Giáo dục Mỹ từ trải nghiệm

12:09 CH @ Thứ Năm - 23 Tháng Chín, 2021

Trước khi đến Mỹ để học ngành ngữ văn Anh và quản lý giáo dục, tôi cũng có những suy nghĩ tiêu cực như thế về môi trường giáo dục của Mỹ. Nhưng sáu năm học tập và làm việc ở Mỹ đã cho tôi những kinh nghiệm thực tế và khácbiệt hoàn toàn về nền giáo dục Mỹ, một nền giáo dục đầy khoa học, nhân văn và rất đáng để chúng ta học tập nếu thực sự muốn thay đổi. Nền giáo dục Mỹ không chủ trương đào tạo ra những học sinh ưu tú theo kiểu gà chọi đi thi đấu giành huy chương hay giải thưởng mà chú trọng vào việc đào tạo những công dân dù năng lực có khác nhau vẫn hiểu được thế nào là sự bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội và cống hiến đúng khả năng mình cho cộng đồng mình đang sống bằng những cách thực tế nhất. Sau đây là những điều nền giáo dục Mỹ đã đào tạo cho học sinh của mình.

I. Ý thức về quyền công dân của học sinh.

Một trong những điều cơ bản mà trẻ em Mỹ được học ở trường là quyền công dân (Civil Rights), quyền cơ bản nhất được ghi trong Hiến Pháp ( The Constitutions) và quyền tự do ngôn luận (Freedom of Speech). Các bé được dạy Hiến Pháp là cơ sở pháp lý quan trọng nhất mà nhà nước Hoa Kỳ dựa vào đó để tồn tại. Các bé còn biết được Hiến Pháp quy định những quyền lợi cơ bản của một công dân mà ai cũng phải tôn trọng không được quyền xâm phạm.

Những đứa trẻ từ trước khi biết đọc đã hiểu được một điều mọi người có quyền bình đẳng như nhau trước pháp luật dù bạn là nam hay nữ, da trắng hay da màu, lớn tuổi hay còn nhỏ, có địa vị xã hội hay không. Trước khi bị tòa án chính thức kết tội, không ai được quyền phán xét người đang đứng trước vành móng ngựa vì người đó vẫn còn đầy đủ quyền công dân. Và các bé hiểu thế nào là quyền tự do ngôn luận của một công dân: được quyền phát biểu ý kiến của mình một cách thẳng thắn và trung thực miễn là điều mình nói ra không kích động bạo lực hay là nguyên nhân tác động đến một hành động tiêu cực của người nghe. Vì thế người lớn dù là cha mẹ hoặc thầy cô cũng không thể dùng quyền người lớn của mình để bắt con em mình im miệng một cách vô lý.

Nếu giữa cha mẹ và con cãi xảy ra tranh cãi, một khi đứa trẻ cảm thấy không chịu đựng nổi những lời nặng nề của cha mẹ, nó có thể đứng dậy và bỏ về phòng của mình. Và bạn cũng đừng ngạc nhiên khi xem phim Mỹ thấy cảnh mấy cô cậu teen cãi tay đôi với bố mẹ. Tất cả những điều đó được hiến pháp Mỹ quy định rất rõ ràng là hợp pháp.

Việc tranh luận với bố mẹ hoặc đứng dậy bỏ đi của trẻ em chính là một biểu hiện của sự hiểu biết và thực thi triệt để quyền hợp pháp của mình. Còn việc cha mẹ dùng quyền làm phụ huynh hoặc dùng bạo lực để bắt con cái theo ý mình là phạm pháp và có thể bị kiện vì tội ngược đãi trẻ em.

Học ngoài trời



II. Lòng yêu nước và tự hào dân tộc:

Trước khi đến sống, học tập và làm việc ở Mỹ, tôi thường nghĩ rằng người Mỹ không yêu nước, hoặc ít ra không yêu nước bằng dân ta. Suy nghĩ này bắt nguồn từ tư tưởng Mỹ là một hợp chủng quốc với nhiều dân tộc khác nhau chứ không có cùng một nguồn gốc như các quốc gia khác trên thế giới. Người Mỹ thường hay nói về gốc gác của mình rằng tổ tiên của mình từ đâu đến Mỹ. Hơn nữa, ngoài cuộc chiến tranh giành độc lập ở thế kỷ 18 thì Mỹ chẳng trải qua một cuộc chiến tranh vệ quốc nào để nhân dân cùng chống một kẻ thù xâm lược chung nên làm gì có chuyện yêu nước ở đây.

