Quá phi lý khi giới trẻ không biết Picasso là ai
Trong câu chuyện với VietNamNet về giáo dục thẩm mỹ, họa sĩ Lý Trực Sơn nói: ở những trường hợp cụ thể, nhân dân thế giới đều “dốt” như nhau. Nhưng, với không ít học sinh Việt Nam, nếu các em không biết Picasso, Leonardo Da Vinci là ai thì thật phi lý...
Bức “La Rêve” được hoàn thành vào năm 1932 của danh họa Pablo Picasso.Đây là bức tranh nổi tiếng của danh họa Pablo Picasso mô tả người tình Marie-Therese Walter khi nàng đang lim dim tựa mình trên chiếc ghế bành đỏ. Vào năm 2013, bức tranh đã thuộc về chủ sở hữu mới ông Steven Cohen trong một cuộc mua bán tư nhân với mức giá 155 triệu USD, khiến nó trở thành bức biến nó trở thành bức tranh đắt giá nhất của danh họa người Tây Ban Nha cho đến nay.
Cần phải lái giới trẻ về mạch chung của thế giới
Có nhận định chua chát rằng giới trẻ hiện nay “chỉ biết cảm cái đẹp của mì tôm” – với đời sống tinh thần dung tục, hời hợt và nhợt nhạt. Điều này là nguy hiểm. Thị hiếu của thế hệ trẻ nếu không được định hướng bởi các nhà phụ trách văn hóa và giáo dục thì như nước thường có khuynh hướng chảy xuống chỗ thấp.
Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
- Giáo dục hiện nay yếu trong mọi lĩnh vực. Riêng đối với giáo dục mỹ học, cái yếu ở hiểu biết cơ sở về chính bản thân văn hóa và nghệ thuật.
Nếu giáo dục mỹ học không tốt, hoạt động trí tuệ, tinh thần sụt giảm, dẫn đến một nền văn hóa kém cỏi cả trong khu vực và thế giới.
Có thể đưa ra một số so sánh. Sau 9 năm ở nước ngoài, tôi có nhận định cảm quan là trong những trường hợp cụ thể, nhân dân thế giới đều “dốt” như nhau. Nhưng, ví dụ như Picasso, Leonardo Da Vinci là những cái tên mà ai cũng biết. Có điều ở Việt Nam thì chưa chắc. Tôi đã từng nói với không ít học sinh Việt Nam, nếu các em không biết điều này thì thật phi lý.
Nhiều cái đối với thế giới là phổ thông, Việt Nam lại là cao cấp. Với người Phương Tây, cái gì của nhân loại cũng là “của tao”. Còn Việt Nam sợ hãi những gì (có vẻ) siêu việt.
Bên cạnh đó, mặt bằng hiểu biết của Phương Tây rất cao. Tôi có thể nói chuyện với khá nhiều người Phương Tây về nghệ thuật. Vấn đề không phải họ thông minh hơn ta. Có lệch lạc là do định hướng đào tạo.
Họ hơn mình ở nền giáo dục, môi trường nghệ thuật, môi trường sống… Bước ra đường là thấy… nghệ thuật, ở từng con đường, góc phố, nên dường như sự thẩm thấu thẩm mĩ là có sẵn. Còn ở Việt Nam hiện nay thì sao? Kiến trúc lung tung, đình chùa sửa lại thành nhảm nhí, thảm hại về mặt thẩm mĩ. Chuẩn thẩm mĩ tự nhiên đã bị đánh mất, giữa cổ và kim không có sự nối tiếp đúng đắn nào. Thẩm mĩ của người dân cũng thế.
Không chỉ các nhà phụ trách văn hóa và giáo dục mà tất cả những người có kiến thức cần cố gắng nâng chuẩn hiểu biết của người Việt Nam lên. Không nên coi việc làm này là sự ban phát mà là trách nhiệm của những người có năng lực nhất định.
Mọi người đều có quyền và niềm hạnh phúc được tiếp cận nghệ thuật.
Chúng tôi đang cố gắng để làm việc này dù cảm thấy vô vọng.
Tại sao ông cho rằng vô vọng? Mà vẫn muốn làm?
- Vì hệ thống giáo dục hiện nay nhiều thành kiến, thụ động, bị nhồi những điều không quan trọng, không cần thiết, không đúng. Quá ít thời gian cho học sinh tự học, học sinh sợ chủ động tiếp cận thông tin.
Chương trình giáo dục phổ thông làm cho người ta bịt kẹt. Bây giờ phải làm cho người ta thấy rằng mình có quyền bước vào nghệ thuật.
Ở nước ta, nhiều người nổi tiếng ở các lĩnh vực, thậm chí cả nhà văn, nhà thơ đều tự cho mình là kẻ ngoại đạo với nghệ thuật. Trong khi đó, ở các nước châu Âu, quần thể những người làm nghệ thuật, khoa học gắn bó với nhau, bổ sung kiến thức cho nhau.
Việc chúng tôi muốn làm, như giảng dạy một khóa học trực tuyến, như một sự chen ngang, không có sự ủng hộ của thể chế, của xã hội và bản thân những người chúng tôi muốn giúp.
Nhưng cứ để như hiện nay, thì tất cả mọi người đều đang từ chối quyền và trách nhiệm của mình.
Bức tranh “Nude, Green Leaves and Bust” được hoàn thành vào năm 1932 của danh họa Picasso. Vào tháng 5/2010, tại nhà đấu giá Christie’s New York, một tỷ phú giấu tên đã chi 106.5 triệu USD cho bức họa nổi tiếng mang tên “Nude, Green Leaves and Bust” của danh họa Pablo Picasso. Bức tranh đã trở thành tác phẩm đắt giá thứ 2 từng được mua lại của vị họa sĩ Tây Ban Nha đầy tài năng này.
Nguyên nhân của việc “từ chối” này là do đâu, thưa ông?
- Xã hội mình vốn dĩ bị đào tạo theo lối cái gì quan trọng. Ví dụ môn đạo đức, từ thời Nho giáo thực ra là dạy dỗ về lề thói, đã cho người chồng quan trọng hơn người vợ, người thầy có thể đối xử nặng tay với trò, nhưng trò mà cãi thầy là to chuyện…
Chúng ta không có ý thức về quyền con người, mà một trong những quyền đó là hiểu biết.
Sự hiểu biết, theo ông, nên bắt đầu từ đâu?
- Vấn đề là bạn nhìn bằng mắt của ai, nghĩ bằng đầu của ai, nói bằng mồm của ai.
Hãy bắt đầu bằng những cái đó để dạy.
Bắt đầu từ những câu chuyện nghệ thuật tiêu biểu, những họa sĩ tiêu biểu. Quan tâm đến một họa sĩ người ta sẽ có nhu cầu quan tâm đến các tác phẩm... Hãy dạy tất cả cùng một lúc, cả hiện tượng, giá trị hiểu biết, nghệ thuật, khả năng thế nào đó để mọi người nhận dạng được nó là cái gì.
Cái kém nhất của chúng ta hiện nay là khả năng nhận dạng. Ví dụ, nhiều người nghe nhạc biết đó là nhạc cổ điển, nhưng bản nhạc đó là của ai thì chịu.
Có cần phải giáo dục thẩm mỹ ở trình độ cao ngay từ đầu không, bởi vì nhiều người cho rằng, nếu không sớm được tiếp xúc nghệ thuật bậc thầy thì sau này thẩm mĩ khó thay đổi cho tốt được nữa?
- Nhìn về tâm lý, bản thân tôi thấy rằng với vấn đề khá phức tạp nếu tiếp xúc ngay từ nhỏ thì cũng dễ dàng như với một vấn đề đơn giản, thậm chí là dễ hơn.
Ví dụ, như trước đây tôi được giao làm chủ nhiệm một lớp trung cấp mỹ thuật. Tôi đã phải “mặc cả” điều kiện là cho tôi được làm lại chương trình dạy học của trường. Bởi vì theo quan sát của tôi, cho học sinh nhỏ tuổi ngồi vẽ tĩnh vật tới 6 ngày là không ổn. Được trưởng phòng giáo vụ đồng ý, tôi đã đưa ra những mẫu rất phức tạp, bày đủ loại màu sắc như đỏ trên đỏ, trắng trên trắng, đỏ trên xanh… Tất cả những thao tác khó nhất cho làm luôn. Tôi hiểu rằng dạy học sinh bé những thứ phức tạp dễ dàng hơn. Còn những thứ đơn giản, là dành cho bậc thầy.
Họa sĩ Lý Trực Sơn
Sau khi đi bộ đội, trở về làm giảng viên lần thứ hai, tôi cũng cố gắng đưa những hiểu biết cơ sở vào cho sinh viên.
Nói chung là hãy mềm dẻo, làm thế nào để người học lĩnh hội được tri thức bậc cao nhưng không mất đi những kiến thức cơ sở.
Điều này có thể ví như những cặp chân của con rết. Không thể chờ đến khi tất cả các cặp chân cùng chuyển động một hướng thì con rết mới bò. Khi tất cả những cặp chân chuyển động, thì con rết dù bò thẳng hay ngoằn ngoèo, thì cũng là đang chuyển động. Mà không có chân, con rết chỉ như con giun.
Hãy nỗ lực lái sự hiểu biết của thế hệ trẻ trở về mạch chung của nhân loại.
Mỹ học không phải là phụ kiện
- Trước đây, tôi đọc các tài liệu mỹ học của Liên Xô thấy rất khó hiểu. Họa sĩ còn không hiểu thì nhân dân hiểu thế nào? Đọc 7 quyển thì mỗi quyển chê trách 6 quyển còn lại, tôi như con gà, chạy qua chạy lại 7 cái hàng rào thủng lỗ chỗ đó.
Hãy để mỹ học không được đứng ra là một môn học riêng. Phải đặt làm sao để học sinh thấy trong âm nhạc vẻ đẹp hiện ra như thế nào, điêu khắc đẹp như thế nào, văn học đẹp như thế nào… Mỹ học cũng không đứng theo kiểu “ta là thống trị”.
Mỹ học phải gài ngay vào các môn học mới là mỹ học thực sự.
Như vậy, yêu cầu đối với giáo viên sẽ rất cao, không chỉ về mặt kiến thức chuyên môn?
- Hiện tại chúng ta vẫn đang đào tạo một số lượng nhiều khủng khiếp giáo viên nhạc, họa, giống như đóng gạch.
Tôi chỉ muốn nói rằng, nếu không được dạy, chỉ là tôi không biết. Tôi bị dạy sai, tức là tôi biết sai. Giữa việc không biết với biết sai khác nhau rất nhiều.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, với một “môn học” không thể dùng để… đi thi dại học, không chấm điểm, không bắt buộc, thì các ông muốn thuyết phục người ta học bằng cách nào?
- Chúng tôi muốn cho mọi người biết là họ sẽ có tài sản lớn như thế nào. Đọc và hiểu được các tác phẩm văn học, tức là kho tàng văn học thế giới là của ta.
Xem được tranh, tức là kho tàng tranh thế giới là của ta.
Nghe được nhạc, tức Beethoven, Mozart là của ta.
Chỗ tiền bạn có được, luôn luôn là rất nhỏ, chẳng có khả năng mua được gì nhiều. Nhưng chúng tôi mong muốn sẽ chỉ cho các bạn khả năng thừa hưởng toàn bộ giá trị tinh thần của thế giới, cho bạn khả năng sở hữu vô cùng lớn.
Beethoven khiếm thính vẫn khổ sở làm nhạc “cho bạn”, Van Gogh khủng hoảng tinh thần vẫn vẽ tranh “cho bạn”. Vấn đề là bạn không có kho để chứa. Bây giờ chúng tôi tạo kho cho bạn, một cái kho vô tận. Để mọi người sẽ không còn cảm thấy bị tù đày trong những lĩnh vực mình không biết.
Xin cảm ơn ông.
Họa sĩ Lý Trực Sơn (sinh năm 1949), vào học lớp trung cấp mỹ thuật hệ 7 năm (nay là trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội) từ năm 12 tuổi. Mới 19 tuổi, tốt nghiệp xong ông được giữ lại trường làm giảng viên - là lứa giảng viên trẻ nhất hồi bấy giờ. Rời trường đi lính trở thành lính pháo cao xạ, hết chiến tranh, ông rời quân ngũ và quay trở lại trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội để học tiếp đại học. Và, như một cơ duyên, học xong, một lần nữa ông được giữ lại làm giảng viên của trường ĐH Mỹ thuật.
Đến năm 1988, ông được nhận học bổng đi Pháp. Và, với niềm đam mê hội họa, ông đã “lang bạt” trời Âu tới… 9 năm mới trở lại Việt Nam.
Hiện nay, họa sĩ Lý Trực Sơn đang chuẩn bị cho khóa học về mỹ thuật tại một trường học trực tuyến.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh