Siêu hình tình yêu

10:10 SA @ Thứ Năm - 10 Tháng Mười Một, 2016

Các vị là những bực minh triết, học vấn cao thâm
Các vị lý hội và hiểu biết
Làm sao, nơi nao và khi nào tất cả đều phối hợp?
Tại sao tất cả đều trao đổi yêu đương ân ái?
Hỡi các vị, các bực chí minh, hãy nói tôi biết đầu đuôi!
Hãy cho tôi thấy chuyện gì đã xảy đến cho tôi,
Hãy cho tôi thấy nơi nao, làm sao và khi nào
Tại sao chuyện như thế lại đến với tôi?

Burger[1]

Người ta có thói coi các nhà thơ nhất thiết chỉ lo mô tả ái tình. Ái tình thường là đề tài chính của mọi vở kịch, cổ điển cũng như lãng mạn, Ấn như Âu; đồng thời nó cũng vẫn là chất liệu của phần lớn thi ca trữ tình và hùng tráng; chưa hết, ngoài thi ca còn hàng đống tiểu thuyết mà tại mọi xứ văn minh ở Âu, và từ bao thế kỉ nay, mỗi năm sản xuất đều đều cũng như hoa quả của trái đất. Tất cả các tác phẩm ấy xét cho cùng đều chẳng qua chỉ là những sự diễn tả, hoặc sơ sài, hoặc tỉ mỉ, về cái đam mê mà chúng ta đề cập đến đây. Lại nữa các mô tả thành công nhất về cái này, chẳng hạn như Roméo và Juliette, La Nouvelle Héloise, Werther, đều trở thành bất hủ. La Rochefoucauld[2]cho rằng ái tình đam mê cũng chẳng khác gì ma, ai ai cũng nói đến, nhưng chẳng ai thấy; và Lichtenberg[3]cũng vậy, trong tập khảo luận về sức mạnh của ái tình, ông cũng phủ nhận và bác bỏ cái thực tính của đam mê này cùng sự phù hợp của nó với thiên nhiên: nhưng đó là một sự lầm lẫn lớn. Vì một cái gì xa lạ và trái với bản chất con người, tức là một sản phẩm kỳ cục riêng của tư tưởng, không thể nào lại đời đời được thiên tài thi ca không ngớt mô tả, và lại được nhân loại tiếp đón với một lòng ái mộ không bao giờ khô cạn; vì không có chân lý không thể có thẩm mỹ:

Không gì đẹp bằng cái thật: chỉ cái thật mới đáng yêu.

Boileau[4]

Kinh nghiệm cũng lại xác nhận, nếu không thông thường, thì ít ra cũng chắc chắn, rằng một khuynh hướng mà thường chỉ diễn ra với một cường độ khả dĩ còn kiềm chế được, có thể, trong vài trường hợp, gia tăng đến mức trở thành một đam mê mãnh liệt vượt hẳn mọi đam mê khác; lúc đó nó vứt bỏ mọi suy xét và vượt qua mọi trở ngại với một nghị lực và một sự bền bỉ, ngoài sự tưởng tượng, đến nỗi, để thỏa mãn nó, người ta liều mạng, và còn thí bỏ mạng mình một cách khinh miệt, một khi sự thỏa mãn vẫn bị từ khước. Các Werther và Jacques Ortis[5] chẳng phải chỉ có trong tiểu thuyết, mà trái lại, hàng năm ở bên Âu còn thấy ít ra cũng nửa tá: sed ignotis perierunt morlibus illi (nhưng họ đã chết trong tăm tối), vì cái nỗi khổ đau của họ chả được ai ghi chép ngoài người biên tập biên bản hành chính hay phóng viên nhà báo. Nhưng những ai hay đọc các tin cảnh sát trên báo hàng ngày của Anh hay Pháp hẳn chứng nhận rằng tôi nói đúng. Tuy nhiên số người mà tình lụy đưa đến nhà thương điên còn đông hơn nữa. Sau hết, hàng nằm người ta còn chứng kiến bao nhiêu cặp trai gái tự tử vì tình duyên trắc trở, vì hoàn cảnh éo le; quả thật tôi không tài nào hiểu nổi là những người, khi yêu và biết chắc mình được yêu và hi vọng được hưởng ở tình yêu ấy một hạnh phúc tột độ, lại không thích tìm mọi cách để tránh né các éo le oan trái và chịu đựng mọi đau khổ, thay vì là từ bỏ cùng với đời sống một cái hạnh phúc mà ngoài ra họ không thể thấy có hạnh phúc nào hơn. Nhưng còn về các mức độ thấp hơn cùng các manh ý nhất thời của tình lụy thì hàng ngày chả ai lại không từng mục kích, và nếu như còn trẻ, lại còn thường cảm thấy ngay trong lòng mình.

Do đó, theo như những gì tôi vừa nhắc nhở, người ta không còn có thể nghi ngờ gì về cái thực tính và tầm quan trọng của tình lụy, và vì thế, thay vì ngạc nhiên rằng một triết gia lại lấy cái đề tài cố hữu kia của các nhà thơ là đề tài của mình, người ta tốt hơn nên ngạc nhiên rằng một đề tài hằng đóng một vai trò quan trọng đến thế trong đời sống con người cho đến nay có thể nói là chưa từng được các triết gia nghiên cứu đến, và đối với chúng ta vẫn còn là một chất liệu mà chưa ai đem phân tích. Người từng quan tâm đến nó nhất là Platon, đặc biệt trong cuốn BanquelPhèdre; tuy nhiên những điều ông đưa ra mới thuộc địa hạt huyền thoại, hoang đường và bông lơn, và nhất thiết chỉ liên quan đến cái đồng tính luyến ái của Hy Lạp, Chút ít mà Rousseau[6] có nói trong cuốn Luận về bất bình đẳng(Discuors sur l’Inégalité) vừa không đúng vừa thiếu sót. Đoạn của Kant, trong tiết thứ ba luận về “cảm thức cái đẹp và cái cao cả” rất ư phiến diện và có phần sai lạc vì thiếu xét đoán. Sau hết, chắc ai cũng nhận thấy cách thức của Platner bàn về vấn đề trong cuốn Nhân chủng họccủa ông có phần nhạt nhẽo và kém cỏi. Trái lại định nghĩa của Spinoza[7]đáng được đơn cử để mua vui cho khán giả vì tính chất ngớ ngẩn lạ kì của nó như: Amor est titillatino, concomitante idea causae externae (Tình yêu là sự kích thích đồng thời là một ý niệm do bên ngoài phát khởi).

Do đó, tôi cũng phải viện đến các bậc tiền bối, cũng chẳng phải bác bỏ họ; vấn đề đến với tôi một cách khách quan và tự nó đặt mình vào toàn bộ quan niệm của tôi về thế gian. Vả lại, tôi cũng không chờ đợi một sự tán thưởng nào của những người đúng ra đang chìm lặn trong tình lụy và tìm cách đề cao các tình cảm của họ bằng những hình ảnh cao siêu và thanh khiết nhất: với những người này, quan niệm của tôi hẳn có vẻ quá thể xác, quá vật chất, trong khi thật ra nó rất siêu hình, rất siêu việt. Trước hết, xin họ biết cho rằng họ chắc không buồn để ý đến cái đối tượng hiện giờ đang gây hứng cho nguồn thơ châm biếm của họ nếu phải như nó được khai sinh mười tám năm về trước.

Thật vậy, mọi loại tình yêu, dù cho đượm vẻ thanh khiết cách mấy, cũng đều bắt rễ từ bản năng chủng tính, và chỉ là một bản năng chủng tính được xác định rõ rệt hơn, chuyên biệt hơn, và nói đúng ra, cá biệt hơn. Biết được cái chân lý này rồi, giờ đây ta hãy nghiên cứu vai trò quan trọng của tình ái trong mọi mức độ và sắc thái của nó, không những trong các vở kịch và các tiểu thuyết, mà còn trong cả đời sống thực tế; ta thấy rằng, cùng với cái ham sống, nó là động cơ mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất, nó luôn luôn thu hút được sự đóng góp bằng nửa năng lực và tư tưởng của thành phần trẻ nhất của nhân loại, nó là mục đích tối hậu của hầu hết các nguyện vọng của con người, nó có ảnh hưởng tai hại đối với các vụ quan trọng nhất, làm gián đoạn bất cứ lúc nào những công cuộc đứng đắn nhất, đôi khi làm bối rối các đầu óc vĩ đại không nhiều thì ít, nham nhở len lỏi vào các cuộc thương lượng của các chính khách cùng các cuộc tìm tòi của các nhà bác học để làm họ rối trí, lại còn dở cả trò luồn các thư tình và mớ tóc vào cặp da tổng trưởng, vào các bản thảo triết học, đã thế còn hàng ngày âm mưu những cuộc xung đột hết sức rối rắm, hết sức trầm trọng, gỡ bỏ những liên hệ quý báu nhất, cắt đứt những sợi ràng buộc bền bỉ nhất, khi thì hy sinh tính mạng và sức khỏe, khi thì hy sinh tiền của, danh vọng và hạnh phúc, thôi thì đủ thứ! Khiến con người xưa nay lương thiện trở thành kẻ bất lương, con người xưa nay chung thủy thành kẻ phản bội, - nghĩa là nói chung hành động chẳng khác nào con quỷ thù nghịch, cố làm xáo trộn hết, làm rối loạn hết, làm đổ vỡ hết, - khiến người ta phải thốt lên: tại sao phải ồn ào đến thế? Tại sao phải lăng xăng, hùng hổ, lo âu và khốn khổ đến thế? Tựu trung cũng chỉ là mỗi chàng tìm cho được mỗi nàng: tại sao chuyện nhỏ mọn như thế lại đóng một vai trò quyết định đến thế và không ngớt làm rắc rối, làm xáo trộn hẳn trật tự của nếp sống con người? - Nhưng tinh thần chân lý dần dà đưa lại lời giải đáp cho người dày công tìm kiếm: đây chẳng phải là một chuyện nhỏ mọn; trái lại tầm quan trọng của nó rất tương xứng với sự hao tâm tổn trí mà người ta thường dành cho nó. Cứu cánh tối hậu của mọi chuyện tình, dù sang hay hèn, thật ra vẫn quan trọng hơn mọi mục đích khác của đời sống con người và do đó đáng được mỗi người theo đuổi nó một cách vô cùng thành khẩn. Cái được quyết định như thế thật ra chẳng qua chỉ là sự cấu tạo thế hệ sau. Sự hiện diện và bản chất của các diễn viên sẽ lên sân khấu thay ta cũng do các chuyện tình lăng nhăng đó xác định. Cũng như sự hiện diện, cái Hiện hữu, của các nhân vật tương lai hay dở ra sao cũng tùy ở bản năng chủng tính của chúng ta nhận xét theo thể thức tổng quát của nó, cũng như yếu tính, cái Tinh túy của họ tùy ở sự lựa chọn của cá nhân trong sự thỏa mãn bản năng ấy, nghĩa là tình ái, và do đó được an bài về mọi mặt. Đó là chìa khóa của vấn đề: ta sẽ biết nó rõ hơn bằng cách dùng nó, khi ta trải qua mọi mức độ của tình cảm yêu đương, từ cái thoáng yêu cho đến cái yêu mãnh liệt đắm đuối, và rồi lúc đó ta sẽ hiểu rằng sở dĩ nó thiên biến vạn hóa cũng vì mức độ lựa chọn thiên biến vạn hóa của từng cá nhân.

Vì thế cho nên, đối với toàn thể nhân loại, toàn bộ các vụ tình sử là sự nghiêm trọng suy tư về sự cấu tạo thế hệ tương lai, vì từ thế hệ này sẽ tùy thuộc hằng hà sa số thế hệ khác (meditatio compositionis generationis futurae, e qua iterum pendent innumerae generatines).Do đó, ở đây cũng như ở bất cứ trường hợp nào khác, vấn đề chẳng phải là sự hạnh phúc và sự bất hạnh của các cá nhân, mà là sự sống còn và thể cách đặc biệt của nhân loại mai sau, làm sao cho ý chí cá nhân ở vào mức độ cao nhất của nó biểu thị như là ý chí của chủng loại: điều này vô cùng quan trọng và là cái xúc động, cái trác tuyệt của mọi tình sử, là cái tính chất siêu việt của những niềm vui sướng và đau khổ của nó, mà các nhà thơ vạn thuở đến nay hằng không ngớt mô tả trong không biết bao nhiêu câu chuyện. Không đề tài nào hấp dẫn bằng đề tài này, vì nó liên quan đến cái sướng cái khổ của chủng loại, và do đó liên quan đến mọi đề tài khác dính líu đến cái hạnh phúc riêng của cá nhân, cũng như vật thể liên quan đến bình diện phẳng vậy. Vì thế cho nên, một vở tuồng lại thiếu chuyện tình tứ thì không thể hấp dẫn, và cũng vì thế mà đề tài kia không bao giờ nhàm chán, dù được sử dụng hàng ngày.

Cái gì biểu lộ trong tâm thức cá nhân như là bản năng chủng tính đơn thần mà không nhắm vào một cá nhân nhất định nào thuộc giới kia, cái đó tức là cái muốn-sống nhận thức ở tự nó và ngoài hiện tượng. Nhưng cái gì mà phát hiện như là bản năng hướng về một cá nhân nhất định, cái đó tức là ý chí sống dưới hình thức một cá nhân được xác định rõ ràng. Nhưng, trong trường hợp này, bản năng chủng tính, dù chỉ là nhu cầu chủ thể đơn thuần, thừa biết cách khoác lấy mặt nạ ái mộ khách quan để lừa bịp tương tri, vì bản chất cần sử dụng đến mánh khóe để đạt đến các cứu cánh của mình. Rằng tuy nhiên, dù cho sự ái mộ kia có khách quan và cao cả đến đâu chăng nữa, ở mỗi tình cảm yêu đương thật ra chỉ có ý định tạo ra một cá nhân mang một bản chất nào đó, điều này được xác nhận ngay từ đầu ở chỗ điều thiết yếu chẳng phải là được yêu lại, mà là chiếm được, nghĩa là được lạc hưởng thể xác. Biết chắc được yêu mà thiếu lạc hưởng thể xác thì cũng chẳng vui gì; có lắm kẻ, trong trường hợp này, đã tự bắn vỡ sọ. Trái lại, một kẻ rất si, nếu không tài nào được yêu, chỉ cần được chiếm, nghĩa là được hưởng lạc thú nhục dục. Chứng minh cho điều này là những cuộc hôn nhân cưỡng ép, là người đàn bà, dù ghê tởm, vẫn bán mình lấy những tặng phẩm quý giá hay vì hy sinh này khác, là những vụ hiếp dâm. Rồi một đứa bé nhất định nào đó được tạo ra, đó mới là cái mục đích thực sự, mặc dầu các đương sự không muốn biết đến, của mọi câu chuyện tình, còn cách thức cùng các phương tiện để đạt đến nó là phụ. Dù cho các tâm hồn cao thượng và mẫn cảm, nhất là các tâm hồn đa tình, có phẫn nộ trước tính chất thực tế phũ phàng của quan niệm của tôi đến đâu đi nữa, họ vẫn lầm. Vì sự xác định cho đúng cái thế hệ kế tiếp phải chăng lại không là một cứu cánh cao thượng hơn, cao quý hơn là cái cứu cánh của các tình cảm siêu việt của họ và của các bong bóng xà bông vô hình của họ? Thử hỏi, trong các cứu cánh thế tục, còn có cứu cánh nào lại quan trong hơn, lại vĩ đại hơn? Chỉ có mó mới phù hợp với mức sau của tình yêu say đắm, với thái độ nghiêm trọng của tình yêu ấy, với cái quý giá mà tình yêu ấy gán cho cả những cái vụn vặt liên quan đến mình và quy định mình. Chỉ khi nào ta thừa nhận rằng đó là mục đích thực sự của mình thì các khó khăn, các cố gắng và các đau khổ vô hạn để chiếm được người mình yêu mới có vẻ như thích ứng với tình trạng. Vì chính là thế hệ tương lai với tất cả sự nhất quyết cá biệt của nó đòi được ra đời qua các mưu mô và cố gắng ấy. Phải, nó đã tự bộc lộ ngay trong sự lựa chọn rất ư thận trọng, rất ư chính xác, rất ư bướng bỉnh khi người ta tìm sự thỏa mãn bản năng chủng loại mà người ta gọi là ái tình. Thái độ luyến ái gia tăng của đôi nhân tình thực ra đã là ý chí sống của cá nhân mới mà họ có thể và muốn cấu sinh; hơn nữa, sinh tính mới mẻ của nó đã chớm nở ngay khi bốn mắt giao nhau đầy khát vọng, và tự khẳng định như một cái tính mà trong tương lai sẽ điều hòa và chu đáo. Họ cảm thấy muốn phối hợp thực sự, muốn hòa mình thành một thể độc nhất để rồi chỉ sống trong cái thể ấy, và khát vọng của họ được toại khi cá thể do họ cấu tạo được sinh ra và lưu tồn ở nó các đặc tính di truyền của cả hai người pha trộn và hòa hợp vào một cá nhân duy nhất. Ngược lại, sự thù ghét quyết liệt và dai dẳng giữa một người đàn ông và một cô gái cho thấy rằng kẻ mà họ sinh thành không thể gì khác là một kẻ vô tổ chức, thiếu cân đối nội tâm, khốn khổ. Việc Calderon[8], tuy mệnh danh Sémiramis[9] là con gái của không khí, lại giới thiệu nàng như là kết quả của một vụ hiếp dâm sau đó người chồng bị sát hại, do đó có một ý nghĩa sâu sắc.

Nhưng cái gì rốt cuộc thu hút hai cá thể khác giống vào với nhau một cách hết sức mãnh liệt và độc quyền như thế, đó chính là cái muốn-sống hiện tại trong toàn thể chủng loại, nó thực hiện sẵn trước một cuộc khách thể hóa, bản thể của nó phù hợp với các ý định của nó, vào cái cá nhân mà hai con người kia có thể cấu sinh. Vì cá nhân này sẽ thừa hưởng của cha về ý chí hoặc tính tình, của mẹ về trí tuệ, của cả hai về thể chất; tuy nhiên, hình dáng thường thì theo cha, vóc vạc thường thì theo mẹ, phù hợp với định luật thường biểu lộ trong việc lấy giống thú vật buộc rằng với vóc vạc của bào thai là tùy ở vóc vạc của tử cung. Tình yêu đắm đuối đặc biệt và cá biệt của đôi nhân tình cũng khó hiểu như cá tính khác biệt và độc đáo của mỗi người vậy; và xét cho cùng thì vấn đề trong hai trường hợp đều chỉ là một: cá tính thì lồ lộ, tình yêu thì ẩn tàng. Đúng ra phải coi cái lúc mà đôi cha mẹ bắt đầu yêu nhau là lúc chớm nở kì thủy của một cá nhân mới và là điểm lộ (punctum saliens) của đời sống hắn, và như tôi từng nói, chính trong khi bốn mắt giao nhau đầy khát vọng và quyến luyến lấy nhau là khi con người mới nẩy mầm; đành rằng thường thì mầm bị hủy hoại, cũng như tất cả các mầm khác. Cá nhân mới này có thể nói là một ý niệm mới (theo Platon); và cũng như mọi ý niệm đều hung hăng muốn biểu hiện thành một hiện tượng bằng cách bấu víu lấy cái vật chất mà luật nhân quả phân phối giữa chúng, thì cái ý niệm đặc biệt của một cá tính người này cũng thế, cũng muốn biểu hiện mình thành hiện tượng một cách hết sức khao khát và mãnh liệt. Thái độ khao khát và mãnh liệt này, chính là tình yêu đắm đuối của cha mẹ tương lai. Tình yêu này gồm hằng hà sa số mức độ, nhưng tựu chung khi nào cũng là một. Trái lại, về mức độ, tình yêu càng mãnh liệt, nếu càng cá biệt hóa nghĩa là cá nhân được yêu, nhờ ở thể chất và các đặc tính của mình, càng có khả năng độc quyền thỏa mãn khát vọng của tình yêu và nhu cầu mà cá tính riêng biệt của người yêu quy định. Nhưng sau đây chúng ta sẽ nhận định rõ hơn điều này. Tình ý trước hết và nhất thiết nhằm vào sức khỏe, sức mạnh và sắc đẹp, do đó cũng nhắm vào tuổi trẻ, bởi vì ý chí trước hết, đòi hỏi biểu thị rõ rệt cái đặc tính của nhân loại như là căn bản cho mọi cá tính; chim chuột lăng nhăng không đòi hỏi thế. Sau đó còn có những đòi hỏi đặc biệt hơn, mà chúng ta sẽ luận kĩ hơn, và càng đòi hỏi, mối tình càng tăng, nếu như cái đòi hỏi ấy thấy có cơ được thỏa mãn. Nhưng các mức độ cao nhất của nó nảy sinh từ sự phù hợp giữa hai cá tính với nhau, và nhờ sự phù hợp này mà ý chí, nghĩa là tính tình của người cha và trí tuệ của người mẹ được phối kết để hoàn thành chính cá nhân kia mà cái muốn-sống tự tại, hiện diện ở toàn thể chủng loại, cảm thấy khát khao; ý muốn càng mạnh thì khát khao càng mạnh và do đó vượt qua các giới hạn của trái tim thông thường, vì chưng duyên cớ của nó vượt qua khả năng của trí tuệ cá nhân. Đó là linh hồn của một tình yêu vĩ đại và chân chính. - Và nếu hai cá nhân càng cân xứng, trên các quan điểm này khác mà chúng ta sẽ bàn đến sau, tình yêu nhau lại càng tha thiết. Vì chưng không thể có hai cá nhân hoàn toàn như nhau, nên phải một người đàn bà hẳn như thế nào mới tương xứng hoàn toàn với một người đàn ông hẳn như thế nào, - dĩ nhiên trên phương diện của kẻ được cấu sinh. Mối tình thực sự tha thiết cũng hiếm có như sự gặp gỡ giữa hai người hoàn toàn tương xứng. Nhưng vì dù sao khả tính của một mối tình như thế vẫn hiện diện ở mọi người, nên ta thông cảm được các mối tình diễn tả trong các thi phẩm. - Vì chưng tình yêu thực ra quan tâm đến cá thể cần cấu sinh cùng các đặc tính của cá thể ấy, và vì chưng đó là bản chất cốt yếu của nó, nên giữa hai người nam nữ đều trẻ đẹp, vì tâm đầu ý hiệp, vì tính tình tương hợp, có thể có một mối tình bạn, chả cứ phải đi đến tình dục xác thịt mà có khi họ còn ghê tởm tình dục xác thịt là khác. Chứng minh cho điều này là một đứa trẻ do họ cấu sinh có thể có một bản chất không mấy cân đối về thể xác cũng như tinh thần, nội tâm lại là sự hiện hữu cũng như cấu thể của nó không đáp ứng cái cứu cánh của cái muốn-sống, như được biểu thị ở chủng loại. Trong trường hợp trái ngược, nghĩa là khi có sự xung khắc về tình cảm, về tính tình cũng như tư tưởng, đến mức còn thù ghét nhau, tình dục xác thịt tuy nhiên vẫn có thể bộc phát và tồn tại; nếu lại mù quáng bất chấp mọi sự kiện khác, nếu lại còn đi đến hôn nhân thì cuộc hôn nhân sẽ là một oan trái.

Giờ ta hãy đi sâu vào vấn đề. - Lòng ích kỉlà một đặc tính thâm sâu của cá nhân con người, thâm sâu đến mức mỗi khi muốn thúc đẩy một cá nhân làm gì, chỉ có đưa ra những mục đích ích kỉ mới chắc chắn thúc đẩy nổi họ. Đành rằng đối với cá nhân chủng loại có một quyền hành cổ sơ hơn, thiết cận hơn và to lớn hơn là chính cái cá tính mong manh; tuy nhiên khi buộc cá nhân phải hao tâm tổn sức và còn phải hy sinh này khác để bảo tồn và duy trì cấu thể của chủng loại, trí tuệ của nó vốn dĩ chỉ thích ứng với những cứu cánh cá nhân, nên khó mà làm cho nó ý thức được tầm quan trọng của mục tiêu để cho nó hành động sao cho phù hợp với mục tiêu ấy. Vì thế cho nên, trong trường hợp này, muốn đạt được mục đích, thiên nhiên chỉ có cách nhồi cho cá nhân một ảo tưởng, theo đó cá nhân sẽ coi như là một điều lợi cho chính mình cái gì thực ra chỉ lợi cho chủng loại; như thế cá nhân sẽ phục vụ cho chủng loại mà tưởng đâu rằng phục vụ quyền lợi của chính mình, và nhờ thế mà một ảo ảnh biến ngay sau đó lại vẫn còn phảng phất trong đầu óc nó và trở thành một duyệ cớ thay thế cho thực tại. Ảo tưởng này là bản năng. Trong đại đa số các trường hợp, ta phải coi bản năng này như là ý thức chủng loại, nó giới thiệu với ý chí những gì có lợi cho chính nó. Nhưng, vì ở đây ý muốn bị cá biệt, nên nó bị lầm và tri giác qua sự trung gian của cá nhân, những gì mà ý thức chủng loại biểu thị cho nó, và do đó nó tưởng rằng mình theo đuổi các mục đích cá nhân, trong khi chính ra nó chỉ thực hiện những mục đích chủng loại (ở đây chữ này được dùng theo nghĩa đen). Ta thấy rõ được ngoại diện của bản năng hơn ở các thú vật, vì ở thú vật bản năng đóng một vai trò quan trong nhất; nhưng ta chỉ có thể tìm hiểu cơ cấu nội tại của bản năng ở ngay chính ta, cũng như mọi cái nội tại. Chắc ai cũng đồng ý rằng con người hầu như không có bản năng, ngoại trừ bản năng thúc đẩy đứa bé quơ lấy vú mẹ. Nhưng thật ra chúng ta có một bản năng rất chính xác, rất minh bạch và rất phức tạp là khác, nó điều khiển sự lựa chọn một các hết sức tế nhị, hết sức sang trọng và hết sức bền bỉ một cá nhân khác để thỏa mãn nhu cầu dục tính. Cái xấu hay cái đẹp của cá nhân kia không liên quan gì đến sự thỏa mãn ấy, nghĩa là sự khoái lạc nhục dục dựa vào một nhu cầu khẩn thiết của cá nhân.

Tuy nhiên, sự vội vã lo tìm thỏa mãn và sự lựa chọn hết sức ân cần đó quả không liên quan đến kẻ lựa chọn, dù rằng hắn tưởng thế, mà liên quan đến mục đích chính thực, đến cá thể được cấu sinh, cá thể mà ở nó tiêu thức chủng loại phải được lưu tồn sao cho thật thuần túy, thật chính cống. Thật vậy, hình dáng con người có nhiều nét quái dị do các ngẫu nhiên thể chất và các xung khắc tinh thần phát sinh, tuy nhiên tiêu thức thực sự của nó vẫn đầy đủ bộ phận; đó cũng do theo chỉ thị của mỹ cảm nó thường điều khiển bản năng chủng tính, và thiếu nó bản năng này chỉ còn là một nhu cầu ghê tởm. Vì thế cho nên thoạt đầu không ai không thích và thèm muốn một cách háo hức những cá nhân xinh đẹp nhất, nghĩa là những cá nhân mà ở đó nét đặc tính được biểu lộ thuần túy nhất; nhưng sau đó người ta lại đòi hỏi ở cá nhân kia nhất là những nét hoàn hảo mà chính người ta không có; người ta lại thấy là đẹp những khuyết điểm trái ngược với những khuyết điểm của chính mình; vì thế mà chẳng hạn những ông nhỏ thó lại thích các bà đẫy đà, các chàng tóc vàng lại ưa các nàng tóc nâu, v.v... Thái độ ngây ngất choáng váng của một người khi thấy một người đàn bà có vẻ đẹp tương ứng với bản chất của mình và ước ao được vầy duyên cá nước với người ta và cho đó là diễm phúc nhất của đời mình, đúng ra chỉ là ý thức chủng loại vì nhận ra cái dấu hiệu sắc nét của chủng loại nên muốn lưu tồn cái dấu hiệu ấy với người đàn bà kia. Sự bảo tồn tiêu thức đặc biệt dựa vào cái khuynh hướng chuộng mộ cái đẹp này; vì thế cho nên cái khuynh hướng này mới tác động mạnh mẽ như thế. - Rồi đây ta sẽ xem xét những lý do gì đã gợi hứng nó. Vậy cái gì, trong địa hạt này, hướng dẫn con người ta, cái đó đúng là một bản năng nhằm làm lợi cho chủng loại, trong khi con người ta tưởng đâu chỉ tìm gia tăng khoái lạc cho chính mình. - Thật ra đây là những điều chỉ dẫn cho ta biết về yếu tính của mọi bản năng, như trong trường hợp này, khi nào thúc đẩy cá nhân hành động có lợi cho chủng loại. Vì, thử xem một con côn trùng chịu khó đi tìm cho được một loại hoa nào đó, hay loại phân nào đó, hay loại thịt nào đó, hay như con tò vò đi tìm một loại bọ nào đó để đẻ trứng bất chấp hiểm nguy hay khó nhọc, thái độ của nó cũng giống đúc như thái độ của người đàn ông để thỏa mãn bản năng tính dục của mình cố lựa sao cho được một người đàn bà có một bản chất như thế nào đó, một bản chất tương ứng với bản chất mình, và tha thiết đi tìm đến nỗi để đạt mục đích, thường bất chấp mọi lẽ phải trái, lấy cho được để rồi khổ cả một đời, không từ mọi thủ đoạn có thể tiêu tan cả sự nghiệp, danh vọng, đời sống, dám phạm những tội ác như gian dâm và hiếp dâm, - tất cả chỉ vì, chỉ để phục vụ cho chủng loại bằng một cách thích hợp nhất và phù hợp với ý chí ngự trị khắp nơi của thiên nhiên, mặc dù làm thế là tai hại cho cá nhân. Thật vậy, đâu đâu bản năng cũng tác động như thể theo khái niệm của một cứu cánh, trong khi khái niệm không hề được đề ra. Khi mà cá nhân tác động không hiểu nổi mục đích của mình hay ngại ngùng theo đuổi mục đích ấy thì thiên nhiên đưa bản năng ra; vì vật mà theo thói thường, bản năng được gán cho các thú vật, nhất là cho các chủng loại thấp kém ít lý trí hơn cả; nhưng bản năng chỉ được gán cho con người trong cái trường hợp hiện đang cứu xét đây thôi, vì con người có thể hiểu mục đích, nhưng không theo đuổi mục đích với một mức tha thiết cần thiết, nghĩa là chưa hy sinh cái hạnh phúc riêng tư của mình. Vì vậy, cũng như mọi bản năng, chân lý ở đây mang hình thức ảo tưởng để ảnh hưởng ý chí. Chính một ảo ảnh khoái lạc đã lừa bịp người ta, khiến người ta tưởng rằng mình sẽ tìm thấy trong vòng tay của một người đàn bà mà sắc đẹp làm mình ưa thích, một khoái cảm lớn hơn là trong vòng tay của một người đàn bà khác; hoặc khiến người ta tin chắc rằng sự chiếm được một cá nhân độc nhất, mà chỉ mình chiếm độc quyền, sẽ đưa lai cho mình cái hạnh phúc tột độ. Rồi người ta tưởng đâu rằng mình đang vận dụng hết nỗ lực và hy sinh cho khoái lạc của riêng mình, trong khi tất cả sở dĩ xảy ra cũng chỉ là để lưu tồn tiêu thức bình thường của chủng loại, hoặc còn để cho ra đời một cá tính hoàn toàn xác định mà chỉ có đôi cha mẹ ấy mới cấu sinh được. Đặc tính của bản năng, nghĩa là một hoạt động hầu như lệ thuộc cho ý niệm về một cứu cánh trong khi cứu cánh thực sự không có, ở đây khẳng định rõ rệt đến nỗi kẻ bị ảo tưởng kia lôi cuốn thường cũng ghê tởm cái mục đích duy nhất lôi kéo nó, tức là sự cấu sinh, và muốn ngăn chặn không cho mục đích thực hiện: điều này được thấy trong tất cả các mối tình thầm lén. Theo đặc tính của tình yêu mô tả trên đây, sau khi đã được thỏa mãn tình yêu, người ta cảm thấy thất vọng lạ lùng và lấy làm lạ là chỉ tìm thấy trong sự chiếm hữu một khách thể mà người ta hằng khát khao thèm muốn chả có gì khác bất cứ mọi sự thỏa mãn tính dục nào, khiến người ta cảm thấy cũng chẳng được thêm gì hơn. Thật vậy, cái thèm khát này đối với mọi cái thèm khát khác của người ta cũng như chủng loại đối với cá nhân, do đó cũng như vô tận. Thật ra, sự thỏa mãn chỉ có lợi cho chủng loại, và vì thế không có thâm nhập ý thức của cá nhân vốn dĩ tác động theo ý chí của chủng loại, nên đã phục vụ bằng cách tự hy sinh cho một mục đích chẳng phải là mục đích của chính mình. Vì vậy mà sau khi hoàn tất đại công trình rồi, kẻ yêu cảm thấy mình bị lừa bịp, vì ảo ảnh đã biến mất, cái ảo ảnh nó làm cá nhân thành cái bung xung của chủng loại. Vì thế cho nên Platon đã rất đúng khi ông nói: Voluptas omniun maxime vaniloqua (Khoái lạc là huyễn hoặc hơn hết trong mọi sự).

Tuy nhiên, tất cả những điều trên đây giúp cho ta thấy rõ hơn về các bản năng và kỹ thuật của các giống thú. Dĩ nhiên chúng cũng bị nô lệ cho một ảo ảnh nó đề ra cho chúng một hình ảnh giả dối về sự thỏa mãn của chính chúng, khi chúng làm việc cho chủng loại rất đỗi hăng say đến tự quên mình; do đó con chim làm tổ, con côn trùng tìm đẻ trứng vào chỗ nào thuận tiện nhất hoặc săn mồi mà chính mình không ăn được; nhưng để đặt bên cạnh trứng làm thức ăn cho các con bọ sẽ ra đời, con ong, con vò vẽ, con kiến hết lòng xây cất tinh vi và phòng ngừa thu vén thật là chu đáo. Một ảo tưởng đã khoác lên sự phục vụ chủng loại cái mặt nạ của một ý định ích kỷ hẳn điều khiển chúng. Đó chắc chắn là con đường huy nhất cho ta nhận thức được quá trình nội tại hay chủ quan nằm tại nguồn các biểu thị của bản năng. Nhưng bề ngoài, hay khách quan, người ta nhận thất ở các con vật sự tuân phục bản năng nhất, một sự ưu thế trội hẳn của hệ thống hạch, tức là thần kinh hệ vốn dĩ chủ quan, đối với hệ thống khách quan hay não; do đó người ta có thể kết luận rằng các thú vật bị hướng dẫn không phải do các thẩm định khách quan và xác đáng, nhưng do các biểu tượng chủ quan phát sinh ra dục vọng, những biểu tượng chủ quan phát sinh do tác động của hệ thống hạch lên óc, do đó, chúng bị một ảo tưởng nào đó chi phối; đó là quá trình sinh lý của mọi bản năng.

Để chú giải cho các quan niệm này, tôi xin đề ra một tỷ dụ khác, mặc dầu kém minh xác hơn, về bản năng ở con người; đó là chứng ăn dở ở người đà bà có chửa; nguyên nhân của chứng này hầu như vì sự duy dưỡng bào thai, đôi khi đòi hỏi một sự thay đổi đặc biệt hay nhất định nào đó của cái máu huyết mà nó thụ nhận; nên cái thức ăn nó phát sinh ra sự thay đổi ấy tức thời thúc đẩy người đàn bà phải thèm khát nó; ở đây cũng lại là một ảo ảnh phát hiện. Do đó, người đàn bà có hơn người đàn ông một bản năng; vả lại, ở họ, hệ thống hạch cũng phát triển hơn. Khối óc con người vốn lơn, nên con người có ít bản năng hơn các thú vật và đã thế các bản năng ít ỏi ấy lại dễ lầm lẫn. Vì vậy mà mỹ cảm vốn là bản năng điều khiển sự lựa chọn khi cần thỏa mãn tính dục, có khi đi lầm đường và trở thành xu hướng đồng tính gian dâm. Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp con nhặng xanh (musca vomitoria) thay vì đẻ trứng, theo như bản năng của nó, trên thịt thối lại đẻ trên hoa cây Xác chết (Arum dracunculus) chỉ vì lầm mùi xác chết của giống hoa này.

Một cuộc phân tích chính xác hơn về bản năng này, hẳn chứng minh đầy đủ cho các quan niệm bảo rằng nền tảng của mọi cuộc tình ái là một bản năng hoàn toàn hướng về cá thể được cấu sinh, và vì thế, ta không thể không làm cuộc phân tích ấy. Vậy trước hết ta phải nói rằng trên phương diện tình ái, bản chất người đàn ông thiên về bất nhất, bản chất người đàn bà thiên về như nhất. Tình yêu của người đàn ông phai lạt trông thấy ngay từ lúc vừa được thỏa mãn; hầu hết những người đàn bà khác thu hút hắn còn hơn là người đàn bà mà hắn đã chiếm được, và hắn mong được thay đổi. Trái lại, tình yêu của người đàn bà lại gia tăng chính từ lúc ấy. Đó là một hậu quả của ý định của thiên nhiên nhắm vào sự lưu tồn, và do đó vào sự gia tăng chủng loại càng nhiều càng hay. Vì người đàn ông có thể cấu sinh trên hàng trăm đứa con một năm, nếu như đi lại với trên hàng trăm người đàn bà; còn người đàn bà dù có đi lại với bao nhiêu người đàn ông chăng nữa, trong một năm cũng chỉ sinh được một đứa con (không kể sinh đôi). Vì thế cho nên người đàn ông khi nào cũng đi tìm những người đàn bà khác, trong khi người đàn bà lại quyến luyến một người đàn ông duy nhất; vì bản chất tự nhiên thúc đẩy mà chả cần phải suy nghĩ họ phải giữ lấy cho họ cái người nuôi dưỡng và bảo vệ cho dòng giống tương lai. Vì vậy, ở người đàn ông, lòng chung thủy có tính chất giả tạo, ở người đàn bà, là lẽ dĩ nhiên, và cũng vì thế tội ngoại tình ở người đàn bà khó tha thứ hơn ở người đàn ông nhiều, cả về phương diện khách quan, vì các hậu quả của nó, cũng như về phương diện chủ quan, vì nó trái với thiên nhiên.

Nhưng để cho được đầy đủ và để hoàn toàn tin chắc rằng cái khoái lạc mà giới kia đưa lại, dù cho có vẻ khách quan cách mấy, chẳng qua cũng chỉ là bản năng trá hình, nghĩa là ý thức chủng loại là bảo tồn tiêu thức của mình, ta cần cứu xét thật kỹ những điều gì đã hướng dẫn ta về cái khoái lạc ấy và bàn rộng hơn về những điều ấy có gì là đặc biệt; mặc dầu rằng trong một triết phẩm mà lại đề cập đến những điều chuyên biệt như thế. Các điều ấy được phân làm nhiều loại: loại liên quan trực tiếp đến tiêu thức loại thuộc, nghĩa là sắc đẹp, loại liên quan đến các đặc tính tâm linh, sau hết loại liên thuần túy tương đối đáp ứng nhu cầu sửa chữa hay trung hòa các khiếm khuyết hay dị trạng của đôi cá nhân giữa nhau. Ta hãy xem xét chúng một cách tường tận hơn.

Điều căn bản chi phối sự lựa chọn và khuynh hướng là tuổi tác. Trên tổng quát, ta nghiên cứu những năm bắt đầu có kinh đến năm tắt kinh, và tất nhiên chú trọng nhất đến thời kì từ mười tám đến hai mươi tám. Ngoài tuổi này, không một người đàn bà nào có thể thu hút chúng ta. Một người đàn bà có tuổi, nghĩa là đã tắt kinh, chỉ còn làm ta ghê tởm. Dù không đẹp, tuổi trẻ khi nào cũng duyên dáng; đẹp mà không còn trẻ cũng hết duyên. - Vì thế cái ý định vô thức hướng dẫn ta hiển nhiên là cái khả năng thụ thai; bởi vậy cho nên người ta mất hết duyên đối với giới kia khi người ta không còn ở vào cái thời kỳ khả dĩ dễ sinh sản và dễ thụ thai. - Điều thứ hai là sức khỏe; các chứng bệnh cấp phát chỉ đưa lại một sự biến đổi nhất thời, các chứng bệnh kinh niên thì lâu hơn, còn các chứng bệnh suy nhược thì làm ghê tởm, - vì chúng di truyền lại đứa bé. - Điều thứ ba là xương cốt, vì nó là căn bản của tiêu thức loại thuộc. Sau tuổi tác và bệnh tật, không gì là ta ghê tởm bằng một thân hình xấu xí; dù diện mạo có đẹp cách mấy cũng không bù lại được khuyết điểm này, và người ta thích thà là có thân hình đẹp thì mặt xấu mấy cũng tạm được đi. Hơn nữa ta rất dễ gai mắt trước một vóc vạc so le, chẳng hạn một thân hình cằn cỗi, loắt choắt, cẳng ngắn ngủn, hay khập khiễng khi không phải vì một tai nan ngoại lai. Trái lại, một thân hình tuyệt mỹ có thể bù lại mọi khuyết điểm, ta bị nó quyến rũ. Thiết tưởng ở đây cũng nên nhắc đến điều là người ta rất chú ý đến đôi chân nhỏ, vì không một con vật nào lại có xương cổ chân với xương bàn chân nhỏ như người, điều có liên quan đến thế đứng thẳng: người là một con vật đi bằng bàn chân. Cho nên trong Kinh thánh có nói: “Một người đàn bà có thân hình cân đối và đôi chân đẹp cũng tựa như đôi cột vàng đặt lên bệ bạc!” Răng cũng quan trọng, vì cần thiết cho sự dinh dưỡng và cấu thể của nó lại đặc biệt di truyền. - Điều thứ tư là da thịt phải đầy đặn đến một mức nào, nghĩa là phải biểu lộ cơ năng dinh dưỡng, phải mềm dẻo; thật vậy, da thịt có thế mới nuôi bào thai được dồi dào, bởi vậy cho nên cái gày đét làm cho ta ghê tởm. Đôi vú nở nang đầy đặn của người đàn bà thu hút nam giới một cách kỳ lạ, vì nó liên quan trực tiếp đến cơ năng sinh sản của người đàn bà, nó hứa hẹn cho hài nhi một sự bú mớm ngon lành. Trái lại, đàn bà phì nộn quá đáng làm ta kinh tởm; nguyên nhân chỉ vì phì nộn là triệu trứng tử cung teo tóp, tức là bất thụ, - điều mà bản năng biết, chứ tri thức không biết. - Mặt đẹp chỉ là điều chót của mấy điều. Ở đây nữa, cái đáng kể trước hết vẫn là những bộ phận xương; cho nên người ta cần trước nhất một cái mũi đẹp: mũi đã ngắn lại xếch là hỏng bét. Sống mũi hơi cong ở trên hay ở dưới từng đưa lại hạnh phúc cho không biết bao nhiêu là thiếu nữ, và đưa lại là đáng, vì đó là điều quan trọng cho tiêu thức loại thuộc. Miệng nhỏ, nhờ hàm nhỏ, là đặc nét thiết yếu cho nhân diện khiến nó khác hẳn mõm thú. Cằm lẹm, có thể nói là không cằm, thì thật ghê tởm; bởi vì cằm dô (mentum pominulum) là đặc tính riêng biệt cho chủng loại chúng ta. Sau hết là vẻ đẹp của mắt và trán; nó liên quan đến các đặc tính tâm linh, và nhất là trí tuệ, và thừa hưởng được ở người mẹ.

Dĩ nhiên ta không thể vạch ra cũng rõ ràng được như thế các điều nhận xét vô thức mà sở thích của người đàn bà noi theo. Đại khái ta chỉ biết rằng: đàn bà thích đàn ông từ ba mươi đến ba mươi lăm, mà họ còn đặc biệt đặt lên trên cả thanh niên, mặc dầu thanh niên thật ra là hình ảnh của cái đẹp hoàn hảo nhất của con người. Lý do là vì họ không phải được điều khiển theo thẩm mỹ, mà theo bản năng nó thừa nhận ở cái tuổi kia là tột độ của năng lực di truyền. Vả lại họ không bận tâm mấy đến sắc đẹp, nhất là sắc đẹp của diện mạo, giống như thể sắc đẹp của đứa con là của riêng phần họ lo liệu. Cái hấp dẫn họ trước hết là sức lực và lòng can đảm đi đôi với sức lực: vì các đặc tính này hứa hẹn cấu sinh những đứa con cường tráng và đồng thời một người bảo vệ dũng cảm cho chúng. Khi thụ thai, người đàn bà có thể hủy bỏ ở đứa trẻ từng khuyết điểm hình thể một của người đàn ông, từng sự chênh lệch một đối với tiêu thức, nhờ ở điều chính họ không có những khuyết điểm ấy, hoặc lại có những khuyết điểm trái ngược. Ngoài khả năng này là những đặc tính riêng biệt của nam giới mà người mẹ do đó không thể truyền cho đứa bé được; chẳng hạn như vóc vạc đàn ông, vai rộng, mông hẹp, chân thẳng, sức mạnh bắp thịt, can đảm, râu ria, v.v... Do đó, đàn bà thường hay yêu những người đàn ông diện mạo xấu xí, nhưng không bao giờ yêu những người đàn ông thiếu các đặc tính hùng dũng; vì họ không thể trung hòa các khiếm khuyết của hạng đàn ông này.

Loại nhận xét thứ hai dùng làm căn bản cho tình yêu là loại liên quan đến các đặc tính tâm linh. Trên quan điểm này, ta nhận thấy rằng đàn bà thường mê đàn ông vì những đức tính tâm hồn và tính tình, những đức tính thừa hưởng được ở người cha. Trước hết, cái quyến rũ người đàn bà là ý chí cương quyết, quyết đoán và can đảm, có lẽ cả lòng ngay thật và lòng nhân từ. Trái lại, các lợi điểm trí tuệ không có hấp lực trực tiếp và bản năng đối với họ, chính vì các lợi điểm này không phải của người cha đưa lại. Gần đàn bà, thiếu thông minh không có hại, mà tài cao trí cả phi thường, hoặc ngay cả thiên tài thường bị họ sẵn sàng ngộ nhận là quái trạng, lại còn gây nhiều bất lợi là đằng khác. Vì vậy mà người ta thường thấy một kẻ xấu xí, ngu đần và thô lỗ, lại có duyên với đàn bà hơn là một người tướng mạo khôi ngô, tài trí và khả ái. Hơn nữa, các cuộc hôn nhân vì tình thường diễn ra giữa những người rất dị biệt về trí tuệ; chẳng hạn người chồng thì cục cằn, vạm vỡ và đần độn, người vợ lại tế nhị, tinh anh, có văn hóa, chuộng đẹp, v.v.., hoặc chàng thì lỗi lạc phi phàm, còn nàng thì khờ dại ngới ngẩn... Sic visum Veneri, cui placet impares Formas atque animos sub juga aenea Saevo mittere cum joco (Vệ nữ nhận định tư thế rồi buông mình say sưa cuồng loạn sống dưới cái ách thép của những hình thể và tâm hồn ô hợp).Nguyên nhân là vì ở đây những quan điểm không phải là trí tuệ đã thắng thế, mà đó là những quan điểm bản năng. Trong cuộc hôn nhân, điều đáng kể chẳng phải là nói hay tán khéo, mà là cấu sinh con cái; hôn nhân là sợi dây ràng buộc các con tim, không phải các khối óc. Khi bảo rằng mình mê một người đàn ông tài trí, người đàn bà đã tự phụ rởm, đã tự dối hão, hoặc đó chỉ là sự bồng bột của một kẻ biến tính. - Trái lại, người đàn ông không yêu theo bản năng dựa vào các tính nết của người đàn bà; vì thế mà biết bao nhiêu Socrate đã gặp phải một bà vợ Xanthippe[10], chẳng hạn Shakespeare, Albert Durer, Byron, v.v... Nhưng ở đây, chính các đặc tính trí tuệ tác động, vì chính tùy thuộc di sản của mẹ; tuy nhiên ảnh hưởng của chúng có phần lùi bước trước ảnh hưởng của sắc đẹp thể xác vốn có liên hệ đến những điểm thiết yếu hơn nên do đó tác động cấp thời hơn. Vì vậy mà các bà mẹ, được thúc đẩy do trực giác hay do kinh nghiệm về ảnh hưởng này, cho con gái học hỏi các ngành mỹ thuật, sinh ngữ, v.v... để thêm phần hấp dẫn trước nhãn quan của đàn ông; họ muốn hỗ trợ trí tuệ bằng những phương tiện giả tạo, cũng như khi cần đến bằng mông bằng vú. - Nên nhớ rằng ở đây chỉ toàn là vấn đề thu hút hoàn toàn cấp thời, hoàn toàn bản năng, phát sinh ra cái tình cảm yêu đương thực thụ. Rằng một người đàn bà khôn ngoan hiểu biết quý chuộng một người đàn ông ở chỗ khôn ngoan hiểu biết, rằng một người đàn ông hay suy nghĩ phải trái để ý nhận xét tính tình của vị hôn thê của mình, cũng chẳng thay đổi gì vấn đề hiện đang bàn đến: các yếu tố này làm căn bản cho một sự lựa chọn phải chăng trong một cuộc hôn nhân, nhưng chẳng phải là căn bản cho tình yêu say đắm vốn là đề tài của chúng ta.

Cho đến nay tôi chỉ mới quan tâm đến các điều tuyệt đối, nghĩa là những điều có giá trị cho mọi người; giờ thì tôi đề cập đến những điều tương đối và cá biệt: vì chúng có khuynh hướng sửa chữa các khiếm khuyết cùng các bất thường so với tiêu thức loại thuộc đã có sẵn ở ngay con người của kẻ lựa chọn, và do đó đưa chúng trở lại với sự biểu hiện thuần túy của tiêu thức lí tưởng. Vì thế mà trên phương diện này, người ta ai nấy đều yêu nhưng cái gì mà mình thiếu sót. Vốn khởi sự từ một cấu thể cá nhân và nhắm vào một cấu thể cá nhân, sự lựa chọn dựa trên các điều nhận xét tương đối loại này, được xác định hơn nhiều, quyết liệt hơn nhiều và độc chiếm hơn nhiều là sự lựa chọn phát xuất từ các nhận xét tuyệt đối; tình yêu say đắm thực thụ do đó thường bắt nguồn từ các nhận xét tương đối, và chỉ có tình yêu thông thường vốn dĩ nhẹ nhàng hơn, mới phát xuất từ các nhận xét tuyệt đối. Vì vậy cho nên, thường tình chẳng phải các sắc đẹp đều đặn nhất, hoàn toàn nhất, là những sắc đẹp gây nên tình yêu cuồng si. Muốn phát sinh ra một tình yêu thực sự cuồng si như thế, cần phải có một yếu tố chỉ có thể diễn tả được bằng một ẩn dụ mượn của hóa học là: hai người phải trung hòa lẫn nhau như toan với kiềm trong một chất diêm trung hòa. Các yếu tố quyết định cần thiết ở đây phải là những yếu tố sau đây: thứ nhất: mọi dục tính là sự ưu thắng của một phương diện độc nhất. Biệt tính này được biểu lộ sắc sảo hơn và cao độ hơn ở cá nhân này hơn là cá nhân kia; do đó nó có thể được bổ khuyết và trung hòa do một cá thể nào đó chứ không phải cả thể nào khác thuộc giới kia; cần phải có một biệt tính của mình, để hoàn tất tiêu thức nhân loại ở cá thể mới được cấu sinhvà tựu trung mọi sự khi nào cũng đều nhắm vào sự cấu tạo cá thể ấy. Các nhà sinh lý học được biết vô số các trình độ của các tính tình nam và nữ có trình độ suy đốn đến mức phát sinh hiện tượng ghê tởm là đàn bà biến thành đàn ông, hoặc vươn cao đến mức phát sinh hiện tượng đàn ông hóa thành đàn bà duyên dáng; trong cả hai trường hợp đều có thể đi đến hiện tượng hoàn toàn lưỡng tính, tức là trường hợp những kẻ đứng giữa hai giới, chẳng phải nam cũng chẳng phải nữ, nên không thể sinh sản. Muốn cho hai cá nhân trung hòa được lẫn nhau, trình độ tính tình nam giới của người đàn ông phải tương đối đúng mức với trình độ tính tình nữ giới của người đàn bà; có thế hai tính tình mới triệt để bổ khuyết lẫn nhau. Do đó mà người đàn ông có nam tính nhất đi tìm cho được người đàn bà có nữ tính nhất và ngược lại, do đó mà mỗi cá nhân lại đi tìm cho được một cá nhân chủng tính tương hợp với trình độ chủng tính của mình. Đến mức nào thì sự tương hợp giữa họ tốt đẹp hơn cả, điều này bản năng giúp họ cảm thấy, và cảm thức này, với những điều nhận xét của nó, đưa đến các mức độ cao cả của tình yêu. Vì vậy mà đôi nhân tình tuy ngoài miệng ca tụng sự hòa hợp của tâm hồn họ, nhưng thường thì tựu trung chỉ là vấn đề tương hợp nói đây liên quan đến cá thể được cấu sinh sao cho toàn vẹn; điều này quả thực quan trọng hơn là sự hòa hợp của hai tâm hộn mà sau khi lấy nhau thường thoát hóa thành một sự tương khắc nẩy lửa. Ngoài ra còn có những điều nhận xét phụ dựa vào sự mong muốn của mỗi người là nhờ người bạn tình của mình mà mình sẽ triệt bỏ được những nhược điểm, khiếm khuyết cùng những lệch lạc của mình đối với tiêu thức loại thuộc, khiến chúng không lưu tồn được ở đứa con mình sẽ sinh ra phát triển đến mức thành những dị trạng. Người đàn ông càng yếu càng tìm những người đàn bà mạnh; người đàn bà cũng thế. Nhưng vốn dĩ trời sinh có một thế lực yếu hơn, nên người đàn bà thường thích những người đàn ông có sức lực dồi dào nhất. - Một điều nhận xét quan trọng nữa là vóc vạc. Đàn ông nhỏ thó thích đàn bà to lớn và ngược lại; và người đàn ông nhỏ thó càng thích người đàn bà to lớn khi bố mình vốn người to lớn nhưng sở dĩ mình nhỏ thó là vì ảnh hưởng mẹ; vì anh ta đã thụ nhận ở bố một bộ máy tuần hoàn và năng lực đủ để cung cấp huyết thống cho một thân hình to lớn; trái lại, nếu như bố anh và ông nội anh lại nhỏ thó, thì ý thích của anh cũng nhẹ bớt. Sở dĩ đàn ông to lớn không ưa đàn bà to lớn cũng chỉ vì thiên nhiên không muốn có một chủng loại quá lớn, và cứ theo như sức lực mà người đàn bà phải vận dụng thì một chủng loại to lớn quá như thế sẽ yếu đi và không sống lâu được. Tuy nhiên nếu người đàn bà to lớn lại chọn một ông chồng to lớn để trông cho được vừa đôi phải lứa chẳng hạn, thì theo thường lệ, con cháu sẽ phải chịu lấy các hậu quả của sự ngu xuẩn này. - Thêm nữa, yếu tố nước da cũng đóng một vai trò quyết định. Tóc vàng tuyệt đối đòi cho được tóc đen hay tóc nâu, nhưng ít khi có trường hợp ngược lại. Chỉ vì tóc vàng và mắt xanh cũng là một biến tính đặc biệt rồi, gần như là một dị trạng cũng giống như di trạng của chuột bạch, hay ít ra cũng như dị trạng tóc bạc. Tóc vàng mắt xanh là đặc tính mà ngoài Âu châu ra, không còn thấy ở một lục địa nào khác, ngay cả vùng lưỡng cực, và là đặc tính phát xuất từ miền Scandinavie. Ở đây tôi xin nói qua một ý kiến của riêng tôi: màu da của con người bản nhiên không phải trắng, mà đen hay nâu, như tổ tiên chúng ta là người Ấn Độ; do đó người ban sơ bản sinh không trắng, vì thế nên không có giống da trắng, dù cho người ta từng nói rất nhiều về giống này: người da trắng chỉ là một giống người da phai. Bị xô đẩy lên miền Bắc vốn dĩ xa lạ với nó, con người sống như cây cỏ lạ, và cũng như cây cỏ lạ cần phải có một nhà kính về mùa đông, nên dần dà với thời gian, con người trắng ra. Các người Tzigane, bộ lạc người Ấn tha hương cầu thực hàng bốn trăm năm nay, cho ta thấy sự chuyển tiếp giữa màu da người Ấn với màu da chúng ta. - Trên địa hạt tình ái, bản chất do đó thiên về tóc sẫm mắt nâu vốn là tiêu thức bản sơ, còn da trắng chỉ là một biến trạng - dù sao cũng chưa đến mức ta không ưa làn da nâu của người Ấn. - Sau hết, đối với các bộ phận của thân thể, người ta ai nấy cũng tìm cái gì khả dĩ làm dịu bớt cho bộ phận ấy. Đó là lý do tại sao dân mũi tẹt lại mê mũi nhọn hay mỏ quạ: đối với các bộ phận khác cũng thế cả. Kẻ mình dây chân tay dài lêu nghêu, có thể cho một thân hình lùn chùn chụt hay chân tay ngắn ngủn là đẹp hơn. - Yếu tố tính khí cũng tác động y hệt: người ta thích những tính khí tương phản với mình, nhưng đúng ra, chỉ khi nào người ta có một tính khí đặc biệt hẳn. - Người hoàn toàn về một phương diện nào đó có lẽ không thích kẻ lại khiếm khuyết hẳn về phương diện ấy, nhưng lại dễ thích ứng với khiếm khuyết ấy hơn các người khác; thật vậy, chính họ cũng tránh không muốn con cái mình mắc phải khiếm khuyết này. Chẳng hạn người da rất trắng không chê da vàng; nhưng người da vàng lại cho da trắng là tuyệt. Sở dĩ có trường hợp ngoại lệ một người đàn ông lại si mê một người đàn bà mà ai cũng thấy là xấu, cũng vì, khi đã có sự tương hợp đúng mức về chủng tính như đã nói đến ở trên rồi, thì tất cả các dị trạng của người đàn bà kia lại chính là cái tương phản, tức là cái làm dịu bớt các dị trạng của họ. Thường thì trong trường hợp này tình yêu đạt đến mức độ cao.

Sở dĩ ta quan sát ngắm nghía thật kỹ càng thận trọng từng bộ phận một cái thân hình của người đàn bà, cũng như họ quan sát ta, sở dĩ ta phê bình gắt gao một người đàn bà mà ta bắt đầu ưng ý, sở dĩ ta nhất quyết một mực tuyển chọn họ, sở dĩ anh chàng chăm chú nhìn vị hôn thê của mình, sở dĩ anh muốn mình không bị lừa về mọi phương diện, sở dĩ anh hết sức quan tâm đến từng khuyết điểm, từng thái quá của các bộ phận thiết yếu, - tất cả cũng chỉ để thích ứng với tầm quan trọng của cứu cánh. Thật vậy, cá thể được cấu sinh sẽ phải mang lấy suốt đời bộ phận này hay bộ phận nọ giống như của cha mẹ nó; chẳng hạn nếu người mẹ dù chỉ hơi có tật, đứa con rất có thể gù lưng, - hay này khác. - Dĩ nhiên ta đâu có ý thức chu đáo đến thế; ai nấy thường chỉ tưởng rằng sở dĩ mình lựa chọn gắt gao như thế là để sướng cái thân mình (thực ra cái sướng này có bận tâm gì đến những cái rắc rối kia), nhưng thật ra mình làm đúng theo sự đòi hỏi của quyền lợi của chủng loại, dựa theo hình thể của chính mình, vì sứ mạng kín của chúng ta là bảo tồn tiêu thức loại thuộc sao cho thật thuần túy. Ở đây vô tình cá nhân đã hành động theo mệnh lệnh của thực tại ở trên mình, tức là chủng loại, - do đó mà nó quý báu những sự vật mà nó, với tư cách là một cá nhân riêng biệt, có thể hoặc lẽ ra chả cần đếm xỉa đến. - Ở cái thái độ nghiêm trọng thâm trầm, vô thức của đôi trai gái quan sát nhau buổi ban đầu, ở cái nhìn soi bói như muốn đi sâu vào nhau, ở sự chú ý đến từng ly từng tí một những cái gì là đặc tính của nhau, quả có một cái gì thật là kỳ lạ. Vì sự soi bói quan sát kia chính là sự trầm tư của tinh thần chủng loại về cá thể có thể cấu sinh do sự môi giới của họ về sự sắp xếp các đặc tính của nó. Mức độ thiện cảm và khao khát giữa đôi bên tùy thuộc vào kết quả của sự soi bói kia. Sau khi lên tới một cường độ đáng kể, khao khát nọ có thể bỗng nhiên lại tắt ngúm, chỉ vì khám phá ra một đặc tính xưa nay chưa được thấy. - Vì vậy cho nên ở mọi người có khả năng cấu sinh, tình thần chủng loại đều trầm tư về thế hệ tới sau. Sự cấu tạo thế hệ này là công trình vĩ đại của thần ái tình không ngừng hoạt động, không ngừng tính toán và sáng chế. Trước một công việc lớn lao như thế, liên quan đến chủng loại và toàn thể các thế hệ tương lai, tất cả các mục tiêu phù du của cá nhân quả thật vụn vặt; vì vậy mà thần ái tình lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh chúng không thương tiếc. Vì sự quan hệ giữa thần với chúng là quan hệ giữa một vị bất tử với những kẻ tất tử, sự quan hệ giữa các mối quan tâm của thần với các mối quan tâm của họ ví như vô hạn với hữu hạn. Ý thức được rằng mình phải điều hành những công việc có một tính chất cao cả hơn mọi công việc chỉ liên quan đến an lạc cá nhân, thần tận tụy làm nhiệm vụ với cả một bình thản tối đại, giữa cái ồn ào của chiến tranh, hay trong sự náo nhiệt của công việc, hoặc giữa cái tai họa của ôn dịch, và thừa hành nhiệm vụ ngay cả trong cảnh cô liêu của ni viện.

Trên kia, ta đã được thấy rằng, cường độ của ái tình tăng theo mức cá thể hóa của nó, và chứng minh rằng, để sản xuất tiêu thức chủng loại sao cho tốt đẹp hơn cả, giữa bản tính thể chất của hai cá nhân thì bản tính của kẻ này phải bổ thể hoàn toàn đặc biệt và trọn vẹn cho bản tính của kẻ kia, khiến kẻ kia do đó chỉ khao khát có nó mà thôi. Trong trường hợp này, người ta đã thấy biểu lộ một tình yêu nồng nhiệt chả mấy lúc mang một bộ mặt thanh cao hơn vì lẽ nó nhắm vào một đối tượng độc nhất chuyên hữu và do đó tác động theo các chỉ thị đặc biệt của chủng loại, Ngược lại, bản năng tính dục đơn thuần là bỉ lậu, vì nó nhắm vào mọi kẻ bất kể cá nhân hóa, và chỉ có xu hướng bảo tồn chủng loại theo lượng mà không cần đến phẩm. Còn như cá nhân hóa, và cùng với nó là cường độ của tình yêu, có thể đạt đến mức khiến nếu không được hưởng cái lạc thú của tình yêu ấy, tất cả của cải trên thế gian, và ngay cả đời sống, cũng chẳng còn giá trị gì. Và khi đó, người ta chứng kiến một khát vọng càng ngày càng mãnh liệt, mãnh liệt hơn tất cả các nhu cầu khác, sẵn sàng hy sinh hết thảy, và nếu nhất thiết không được thỏa mãn, có thể đưa đến điên cuồng hay tự sát. Những điều vô thức hàm ngụ trong một tình yêu vượt mức như thế hẳn phải mang một tính chất khác với các điều đã được nhận xét trên kia và không biểu lộ cũng rõ ràng như thế. Do đó, ngoài phương diện hình thể ta còn phải giả thiết rằng ý chí của người đàn ông và trí tuệ của người đàn bà cũng phải được đặc biệt thích ứng với nhau để có thể cấu sinh ra một cá nhân duy nhất có đặc tính rõ rệt, một cá nhân mà lúc đó tinh thần chủng loại trù liệu cho hiện hữu, theo những nguyên do có liên hệ đến các vật tự tại mà ta chưa tài nào hiểu nổi. Hay nói đúng hơn: ở đây cái muốn sống đòi hỏi được khách thể hóa thành một cá nhân được xác định rõ rệt, chỉ có thể được sinh ra do người bố ấy và người mẹ ấy. Sự đòi hỏi siêu hình này của ý chí tự tại thoạt đầu không có phạm vi hoạt động nào khác trong cái liên tục chủng loại hơn là các trái tim của các bậc cha mẹ tương lai lúc đó bị khát vọng đòi hỏi kia xâm chiếm và tưởng đâu khao khát cho chính mình một cái mà lúc đó mới chỉ có một cứu cánh thuần túy siêu hình, nghĩa là lúc đó nằm ngoài các loạt sự vật thực sự đề ra. Vậy cái gì hiện ra trong trật tự hiện tượng cũng như mối nhiệt tình thanh cao miệt thị tất cả những gì ngoài nó kia giữa đôi cha mẹ tương lai, đó là cái xu hướng phát sinh từ nguồn gốc uyên nguyên của mọi sinh vật, của cá thể được cấu sinh, lúc đó mới trở thành có thể, muốn ra đời. Thật ra đây là một ảo ảnh có một không hai, thúc đẩy người đàn ông si tình có thể mang hết của cải trên thế gian để đổi lấy sự phối hợp với một người đàn bàn nào đó, - tuy rằng sự phối hợp ấy cũng chẳng đưa lại cho anh ta một lạc thú gì hơn là với một người đàn bà nào khác. Tuy nhiên, sở dĩ không có một mục đích nào khác cũng chỉ vì mối nhiệt tình thanh cao kia cũng bị khoái lạc dập tắt như bất cứ mối nhiệt tình nào, - điều mà các đương sự hết sức kinh ngạc. Mối tình cũng tắt khi, vì người đàn bà không thể sinh nở (theo Hufeland[11]có mười chín tật làm mất sinh nở), nên mục đích thật sự, mục đích siêu hình bị hụt, cũng như hàng ngày nó bị hụt khi hàng triệu triệu tinh trùng bị hủy hoại, vì trong các tinh trùng ấy cũng vẫn đều có cái nguyên lý siêu hình của sự sống, nó khao khát được hiện sinh. Để an ủi, ta chỉ còn biết bảo rằng: cả một không gian, một thời gian, cả một kho vật chất vô tận, được dành cho cái muốn sống sử dụng, tức là cả một cơ hội vô tận để làm lại.

Théophraste Paracelese là người chưa từng bàn đến đề tài này và không biết gì đến luận điệu của tôi, tuy nhiên cũng đã có lần dù rằng chỉ phớt qua, bất chợt được quan niệm trình bày nơi đây, vì với một lời lẽ khác hẳn và theo lối hành văn bất nhất của ông, ông từng nói lời sau đây, nghĩ cũng hay hay: Hi sunt, quos Deus copulavit, ut eam, quae fuit Uriea et Davit; quamvis ex diametro (sie enim sibi humana mens persuadebat) cum justo et legitimo matrimonio pugnaret hoc... se propter Salomonem, qui aliunde nasci non potuit, nisi ex Bethsabea, conjuncto David semine, quamvis meretrice, conjunxit eos Deus (De vita longa). (Đó là những kẻ mà Chúa ghép vào với nhau, như người đàn bà ghép cho Urie và cho David. Nhưng, theo đầu óc con người nhận định, sự ghép ấy lại chẳng có gì là một cuộc nhân duyên chính đáng và hợp pháp. Tuy nhiên, vì lẽ Salomon chỉ có thể được sinh ra do Bethsabée thụ thai vì tinh trùng của David, nên Chúa đã phối hợp họ với nhau, mặc dầu như thế là nàng phạm tội ngoại tình[12]).

Nỗi sầu tương tư mà các thi sĩ muôn đời không ngớt tả dưới thiên hình vạn trạng vẫn không hết, vẫn chưa đủ nói lên tầm quan trọng của nó, cái nỗi sầu ấy bắt người ta tưởng rằng chiếm được một người đàn bà nhất định nào đó là được hạnh phúc vô biên, và không chiếm được là đau khổ khôn nguôi. Khốn nỗi, cái tương tư ấy, cái đau khổ vì tình ấy lại không thể sống vào các nhu cầu của một cá nhân phù du; trái lại chúng là tiếng thở dài của linh hồn chủng loại, nó thấy đó là một dịp để chiếm được hay làm mất đi một lợi khí không sao thay thế được cho các cứu cánh của nó, nên mới thốt ra một tiếng rền rĩ thê thảm. Chỉ chủng lại mới trường tồn vô tận, nên chỉ có nó mới có được những ước nguyện vô tận, một thỏa mãn vô tận và những đớn đau vô tận. Nhưng các tình cảm ấy lại bị dồn vào tấm lòng chật hẹp của một kẻ tất tử: nên có gì là lạ khi kẻ này như muốn vỡ tung và không sao tìm ra lời diễn tả cái linh cảm ấy của một niềm vui vô tận hay một niềm đau vô tận tràn ngập lòng mình. - Và đó là một đề tài cho toàn thể thi ca hoa tình có tính chất thanh cao, không ngại sử dụng đến cả những ẩn dụ siêu việt, bay lượn trên mọi cái gì gọi là thế tục. Đó là đề tài của Pétrarque, đề tài của những Saint Preux, của những Werther, của những Jacques Ortis, mà nếu không có thế, sẽ không tài nào hiểu hay giải thích nổi. Vì cái giá trị gán cho người yêu không thể căn cứ vào các ưu điểm trí tuệ, hoặc vào ngay cả những ưu điểm cụ thể, thực tế, dù rằng vì chàng không biết rõ người mình yêu: đó là trường hợp của Pétrarque. Chỉ có tinh thần chủng loại mới có thoáng nhìn đã biết được nàng có giá trị gì đối với chàng, nghĩa là đối với các cứu cánh của nó. Vả lại các mối tình đắm đuối thường nảy sinh từ cái nhìn đầu tiên:

Who ever lov’d that lov’d not at first sight?
(Ai yêu mà lại chẳng yêu ngay từ lúc mới thoạt nhìn?)

(Shakespeare, As you like it).

Về quan điểm này, đáng kể là đoạn văn sau đây trong cuốn tiểu thuyết Guzman d’Alfarache của Mateo Aleman[13], nổi danh hàng hai trăm năm mươi năm nay: No es necessario, para que uno ame, que pase distancia de tiempo, que siga discurso, ni haga eleccion, sino que con aquella primera y sola vista, concurran juntamente cierta correspondencia ô consonancia, o lo que aca solemos vulgarmente decir, una confrontacion de sangre, à que por particular influxo suelen mover las astrellas.

(Khi đã yêu, người ta chả cần phải để lâu, phải suy nghĩ, phải chọn lựa; nhưng ngay từ cái nhìn đầu, nhìn một cái thôi cũng đủ cho hai lòng giao hợp, hay cái mà ta thường gọi là tương cảm máu huyết, một sự tương cảm thường được một sự ảnh hưởng của các sao kích thích). Vì thế cho nên khi mất người yêu, hoặc vì địch thủ hay vì tử thần, đối với kẻ yêu say đắm, đó là một nỗi đau khổ hơn hết, vì là một đau khổ có tính chất siêu việt, ở chỗ không những nó chỉ đập vào cá tính của hắn, mà còn xúc phạm đến cả cái yếu tính vĩnh cửu của hắn, đến sự sinh tồn của chủng loại, của ý chí đặc biệt và của cái mệnh lệnh của ý chí giao phó sứ mạng cho hắn. Vì thế mà khi ghen, người ta đau khổ thật là khủng khiếp và phải chăng cái hy sinh lớn lao nhất là nhường người mình yêu cho kẻ khác. - Kẻ anh hùng cho rên rỉ là xấu hổ, trừ rên rỉ vì tình; vì khi rên rỉ vì tình, không phải họ, mà chính là chủng loại rên rỉ. Trong vở Grande Zénobie của Calderon, vào hồi hai, có một cảnh giữa Zénobie và Décius, trong đó Décius nói:

Cielos, luego tu me quieres?
Perdiera cien mil victorias
Volvierme, etc…

(Trời ơi! Em yêu anh thật sao! Nếu vậy anh sẽ từ bỏ ngàn chiến thắng, anh sẽ trở về, v.v…)

Ở đây, danh vọng, cho đến bách chiến bách thắng, đã bị loại ngay khi ái tình, tức là quyền lợi của chủng loại, lâm cuộc và thắng hẳn hoi; vì quyền lợi của chủng loại, so với bất cứ quyền lợi nào khác dù quan trọng mấy đi nữa, cũng vẫn là tối thượng. Riêng đối với nó, danh vọng, bổn phận, thủy chung đều phải nhường bước sau khi đã chống lại mọi cám dỗ khác, kể cả sự đe dọa của thần chết. - Cũng vậy, trong đời sống riêng tư, trên điểm này người ta thường bất chấp lương tâm: đó là trường hợp của những người bình thường chân chính ngay thẳng lại trắng trợn ngoại tình một khi tình yêu say đắm, tức là quyền lợi của chủng loại, đã xâm chiếm họ. Mọi sự diễn ra như thể lúc họ tưởng mình đã ý thức được một cái gì còn chính đáng hơn là cái chính đáng của các quyền lợi cá nhân xưa nay; đó chính là vì họ hành động theo quyền lợi chủng loại. Trên điểm này, Chamfort[14]từng nói một lời đáng kể: khi một người đàn ông và một người đàn bà yêu nhau mãnh liệt, tôi thiết tưởng, dù cho có trở ngại gì ngăn cách đi nữa, chẳng hạn, chồng, cha mẹ, v.v… đôi tình nhân kia vẫn là của nhau, do định luật Thiên nhiên, họ vẫn thuộc về nhau thuận theo lẽ trời, bất chấp các luật lệ và công ước của con người. Những ai phẫn nộ về lời này xin hãy xem lại Thánh Kinh hẳn phải lấy làm lạ rằng Chúa cứu rỗi sẵn sàng tha thứ người đàn bà ngoại tình đến thế nào, vì cho rằng tội lỗi đó nằm sẵn ở trong lòng tất cả những kẻ có mặt. - Xét theo quan điểm này thì phần lớn vở Decameron chẳng khác gì là một sự diễu cợt và miệt thị ra mặt của tinh thần chủng loại đối với các quyền hạn cùng quyền lợi của các cá nhân mà nó chà đạp. - Khi các vấn đề môn đăng hộ đối, giai cấp chênh lệch, hay những hoàn cảnh éo le tương tự đứng ra ngăn cản sự phối hợp giữa đôi tình nhân yêu nhau tha thiết, tinh thần chủng loại cũng không thèm đếm xủa đến chúng và cho chúng là trò vụn vặt; một khi nó đã theo đuổi những cứu cánh liên quan đến hằng hà thế hệ thì nó đá tung các định chế cùng các cố chấp ấy của con người. Cũng vì cái lý do sâu sắc ấy mà khi yêu nhau say đắm người ta sẵn sàng mạo hiểm và con người bình thường rất nhút nhát lúc đó cũng đâm ra can đảm. - Trong các vở kịch cũng như tiểu thuyết, ta vẫn chứng kiến một cách khoái trá và thiện cảm những đôi trai gái chiến đấu cho mối tình của họ, nghĩa là cho quyền lợi của chủng loại, và chiến thắng các người già cả chỉ lo cho quyền lợi cá nhân. Vì cái nguyện vọng của đôi tình nhân đối với chúng ta hình như quan trọng hơn, cao cả hơn và do đó chính đáng hơn mọi cái đứng ra cản trở nó, ngay trong cái phạm vi mà chủng loại đáng kể hơn là cá nhân. Vì vậy, đề tài chính của mọi vở tuồng vẫn là sự can thiệp của tinh thần chủng loại với mọi mục đích của nó, va chạm với các quyền lợi riêng tư của các cá nhân được đề ra và do đó đe dọa phá hoại hạnh phúc của họ. Thường thì nó thắng, và điều này là thỏa mãn người xem vì nó phù hợp với công lý nên thơ, vì họ cảm thấy rằng các cứu cánh của chủng loại quan trọng hơn các cứu cánh của cá nhân nhiều. Vì thế cho nên, khi chung cuộc, trong lòng thư thái, người xem từ giã đôi tình nhân đội vòng chiến thắng, chia sẻ với họ cái ảo tưởng là đã xây dựng hạnh phúc riêng cho họ, trong khi chính ra họ đã hy sinh hạnh phúc của họ cho quyền lợi chủng loại, trái hẳn với ý kiến của các người già cả thấy xa. Trong vài vở tuồng đi lệch thường tình, người ta thử đảo ngược tình trạng và đặt ép hạnh phúc trên đầu các cá nhân bất chấp các ý định của chủng loại; thì người xem lại cảm thấy cái đau đớn mà tinh thần chủng loại đang đau, và ấm ức trước cái lợi mang đến cho các cá nhân. Tiêu biểu cho loại này, tôi có vài vở kịch ngắn rất quen thuộc như Nữ hoàng mười sáu(La Reine de seize ans) và Môn đăng hộ đối (Le mariage de raison)[15]. Trong các bi kịch diễm tình, đôi tình nhân, vốn dĩ là công cụ của tinh thần chủng loại, thường chết đi khi mà các hy vọng của chủng loại bị tiêu tan, chẳng hạn như trongRoméo và Juliette, Tancrède, Don Carlos, La Fiancée de Messine[16] v.v…

Tình cảm của một chàng si thường gây ra trò cười, đôi khi bi đát, trong cả hai trường hợp cũng vì tinh thần chủng loại xâm chiếm hắn, chế ngự hắn và ngăn cản khiến hắn không còn tự thuộc mình nữa; vì thế mà hành động của hắn không còn thích ứng với cá tính của hắn. Trên các cao độ của tình ái, tư tưởng của con người ta khoác một bộ mặt nên thơ và cao cả, và còn có cả chiều hướng siêu việt và siêu vật, nhờ đó con người ta hầu như quên hẳn mục đích thực sự của mình, một mục đích rất ư vật chất; chính ra lúc này, thâm tâm hắn đang bị chi phối do tinh thần chủng loại mà các mục tiêu còn vô cùng quan trọng hơn tất cả các mục tiêu chỉ liên quan đến các cá nhân mà thôi; nhân danh tinh thần chủng loại, con người có nhiệm vụ xây dựng sinh tồn cho cả một dòng dõi dài vô tận, mang cái bản chất được quy định rõ ràng mà nó chỉ có thể tiếp thụ ở người đàn ông đó là cha, và ở người đàn và mà người đàn ông đó yêu quý là mẹ, và nếu không thế thì không bao giờ nó lại sinh ra được ở cái đời mà cá thể hóa của ý chí đòi hỏi. Cái cảm thức hành động theo các mục đích có một tầm siêu việt như thế là cái nâng cao kẻ si tình lên đến mức vượt lên trên tất cả những gì là thế tục và vượt ra khỏi cả chính hắn, và khoác một bộ áo hết sức siêu tế của những dục vọng rất vật chất, khiến tình yêu trở thành một chuyện nên thơ ngay cả trong đời sống tầm thường nhất của con người; trong trường hợp này, câu chuyện đôi khi thành hài hước. Cái mệnh lệnh này của ý chí khách thể hóa ở chủng loại hiện ra trong ý thức của kẻ si tình dưới cái mặt nạ dự liệu một hạnh phúc vô biên, mà hắn sẽ được gặp trong sự phối hợp với người đàn bà riêng biệt nào đó. Ở vào những mức độ cao nhất của tình yêu, cái ảo tưởng này trở thành diễm lệ đến nỗi nếu ta không được đến gần nó, thì ngay cả đời sống cũng mất hết thú vị và từ đó trở đi hầu như trống rỗng quá, ảm đạm quá, vô vị quá, khiến ta chán ngấy đến coi thường cả cái chết; lúc đó người ta đòi tự ý hủy bỏ đời mình. Cái ý chí của một kẻ si tình khi đến thế đã bị lôi cuốn vào vòng nước xoáy của ý chí chủng loại, hoặc là ý chí chủng loại đã chế ngự ý chí cá nhân đến mức, khi đã không làm lợi được gì cho chủng loại thì ý chí cá nhân cũng không còn buồn làm lợi gì cho mình nữa. Trong trường hợp này, cá nhân là một cái chậu mong manh quá nên không chứa nổi cái khát vọng vô biên của ý chí nhân loại tập trung vào một đối tượng chính xác. Vì thế mà giải pháp là tự sát, đôi khi cả đôi nhân tình cùng tự sát; trừ phi để cứu mạng, thiên nhiên lại khiến người ta điên, dùng tấm màn điên để bao phủ ý thức kẻ tuyệt vọng. - Không năm nào lại không xảy ra rất nhiều vụ tương tự, xác nhận cho những gì tôi vừa nói là thật.

Nhưng không phải chỉ có tình yêu tha thiết bị cản trở mới đôi khi đi tìm một giải pháp bi đát; ngay cả tình yêu thỏa mãn thường cũng đưa đến tai họa thay vì hạnh phúc. Vì các sự đời hỏi của nó thường xung đột với hạnh phúc riêng tư của đương sự làm hắn hao mòn; thật vậy, các đòi hỏi ấy xung khắc với các điều kiện khác của đời sống hắn và hủy diệt nếp sống xây dựng trên các điều kiện này. Vả lại tình yêu không những xung khắc với hoàn cảnh bên ngoài, mà còn xung khắc với cá tính riêng tư, ở chỗ nó bám lấy những người mà, ngoài sự giao cấu ra, kẻ si tình chỉ còn thấy đáng ghét, đáng khinh, nếu không phải là ghê tởm. Nhưng ý chí chủng loại mạnh hơn ý chí cá nhân quá nhiều đến nỗi kẻ si tình nhắm mắt trước mọi đặc tính làm hắn ghê tởm, để hắn không còn thấy gì, để quên hết, để suốt đời bám lấy vật si mê của mình; cái ảo tưởng ấy làm mù quáng hắn đến chừng nào, và chỉ biến mất ngay khi khát vọng của chủng loại được thỏa mãn, nhưng vẫn để lại một người bạn đời mà mình thù ghét. Chỉ có điều này mới giải thích được tại sao ta thường thấy có những người rất biết điều, lỗi lạc là khác, lại lấy những quỷ sứ bà chằng, khiến ta không hiểu tại sao họ lại đi chọn những người vợ như vậy. Nên người xưa thường mô tả ái tình như là mù quáng. Hơn thế: một kẻ si tình còn có thể thấy rõ và khổ sở ê chề với các nết xấu không sao chịu nổi về tính khí cũng như tính tình của vị hôn thê của mình mà vẫn không ớn:

I ask not, I care not,
If guilt’s in thy heart;
I know that I love thee,
Whalever thou art

Anh chẳng hỏi, anh chẳng cần,
Có gì xấu trong lòng em;
Anh chỉ biết anh yêu em,
Dù em là gì đi nữa.

Vì xét cho cùng hắn đâu có tìm cái hay cho mình, mà tìm cho một đệ tam nhân, còn được cấu sinh, mặc dù cái ảo tưởng bao lấy hắn khiến hắn tưởng mình chỉ có tìm hạnh phúc cho mình. Nhưng cứ cái điều không theo đuổi hạnh phúc cho riêng mình cũng đã phết cho tình yêu say đắm cái nước sơn cao cả làm nó thành một đối tượng đáng được thi ca tán tụng. - Sau hết, tình yêu còn chịu đựng được cả với cái thù tột độ đối với đối tượng của nó; vì thế cho nên Platon đã từng so sánh nó như tình yêu chó sói đối với cừu cái. Thật vậy, đó là điều xảy ra khi một kẻ si mê không được toại nguyện vì một điều kiện nào đó, bất chấp mọi nỗ lực, mọi van lơn của hắn.

I love and hate her
(Tôi yêu nàng và tôi ghét nàng)

Shakespeare

Cái thù ghét người yêu, lúc đó bốc cháy, đôi khi đi xa đến mức hắn giết nàng rồi tự xử lấy mình. Hàng năm thường xảy ra nhiều vụ như thế; cứ xem báo thì biết. Nên lời thơ sau đây của Goethe[17] rất đúng:

Bei aller verschmaehten Liebe!
Beim hoellischen Elemente!
Ich wollt’ ich wusst’ was aerger’s, dass ich fluchen koennte

(Bị mọi tình yêu khinh bỉ, bị cái yếu tố độc địa!
Tôi muốn biết cái gì kinh khủng hơn thế nữa, để nói lên niềm bất hạnh của tôi!)

Quả thật người ta không thể bảo là khoa đại, khi một kẻ si tình gọi là độc ác cái thái độ lạnh lùng và kiêu hãnh của người mình yêu đang tâm lấy nỗi đau khổ của mình làm trò đùa. Vì hắn bị đặt dưới sự chế ngự của một nhu cầu tương tự như bản năng của côn trùng, buộc hắn phải theo đuổi mục đích, bất chấp mọi lý luận của lý trí và gạt bỏ mọi cái ra sau; hắn không tài nào trốn thoát. Đâu phải chỉ có một, mà vô số Pétrarque, suốt đời lê lết, như đeo một xích sắt, một quả tạ ở chân, một mối tình si không thỏa mãn, thở vắn than dài trong các cánh rừng hoang vu; nhưng chỉ Pétrarque mới có hồn thơ, khiến ta có thể áp dụng cho hắn lời thơ diễm lệ này của Goethe:

Und wenn der Mensch in seiner Qual verstummt,
Gab mir ein Gott, zu sagen, wie ich leide.

(Và khi mà con người, trong đau khổ, không nói lên lời
Thì đã có một vị thần nói lên những gì tôi chịu đựng).

Thật ra, tinh thần chủng loại không ngừng chiến đấu chống lại các thần bảo vệ các cá nhân, là kẻ hành hạ họ, là kẻ thù của họ, lúc nào cũng sẵn sàng thẳng tay tiêu diệt hạnh phúc riêng tư để đạt được các cứu cánh của mình; ngay cả sự an lạc của hàng bao nhiêu quốc gia cũng từng là nhạn nhân của các trái chứng của nó: Shakespeare từng cho ta một tỉ dụ về loại này trong vở Henri IV, phần III, hồi 3, các cảnh 2 và 3. Tất cả những gì xảy ra cũng chỉ vì cái chủng loại mà trong đó bản thân ta đóng rễ đối với ta có một quyền hành mật thiết hơn, lâu đời hơn là cá nhân và do đó các quyền lợi của nó tất cũng hơn. Chính vì trực giác được chân lý này mà cổ nhân đã nhân cách hóa tinh thần chủng loại dưới hình thức thần ái tình, một thứ thần diện mạo ấu trĩ, mà lại nham hiểm, ác độc, và chính vì thế mà ai ai cũng phỉ nhổ, thứ quỷ bất nhất, chuyên chế, tuy nhiên lại làm chủ các thần cũng như loài người.

Tu, deorum hominumque tyranne, Amor!
(Hỡi ái tình, thống trị các thần cũng như loài người!)

Một vũ khí giết người, đôi mắt mù lòa và đôi cánh, đó là những biểu hiện của nó. Đôi cánh tượng trưng cho bất nhất, thường thì chỉ xuất hiện với sự thất vọng, con đẻ của khoái lạc.

Thật vậy, vì tình yêu dựa vào cái ảo tưởng nó làm lóng lánh những gì chỉ có giá trị cho chủng loại như một của quý cho cá nhân, nên một khi mục đích đã đạt thì ảo ảnh cũng tiêu tan. Tinh thần chủng loại xâm chiếm cá nhân lúc đó cũng trả lại tự do cho cá nhân. Bị ruồng bỏ, cá nhân lại rơi lại trong các giới hạn và trong sự nghèo nàn cổ sơ của hắn, và lấy làm lạ rằng sau bao nhiêu nỗ lực cao đẹp như thế, anh hùng như thế, phi thường như thế, rút cuộc hắn chỉ còn được hưởng cái gì của một cái thú nhục dục; trái với sự mong mỏi, hắn thấy mình cũng chẳng sung sướng gì hơn trước. Hắn nhận thấy mình đã bị cái ý chí của chủng loại lừa bịp; vì thế cho nên một Thésée khi đã chán chường tất rời bỏ nàng Ariane của mình. Nếu tình yêu của Pétrarque lại được thỏa mãn, thì ngày từ phút đó hắn cũng ngưng tiếng hát, cũng như chim hót khi trứng vừa đẻ xong.

Ở đây, thiết tưởng cũng nên nói qua rằng luận điệu siêu hình tình yêu của tôi hẳn làm phật ý những kẻ không mắc lưới tình yêu, cái chân lý căn bản mà tôi nói ra đáng lẽ phải hơn bất cứ mọi cái gì khác, giúp họ có khả năng chế ngự mọi tình yêu, miễn sao những nhận xét lý trí có một quyền lực gì đối với một tình yêu. Tuy nhiên người ta chắc hẳn lại dựa vào lời nói của nhà hài hước Latinh: “Quae res in se neque consilium, neque modum haber ullum, eam consilio regere non potes.” (Đó là một cái tự nó chả biết gì là khôn ngoan, là chừng mực; ta không thể dùng khôn ngoan mà trị nó được).

Các cuộc hôn nhân ái tình đều được kết thúc vì quyền lợi của chủng loại, không phải vì quyền lợi của các cá nhân. Đành rằng các được sự tự dối mình với cá ảo ảnh rằng mình hành động cho hạnh phúc của riêng mình, nhưng chính cái cứu cánh thực sự của họ cũng xa lạ đối với chính họ, vì cứu cánh đó là cấu sinh một cá nhân chỉ có thể cấu sinh được do họ mà thôi. Vì thế họ phải làm sao cho được ý hợp tâm đầu hết sức, một khi cái mục đích ấy đã ràng buộc họ với nhau. Nhưng thường thì các cặp được sắp xếp do cái ảo tưởng bản năng kia vốn dĩ là yếu tính của tình yêu say đắm, lại mang một tính chất bất đồng nhất. Sự bất đồng lại càng bộc lộ khi ảo tưởng tiêu tan, một điều không sao tránh khỏi. Vì vậy mà các cuộc phối hợp vì tình thường có một chung cục không tốt đẹp; vì chúng lo cho thế hệ tương lai mà lơ là với thế hệ hiện sống. Quien se casa por amores, ha de vivir con dolores(Kẻ nào lấy vì yêu, kẻ đó sẽ sống trong đau khổ), một câu phương ngôn Tây Ban Nha nói. - Ngược lại là các cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, thường được cấu kết theo sự lựa chọn của cha mẹ. Các điều nhận xét trong trường hợp này, dù có tính chất gì đi chăng nữa, ít ra cũng thực tế và không thể tự chúng tiêu tán được. Chúng chú trọng vào hạnh phúc của các cá nhân hiện hữu, đành rằng bất lợi cho những kẻ đến sau; và cái hạnh phúc kia dù sao cũng chưa có gì làm chắc. Người khi lấy vợ, nghĩ đến tiền hơn là thỏa mãn xu hướng của mình, người đó sống như một cá nhân hơn là một phần tử của chủng loại; nhưng như thế là trái với chân lý, nên có vẻ như trái với thiên nhiên và do đó không khỏi bị người khinh khi. Một thiếu nữ, cưỡng lại ý kiến cha mẹ, từ chối lời cầu hôn của một người giàu có và còn trẻ, gạt bỏ sang một bên mọi nhận xét đăng đối và nhất nhất lựa chọn theo xu hướng bản năng của mình, thiếu nữ đó hy sinh cái lợi cá nhân mình cho cái lợi chủng loại. Nhưng chính vì thế mà người ta không thể không tán thành cô ta; vì cô ta thích cái thiết yếu hơn và đã hành động theo tinh thần thiên nhiên (đúng ra là tinh thần chủng loại), trong khi lời khuyên của cha mẹ đi theo chiều vị kỷ cá nhân. - Xem thế thì hình như, trong một cuộc hôn nhân hoặc là cá nhân, hoặc là quyền lợi chủng loại, phải một đằng bị thiệt. Thường thì như vậy hơn; vì muốn cả đăng đối cả tình yêu cùng đi song song thì quả thật là một sự may mắn hy hữu. Sở dĩ bản chất của đa số nhân loại thật tồi tệ về phương diện thể chất cũng như đạo đức và trí tuệ cũng phần vì người ta lấy nhau, chẳng phải vì lựa chọn và tình yêu không thôi, mà còn theo đủ thứ yếu tố ngoại lai, và trường hợp ngẫu nhiên này khác. Nếu trái lại người ta quan tâm phần nào đến tình yêu thêm vào đăng đối, âu đó cũng là một bổ sung cho tinh thần chủng loại. Ai cũng biết các cuộc hôn nhân hạnh phúc rất hiếm; chính vì yếu tính của hôn nhân là cứu cánh, tối thượng của nó chẳng phải là thế hệ hiện tại, mà là thế hệ tương lai. Tuy nhiên, để an ủi những tâm hồn âu yếm yêu đương, ta cần nói thêm rằng đôi khi đi đôi với tình yêu nhục dục đắm đuối còn có một tình cảm mang một nguồn gốc khác hẳn, một tình bạn thực sự xây dựng trên sự hòa hợp giữa hai đầu óc; tuy nhiên thường khi tình cảm ấy chỉ biểu hiện khi ái tình đích danh đã tắt vì đã phỉ nguyện. Thường thì nó nảy sinh khi các đặc tính bổ khuyết và tương đối của hai cá nhân, dù là đặc tính thể chất, tinh thần hay trí tuệ, vốn dĩ khiến ái tình nảy nở, để tạo ra cá thể phải cấu sinh, lại bổ khuyết được nhau về tính tình cũng như trí tuệ và do đó giúp cho hai tâm hồn hòa hợp.

Toàn thể siêu hình tình yêu được trình bày ở đây triệt để phù hợp với siêu hình của tôi nói chung, và ta có thể tóm tắt như sau những điều nó giúp là sáng tỏ thêm thuyết siêu hình của tôi:

Ta thấy rằng sự tuyển lựa thận trọng trong việc tìm thỏa mãn dục tính, sự tuyển lựa nó lần lần bước lên hàng vô số cấp bực cho đến cái mức độ của tình yêu say đắm, dựa vào mối quan tâm tỉ mỉ của con người đến sự cấu tạo đặc biệt của cá nhân thế hệ tương lai. Và mối quan tâm tha thiết này xác nhận hai chân lý từng được trình bày trong các chương trước: 1 - Tính chất bất diệt của bản thể tự tại của con người, nó tồn tại trong cái thế hệ tương lai kia. Vì mối quan tâm rất hăng hái và nhiệt thành kia, phát sinh không phải do sự suy tư và cố ý, mà do khát vọng và do xu hướng sâu kín nhất của bản thể ta, đã không thể lại bất diệt đến thế và có một quyền lực mạnh mẽ đến thế đối với con người, nếu như con người lại tuyệt đối khả diệt và một thế hệ thực sự và hoàn toàn khác hẳn nó chỉ có việc theo nó trong thời gian. 2 - Rằng bản thể tự tại của con người nằm trong chủng loại hơn là trong cá nhân.Vì mối quan tâm đến bản chất đặc biệt của chủng loại kia, nó là nguồn gốc của mọi cuộc tình duyên, từ cái yêu thoáng cho đến mối tình say đắm nhất, quả thật đối với từng người đều là chuyện quan trọng nhất, nghĩa là chuyện mà thành hay bại đều làm người ta xúc động nhất; nên người ta thích gọi đó là những chuyện tâm tình: mọi quyền lợi liên quan đến con người duy nhất nào đó đều được đặt sau quyền lợi của chủng loại, một khi đã biểu lộ mãnh liệt và cương quyết, và nếu cần, phải được hi sinh cho quyền lợi chủng loại. Như thế, con người chứng tỏ rằng nó coi trọng chủng loại hơn là cá nhân, và nó sống gần chủng loại hơn là cá nhân. - Vậy thì tại sao kẻ si tình lại cứ luẩn quẩn hoàn toàn quy lụy trước mắt người mình yêu, sẵn sàng hy sinh mọi cái? - Vì chính cái phần bất diệt của bản thể hắn mới tha thiết khao khát cô ta, còn lại chỉ là phần tất diệt. - Cái khát vọng mãnh liệt và ngay cả thành khẩn kia nhắm vào một người đàn bà nhất định do đó là một đảm bảo tức thời cho tính chất bất diệt của yếu tính của bản thể chúng ta và cho sự tồn tại của nó trong chủng loại. Nhưng nếu vậy thì khi coi sự tồn tại đó là một cái không đáng kể và tầm thường tất là một điều nhầm lẫn; sở dĩ có sự nhầm lẫn này là vì, nói đến sự tồn tại của chủng loại, người ta chỉ biết liên tưởng đến sự hiện hữu tương lai của những con người giống nhau, nhưng không đồng nhất với chúng ta; và quan niệm này tự nó lại phát sinh ở điều là, khởi đi từ một kiến thức hướng về các ngoại vật, người ta chỉ quan tâm đến hình thức bên ngoài của chủng loại như ta ý thức bằng trực giác, chứ không quan tâm đến bản thể nội tại của nó. Nhưng chính cái bản tính nội tại ấy mới là cái căn bản, là trung tâm của ý thức của chính chúng ta; do đó nó còn trực tiếp hơn là ý thức, và, vì là vật tự tại, nó không lệ thuộc vào nguyên lý cá nhân. Cái bản tính này thật ra ở mọi cá nhân đều có như nhau, dù họ sống đồng thời hay kế tiếp nhau. Và nó chính là cái ý chí sống, tức là cái gì đòi hỏi rất ư khẩn thiết sự sống và sự sống còn. Cái ý chí ấy được miễn chết; cái chết không động đến nó. Nhưng đồng thời, nó cũng không thể đạt đến một trạng thái tốt đẹp hơn là trạng thái hiện tại của nó; nên cái chời đợi nó với sự sống muôn đời vẫn là sự đau khổ và cái chết dành cho các cá nhân. Chỉ có sự phủ nhận cái muốn sống mới giải thoát nó khỏi đau khổ và chết; có phủ nhận cái muốn sống, ý chí cá nhân mới dứt mình ra khỏi cái gốc chủng loại và từ bỏ mọi hiện hữu trong chủng loại. Muốn hiểu lúc đó nó là gì, ta không đủ sức hiểu, và cũng thiếu hết các dữ kiện liên quan đến nó. Chúng ta chỉ có thể mệnh danh nó như một cái gì có tự do sống hay không có ý chí sống. Trong trường hợp sau, Phật giáo dùng danh từ Niết bàn. Đây là điểm mà kiến thức của con người không tài nào hiểu nổi.

Nếu giờ đây (theo cái viễn tưởng của các ý nghĩ cuối này), ta nhìn sâu vào cái náo nhiệt của đời sống, ta thấy mọi con người bị giày vò bởi những đau khổ lo âu của kiếp sống này, ra sức thỏa mãn các nhu cầu vô tận và chống lại muôn điều khổ não, để không mong mỏi gì hơn là bảo tồn cái kiếp sống cá nhân quằn quại trong một thời gian ngắn ngủi. Thế mà giữa cảnh hỗn loạn ấy, ta bắt gặp bốn mắt giao nhau đầy thèm muốn của đôi nhân tình. - Nhưng tại sao lại phải nhìn trộm, sợ sệt, lén lút? - Bởi vì đôi nhân tình kia là những kẻ phản bội thầm lén tìm cách lưu tồn tất cả cái khốn khổ, tất cả các phiền não kia nếu không có họ tất phải chấm dứt; họ muốn ngăn cản không cho chúng dứt; cũng như các kẻ giống họ từng làm trước họ. Nhưng nói vậy là đã đi quá chương này rồi.


Chú thích:

[1] Burger (Gotteried August): Sinh tại Phổ năm 1747, mất năm 1796, nổi danh nhờ các bài thơ tứ đoạn như Lenor, Chàng thợ săn man rợ, Cô con gái của mục sư Taubénhain, v.v... Các vần thơ này trích trong bài Shon Suschen.
[2] Francois La Rochefoucauld (1613 - 1680): Tác giả của nhiều câu danh ngôn và các cuốn hồi ký. Ông thuộc giới quý tộc Pháp thế kỷ 17.
[3] Lichtenberg (1742 - 1799): Giáo sư triết học thực nghiệm tại Gottingen. Tác giả cuốn tiểu luận về sức mạnh của ái tình, ông nổi danh nhất là nhờ phê bình Lavater.
[4] Boileau Despréaux (Nicolas): Thi sĩ và phê bình gia Pháp (1630 - 1711).
[5] Jacques Ortis: Nhân vật chính của một cuốn tiểu thuyết viết theo thể thư từ của Ugo Foscolo, nhan đề Ultime Lettere Di Jacques Ortis (1802). Jacques yêu Terasa và được nàng yêu nhưng không lấy được nàng vì nàng đã có người cầu hôn. Thất vọng, chàng tự tử. Trong thiên tình sử này còn lẫn cả tình yêu tổ quốc tha thiết. Cuốn sách được coi là một tác phẩm của nền văn chương Italia vào đầu thế kỷ XIX.
[6] Jean - Jacques Rousseau (1712 - 1778): Nhà triết học Pháp - Thụy Sỹ thuộc phong trào Khai sáng, tư tưởng chính trị của ông có ảnh hưởng tới cách mạng Pháp, sự phát triển của học thuyết XHCN và sự lớn mạnh của dân tộc chủ nghĩa.
[7] Benedictus de Spinoza (1632 - 1677): Nhà triết học Hà Lan, được coi là người theo chủ nghĩa duy lý của triết học thế kỷ 17, tác phẩm lớn nhất của ông là “Đạo đức học” (Ethics).
[8] Pedro Calderon de la Barca (1600 - 1681): Nhà việt kịch và nhà thơ Tây Ban Nha.
[9] Sémiramis: Theo truyền thuyết là nữ hoàng của đế quốc cổ đại Assyrian (Tây Á)
[10] Xanthippe: Vợ của Socrate, trong nhiều câu truyện đồn đại thì Xanthippe được biết tới là một người vợ chua ngoa, lắm điều. Ngày nay, tên của bà được dành chỉ những bà vợ ngoa ngoắt
[11] Hufeland (Chistophe Guilaume): 1762 - 1836. Giáo sư bệnh học Đại học Berlin.
[12] Paraceles de Hohenheim (1495 - 1541): Lương y, chiêm tinh gia, người Thụy Sỹ.
[13] Mateo Aleman (1547 - 1609): Tiểu thuyết gia Tây Ban Nha.
[14] Nicolas Chamfort (1741 - 1794): Nhà văn Pháp
[15] Của Scribe viết vào các năm 1820 - 1826.
[16] Tancrède là nhân vật trong vở Jerusalem délivrée của Tass; Don Carlos, Wallenstein, La Fiancée de Messine của Schiller
[17] Joham Wolfgang von Goethe (1749 - 1832): Học giả Đức, ông là họa sĩ, nhà viết kịch, nhà thơ, nhà nhân văn học, khoa học và triết gia

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bản chất tình yêu

    14/09/2014Minh TúTại sao một đối lượng nào đó dù chỉ là lần gặp gỡ đầu tiên đã "hớp" hồn ta? Tại sao người ta luôn tìm kiếm sự lãng mạn của nhau? Tại sao có người chỉ yêu duy nhất một người đến trọn đời? Muôn vàn câu hỏi tại sao vẫn chưa có lời đáp...
  • Tình yêu

    28/10/2015M. Scott PeckTôi rất ý thức rằng khi toan tính xem xét tình yêu tức là chúng ta đang bắt đầu đùa giỡn với điều bí ẩn. Đúng nghĩa là chúng ta đang toan tính khảo sát cái không thể khảo sát được, và hiểu biết điều không thể hiểu biết được. Tình yêu mênh mông quá, sâu thẳm quá, ta không thể nào hiểu hết hay đo lường hết, cũng không thể giới hạn trong cái khung ngôn từ được...
  • Tình yêu và dâm dục

    30/09/2014Khi một người nam và một người nữ yêu nhau, họ khao khát nhau, nhưng không như cách họ thèm ăn hay khát nước. Bản năng giới tính của con người diễn ra theo hai hướng: có dục tính phục vụ cho tình yêu, và có dục tính tách rời khỏi tình yêu (tức là dâm dục). Thèm muốn một con người như thèm muốn thức ăn hay thức uống là dâm dục – một sự thèm muốn hoàn toàn ích kỷ. ...
  • Các loại tình yêu

    21/09/2014Hầu hết chúng ta khi nghe từ “tình yêu” thường nghĩ ngay đến thái độ của một người đàn ông với người con gái chưa chồng. Đây chắc chắn là một dạng tình yêu rất thực và hiển nhiên. Nó không chỉ là chủ đề của những vở kịch lớn, những bộ phim Hollywood, và tiểu thuyết lãng mạn. Nó còn là một trong những biểu hiện cơ bản của đời sống vợ chồng, của sự ràng buộc dài lâu giữa hai người biến họ thành một thể xác. ...
  • Tình yêu và tình dục

    18/04/2014Sưu tầmTình yêu quá nhiều lần bị lép vế trước tình dục. Nó dày công vun xây những tình huống lãng mạn tuyệt vời và rồi đùng một cái tình dục ló mặt ra làm lâu đài tình linh thiêng kia tan ra như bong bóng xà phòng...
  • Siêu hình tình yêu - Siêu hình sự chết

    22/09/2009Arthur SchopenhauerSchopenhauer thường hay nói: "Tôi không phải là ông thánh". Và lời tuyên bố này chả có gì là tự hạ. Sự mâu thuẫn giữa nhân cách và tác phẩm do đó được bù đắp bằng sự hòa hợp giữa tác phẩm với đặc tính tri thức của tác giả, với đường nét của thiên tài của ông. Và, đối với Schopenhauer, sự hòa hợp này là điều thiết yếu, vì theo ông, nhân cách tri thức, chứ không phải nhân cách đạo đức, tạo ra con người hơn người.
  • Suy ngẫm về tình yêu

    14/02/2009Nguyễn Tất ThịnhTình yêu là điều không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần mỗi người đang sống. Ở đó là sự hội tụ của những cảm xúc riêng tư nhất, con người nhất với tất cả những lý do mong chờ, tìm được sự khao khát tuyệt đỉnh về những điều đẹp đẽ, những điều khiến người ta THÁNH THIỆN hơn bản thân họ rất nhiều...
  • Khát vọng Tình yêu & Hạnh phúc

    17/12/2008Nguyễn Khắc NhoTrong cuộc sống hàng ngày, ai mà chả mong mình được sống trong tình yêu và hạnh phúc. Lời chúc muôn thuở của con người mãi mãi vẫn là chúc nhau mạnh khỏe, thành đạt và hạnh phúc. Thế nhưng thử hỏi tình yêu là gì, hạnh phúc là gì, vì sao con người lại chúc nhau và mong mỏi thiết tha đến thế?
  • Mỗi người

    28/11/2008Nguyễn Khắc NhoMỗi người vừa là cá nhân nói riêng trong cộng đồng, vừa là chủ nhân của cộng đồng, vừa sáng tạo ra tình yêu và hạnh phúc cho mình và cho mọi người, vừa được cảm nhận tận hưởng tình yêu hạnh phúc của mọi người đem lại...
  • Hạnh phúc

    24/11/2008Nguyễn Khắc NhoNhiều người đã suốt đời tu thân tích đức, làm điều thiện, làm phúc, để cầu mong cho mình, cho con cháu họ hàng và quê hương được sống yên vui hạnh phúc. Các câu chuyện cổ tích dân gian của các dân tộc trên thế giới này đều có một điểm chung giống nhau là gửi gắm những ước mơ khát vọng ngàn đời về cuộc sống hạnh phúc của con người vào những bậc thần thánh, những ông phật, bà chúa, cô tiên... có đủ phép nhiệm màu...
  • Tình yêu làm con người mang bản nguyên thần thánh

    21/12/2007Bùi Quang MinhSolovyev chỉ ra 5 loại quan hệ nam nữ với loại quan hệ nam nữ có tình yêu gắn với lý tưởng hóa đối tượng yêu, làm chúng ta khi yêu mang bản nguyên thần thánh. Tình yêu nam – nữ tuyệt đích sẽ bất tử hóa tất cả bởi tình yêu chuyên trở sự sống vĩnh cửu cho cái mình yêu, tái sinh vĩnh viễn trong cái đẹp...
  • Quy luật tình yêu

    06/12/2007Ba hành khách cùng đi trên một chuyến tàu tới ga Tình yêu: Sòng phẳng, Ích kỷ và Vị tha. Cả ba đều mang theo mình hai gói đồ: Nhận và Cho, nhưng độ nặng nhẹ khác nhau: Sòng phẳng: Cho = Nhận, Ích kỷ: Cho < Nhận, Vị tha: Cho > Nhận...
  • xem toàn bộ