Ngược lại, Mỹ là một quốc gia hay gây chiến tranh và đẩy người dân đi tham chiến ở những xứ sở xa xôi gây tội ác với những dân tộc không thù oán với mình. Người Mỹ làm sao có thể yêu một đất nước như thế, nếu không muốn nói là phải cảm thấy xấu hổ về quê hương mình mới đúng. Nhưng càng sống ở Mỹ lâu tôi càng thấy mình thật sự ấu trĩ. Một đất nước rộng lớn và đa sắc tộc như Mỹ không thể nào tồn tại và phát triển phồn vinh thành một siêu cường như ngày hôm nay nếu không có lòng yêu nước.

Trẻ em Mỹ được giáo dục lòng yêu nước theo một cách rất khác với những quốc gia và dân tộc khác vì tổ tiên chúng không cùng một nguồn gốc. Để khơi gợi cho những đứa trẻ sự yêu nước, người Mỹ nhắc nhở con em họ đất nước này là nơi cưu mang cha ông chúng, những người di cư đã phải rời bỏ quê hương xứ sở để đến lập nghiệp nơi này và cho dù bạn từ đâu đến, sự đóng góp của bạn cũng sẽ đều được ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng. Đã qua rồi cái thời kỳ mà người Mỹ gọi quốc gia họ là một cái nồi ninh nhừ mọi thứ văn hóa (the melting pot). Người Mỹ thích xem quốc gia mình như một món salad trong đó, mỗi thành phần cho dù có trộn lẫn với nhau vẫn giữ được mùi vị riêng của mình.

III. Ý thức tự quản và tự thân vận động:

Từ bé, học sinh Mỹ được học tính năng động và không ỷ lại. Thay vì ngồi tại chỗ trong một lớp, học sinh Mỹ sau mỗi giờ học phải di chuyển sang lớp khác để học môn khác. Khi mới đi dạy ở Mỹ, tôi thấy việc này hết sức phi lý vì học sinh chạy tới chạy lui đùa giỡn náo loạn cả hành lang rất ồn ào, lại có tình trạng kẻ vào trước người vào sau lộn xộn. Nhưng sau một thời gian, tôi rút ra được nhiều bài học từ việc di chuyển xem chừng như rất vô ích này.

Trước tiên, mỗi phòng học đều được thiết kế cho một môn học riêng: phòng học môn ngữ văn có kệ sách để sách truyện, phòng dạy sinh vật có chuồng nuôi một số loài thú nhỏ hay bể cá và các tiêu bản động thực vật, phòng vật lý hóa học có các trang thiết bị thí nghiệm. Giáo viên không thể nào vào kho để vác những thứ đó lên lớp để dạy cho học sinh được mà học sinh học giờ nào sẽ đến đúng lớp đó để học.

Thứ hai, giữa hai tiết học, học sinh buộc phải đứng lên vận động cơ thể bằng cách di qua lớp khác để tránh việc ngồi lâu một chỗ gây béo phì. Và cuối cùng, học sinh phải tự ý thức được giờ sau mình có lớp gì để chuẩn bị thu dọn mà đến lớp đó cho đúng giờ để tập cho mình ý thức tự giác sau này đi làm đảm bảo được giờ giấc. Quả thật, mặc dù việc các em túa ra khỏi lớp như ong vỡ tổ để đến lớp khác có vẻ rất mất trật tự nhưng hiếm khi có trường học học sinh vào lớp trễ hay cố tình la cà không vào lớp. Đó là do ý thức của các em được rèn luyện từ bé, đến trễ là một điều đáng xấu hổ.

Giáo dục Mỹ không có chủ trương học sinh quản lý học sinh như bầu lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng hay đội sao đỏ cờ đỏ ghi tên các bạn đi học muộn.

Thứ nhất, ở góc độ giáo dục, việc cho một nhóm nhỏ học sinh tự dưng có quyền kiểm tra, ghi tên hay báo cáo những bạn học của mình là một điều hoàn toàn phản giáo dục, tạo cho các em tâm lý tự kiêu tự đại và dùng việc công trả thù riêng nếu có.

Thứ hai, cán bộ lớp thường được giáo viên ưu ái hơn những bạn khác nên không tránh khỏi trường hợp bị bạn cùng lớp kỳ thị hay ghét bỏ. Việc xử lý các vi phạm của học sinh là việc của giám thị và …cảnh sát. Các trường trung học Mỹ đều có cảnh sát tuần tra để kịp thời ngăn chặn những tình trạng đánh nhau, trốn học hoặc mua bán ma túy cũng như những trường hợp xả súng trong trường. Còn mọi chuyện xảy ra trong lớp đều thuộc quyền quản lý của giáo viên dạy lớp đó.

Ở lớp homeroom, mỗi tuần giáo viên chủ nhiệm sẽ phân công một học sinh khác nhau, thường là học sinh có thành tích tốt nhất trong tuần đó phụ trách việc giúp giáo viên điểm danh các bạn, thu vở bài tập hoặc phát bài. Điều này khiến cho học sinh hiểu được một điều, ai cũng có quyền ngang nhau nếu chịu cố gắng học giỏi và nghĩa vụ của người lãnh đạo là phục vụ quần chúng chứ không phải là chèn ép quần chúng.

IV. Ý thức rèn luyện thân thể:

Nước Mỹ hiện đại phải đối diện với một vấn nạn là nạn béo phì. Theo thống kê của bộ y tế Hoa Kỳ, cứ 5 người Mỹ thì lại có một người thừa cân. Tỷ lệ này ở các bang miền Nam như Louisiana, Georgia và Alabama lại càng cao, tỷ lệ béo phì là 1/3. Chính vì vậy chính sách giáo dục của Mỹ rất coi trọng việc rèn luyện thể chất. Hầu như bất cứ một trường nào cũng có sân chơi đủ lớn để học sinh thực hiện các trò chơi vận động như chạy, đá banh, bóng rổ, bóng bầu dục và bóng chày. Tại Thibodaux West Junior High, môn giáo dục thể chất (Health and Physical Education) được học mỗi ngày chứ không phải mỗi tuần một tiết như ở Việt Nam.

Trời mùa đông lạnh, các em càng được khuyến khích vận động để giữ ấm cơ thể. Bắt đầu từ cấp ba trở đi, các học sinh đặc biệt giỏi thể thao sẽ được vào đội tuyển của trường và cấp học bổng để vào thẳng đại học. Nếu các em vừa giữ được phong độ chơi thể thao tốt và thành tích học tập trên mức trung bình, học bổng sẽ được duy trì cho tới khi tốt nghiệp đại học.

V. Ý thức bảo vệ bản thân mình:

Nước Mỹ rộng lớn với nhiều dạng địa hình khác nhau nên mỗi bang mỗi vùng đều có những thiên tai khác nhau như động đất, bão cát, bão tuyết, giông lốc... Do đó việc học cách bảo vệ bản thân chống thiên tai là điều bắt buộc ở trường học phổ thông, tùy tình hình bang. Ví dụ, ở California hay xảy ra động đất, các em nhỏ sẽ được dạy cách bảo vệ mình để giảm thiểu thương vong khi động đất xảy ra. Ở Louisiana năm nào cũng có bão kèm theo hiện tượng vòi rồng nên trẻ em được huấn luyện cách bảo vệ mình khi có bão và dĩ nhiên tất cả các giáo viên đều phải được huấn luyện rất kỹ để có thể hướng dẫn lớp khi thiên tai ập đến bất ngờ.

Phần lớn trường học đều đóng cửa nghỉ khi có dự báo thiên tai, nhưng trong trường hợp khẩn cấp như vòi rồng hoặc hỏa hoạn, giáo viên phải biết cách bình tĩnh ứng phó và lo cho sự an nguy của các em trước hết.

Ngoài ý thức bảo vệ bản thân trước thiên tai, học sinh Mỹ còn được học cách bảo vệ mình chống xâm hại tình dục hoặc bạo hành cũng như từ lớp 8 trở đi, các em được học về cách phòng tránh thai rất chi tiết và cụ thể. Đừng ngạc nhiên khi thấy một cậu học sinh hoặc một nữ sinh lớp mười có bao cao su hoặc thuốc ngừa thai trong cặp sách. Đó không phải là hư hỏng mà là khôn ngoan tự biết bảo vệ bản thân mình. Cả phụ huynh lẫn nhà trường đều hiểu một điều ở tuổi dậy thì, với ảnh hưởng của các kênh truyền thông, việc tìm hiểu thắc mắc về giới tính và quan hệ tình dục là điều hết sức tự nhiên và không thể cấm đoán nên tốt nhất là không cấm mà dạy cho các em cách đừng để lại hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng đến tương lai sau này.

VI. Tình yêu đối với việc đọc sách:

Việc dạy môn ngữ văn ở Mỹ là điều tôi quan tâm nhất và học hỏi được nhiều nhất trong suốt quá trình đi thực tập của mình. Giáo viên Mỹ khi dạy văn không quan tâm đến việc các em có thể thuộc lòng bao nhiêu bài thơ cũng như chẳng giáo viên nào nhét nguyên bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Thomas Jefferson vào đầu học sinh mặc dù đó là một văn bản quan trọng nhất nhì trong lịch sử nước Mỹ. Cái họ dạy cho học sinh là thói quen đọc sách hằng ngày.

Ở một nước hiện đại như Mỹ, chưa có nhà trường nào dạy cho học sinh của mình rằng những thứ đồ công nghệ cao sẽ thay thế được tầm quan trọng của sách giấy mà trái lại họ dạy cho các em xem sách như người bạn đồng hành trong suốt cuộc đời của mình. Trong giờ reading, giáo viên được quyền chọn sách giáo khoa và chọn bài trong sách giáo khoa khi dạy học sinh mình đọc sau khi đã trình nội dung cho ban giám hiệu thông qua. Do đó chuyện một trường mà hai giáo viên sử dụng sách giáo khoa khác nhau hoặc dạy cùng một sách nhưng không trùng bài là chuyện bình thường.

Ngoài ra, giáo viên dạy văn còn được quyền lựa một cuốn sách nào đó vừa trình độ của học sinh lớp mình để yêu cầu các em đọc ngoài những bài trong sách giáo khoa. Trước tiên, giáo viên phải đọc cuốn sách đó để xem nội dung và độ khó của nó có phù hợp với trình độ học sinh lớp mình không. Sau đó giáo viên sẽ yêu cầu mỗi nhóm học sinh đọc một chương để đến giờ sẽ cùng nhau bàn luận và chia sẻ với những nhóm khác. Trẻ em thường lười đọc, đó là điều đương nhiên, nhưng cái hay của giáo viên là phải làm thế nào khiến cho học sinh mình có hứng thú với việc đọc.

Giáo viên tôi đang theo thực tập có một chiêu kinh điển và rất hiệu quả là nhân dịp lớp có thành tích học tốt sẽ thưởng cho nửa giờ nghe kể chuyện. Và giáo viên bắt đầu lấy cuốn sách mình dự định cho lớp đọc ra, tìm đoạn hay nhất, hấp dẫn nhất và đọc khoảng 10-15 phút và đột ngột sẽ dừng ở đoạn gay cấn nhất.

Những bạn trẻ tò mò tất nhiên sẽ muốn biết kết cục thế nào và thế là giáo viên biến sự tò mò ấy thành bài tập về nhà để các em hoàn thành trong sự háo hức chứ không phải là ấm ức do bị ép buộc. Từ lớp năm trở đi, học sinh một tháng sẽ có một buổi học ở thư viện để đọc sách và mượn sách về nhà đọc dưới sự hướng dẫn của giáo viên và thủ thư. Các em sẽ được học cách sử dụng thẻ thư viện mượn sách, bảo quản sách và trả lại sách đúng kỳ hạn nếu không muốn bị phạt tiền. Điều này tập cho trẻ em quen với việc sử dụng thư viện, một kỹ năng mà bất cứ sinh viên đại học nào cũng phải có để làm các project hay bài nghiên cứu cần sử dụng tài liệu tham khảo.

VII. Viết là tư duy chứ không phải là sao chép:

Nếu bạn đã từng thấy người Mỹ viết chữ trên giấy hoặc trên bảng, bạn sẽ thấy khá thú vị là chữ viết của họ giống nhau một cách kì lạ và rất xấu như kiểu mới biết viết vậy. Rất hiếm có người có nét chữ đẹp kiểu rồng bay phượng múa vì người Mỹ không quan tâm lắm đến việc luyện chữ sao cho đẹp, chỉ cần dễ nhìn là được. Người Mỹ quan niệm làm việc ở môi trường hiện đại sử dụng máy tính để đánh văn bản thường xuyên chứ không dùng tay viết như trước nên luyện vở sạch chữ đẹp là hoàn toàn phí thời gian vô ích.

Giáo viên Mỹ cũng sẽ chẳng đọc văn mẫu cho các em chép để khi làm tập làm văn, em nào chép giống văn mẫu nhất sẽ được điểm cao nhất. Điều quan trọng nhất đối với người Mỹ là tư duy và tư duy của người viết được thể hiện như thế nào.

Ở cấp 2, giáo viên thường cho học sinh viết theo kiểu sáng tạo (creative writing) ví dụ như nếu một ngày nào đó bạn gặp người ngoài hành tinh bạn sẽ nói gì với họ hay bạn muốn có một con vật cưng như thế nào hơn là cho những đề phân tích những bài thơ ngoài giới hạn hiểu biết của các em.

Ở tuổi lớn hơn, những đề văn phân tích nhân vật được áp dụng nhưng hoàn toàn theo hướng mở, học sinh có thể bảo vệ nhân vật mình thích cho dù đó là nhân vật phản diện hoặc dùng những lý lẽ để phản bác rằng nhân vật chính diện chưa hẳn là đã tốt đẹp. Miễn là các em đừng viết lạc đề, mọi ý kiến đều được chấp nhận. Qua bài viết của học sinh, giáo viên có thể gián tiếp tìm hiểu về gia cảnh hoặc những khó khăn trong cuộc sống mà các em gặp phải vì trẻ em có khuynh hướng bộc lộ cảm xúc của mình bằng cách này hoặc cách khác chứ ít khi giữ trong lòng như người lớn. Trong một bức thư gửi ông già Noel, một bạn nhỏ đã xin một cây súng để có thể bảo vệ mình không bị bắt nạt. Thay vì cho điểm kém hoặc đánh giá hạnh kiểm kỷ luật bạn nhỏ này, giáo viên tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình và phát hiện ra học sinh của mình hay bị bố dượng và mẹ đánh đập. Lập tức pháp luật vào cuộc và tước quyền nuôi dưỡng mẹ của cậu bé sau khi có đủ chứng cớ ngược đãi trẻ em.

VIII. Tình yêu với động vật và ý thức bảo tồn thiên nhiên:

Người Mỹ đặc biệt rất yêu thương động vật không chỉ là chó mèo mà hầu như tất cả các loài động vật khác đều được yêu thương và bảo vệ.

Ở các thành phố gần bờ biển ở Mỹ, cảnh tượng hải âu hay mòng biển bay tìm thức ăn ở các bãi đậu xe thậm chí còn giành đồ ăn trên tay người không hề hiếm thấy cũng như chồn cáo, gấu trúc Mỹ hay lẻn vào sân sau nhà để bới rác là chuyện thường tình. Không như trẻ con ở Việt Nam luôn tìm cách xua đuổi, nghịch ác hoặc thậm chí giết chết những con vật đó, trẻ em Mỹ được các giáo viên dạy môn Natural Science hướng dẫn biết chăm sóc cho các loài vật ở trong nhà trường bằng cách dạy làm tổ chim (feeding house) hay dọn vệ sinh chuồng thỏ, chuồng hamster hoặc cho cá ăn trong bể cá ở trường. Hầu như bất cứ trường trung tiểu học nào ở Mỹ cũng có khu dành riêng để nuôi các loại thú nhỏ để học sinh có thể quan sát thực tế khi học sinh vật và đồng thời học cách chăm sóc động vật Có trường còn cho các bé chạm vào và chơi với rắn không độc, ếch nhái hay bò sát. 

Tôi đã từng tham gia quan sát một buổi các bạn học sinh lớp 8 học sơ cứu cho chó mèo hay những loài vật nhỏ bị thương do xe cán để đưa đến trạm cứu hộ động vật gần nhất. Những việc này phần lớn được các bậc phụ huynh ủng hộ vì họ biết lòng nhân từ bắt nguồn từ việc biết chăm sóc và thương yêu những loài nhỏ bé hơn mình, một cách rất thiết thực để dạy cho con cái về đạo đức.

IX. Khoa học là phải thực tế:

Đối với các môn khoa học tự nhiên, người Mỹ có cái nhìn cực kì thực tế về tính ứng dụng của nó vào cuộc sống chứ không phải học những môn khoa học tự nhiên để nát óc nghĩ ra cách giải cho các bài toàn hóc búa mà bản thân nó không giúp ích gì cho bạn ngoài việc được xem là thông minh.

Chính vì vậy mà chương trình học phổ thông của Mỹ không đưa vào những tích phân, đạo hàm hay hằng đẳng thức đáng nhớ, những thứ quá xa lạ với đời sống hằng ngày và hoàn toàn trái ngược với từ “phổ thông”. Thứ toán học dạy ở bậc trung học Mỹ quả là dễ hơn so với ở Việt Nam rất nhiều nhưng lại thực tế hơn rất nhiều. Nếu phải tính sin, cos của góc thì chẳng bao giờ bạn nhận được những góc đẹp 30, 45, 60 hay 90 độ trong bài toán của mình mà toàn là những góc kiểu 23.67 độ hoặc 52.5 độ. Vì sao ư? Vì khoa học là yêu cầu độ chính xác cao và những góc bất kỳ bạn gặp ở ngoài đời hiếm khi nào tròn số.

Dĩ nhiên bạn không cần nhớ công thức tính mà chỉ cần học cách bấm máy tính cho thật nhanh và kết quả có sao để vậy, không được làm tròn số cho dù dãy số đuôi có dài thế nào đi nữa.

Học hình học, bạn không chỉ đơn thuần tính diện tích một hình tròn hay hình tam giác mà phải ứng dụng kiến thức này vào trong việc sắp xếp một căn phòng với những vật dụng có kích thước khác nhau như thế nào cho hợp lý nhất. Hoặc khi bạn đi mua sắm, với số tiền mặt là bao nhiêu, bạn sẽ mua được những gì sau khi đã tính luôn thuế.

Học vật lý hay hóa học cũng vậy, những bài tập luôn gắn liền với những ứng dụng thực tế nhất và sau khi giải bài tập, học sinh được thí nghiệm trên vật thực để kiểm tra sai số giữa việc tính bằng công thức và thực tế như thế nào. Đừng lo là các bé sẽ nghịch các hóa chất độc hại trong phòng thí nghiệm mà bị thương vì nhà trường thừa hiểu tác hại của việc bất cẩn khi làm thí nghiệm với những hóa chất độc hại nên đã luôn đảm bảo an toàn trên hết.

X. Học lịch sử để hiểu thế nào là chính trị:

Ở Mỹ, người ta không chia ra quá nhiều môn như ở Việt Nam mà có khuynh hướng gói gọn vào một môn lớn. Ví dụ, vật lý, hóa học, sinh vật và địa lý thường được chia ra dạy trong giờ khoa học tự nhiên (Natural Sciences) còn lịch sử, giáo dục công dân thường được dạy trong tiết khoa học xã hội (Social Studies). 


Những bài học về lịch sử của Mỹ không bao giờ chú trọng vào con số như ngày tháng năm hay bao nhiêu quân địch bị tiêu diệt, bao nhiêu máy bay bị bắn hạ như của ta mà thiên về hướng giúp học sinh nhìn nhận lại lịch sử về hậu quả cũng như kết quả một sự kiện lịch sử mang lại.

Tôi đã từng dự thính một tiết học môn lịch sử cực kỳ lý thú về cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ. Sau khi cho học sinh xem một đoạn phim về trận đánh Gettysburg, trận đánh quyết định sự sụp đổ của chính phủ miền Nam và chế độ chiếm hữu nô lệ, giáo viên chia học sinh mình ra làm hai nhóm, một nhóm đại diện cho chính phủ chiếm nô ở miền nam (the Confederate) của tổng thống Jefferson Davis còn phe kia là chính phủ liên bang miền bắc của tổng thống Abraham Lincoln (the Union States). Hai bên sẽ dựa trên những số liệu về tổn thất nhân lực và vật lực của cả hai phe để tìm cách thương thuyết đưa ra một hiệp ước chung. Kết quả thật bất ngờ là hai học sinh đóng vai tổng thống Davis và tổng thống Lincoln đã thỏa thuận là chia nước Mỹ thành hai nước độc lập sau khi đã bãi bỏ chế độ nô lệ ở miền nam để đổi lại một điều là tổng thống Lincoln sẽ …không bị ám sát như những gì diễn ra trong lịch sử nước Mỹ. Khi được hỏi tại sao lại quyết định như thế, cả hai đều bảo mình rất ngưỡng mộ tổng thống Lincoln và làm vậy để cứu tổng thống không bị chết.

Sách giáo khoa về lịch sử Mỹ cũng như sách giáo khoa lịch sử ở những quốc gia khác, chưa chắc là đã khách quan trong việc biên soạn, nhưng điều quan trọng là giáo viên được quyền khuyến khích học sinh suy nghĩ về lịch sử ở nhiều khía cạnh khác nhau chứ không rập khuôn máy móc.

Có nhiều học sinh Mỹ sau khi học những bài học về lịch sử đã khóc vì cảm thấy có lỗi khi tổ tiên mình chiếm đất của người da đỏ hoặc thế hệ trước ném bom nguyên tử ở Nhật Bản. Khi biết tôi đến từ Việt Nam, có bạn học sinh đã nói rằng bố bạn từng là lính tham chiến ở Việt Nam và khi kể về cuộc chiến này, ông ta không hề tự hào tí nào mà thưởng bảo rằng mình hay gặp ác mộng.

Người Mỹ dạy học sinh họ biết tự hào về những thành tựu trong lịch sử và cũng biết nhận lỗi trước những sai lầm trong quá khứ. Nếu nói về lịch sử, nước Mỹ thua nước ta rất nhiều về chiều dài truyền thống cũng như những sự kiện, nhưng nếu nói về cách dạy sử, chúng ta thua xa nước Mỹ về sự chân thật lẫn cái tâm. Xét cho cùng, học lịch sử là để rút ra những bài học từ những gì đã xảy ra để khiến cho tương lai trở nên tốt đẹp hơn chứ không phải tự hào về những ánh hào quang đã phai mờ theo năm tháng hoặc nuôi dưỡng sự thù hận.

Nền giáo dục Mỹ dĩ nhiên cũng có những bất cập riêng của nó mà khi nào có dịp tôi sẽ đề cập đến, nhưng dĩ nhiên “nhân vô thập toàn”.

Thiết nghĩ các nhà giáo dục của nước ta nếu thực sự có tâm huyết với nền giáo dục vốn đã rất lạc hậu của nước nhà thì nên tiếp thu những cái hay của người khác để thế hệ tương lai Việt Nam có hy vọng phát triển.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bộ phim “Nền giáo dục cấm đoán” – Chưa từng có những nền giáo dục tạo ra con người tự do

    21/10/2014Hà Thủy NguyênBộ phim “Nền giáo dục cấm đoán” (La Educacion Prohibida) được sản xuất năm 2012 tại Arghentina, bởi đạo diễn Germán Doin là một bộ phim tài liệu với cái nhìn thẳng thắn về bản chất của mọi nền giáo dục. Lấy bối cảnh của nền giáo dục Arghentina, nhưng vấn đề của các nhà làm phim đặt ra lại mang tính toàn cầu.
  • Trẻ em - Nhà trường - Thế giới: Quan niệm của Hannah Arendt về giáo dục

    29/08/2021TS. Nguyễn Thị Từ HuyTừ những phản tư về cuộc khủng hoảng giáo dục trên toàn thế giới và đặc biệt ở Mỹ vào thập niên 1950, Arendt trình bày quan niệm của mình về giáo dục trong bài Khủng hoảng trong giáo dục, về sau được xuất bản trong tập tiểu luận có nhan đề Giữa quá khứ và tương lai...
  • Nhà giáo dục người Mỹ chỉ ra 9 bước nói chuyện với con có thể thay đổi cả cuộc đời đứa trẻ

    26/02/2020Thanh HươngSo với người lớn, trí não trẻ nhỏ chưa hoàn toàn phát triển. Vì vậy bố mẹ cần có những cách riêng biệt để truyền tải thông điệp tới trẻ...
  • Bầy cừu xuất chúng - Lật tẩy khoảng tối của nền giáo dục tinh hoa Mỹ

    06/06/2019BTV3Hi vọng, với việc dịch bài viết này, dự án sẽ giúp bạn và bố mẹ của bạn có một các nhìn phản biện, bớt ảo tưởng hơn về các trường đại học tinh hoa ở Mỹ – nơi các học sinh và phụ huynh giàu có Việt Nam hiện nay đang tìm mọi giá để lao đầu vào...
  • Con người tự do là đích đến của giáo dục

    26/05/2017Giáp Văn DươngTriết lý giáo dục của thời đại mới phải hướng đến việc đào tạo con người tự do, thay vì đào tạo con người công cụ như hệ thống giáo dục hiện thời. Con người tự do là đích đến của giáo dục...
  • Giáo dục Mỹ: Học để biết…tự học

    01/07/2016Hoa LưCác nền giáo dục văn minh thường hướng theo cách dạy trong trường sao cho đứa trẻ học để ra đời biết cách tự học…
  • Quá phi lý khi giới trẻ không biết Picasso là ai

    18/03/2016Chi Mai (thực hiện)Trong câu chuyện với VietNamNet về giáo dục thẩm mỹ, họa sĩ Lý Trực Sơn nói: ở những trường hợp cụ thể, nhân dân thế giới đều “dốt” như nhau. Nhưng, với không ít học sinh Việt Nam, nếu các em không biết  Picasso, Leonardo Da Vinci là ai thì thật phi lý...
  • Thấy gì từ một số mô hình giáo dục tiên tiến?

    11/10/2015Itamar Rabinovic - Thanh Trà (lược dịch từ American Interest)Trong khi người Mỹ coi những tranh cãi trong giáo dục như một mớ bòng bong, người nước khác lại thấy đó là biểu hiện của sức sống và sự lành mạnh. Như vậy, quan điểm của bạn phụ thuộc vào địa điểm mà cái nhìn của bạn.
  • Những điều cần biết về giáo dục STEM

    22/08/2015Đỗ Văn TuấnVào những thập niên 50 và 60, Mỹ là nước đầu tiên phổ cập giáo dục phổ thông cho cả nước và cũng là nước đầu tiên tạo ra hệ thống các trường cao đẳng, đại học rộng rãi. Hệ thống giáo dục của họ vào thời điểm này được đánh giá là tốt nhất thế giới, cùng với đó là những kết quả tuyệt vời mà nền khoa học và kinh tế Mỹ đạt được. Tuy nhiên, ngày nay nhiều nước đã cho thấy học sinh của họ có một bước tiến vượt bậc và nổi trội so với học sinh của Mỹ về các kỹ năng cũng như kiến thức trong trường học phổ thông,..
  • Tự do trong giáo dục

    17/08/2015Mạnh KimViệt Nam hệt như Mỹ cách đây hơn một thế kỷ, khi vào năm 1899, nhà giáo dục Mỹ William T. Harris than phiền rằng hệ thống giáo dục Mỹ đã phát triển một “cỗ máy” mà học trò chỉ biết ngồi nghe. Giáo dục là vậy sao? Giáo dục là giúp định hình nhân cách thông qua cung cấp kiến thức và tạo ra một xã hội sáng tạo, hay là chỉ sản xuất những người máy chỉ để phục tùng?
  • Những chuyện ngược đời trong nền giáo dục Mỹ

    29/06/2015Ngô Tự LậpMột người Việt Nam lần đầu tiên tìm hiểu nền giáo dục Mỹ chắc chắn ngỡ ngàng và cảm thấy có nhiều chuyện ngược đời. Dưới đây tôi xin kể năm trong số đó...
  • Tư duy sáng tạo và phê phán trong giáo dục Mỹ

    30/09/2014Dương Ngọc DũngCó lẽ trong tất cả giảng trình tạo Đại học Harvard không có giảng trình nào thu hút nhiều sinh viên ghi danh học như giảng trình 101 tư duy về tư duy (101 thinking about thinking – 101 là mã số chung cho tất cả các giáo trình nhập môn tại đại học Mỹ).
  • Người Mỹ dạy học bài Cô bé lọ lem như thế nào?

    24/04/2014Thời Hàn BăngBài “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem như thế đấy” để lại trong tôi một ấn tượng mạnh hơn bất cứ lời bình nào về nền giáo dục của nước Mỹ...
  • Trong cuộc chơi hội nhập giáo dục, nước nào đứng ngoài sẽ bị tụt hậu

    24/03/2014Xuân Trung (lược ghi)“Trong cuộc chơi hội nhập giáo dục này, nước nào đứng ngoài sẽ bị tụt hậu và khó có cơ may tham gia vào việc hoạch định chính sách giáo dục quốc tế”...
  • Nền giáo dục khai phóng

    16/01/2014Andrew ChruckyVới cơ cấu kinh tế hiện tại, sẽ thuận lợi cho người tuyển dụng khi có một nguồn vốn người làm công tiềm năng được giáo dục tốt. Kiểu giáo dục mà họ cần là giáo dục xóa mù chữ để người làm công có thể tuân lệnh và làm được những việc kỹ thuật. Cái không được cần đến là giáo dục về nhận thức chính trị; bởi thế có một chuyện hoang đường thịnh hành là chính trị nên đứng ngoài giáo dục...
  • Giáo dục Mỹ với những trẻ em có tài

    27/05/2013Đan Thi (Tổng hợp)Thomas L. Friedman, người khởi xướng một lý thuyết hay được nhắc đến là lý thuyết “Thế giới phẳng”luôn cho rằng, dù cuộc chiến bất tận với bọn khủng bố có nặng nề đến mấy, thì mối e ngại thực sự cho nước Mỹ vẫn không phải là những người Hồi giáo rậm râu, mà là “những thanh thiếu niên chưa có một cọng râu” từ các nước thuộc thế giới thứ ba....
  • Giáo dục VN Loay hoay tìm cách phát minh lại... cái bánh xe

    23/06/2009Lê Ngọc Sơn (thực hiện)Thật bi hài, khi người ta bỏ ra hàng chục triệu USD để tổ chức hoa hậu, trong khi đó chưa ai dám bỏ ra 20 triệu USD để xây dựng một trường đại học tầm cấp quốc tế theo đúng nghĩa chuẩn của nó.
  • xem toàn bộ