Sống với nhau lâu dài, đó là vì nghĩa, không phải vì tình

12:31 CH @ Thứ Tư - 04 Tháng Ba, 2020
Hoàng Anh Sướng:- Do quá dễ dãi, hời hợt trong tình yêu nên nhiều bạn trẻ hiện nay luôn cảm thấy cô đơn. Họ không thể tìm được tình yêu đích thực, không có truyền thông tốt đối với người khác, kể cả những người thân trong gia đình. Cảm giác cô đơn rất phổ biến trong xã hội ta. Chính cảm giác tiêu cực ấy đã thúc đẩy họ đi tìm thú vui nhục dục như là một cách để khỏa lấp. Họ tin tưởng một cách ngây thơ rằng: Quan hệ tình dục sẽ giúp họ cảm thấy bớt cô đơn. Niềm tin ấy có đúng không, thưa Thiền sư?
.
Điều ấy không đúng. Khi không có đủ truyền thông với người khác về mặt tâm hồn, quan hệ tình dục sẽ đào sâu thêm hố ngăn cách và hủy diệt cả hai bên. Quan hệ của ta sẽ đầy bão tố, ta sẽ chỉ làm khổ nhau. Niềm tin rằng quan hệ giới tính sẽ giúp ta giải tỏa cô đơn là một thứ mê tín. Ta không nên bị nó đánh lừa. Trên thực tế, ta sẽ cảm thấy còn cô đơn hơn sau đó. Sự kết hợp của hai thân thể chỉ tích cực khi nào có hiểu biết và cảm thông về mặt tâm hồn. Ngay cả giữa vợ và chồng, nếu sự cảm thông về tâm hồn không có thì sự đến với nhau của hai thân thể chỉ làm cho hai người xa cách nhau thêm. Trong trường hợp đó, tôi khuyên các bạn hãy tránh quan hệ thân xác và tìm cách tái lập truyền thông trước đã.
.
.
Hoàng Anh Sướng: -Tiếng Việt có hai chữ “tình” và “nghĩa”, rất khó dịch ra tiếng Anh. Hai chữ đều có nghĩa gần giống với thương yêu. Trong “tình” ta thấy có yếu tố say mê sôi nổi. Sự say mê này có thể rất sâu, tràn ngập cả con người mình. “Nghĩa” là một loại tiếp nối của “tình”. Với “nghĩa” ta thấy đằm hơn, có nhiều hiểu biết hơn, sẵn sàng hy sinh để làm cho người kia hạnh phúc hơn, trung thành hơn. Ta không còn hăng say như trong “tình”, nhưng tình thương của ta sâu hơn và bền hơn. “Nghĩa” sẽ giữ hai người với nhau lâu dài. Đó là kết quả của sự sống chung và chia sẻ niềm vui, gian khó trong thời gian dài. Thiền sư có nghĩ như vậy không?
.
Ta bắt đầu bằng sự đam mê, nhưng sống với nhau ta gặp phải khó khăn, và nhờ tìm cách ứng phó với những khó khăn này mà tình yêu của ta sâu đậm thêm. Trong khi sự đam mê phai lạt thì “nghĩa” lại mỗi lúc một tăng trưởng. “Nghĩa” là một thứ tình thương sâu hơn, với nhiều trí tuệ hơn, tương tức hơn, đoàn kết hơn. Ta hiểu người kia hơn. Ta và người kia trở thành một thực thể. “Nghĩa” giống như một trái cây đã chín. Nó không còn chua chát nữa; chỉ có vị ngọt thôi. Trong “nghĩa”, ta thấy biết ơn người kia. “Cảm ơn vì đã chọn tôi. Cảm ơn vì đã làm vợ hay chồng tôi. Có biết bao người ngoài kia, tại sao lại chọn tôi? Tôi rất biết ơn!” Đó là chỗ bắt đầu của “nghĩa”, cảm giác biết ơn người ấy đã chọn mình làm người bạn đồng hành để chia sẻ những gì tốt đẹp nhất của người ấy, cũng như những hạnh phúc và khổ đau của mình.
.
Khi sống chung, ta hỗ trợ lẫn nhau. Ta bắt đầu hiểu được cảm thọ và những khó khăn của nhau. Khi người kia tỏ ra hiểu được những vấn đề, khó khăn và chí hướng sâu xa của mình, ta cảm thấy biết ơn sự hiểu biết đó. Khi thấy được người khác hiểu, ta không còn khổ sở nữa. Hạnh phúc, trước hết là cảm thấy được hiểu. “Tôi biết ơn anh vì đã chứng tỏ là anh hiểu tôi. Trong khi tôi đang gặp khó khăn và thao thức trắng đêm, anh săn sóc tôi. Anh tỏ cho tôi thấy rằng sự an nguy của tôi cũng là sự an nguy của anh. Anh đã làm những điều không thể làm được để mang lại an ổn cho tôi. Anh đã săn sóc tôi theo một cách mà không ai trên đời này có thể có được. Vì vậy tôi biết ơn anh.”
.
Hoàng Anh Sướng: - Nếu hai người sống với nhau lâu dài, “cho đến khi đầu bạc răng long”, đó là vì “tình” hay vì “nghĩa”?
.
Đó là vì “nghĩa”, không phải vì “tình”. “Tình” là tình thương say đắm bồng bột. “Nghĩa” là thứ tình thương có nhiều hiểu biết và biết ơn ở trong. Mọi tình thương đều có thể bắt đầu bằng sự say mê, nhất là với người trẻ. Nhưng trong quá trình sống với nhau, họ phải học và thực tập yêu thương, để sự ích kỷ – khuynh hướng chiếm hữu – sẽ dần bớt đi, và yếu tố hiểu biết, thương yêu sẽ tụ lại dần dần, cho đến khi tình thương của họ trở thành nguồn nuôi dưỡng, bảo vệ và bảo đảm, yên tâm. Với “nghĩa”, ta biết chắc người kia sẽ chăm sóc ta và thương ta cho đến khi “đầu bạc răng long”. Không có gì bảo đảm được người kia sẽ ở mãi với ta, ngoại trừ “nghĩa”. “Nghĩa” được bồi đắp bởi hai người trong đời sống hàng ngày.
.
Thiền là nhìn vào bản chất tình thương của mình để xem những yếu tố nào có mặt trong đó. Ta không thể nói tình thương của mình chỉ là “tình” hay “nghĩa”, chiếm hữu hay vị tha, bởi trong tình thương có thể có cùng một lúc hai yếu tố. Có thể có 90% là tình yêu chiếm hữu, 3% là tình thương vị tha, 2% là sự biết ơn…
.
Hãy nhìn sâu vào bản chất tình thương của mình để nhận diện ra. Hạnh phúc của người kia và hạnh phúc của bạn tùy thuộc vào bản chất tình thương của bạn.
.
Lẽ đương nhiên ta có tình thương, nhưng điều quan trọng là bản chất của tình thương đó. Nếu ta nhận thấy có nhiều Từ và Bi [1] trong tình thương của mình, thì tình thương ấy rất đáng yên tâm. “Nghĩa” sẽ bền trong tình thương ấy. Con cái, nếu chịu khó nhìn kỹ sẽ thấy điều giữ cha mẹ mình lại với nhau chính là “nghĩa” chứ không phải “tình” say đắm. Nếu cha mẹ biết chăm sóc cho nhau, trông nom con cái với sự bình tĩnh, dịu dàng, quan tâm, thì “nghĩa” chính là nền tảng của sự quan tâm đó. Đó là thứ tình thương chúng ta rất cần cho gia đình và xã hội ta.
Trong việc thực tập Giới thứ ba [2], chúng ta phải luôn luôn nhìn vào bản chất tình thương của mình để thấy rõ và không bị gạt bởi cảm thọ của mình. Đôi khi ta nghĩ ta thương một người, nhưng tình thương ấy có thể chỉ là một cố gắng để thỏa mãn những nhu yếu vị kỷ của mình mà thôi. Có thể ta chưa nhìn sâu đủ để thấy những nhu yếu của người kia, trong đó có nhu yếu được an toàn, được bảo vệ. Nếu có cái nhìn khai mở đó, ta sẽ nhận ra rằng người kia cần sự bảo vệ của ta, và ta không thể xem người ấy đơn thuần như một đối tượng ham muốn của mình. Người kia không nên bị xem là một món hàng.
.
.
Hoàng Anh Sướng: - Nhiều khi, tình yêu là một căn bệnh. Ở Tây Phương cũng như Á châu đều có từ “bệnh tương tư”. Cái làm chúng ta bệnh là sự ràng buộc. Dù đó là một nội kết [3]ngọt ngào, thứ tình thương ràng buộc này cũng giống như thuốc phiện. Nó làm cho chúng ta thấy khoan khoái, nhưng một khi đã nghiện ngập ta không còn chút bình an nào nữa. Ta không thể học, không thể làm việc gì, thậm chí không thể ngủ. Ta chỉ nghĩ đến đối tượng kia thôi. Ta bị bệnh vì tình. Tại sao vậy, thưa Thiền sư?
.
Chữ tình viết ra chữ Hán [#], bên trái có bộ tâm [#] tức là trái tim, bên phải có chữ thanh [#] là mầu xanh lục. Trái tim mầu xanh. Trái tim ban đầu thì mầu xanh, sau có thể biến thành mầu khác, nhưng làm sao để nó đừng thành mầu đen. Cái tình lúc ban đầu thì rất bồng bột, nóng bỏng, có tính chất đam mê. Đó là bản chất của tình. Khi đang bị năng lượng tình chiếm cứ thì mình không được an ổn lắm. Ăn không an mà ngủ cũng không an, giống như bị đốt cháy vậy. Đó là ngọn lửa. Người nào có đi qua rồi thì biết. Khó an trú trong hiện tại lắm, cứ nghĩ tới cái giây phút mình sẽ được gặp người đó, được ngắm nhìn người đó, chỉ ngồi ngắm không là đủ no rồi, khỏi cần ăn. Càng nhiều trở ngại chừng nào thì đam mê càng lớn chừng nấy. Sự trở ngại là một chất liệu làm cho tình yêu càng lớn mạnh (lễ giáo, công ước xã hội…). Hoàn cảnh dễ dàng quá thì nó không lớn mạnh. Ngày xưa có điện thư, điện thoại, đôi khi đợi một lá thư tình phải chờ từ tuần này sang tuần khác. Và mỗi ngày bồn chồn tự hỏi: Đáng lý ngày hôm qua lá thư đó phải tới rồi, nhưng sao nó chưa tới? Mình đợi cả hai mươi bốn giờ đồng hồ, cho tới cái giờ mà ông phát thư đi ngang qua trước ngõ. Ông phát thư thường đi qua lúc mười giờ sáng, lúc chín giờ mình đã bắt đầu đợi. Ông phát thư sáng nay sao mà đi trễ quá, đi chậm quá! Mình đếm từng bước của ông ta. Và nếu ông đi ngang qua mà không dừng lại thì mình buồn lắm. Phải đợi hai mươi bốn giờ đồng hồ nữa.
.
Khi bị tình yêu chiếm cứ, mình không có khả năng an trú trong hiện tại. Nó có sự bồng bột, sự đốt cháy. Nó không có được sự an ổn. Cho nên ở Tây phương, người ta nói khi yêu tức là mình bị té, bị ngã (falling in love). Đang đi bình thường thì tự nhiên bị té xuống. Người Việt Nam thay vì nói té thì nói ốm, nói cảm. Tây phương cũng nói ốm (love sick). Nguyễn Bính có viết hai câu thơ: “Gió mưa là bệnh của trời, tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.” Trời tốt đẹp thì không bị bệnh, mà hễ có gió, có mưa là bị bệnh. Tương tư tức là cứ ngồi đó mà nhớ nhau, không làm ăn được gì hết. Ốm tương tư là nhớ quá thành bệnh, như nàng Mỵ Nương với chàng Trương Chi. Thành ra, tình yêu là một cơn bệnh. Tình yêu bùng lên rất mạnh nhưng nếu được dễ dàng thỏa mãn thì nó chết cũng rất mau. Đam mê như một ngọn lửa lên rất cao, khi tàn lụi cũng rất là mau.
.
Thứ tình này dính líu đến ước muốn chiếm hữu và độc quyền của ta. Ta muốn đối tượng tình yêu của ta phải hoàn toàn thuộc về ta và chỉ cho riêng ta mà thôi. Đó là sự chuyên chế. Ta không muốn ai ngăn ta ở gần người đó. Thứ tình yêu này có thể được gọi là nhà tù, nơi ta giam cầm người ta thương và chỉ gây khổ đau cho người ấy. Người bị thương bị tước đoạt đi tự do – quyền được là mình và vui sống. Thứ tình yêu này không thể được gọi là Từ hay Bi. Nó chỉ là ước muốn dùng người khác để thỏa mãn những nhu cầu của mình mà thôi.
[…]
.
Hoàng Anh Sướng: - Tôi rất tâm đắc với những điều Thiền sư bàn về chữ “tình” và chữ “nghĩa”. Trong đời sống vợ chồng, tòa lâu đài hạnh phúc vững chãi chỉ có thể xây dựng trên nền tảng của “nghĩa”. Song làm thế nào để chuyển hóa từ thứ tình đắm say bồng bột đến thứ tình thương có nhiều hiểu biết và biết ơn là “nghĩa” lại không hề dễ dàng.
.
Ở Việt Nam, ngày xưa người ta không nấu cơm bằng gas hay bằng điện như bây giờ mà nấu bằng rơm. Rơm cháy rất mau. Có cách nào để làm cho rơm cháy chậm lại? Mình đặt một nắm rơm vào và lấy cái đũa bếp đè xuống thì nắm rơm sẽ cháy từ từ, được lâu hơn. Ở nông thôn Việt Nam ngày xưa còn nấu bằng trấu. Trấu tức là vỏ lúa. Không có hộp quẹt vì vậy người ta phải nuôi lửa. Nuôi lửa hay nhất là bằng trấu: mình đổ vào một vài bát trấu thì trấu cháy ngún rất lâu. Sáng dậy mình khơi ra thì còn lửa trong bếp.
.
Ngày xưa, người Việt Nam có truyền thống đi xin lửa, vì không có hộp quẹt. Mỗi khi nấu cơm, nếu nhà mình không có trấu để giữ lửa thì mình phải qua hàng xóm xin lửa. Mình phải cầm một nắm rơm dài, dúi vào chỗ lửa trấu đang còn cháy, đợi chừng hai, ba chục giây. Khi thấy khói lên thì mình biết nắm rơm đã bén lửa rồi, chỉ cần thổi một hơi nhẹ là lửa cháy len. Mình lấy một nắm rơm khác, nắm lại, đem về thì nó tiếp tục cháy. Ngày xưa, đi xin lửa là chuyện mỗi ngày.
.
Tình là ngọn lửa rơm mau tàn. Còn nghĩa là lửa trấu, cháy suốt đêm. Ân nghĩa là cái phải tiếp nối cái tình. Tình phải được bắt đầu cho khéo để từ từ đưa tới cái nghĩa. Ân nghĩa là cái nuôi dưỡng một cặp vợ chồng cho tới khi đầu bạc răng long. Răng long thì đi làm răng giả, còn đầu bạc thì đi mua thuốc nhuộm. Nhưng nuôi dưỡng nghĩa chúng ta phải nuôi dưỡng bằng thương yêu. Mỗi ngày mình phải xây dựng cái ơn và cái nghĩa. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ săn sóc đều là tạo ra ơn và nghĩa. Chính cái đó nó là keo sơn giúp cho một cặp vợ chồng sống với nhau suốt đời.
Nguồn:Iffect
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 30 câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh giúp bạn sống hạnh phúc hơn

    19/03/2019Thư VĩHãy cùng đọc những lời thầy Thích Nhất Hạnh dạy để khiến bạn sống hạnh phúc hơn...
  • Đối thoại với thiền sư Thích Nhất Hạnh về hạnh phúc

    08/12/2014Buổi trực tuyến giữa nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (tổng biên tập VietNamNet) với thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chiều 4.5.2008 diễn ra với nhiều nội dung thú vị. Nhưng điều đọng lại lớn lao nhất, ấn tượng nhất trong người nghe là sự lý giải, gợi mở của thiền sư về hai chữ HẠNH PHÚC của con người...
  • 6 bài học về hạnh phúc đích thực từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh

    10/10/2018Thu HoàiĐã đến lúc bạn cần hiểu những điều cơ bản nhất về hạnh phúc đích thực...
  • Những bài viết của Trịnh Công Sơn về tình yêu

    26/02/2020Sưu tầmNgười ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu...
  • Tại sao Google tìm cầu tuệ giác của Thiền sư Thích Nhất Hạnh?

    30/10/2018Sư cô Tại Nghiêm chuyển ngữTại sao nhiều tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, trong đó có Google, lại dành sự quan tâm đặc biệt đối với một vị Thiền sư Phật giáo người Việt đã 87 tuổi.
  • Cho nhau một tình yêu - Trẻ mãi không già

    16/01/2018Thu GiangMột chiếc điện thoại, một lời hẹn đến một quán café lãng mạn hay một buổi tối cùng nhau đi dạo vòng quanh những con phố bình yên… Tất cả những điều đó đã được nhiều cặp vợ chồng trẻ thời hiện đại ngày nay coi là một cách để thể hiện lòng chung thủy của mình với bạn đời. Chữ “chung thủy” trong giới trẻ thời hiện đại có thể coi là những ngọn gió mới để nhiều đôi uyên ương tìm thấy một tình yêu trẻ mãi không già và xây dựng một tổ ấm hạnh phúc...
  • Nghe Phật dạy về tình yêu

    14/02/2016Hằng NguyễnNày người trẻ, bạn có biết Phật dạy như thế nào về tình yêu? Tôi đã may mắn tham dự một buổi pháp thoại của Thiền sư Nhất Hạnh về tình yêu: mối quan hệ giữa yêu thương và hiểu biết, tình yêu từ bi hỉ xả, tình yêu và tình dục. Ông gọi đó là “yêu thương theo phương pháp Phật dạy”...
  • Oprah đàm đạo với thiền sư Thích Nhất Hạnh

    19/03/2014Phù Sa chuyển ngữTrên trang nhà Oprah.com, chúng tôi đọc được lời giới thiệu sau đây của Oprah về Thiền sư Nhất Hạnh, người mà cô được đặc cách phỏng vấn vào tháng 9, 2009 tại Nữu Ước, khi thiền sư tới đó hoằng pháp...
  • xem toàn bộ