Giáo dục tình yêu
Không chỉ “giết người trong mộng”
Ở thế kỷ trước, thi sĩ Hàn Mặc Tử, trong nỗi cô đơn cùng quẫn của thân phận đã phải kêu lên:
Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp bẽ bàng.
Ông chỉ nói cho thỏa nỗi đau của mình thôi, nhưng chắc ông cũng không ngờ người đời nay họ không chỉ giết người trong mộng mà còn xuống tay tàn nhẫn với người mình yêu: từ tạt axit, cho đến sát hại. Động cơ gây án thì cũng chỉ quanh việc ghen tuông hay tan vỡ tình cảm. Người bị hại thường là phái nữ. Có kẻ còn giết cả gia đình bạn gái!
Năm 2018, dư luận bàng hoàng trước vụ án Vũ Ngọc Hiếu (sinh 1989, quê Gia Lai) đã ra tay sát hại chị Đ.YN. (sinh 1991, ngụ huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh). Điều khiến mọi người phẫn nộ hơn cả là nghi can đã sát hại bạn gái ngay tại phòng trọ Gò Vấp và phân xác mang đi phi tang ở Tây Ninh. Sau mấy ngày gây án, Hiếu đã bị bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, Hiếu khai hắn và nạn nhân có quan hệ tình cảm với nhau gần 9 năm qua. Tuy nhiên, chị N. đã muốn chia tay với Hiếu. Hiếu thấy nạn nhân có hình ảnh thân mật với người đàn ông khác nên nổi cơn ghen, kẹp cổ nạn nhân dẫn đến tử vong. Đây không phải là vụ án đầu tiên ra tay sát hại người yêu vì níu kéo tình cảm không thành. Trước đó, Phạm Văn Trưởng (sinh 1990, Hải Dương) cũng sát hại VTH. (sinh 1997) vào sáng ngày 7/6/2016 tại chợ Thanh Bình bằng hàng chục vết đâm vào người. Có sự trùng hợp trong những vụ giết người yêu cũ là các hung thủ đều từng được gia đình nạn nhân cưu mang, coi như người nhà. Không thể không kể đến vụ thảm án ở Bình Phước xảy ra vào tháng 7/2015 từng gây chấn động dư luận trong thời gian khá dài, khi Nguyễn Hải Dương cùng đồng bọn đã ra tay sát hại cả sáu người trong một gia đình, xuất phát từ mâu thuẫn trong chuyện tình cảm giữa hung thủ Nguyễn Hải Dương (sinh 1991, An Giang) với con gái ông Mỹ là Lê Thị Ánh Linh (sinh 1993). Theo lời khai, Dương có quan hệ tình cảm với Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi). Sau đó, gia đình Linh ngăn cấm mối tình này. Thấy cô gái có ý định khác, Dương sinh tâm thù hận, sát hại Linh và những người trong gia đình cô gái để trả thù.
Đâu hề có một tình yêu sung sướng
Giáo sư Cao Huy Thuần trong bài viết “Đâu để có một tình yêu sung sướng” đã trích bài thơ của Louis Aragon, bài thơ có 5 đoạn. Đoạn đầu nói về cái buồn của kiếp người. Đoạn thứ hai nói về cái buồn của chiến tranh. Ba đoạn sau dồn cả vào tình yêu (1). Vì Giáo sư không trích nguyên văn nên chúng tôi xin phép trích lại phần nguyên văn của đoạn thơ GS dịch.
Il n'y a pas d'amour heureux
...
Le temps d'apprendre à vivre il est déjà trop tard
Que pleurent dans la nuit nos coeurs à l'unisson
Ce qu'il faut de malheur pour la moindre chanson
Ce qu'il faut de regrets pour payer un frisson
Ce qu'il faut de sanglots pour un air de guitare
Il n'y a pas d'amour heureux.
Il n'y a pas d'amour qui ne soit à douleur
Il n'y a pas d'amour doit on ne soit meutri
Il n'y a pas d'amourdont on ne soit fiétri
Et pas plus que de toi l'amour de la patrie
Il n'y a pas d'amour qui ne vive de pleurs
Il n'y a pas d'amour heureux
Mais c'est notre amour à tous les deux(2).
Giáo sư Cao Huy Thuần dịch:
Đâu hề có một tình yêu sung sướng
Chưa sống bao nhiêu thì đã quá chậm
Giữa đêm khuya đôi tim trẻ khóc thầm
Bao nhiêu sầu để được nghe câu hát
Bao nhiêu tiếc thương để được rùng mình
Bao nhiêu nghẹn ngào đổi ghi-ta tiếng nấc
Có tình yêu nào sung sướng được đâu...
Có tình yêu nào mà không đau khổ
Có tình yêu nào mà chẳng xót xa
Có tình yêu nào mà không bị án
Có tình yêu nào mà chẳng lệ nhòa
Đâu hề có một tình yêu sung sướng
Nhưng đó là tình của cả đôi ta.
Nhân đây, Giáo sư nhắc lại một số định tình yêu của các triết gia cổ đại. Platon định nghĩa về tình yêu nghĩa là “muốn cái mình không có, muốn cái mình thiếu”. Vậy thì khi mình không có thì mình muốn, và có rồi thì mình hết thiếu. Mà hết thiếu thì không còn tình yêu... Cả hai trường hợp đều đưa đến khổ: không có cũng khổ vì thèm yêu, mà có cũng khổ vì hết thèm thì hết yêu...
Con người là hữu hạn lại đi tìm vô hạn để rồi luôn khắc khoải, trông mong. Có được người yêu lại dễ động tâm trước những xao xuyến mới. Ấy là khởi nguồn của bi kịch, của ngoại tình, tình không ràng buộc, tình một đêm, tình công sở, tình ban trưa... và người ta cứ “say nắng” mãi! Ngày còn học trung học, thầy dạy triết đã giảng cho chúng tôi nghe về mâu thuẫn giữa hiện thực và ước mơ, giữa tình yêu “thuần khiết” và thực tại đầy cay đắng như lời một bài hát:
Thần tiên gãy cánh đêm xuân
Rớt mộng sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường. (3)
Có định nghĩa nào vui không? Aristote nói ngược lại “Tình yêu là một nguồn hạnh phúc”. Yêu là vui. Và tại sao vui? Vì yêu ai là mình muốn làm tốt cho người mình yêu. Aristote nói yêu là một tâm hồn ở trong hai cơ thể.
Giáo sư Cao Huy Thuần trích câu nói của Spinoza “Tình yêu là một niềm vui được cùng đi với ý nghĩ về một nguyên nhân bên ngoài”. Nghe cầu kỳ và rắc rối nhưng suy từ Aristote thì biết “nguyên nhân bên ngoài” là gì. Đó chính là người khác. Aristote và Platon có mâu thuẫn nhau không? Một bên là dục vọng, là đòi hỏi cho mình, một bên là tạo ra niềm vui đến cho người, người vui mình cũng vui. Thật ra trong chúng ta có cả Platon và Aristote.
Giáo sư kết luận: “Thượng đế không phải trên chín tầng mây mà ngay trong quan hệ giữa ta với người. Hãy nhắm con mắt mơ tưởng. Hãy mở con mắt thực tế. Thấy cuộc đời không phải là sướng, thấy tình yêu không phải toàn màu hồng. Nhưng phải thấy như thế để vui với cái mình có. Muốn cái mình đang có thì đôi ta vẫn là đôi ta” (4).
Chúng tôi chợt nhớ bài thơ của Paul Eluard:
Nous deux
Nous deux nous tenant par la main
Nous nous croyons partout chez nous
Sous l'abre doux sous le ciel noir
Sous tous les toits au coin du feu
Dans la rue vide en plein soleil
Dans les yeux vagues de la foule
Auprès des sages et des fous
Parmi les enfants et les grands
Lamour n'a rien de mystérieux
Nous sommes l'évidence même
Les amoureux se croient chez nous(5).
Tạm dịch:
Đôi ta
Bây giờ mình nắm tay nhau
Khi yêu ta ngỡ về đâu cũng nhà
Dưới cây êm dưới mái nhà
Dưới bầu trời sẫm hay qua bếp hồng
Hay qua hờ hững phố đông
Nắng trên đường vắng ấm lòng em tôi
Trí ngu già trẻ trên đời
Tình yêu mầu nhiệm rạng ngời xưa sau
Chúng mình minh chứng cho nhau
Người yêu luôn ngỡ rằng đâu cũng nhà.
(Nguyên Cẩn)
Tình yêu mầu nhiệm như vậy, như cha ông mình nói “Yêu nhau chẳng lọ chiếu giường/ Dẫu rằng tàu lá che sương cũng tình”. Thế nên để giáo dục tuổi trẻ nhận thức đúng về tình yêu, chúng ta phải tìm xem những điều kiện để có một tình yêu chân chính.
