Tình yêu là gì?
Tình yêu…
Hầu hết những người tôi biết nhầm lẫn tình yêu với sở hữu. Lý do cũng dễ hiểu. Nó gắn liền với những giả định cơ bản nhất trong nền văn hóa của chúng ta. “Anh là của em” hay “em là của anh”, những bài hát thường nói, “và chúng ta thuộc về nhau”. Hầu như chẳng có ai dừng lại một chút để suy ngẫm về điều đó.
Ngay khi chúng ta bắt đầu cảm thấy yêu, chúng ta lập tức tìm cách sở hữu. Chúng ta nói một cách tự tin về bạn trai của tôi, vợ của tôi, con của tôi, bố mẹ của tôi. Chúng ta cảm thấy có đủ lý do để có các kỳ vọng về những người đó. Chúng ta coi đó là hoàn toàn hợp lý.
Tại sao? Bởi vì tất cả các khái niệm về tình yêu của chúng ta suy cho cùng bắt nguồn từ tình yêu lãng mạn – và tình yêu lãng mạn mang tính sở hữu một cách hung dữ, điên cuồng. Chúng ta muốn được ở cùng với những người chúng ta yêu, được có họ cho riêng chúng ta, được cảm thấy ánh mắt của họ lên chúng ta, được ngấu nghiến tâm trí và thân thể của họ…được sở hữu họ.
Chúng ta đánh đồng tình yêu và sự sở hữu mạnh đến mức chúng ta thậm chí có thể cảm thấy nếu ai đó không muốn sở hữu chúng ta, người đó không thực sự yêu chúng ta. Mặc dù vậy, tôi muốn chỉ ra rằng cái mà chúng ta gọi là tình yêu lãng mạn hoàn toàn không phải là tình yêu. Nó là một cơn bão cảm xúc, một sức hấp dẫn làm say sưa, không cưỡng lại được – nhưng nó không phải là tình yêu.
Bởi vì tình yêu thực sự không có tính sở hữu. Nó không thể có. Chúng ta đều đồng ý rằng tình yêu là cho, chứ không phải nhận. Trong khi đó ước muốn được sở hữu nảy sinh từ nhu cầu của bản thân người đang yêu – nhu cầu được người kia chấp nhận, nhu cầu được hỗ trợ từ cha mẹ, nhu cầu được thấy đứa con đạt điểm cao, nhu cầu được danh vọng, tiền bạc – nhu cầu được một cái gì đó. Một người yêu mang tính sở hữu tập trung quá mức vào những gì anh ta được nhận, chứ không phải những gì anh ta cho. Người ấy có thể biện hộ sự lệ thuộc của anh ta với chữ tình yêu, nhưng đó là một lời nói dối. Làm sao bạn có thể thực sự yêu ai đó khi mà bạn lệ thuộc vào người đó để có những thứ bạn cần? Đấy không phải là tình yêu, đấy chỉ là thủ đoạn để đảm bảo những thứ bạn cần tiếp tục đến. Robert Palmer hát về việc bị “nghiện tình yêu”, nhưng không ai thực sự nghiện tình yêu cả. Mọi người nghiện những nhu cầu của họ.
Và tình yêu không phải là nhu cầu. Nó không phải.
Tất nhiên, một quan hệ yêu đương sẽ sản sinh sự phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng điều thường xảy ra là, niềm vui của việc cho một cách tự nguyện và không giới hạn chuyển thành nỗi lo sợ về việc có thể không được nhận. Người ấy – chồng bạn, người yêu bạn, con bạn – tự nhiên trở thành quá quan trọng với bạn. Bạn lo lắng về những gì có thể xảy ra. Những gì họ sắp làm. Và ở thời điểm đó, tình yêu dừng lại.
Đôi khi người ta tự hỏi liệu những gì họ đang cảm nhận có phải là tình yêu thực sự không. Những người ấy không bao giờ tự hỏi liệu họ đang vui, hay buồn phiền. Vậy thì tại sao lại có khó khăn khi nhận biết tình yêu? Thông thường, đấy là vì họ đang cảm thấy có mâu thuẫn: cái họ đang cảm nhận là vực sâu của những nhu cầu của họ, chứ không phải là đỉnh cao của tình yêu.
Có những cách để nhận biết tình yêu thực sự. Nó đem lại cảm giác bình yên. Nó ổn định, và nó dễ dàng tồn tại suốt cả đời người. Nó nuôi dưỡng – con người lớn lên dưới ảnh hưởng của nó. Họ trở thành những gì thực sự là họ, chứ không phải những gì ai đó muốn họ trở thành. Tình yêu thực sự không mù quáng; ngược lại, trong nó con người cảm thấy được hiểu và được chấp nhận bởi những gì thực sự là họ. Nó chữa lành. Trong nó con người hồi phục.
Vì vậy, bất cứ khi nào bạn nghe nói tình yêu là mù quáng, hay tình yêu không thể lâu bền, hay tình yêu mang tính hủy hoại, bạn có thể chắc chắn rằng bạn đang nghe một mô tả của ham muốn tình dục, của mong ước, của nhu cầu. Và đó là một mô tả chính xác, bởi vì nhu cầu đúng là thứ nhất thời và mang tính hủy hoại.
Tình yêu là một thứ hoàn toàn khác hẳn. Một cảm xúc quan tâm sâu sắc mà không đòi hỏi chút gì, một cảm xúc trọn vẹn không mang bất cứ kỳ vọng nào, một cảm xúc hiếm hoi đến mức hầu hết mọi người trong xã hội chúng ta không thể hình dung được. Họ không thể hình dung có nó, hay được nhận nó. Họ thậm chí có thể tin rằng nó không tồn tại. Nhưng nó tồn tại.
Và nó là thứ đẹp nhất trên đời.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh