình giàu có đánh tiếng chọn làm con rể. Sau năm 1975, bắt đầu xuất hiện câu thành ngữ “nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo”. Sau Đổi mới kinh tế, báo chí gắn với thị trường quảng cáo có thu nhập lớn. Nhà báo nhanh chóng rời khỏi tốp “nhà nghèo”. Nhà văn gửi tác phẩm đăng báo trước khi in sách và tham gia viết báo, cũng dần dần thoát nghèo. Rốt lại chỉ còn nhà giáo tiếp tục là “nhà nghèo” và có thêm danh xưng mới là “bán cháo phổi”!

Từ cấp cơ sở đến các cấp trên của hệ thống chính trị đều có những người nguyên là nhà giáo. Họ rời ngành giáo dục, trở thành cán bộ, công chức có địa vị trong các ngành quân, chính, đảng, dân (các đoàn thể). Quan sát từ thôn xã, địa vị được trọng vọng nhất là những bí thư, đảng ủy viên, các đại biểu HĐND, ủy viên UBND, rồi đến ủy viên BCH các đoàn thể đều được trọng vọng hơn người thày. Thày giáo không có quyền lực, cũng không có thu nhập so với một viên chức bình thường. Một viên chức ở ngạch bậc thấp nhất, ngoài lương còn có bổng lộc. Một giáo viên cấp 1, nếu được cử làm chủ tịch công đoàn ngành giáo dục (tức nhiên phải là đảng viên), sau đó sẽ vào cấp ủy trong ban lãnh đạo ngành, vào BCH công đoàn địa phương, và cấp ủy địa phương. Không bao lâu sau, người nguyên là giáo viên cấp 1 nói trên, có địa vị xã hội và có thu nhập cao hơn hẳn những giáo viên cấp 3, từng hành nghề cùng thời với nhau mà nay vẫn tiếp tục “bán cháo phổi”!

Do thu nhập và địa vị xã hội của nhà giáo ngày càng xuống thấp, đưa tới khó khăn cho việc tuyển sinh của các trường sư phạm, từng năm cứ phải hạ thấp dần điểm thi tuyển so với các ngành khác. Tình trạng này hạ thấp một cách tệ hại vị thế của nhà giáo trong xã hội, đồng thời làm sa sút chất lượng giáo dục . Sau khi ra trường, hành nghề, để trang trải cho cuộc sống quá thiếu hụt, nhà giáo phải giải quyết bằng hai cách: Trên lớp thì dạy qua loa để buộc học sinh phải xin học thêm. Nhiều thày giáo thu nhập từ dạy thêm cao hơn hẳn tiền lương. Các thày dạy những môn lịch sử, địa lý không thể dạy thêm, nên phải đi làm đủ mọi nghề, kể cả rửa bát nhà hàng, đạp xích lô .

Hình ảnh và phẩm chất của người thày đến nay đã bị tàn phá nhiều mặt. Trong khi đó để thực hiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, người thày vừa phải có quan điểm giáo dục tiến bộ, vừa phải có tri thức vững chắc và đạo đức nghề nghiệp, để khôi phục lòng “tôn sư, trọng đạo” của xã hội. Ở các nền giáo dục tiên tiến, trong khi đỏi hỏi người thày tôn trọng tự do của người học; đồng thời lại đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ sự tự do đó! Về điều này nhà giáo dục tự nhiên J. J. Rousseau yêu cầu các nhà giáo “Hãy nhìn rõ chủ thể mà trên đó ta cần thao tác. Vậy xin các vị hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ hơn các học trò của mình”. Ông nghiêm khắc phê phán người thày áp đặt lên học trò: Thay vì dạy lập luận, thày giáo lập luận hộ, chỉ rèn luyện trí nhớ cho học trò. Tuy nhiên mặt khác, J J. Rousseau lại đòi hỏi rất cao đối với người thày: “Xin các vị hãy đi một con đường ngược lại với con đường của học trò mình; làm sao cho chúng cứ tưởng chúng luôn luôn làm chủ, song thực ra chính các vị mới luôn luôn làm chủ”.[3]Về điều này, văn hóa giáo dục của ông cha ta từ ngàn xưa cũng có nhận thức tương tự: Dù đặt học trò ở vị trí chủ thể “ăn vóc học hay”, “học một biết mười”, “học thày không tày học bạn”, nhưng cuối cùng thì vẫn khẳng định “không thày đố mày làm nên”! Để đạt được điêù đó, người thày phải hiểu sâu sắc học trò, phải có kiến thức sâu rộng gấp nhiều lần nội dung cần giảng dạy và phải có bản lĩnh sư phạm rất vững chắc.

Trước mắt có quá nhiều cản ngại để khôi phục được vị thế của nhà giáo trong xã hội. Có lẽ nên chọn khâu đầu tiên có tính đột phá: Phải mau chóng đưa nhà giáo ra khỏi nhóm “nhà nghèo”. Nếu đã nhất trí rằng “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì hãy lập tức thể hiện lòng “tôn sư trọng đạo” bằng hành động tích cực chăm sóc vật chất và tinh thần của nhà giáo!

[1]Dân chủ và giáo dục  của John Dewey, trang 106.

[2]Einstein của Nguyễn Xuân Xanh , trang 309 và 315.

[3] Émile hay là về giáo dục của J. J. Rousseau,  trang 147.
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cuộc cải cách giáo dục phải xuất phát từ cái đầu của nhà giáo dục

    27/10/2014Trước kia việc gì cũng “từ trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải “từ dưới nhoi lên” (XYZ, Sửa đổi lề lối làm việc)
  • Cải cách giáo dục - Điểm hội tụ của tất cả các cuộc cải cách

    21/05/2014Nguyễn Trần BạtCuộc sống nối tiếp nhau bằng các thế hệ và thế hệ đi trước chuẩn bị cho thế hệ sau bằng con đường giáo dục. Hay nói cách khác, sứ mệnh quan trọng của giáo dục là chuẩn bị lực lượng cho tương lai. Đó có thể là việc chuẩn bị cho sự xuất hiện của lực lượng kinh tế mới, lực lượng chính trị mới hay con người mới nói chung...
  • Thêm một số suy nghĩ về cải cách giáo dục

    18/09/2013Nguyễn Trần BạtCải cách giáo dục hướng đến sự phát triển con người, chính vì thế những người đi dạy, đi hướng dẫn con người cho tương lai phải có nhận thức, phải có những nguyên lý mang chất lượng dự báo và định hướng. Phải khẳng định, người đi dạy quan trọng nhất là nhà nước...
  • Cải cách giáo dục nhìn ra thế giới

    07/09/2013Xã hội thay đổi, mục tiêu của giáo dục cũng phải thay đổi theo. Xây dựng chương trình cải cách giáo dục riêng nhằm đáp ứng các nhu cầu trong nước, nhưng tất cả các quốc gia trên thế giới đều hướng tới mục đích: Dạy - học như thế nào để có hiệu quả nhất. Xin giới thiệu cách dạy học ở một số quốc gia để các bạn có thể so sánh với nội dung cải cách giáo dục ở nước ta...
  • Cải cách giáo dục bắt đầu từ dạy làm người

    30/03/2009"Phải làm triệt để. Tất cả các em đến tuổi phải học hết tiểu học, học đàng hoàng, và phải dạy đạo đức sao cho khi các em tốt nghiệp tiểu học phải xứng đáng là những thiếu niên ham học hỏi, hiền ngoan, có thái độ và hành động đúng mực ở nơi công cộng và đối với các quan hệ xã hội". - GS Trần Văn Thọ
  • Cải cách giáo dục

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtAi cũng biết phát triển con người phải thông qua giáo dục, từ ngàn năm trước người ta cũng đã biết như vậy nhưng vấn đề là giáo dục như thế nào? Nếu một nền giáo dục không vì con người mà vì những lợi ích chính trị nhất thời, thiển cận và vụ lợi thì còn tệ hại hơn, nó sẽ làm chậm sự phát triển...
  • Trung thực: nền móng của cải cách giáo dục Việt Nam

    30/12/2005Phạm Xuân Anh"Trung thực nền giáo dục" chính là nền móng của CCGD nước ta hiện nay. Theo quan điểm chủ quan của tôi thì CCGD mà chúng ta đang tiến hành tựa như “xây nhà từ nóc” vậy. Chính vì vậy, những giải pháp chấn hưng giáo dục đều thất bại hoặc không mấy thành công. Tôi có cảm giác rằng nhiều ý kiến, biện pháp CCGD của nhiều tập thể, cá nhân đưa ra vừa qua khi họ đang ở trên… mây để quan sát nền giáo dục nước nhà vậy...
  • Cải cách giáo dục

    09/09/2005Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch - Tổng giám đốc, InvestConsult GroupPhát triển con người là vấn đề trọng tâm của mỗi quốc gia. Hầu hết các nước trên thế giới đều giương cao khẩu hiệu "Giáo dục là quốc sách hàng đầu và dành nhiều tâm sức đề xây dựng và thực hiện các chương trình cải cách giáo dục. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, các chương trình cải cách giáo dục đó, tuỳ theo mức độ, đều có những hạn chế và sai lầm nhất định.
  • Dịch thuật và vấn đề cải cách giáo dục

    23/08/2005Ngô Tự LậpMột trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn dến tình trạng lạc hậu của nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục ĐH, theo tôi, là tình trạng kém cỏi của công việc dịch thuật. Tình trạng này nói chung có thể quy về ba chữ: thiếu, yếu, và lệch lạc. Về chuyện thiếu, nhiều người và bản thân tôi đã từng nói: hầu hết các tác phẩm quan trọng trên thế giới chưa hề được dịch ra tiếng Việt.
  • Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới

    22/07/2005Cuốn sách được biên dịch là tài liệu tham khảo có giá trị nhằm phục vụ các nhà hoạch định chính sách giáo dục, các nhà nghiên cứu cũng như các bậc phụ huynh muốn tìm hiểu thêm nguồn gốc những phương pháp và chính sách giáo dục đã được áp dụng trên thế giới. Trong quá trình gian nan để tìm ra các giải pháp giáo dục hiệu quả và phù hợp nhất với điều kiện phát triển của Việt Nam hiện nay, việc tham khảo các quá trình cải cách giáo dục, nhất là những mô hình cải cách đã thành công và thất bại...
  • Cải cách giáo dục: Phá không phải là…Xây

    09/07/2005Nguyễn Minh Danh... Từ những ý kiến mang tính xây dựng theo kiểu mong muồn phá bỏ ngay những cái đang tồn tại trong bộ máy giáo dục nước nhà không hẳn khi nào cũng có thể mang tới những kết quả cần thiết. Giáo dục là một công việc tinh tế, đòi hỏi một thái độ ứng xử cẩn trọng và thực tế hơn là những khẩu hiệu dân tuý mang tính phủ nhận hiện trạng một cách đầy quyết liệt....
  • Cải cách giáo dục: Trước thách thức của thế kỷ XXI

    19/04/2005Phạm Khiêm Ích(Edgar Morin) Nhà trường phải giúp cho sinh viên thấm nhuần “một thứ văn hoá về tính phức hợp” (culture de la complexité), tức là nền văn hoá của thế giới ngày mai...
  • Cải cách giáo dục phải làm lại từ đầu

    10/11/2003Bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc cải cách giáo dục (CCGD) của ta đến nay đã qua hơn hai mươi năm. Thế nhưng những gì chúng ta làm được cho cuộc cách mạng này xem ra chưa đâu vào đâu cả. Nhiều chương trình, dự án tốn bạc tỷ, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ, tưởng đã xong, nhưng đưa ra thực thi, bị chính các GS, TS các NGND, NGƯT danh tiếng trong ngành và dư luận xã hội phản ứng gay gắt, quyết liệt, buộc phải huỷ bỏ. Trong khi đó, nhiều vấn nạn giáo dục, nhân cơ hội đó mọc lên như nấm. Cuộc đấu tranh giữa một nền giáo dục dân tộc, văn minh, tiến bộ với nền giáo dục thương mại hoá ngày một gay gắt...
  • Cần đẩy mạnh cải cách giáo dục đại học

    23/07/2003Trong cải cách giáo dục (CCGD), có lẽ do quan niệm phải cải cách tuần tự từ lớp 1 trở đi đến lớp 12 nên trong những năm qua ta đã chú trọng quá nhiều đến bậc PT, còn việc CCGD đại học (ĐH) cho đến hiện nay vẫn chưa được chú trọng ngang bằng...
  • Chương trình cải cách giáo dục cần những cuộc thi?

    11/02/2003Việt Nam đang ở trong thời kỳ đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều tri thức và trí tuệ, để làm tốt việc này thực là khó khăn.
  • Vai trò của học sinh, sinh viên trong cải cách giáo dục

    11/02/2003Có thể thấy rất rõ điều vô lý là trong khi chúng ta mong muốn đưa người học về vị trí trung tâm trong giáo dục, ý kiến người học sẽ định hướng cho cách học của chính mình và cho cả sự phát triển của nền giáo dục thì chúng ta lại không quan tâm tới ý kiến, suy nghĩ của học sinh, sinh viên. Điều này cũng có thể hiểu như việc chúng ta muốn học sinh, sinh viên của chúng ta chủ động trong học tập, nghiên cứu và là trung tâm của giáo dục nhưng chúng ta lại cải cách theo phương thức gò bó, ép buộc, áp đặt mà không xem xét công việc đó có phù hợp với ý kiến của họ không.
  • xem toàn bộ