Điều kiện tình yêu: Yêu phải hiểu
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể một câu chuyện tình yêu:
Có một chàng trai ở vùng California, Hoa Kỳ, rất đẹp trai, học giỏi, tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng, có nhiều bạn gái xinh đẹp. Chàng trai sống với mẹ, người mẹ biết trong các cô gái ngưỡng mộ con mình, có một cô gái không xinh nhất, cô không trắng, không cao lắm nhưng được chàng trai đặc biệt chú ý.
Ngạc nhiên, người mẹ hỏi con trai: Vì sao con lại thích cô gái ấy, cô ta đâu có gì nổi bật:
Cô ấy hiểu con, chàng trai trả lời đơn giản. Chàng trai học ngành công nghệ thông tin nhưng rất hay làm thơ. Mỗi lần chàng đọc thơ, cô gái nọ lắng nghe rất chăm chú và có những nhận xét sâu sắc, trong khi những cô gái xinh đẹp kia không để ý gì đến.
Chàng trai đã chọn người yêu không vì vẻ đẹp bề ngoài, mà bởi sự lắng nghe và thấu hiểu. Thiền sư Nhất Hạnh kết luận: “Đạo Phật cũng dạy như vậy, có hiểu mới có thương, tình yêu phải làm bằng sự hiểu biết”(6).
Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu. Mỗi người lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau, điều kiện sống khác nhau, có những nỗi niềm, những tâm sự riêng, nếu không hiểu, chúng ta cứ khăng khăng buộc người khác phải trở thành hình ảnh như mình muốn họ trở thành, sẽ sinh ra giận hờn, trách móc. Yêu mà không hiểu sẽ gây ra khổ đau. Người ta có khi nhân danh tình yêu, dằn vặt, gây căng thẳng làm khổ nhau thế nên nhiều người lập gia đình rồi vẫn cứ cảm thấy cô đơn vì “đối tác” không hiểu mình. Rủi như tình cờ gặp được người hiểu mình, thương mình sau đó thì rất dễ sa ngã, lệch hướng như cô gái khi đã có chồng gặp được người hiểu mình tặng “ngọc minh châu” mà “hận bất tương phùng vị giá thì” (7).
Giá mà gặp trước hôn nhân sẽ là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nên dựa vào sự hiểu biết lẫn nhau để tạo nền tảng bền vững. Quan điểm Phật giáo là “hiểu mới thương”. Đó cũng là tiền đề cho bất kỳ cuộc hôn nhân nào, còn nếu chỉ dựa vào những điều kiện vật chất như sự giàu có hay vẻ đẹp hình thể cũng đều không bền vững, nếu không muốn nói nhiều rủi ro và đem lại phiền muộn. Nhiều cô hoa hậu lấy những người giàu có nhưng chưa hẳn sẽ hạnh phúc dài lâu. Cánh cửa tình yêu đến hôn nhân có thể đi trên những con đường trải thảm đầy hoa nhưng cũng có thể đưa ta đến cửa ngục phiền não nếu chọn sai, và tỷ lệ người chọn sai hiện nay không ít! Tỷ lệ ly dị hiện nay khá cao: hơn 30%.
Yêu phải tin
Những vụ án kể ở trên gây ra khi họ không còn tin nhau nữa. Một khi sự hoài nghi đã len vào trong tâm hồn thì sẽ gây nên bão tố như trong bi kịch Shakespeare: Othello sau khi bị Iago gieo vào tâm trí chàng sự hoài nghi về lòng chung thủy của vợ chàng, nàng Desdemona tiết hạnh, để rồi chàng nổi cơn ghen, che mờ lý trí, phạm sai lầm lớn nhất cuộc đời là giết người vợ ấy. Một khi tình yêu đã mất lòng tin thì tốt hơn là chia tay trong sự tôn trọng lẫn nhau. Còn có những tình yêu lớn hơn như khi Pascal nói: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu được”.
Pascal nói về lòng tin tôn giáo: “Chính trái tim, chứ không phải lý tính, cảm thấy Thượng đế. Lòng tin là như vậy. Lòng tin cảm thấy Thượng đế, không phải lý tính”. Nhưng lòng tin này là chánh tín hay mê tín thì phải dùng lý trí. Kẻ khủng bố cũng tin yêu mù quáng vào những tín điều và một thiên đường mờ ảo đâu đó trong lòng hắn.
Gáo sư Thuần phân tích về Thượng đế của Victor Hugo (un Dieu hugolien) đã nhận ra rằng nhà thơ quan niệm: “Hãy tin để mạnh. Hãy yêu để hạnh phúc” Và Thượng đế của ông chính là Tình yêu. Tại sao nhà thơ lớn ấy tranh đấu cho tự do? Vì tự do, theo ông, là tình yêu của Thượng đế dưới trần thế. Tại sao nhân dân là thiêng liêng? Vì nhân dân là Thượng đế. Chả thế mà nhiều vị hoàng đế thời trước luôn tin “Dân ý tức thiên ý. Vì chiếm được lòng tin của nhân dân thì vận nước ắt sẽ cường thịnh, vững chắc" (8).
Nền tảng tình yêu phải là từ - bi - hỷ - xả
Phật dạy về tình yêu rất sâu sắc. Tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: từ, bi, hỷ, xả.
“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Giống như Aristote quan niệm, yêu là đem lại nguồn vui cho người khác. Một vị tăng sĩ nuôi dạy trẻ mồ côi phải có rất nhiều niệm “yêu thương” trong lòng để thấy thời gian, công sức mình bỏ ra là hoàn toàn hữu ích. Làm nghề gì cũng phải có tâm từ thì mới có thể tận tâm được.
“Bi” là khả năng lấy cái khổ ra khỏi tha nhân hay chính mình. Người yêu mình, phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời. Một vị y sĩ có tâm bị sẽ luôn gần gũi, chăm sóc bệnh nhân mà không nghĩ nhiều đến quyền lợi vật chất. Người yêu có “từ bi” theo Phật dạy là người có khả năng chia sẻ buồn đau, đem lại hạnh phúc cho nhau. Nếu không có, chỉ là “tình vui trong phút giây thôi” say đắm nhất thời, không bền vững.
Ngoài ra nếu có thêm tâm “hỷ xả” sẽ khiến quan hệ thêm dài lâu.
“Hỷ” là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai bên đều vui. Hay nói rộng ra người có tâm hỷ dễ sống chan hòa trong cộng đồng, được yêu mến và dễ gần gũi, chia sẻ.
“Xả” là bình đẳng, không phân biệt, đố kỵ. Khi đã yêu là chấp nhận tất cả những khiếm khuyết sai sót, nếu có, trước đây của người yêu, sau này là của vợ hay chồng, không nhắc lại quá khứ, không đay nghiến, không bận lòng chuyện cũ.
“Từ bi hỷ xả” trong tình yêu không thể tự đến mà chúng ta phải học, phải tu tập, phải vun đắp, trưởng dưỡng ngày đêm. Nhà trường hay gia đình cần có những lúc ngồi lại lắng nghe, trao đổi, hội thảo và tự vấn, làm thế nào để “ác tâm” có thể không phát sinh bất ngờ khiến họ trở thành sát nhân “không dự định”. Nói theo Sigmund Freud, phải làm cho tầng “siêu ngã” mạnh mẽ để trấn áp phần “hạ ngã” gồm những xung động bản năng, những vọng niệm tà vạy. Theo nhà Phật, cần sống trong tỉnh thức, trong chánh niệm thì sẽ vượt qua được. Tự lực là chính, nhưng nếu môi trường chung quanh, gia đình và xã hội, có thể đem lại những sức mạnh tâm linh cho tuổi trẻ vững vàng trước ngưỡng cửa đón nhận tình yêu sau đó là hôn nhân một cách can đảm và có trách nhiệm dưới ánh sáng Tứ vô lượng tâm thì những tội ác như chúng ta vừa thấy sẽ không xảy ra, sẽ không còn ai tự tử hay hủy hoại người khác dù tình yêu toại lòng thay đổ vỡ vì họ hiểu “Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời như sao xuống từ trời”(9). Và cho dù vì sao ấy không ở lại!
Chú thích:
1)“Đâu hề có một tình yêu sung sướng", Người khuân đá, Nxb. Trẻ, TPHCM.
2) Louis Aragon (1946), La Dianne Francaise.
3) Vũ Thành An, Tình khúc thứ nhất, phổ thơ Nguyễn Đình Toàn.
4) Cao Huy Thuần, ibid.
5) Paul Eluard (1951), Le Phenix, dẫn theo www.unjourunpoeme.fr.
6) Thiền sư Nhất Hạnh (2013), Kể chuyện tình yêu, dẫn theo www.nguoiduatin.vn.
7) Trương Tịch, Tiết phụ ngâm.
8) Cao Huy Thuần, ibid.
9)Trịnh Công Sơn, Tạ ơn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)