Sự đổi màu của tình yêu
Giữa bao nhiêu cái thật, cái giả trong cuộc đời này, nhận ra được đã khó, huống chi lại là thật - giả trong tình yêu, thứ tình cảm thiêng liêng và đầy bí ẩn? tuy nhiên, người ta cho rằng có những tiêu chí nhất định để nhận ra đâu là tình yêu đích thực và phân biêt nó với những thứ tình yêu "trong ngoặc kép".
Trong cuốn "Anatomie de Lamour" (Giải phẫu tình yêu) nhà nhân chủng học Hélenne Fisher cho rằng, có thể nhận biết một tình yêu đích thực nếu nó hội đủ những yếu tố sau đây:
Một là tình cảm thẩm mỹ…
Nói khác đi, đó là sự rung động của chúng ta trước vẻ đẹp của đối tượng yêu. Bởi vì không ai thực sự yêu một người nào đó mà lại nghĩ rằng người đó không đẹp. Có thể đó là vẻ đẹp mà ai cũng nhận thấy.
Nhưng cũng có khi mọi người không cho là đẹp, thậm chí xấu đến "ma chê quỷ hờn" như Thị Nở mà khi đã yêu, Chí Phèo cho rằng "trông thế mà thị lại có duyên". Khi đã yêu một cái gì bao giờ ta cũng thấy cái đó cái đó đẹp.
Người mẹ có đứa con sứt môi nhưng bà vẫn âu yếm hôn hít nó không biết chán. Cho nên vẻ đẹp này không dựa trên một tiêu chuẩn thẩm mỹ nào cả. Nó mang tính chủ quan, nó hoàn toàn phụ thuộc vào chủ thể thẩm mỹ chứ không phải do khách thể thẩm mỹ.
Nhà mỹ học Schiller người khác đã nhận thấy mà chỉ mình ta phát hiện được mà thôi. Cho nên, nếu một ngày nào đó, ta cảm thấy người yêu, người chồng hay người vợ của ta không đẹp nữa, thậm chí cho là xấu xí thì buồn thay đó chính là dấu hiệu tình yêu đã suy giảm lắm rồi.
Và thật là bất hạnh nếu ta quyết định ăn đời ở kiếp với một ai mà ta lại nghĩ rằng người đó xấu. Nếu đã nghĩ thế, tại sao ta lại yêu? Tình yêu đó đâu phải là đích thực?
Hai là tình cảm đạo đức
Nói khác đi là cảm thấy người đó tốt. Trên đời không có ai thực sự yêu một ai mà lại nghĩ rằng người đó không tốt. Khái niệm "tốt" ở đây có thể hiểu là có những phẩm chất tốt đẹp theo chuẩn mực đạo đức của xã hội nhưng cũng có thể là "tốt" theo cách nhìn của ta.
Đối tượng yêu có thể bị mọi người nhìn nhận là không tốt, thậm chí là kẻ xấu nhưng khi đã yêu, ta vẫn khẳng định đó là người tốt. Nếu người đó không hoàn toàn tốt thì ít ra cũng có mặt nào đó ta cho là tốt. Không ai thực sự yêu một người mà lại nghĩ rằng đó là kẻ xấu. Cùng lắm người ta có thể thương (giống như thương hại) chứ không thể là tình yêu đích thực.
Ba là tình cảm trí tuệ…
Tức là sự cảm phục về trí tuệ, tài năng của đối tượng yêu. Là cái mà ta có thể nghĩ rằng người đó "hơn hẳn thiên hạ một cái đầu". Từ lâu, người ta vẫn cho rằng "gái ham tài, trai ham sắc".
Thực ra, ngay cả nam giới cũng phải lòng những người con gái thông minh, khéo léo. Không một người đàn ông nào có thể thực sự yêu một người con gái, nếu anh ta nghĩ rằng người đó đần độn, ngu ngốc.
Tất nhiên, cũng có thể có đàn ông không thích phụ nữ quá thông minh sắc sảo hay quá tài giỏi. Nhưng nếu bỏ chữ "quá" đi thì đa số đàn ông vẫn cứ mê. Bởi vì từ cảm phục một ai đó đến yêu người ấy là một khoảng cách rất gần.
Bốn là sự hấp dẫn tình dục
Đó là sự ham muốn nhau về thể xác. Có người không muốn đưa yếu tố này vào thước đo của tình yêu vì nó có vẻ "trần tục", không xứng với thứ tình cảm thiêng liêng này.
Nhưng tiếc rằng, nếu loại trừ yếu tố đó ra, làm sao phân biệt được tình yêu với tình bạn? Sự hấp dẫn tình dục chính là một trong những đặc trưng cơ bản của tình yêu trai gái.
Tuy nhiên, không ít trường hợp người ta dễ nhầm lẫn sự hấp dẫn tình dục với tình yêu. Bởi vì khát khao tình dục nhiều khi cũng si mê đến khắc khoải, bồn chồn. Đứng trước một tình yêu, nếu có khi nào bạn tự hỏi liệu đây có phải tình yêu đích thực hay không thì bốn yếu tố trên đây có thể là dụng cụ đo lường tình yêu của bạn.
Có điều dụng cụ này không giống như máy phát hiện tiền giả mà phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng nó. Có thể máy đo vẫn chính xác nhưng nếu nhìn vào bảng đồng hồ bằng con mắt của kẻ đang ngây ngất vì yêu thì kim sẽ nhảy loạn xạ và cho ta những kết quả không đáng tin cậy.
Tuy nhiên, tình yêu không bao giờ ổn định, nó luôn biến động. Có thể ngày hôm nay là tình yêu đích thực nhưng nếu không biết cách nuôi dưỡng thì không bao lâu sau nó sẽ đổi màu thành ra giả dối. Chứ không phải một khi đã yêu đích thực thì tình yêu ấy sẽ giữ nguyên màu sắc ấy và theo ta đi suốt cuộc đời.
Khi một chàng trai muốn chung sống không hôn thú với bạn, tất nhiên anh ta sẽ rót vào tai bạn những lời hứa, anh ta sẵn sàng thề sẽ chung sống với bạn suốt đời. Có thể ở thời điểm ấy cả hai đều yêu chân thành, say đắm và họ dự định sẽ kết hôn để chung sống suốt đời. Nhưng sau một thời gian "sống thử", những khát khao nhất là về tình dục trở nên nhàm chán, cuộc sống chung bắt đầu tẻ nhạt, những mâu thuẫn nảy sinh và tình yêu đích thực dần dần đổi màu.
Hầu như ngày nào cũng có những cô gái gọi đến các trung tâm tư vấn tình yêu than thở về nỗi họ bị người yêu đối xử hờ hững, lạnh nhạt, thậm chí "trở mặt" và hỏi bây giờ phải làm thế nào?
Mỗi trường hợp đều có nguyên nhân riêng của nó. Nhưng nếu tổng hợp lại tìm ra một nét chung thì có thể rút ra là hầu như tất cả những cô gái đó đều quá yêu, đem hết dâng hiến cho tình yêu chẳng giữ lại cho mình cái gì cả và chính điều đó làm đàn ông chán họ.
Giống như người thám hiểm, sau khi đã biết mọi chân tơ kẽ tóc của cái vùng đất trước kia đầy bí ẩn đối với mình, giờ đây chẳng còn gì để thám hiểm nữa và thế là họ nảy ra ý định đi thám hiểm nơi khác lý thú hơn. Thế ra với đàn ông, yêu là thám hiểm?
Nhà tâm lý Catherine Roig đã để ra hàng chục năm nghiên cứu về tâm lý đàn ông xác nhận rằng, đúng như thế! Bà nói thêm, điều đó chẳng có gì lạ, bất cứ ai cũng bị hấp dẫn bởi cái mới lạ, chưa biết, khiến cho mình háo hức. Có những cô gái mới yêu được ít lâu, đã đến nhà người yêu, thu dọn giặt giũ cho anh ta, nấu ăn cùng anh ta, có đêm ở lại với anh ta.
Thành ra, tuy chưa kết hôn, cô gái đó đã muốn vào vai người vợ. Vậy thì người con trai ấy cần gì phải cưới cô ta nữa khi thấy mình chưa cưới nhưng cũng như đã có vợ rồi?
Ngày nay, lại có những cô gái chẳng cần biết tình yêu có phải là đích thực hay không vẫn cứ quan hệ buông thả. Một chàng trai hỏi: "Bạn gái tôi nói rằng cô ấy không yêu tôi nhưng mỗi lần gặp nhau, cô ấy vẫn ôm hôn tôi, giá tôi có đi xa hơn chắc cô ấy cũng không chối từ. Tôi không hiểu tâm lý con gái như vậy là thế nào, họ có thật lòng không hay muốn thử thách tôi? Rất mong được chuyên gia tâm lý giải đáp".
Lưu ý rằng, nếu bạn gái đó nói không yêu bạn mà vẫn ôm hôn và sẵn sàng đi xa hơn thì chưa biết chừng đối với những người "không yêu" khác cô ta cũng có thể "thử thách" như vậy. Nếu đúng thế, cô ấy thuộc loại người quá dễ dãi trong quan hệ thể xác và rất dễ trở thành "đồ chơi chung" của nhiều bạn trai mà cô ta... không yêu.
Hậu quả của lối sống buông thả đó là rất dễ phải đi nạo phá thai nhiều lần và có nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh xã hội nguy hiểm mà chắc chắn cô ấy sẽ phải hối tiếc. Thế mới biết có được tình yêu đích thực đâu phải là dễ dàng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn