Trẻ em - Nhà trường - Thế giới: Quan niệm của Hannah Arendt về giáo dục

11:39 SA @ Chủ Nhật - 29 Tháng Tám, 2021

Tóm Tắt

Từ những phản tư về cuộc khủng hoảng giáo dục trên toàn thế giới và đặc biệt ở Mỹ vào thập niên 1950, Arendt trình bày quan niệm của mình về giáo dục trong bài Khủng hoảng trong giáo dục, về sau được xuất bản trong tập tiểu luận có nhan đề Giữa quá khứ và tương lai.

Phân tích của Arendt tập trung vào ba vấn đề chính: nhận diện khủng hoảng giáo dục ở Mỹ thời hậu chiến, đặt trong tương quan với môi trường chính trị; chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới sai lầm trong việc lựa chọn giải pháp và dẫn tới khủng hoảng giáo dục ở Mỹ; xác lập mối quan hệ giữa thế giới, nhà trường và trẻ em. Arendt xem xét các vấn đề của sự khủng hoảng trong giáo dục từ góc độ và phương pháp của một lý thuyết gia về khoa học chính trị và về triết học chính trị.

Nét đặc sắc trong quan niệm của Arendt là ở chỗ bà đưa chiều kích thế giới vào trong giáo dục, do đó mà định nghĩa lại bản chất và chức năng của giáo dục và xem xét vai trò của trường học trong mối quan hệ giữa trẻ em và thế giới. Bản chất của giáo dục, theo Arendt, gắn với sự sinh thành của con người trên trái đất này. Chức năng của trường học là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giúp trẻ em trở thành những con người có khả năng tạo ra một thế giới mới mẻ đồng thời vẫn bảo tồn được các giá trị của thế giới đã có.

Vào thập niên 1950, Hannah Arendt đã quyết định bỏ thời gian để tìm hiểu về sự khủng hoảng của giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, vào thời điểm đó. Và bà đã viết văn bản Khủng hoảng trong giáo dục (The Crisis in Education) để đưa ra một số suy nghĩ riêng của mình về vấn đề này, từ góc độ một chuyên gia về chính trị học. Bài viết này sau đó đã được công bố trong cuốn Giữa quá khứ và tương lai (Between Past and Future), cùng 7 văn bản khác, mà bà gọi là các bài tập thực hành tư duy chính trị. Chúng ta đã có bản dịch cuốn sách này sang tiếng Việt, vừa được phát hành năm nay.

Những suy tư về vấn đề giáo dục của Arendt vẫn còn nhiều giá trị đối với việc nhìn nhận lại các vấn đề mà chúng ta đang phải trực tiếp đối diện, và đang phải tìm cách giải quyết, ở thập niên 2020.

Arendt nhận thấy rằng vào thời điểm giữa thế kỷ XX, khủng hoảng giáo dục đã trở thành một hiện tượng chung, phổ biến trên nhiều quốc gia, thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt ở Mỹ lúc đó, cuộc khủng hoảng không chỉ bó hẹp trong phạm vi giáo dục, mà nó là một vấn đề hàng đầu của chính trị. Đến mức các bộ phận có thẩm quyền của nền giáo dục đã trở nên bất lực trong việc giải quyết các vấn nạn của nó. Các biện pháp đưa ra một cách vội vàng, không thỏa đáng, hơn thế còn dẫn tới những hậu quả tai hại.

Các phản tư của Arendt xoay quanh ba vấn đề chính: 

1/ Khủng hoảng giáo dục trở thành một nhân tố chính trị: trường hợp nước Mỹ thời hậu chiến, 

2/ Nguyên nhân dẫn tới các sai lầm trong việc lựa chọn giải pháp và dẫn tới khủng hoảng giáo dục ở Mỹ, 

3/ Mối quan hệ giữa thế giới, nhà trường và trẻ em: bản chất và chức năng của giáo dục.

Nữ lý thuyết gia chính trị người Đức Hannah Arendt (1906-1975)

KHỦNG HOẢNG GIÁO DỤC TRỞ THÀNH MỘT NHÂN TỐ CHÍNH TRỊ: TRƯỜNG HỢP NƯỚC MỸ THỜI HẬU CHIẾN

Arendt cho rằng, trong bối cảnh sau đại chiến thế giới lần thứ II, dù giáo dục rơi vào tình trạng khủng hoảng ở khắp nơi trên thế giới, nhưng chỉ có ở Mỹ thì khủng hoảng giáo dục mới trở thành một nhân tố chính trị. Tại sao vậy ? Bà giải thích bằng cách phân tích ba yếu tố: ảo tưởng về một thế giới mới, sự bất cập của các lý thuyết giáo dục hiện đại, và lý tưởng bình đẳng trong giáo dục ở Mỹ.

Ảo tưởng về một thế giới mới

Lý do đầu tiên được bà đưa ra: ở Mỹ, giáo dục đóng vai trò đặc biệt hơn các quốc gia khác, và nó phải thực hiện nhiệm vụ chính trị. Do Mỹ là một quốc gia đa sắc tộc, với dân nhập cư đến từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới, nên trường học trở thành nơi dạy một ngôn ngữ chung (tức là tiếng Anh), đồng thời là nơi đào luyện văn hóa chung (nền văn hóa Mỹ), để có thể hình thành nên một dân tộc, chứ không phải chỉ là một tập hợp của các cộng đồng đa sắc tộc trên cùng một lãnh thổ. Arendt phân tích vai trò của người nhập cư đối với tinh thần Mỹ và giá trị Mỹ: đây là quốc gia luôn mở rộng vòng tay chào đón những người nghèo khổ và bị đàn áp của thế giới cũ, nhằm thiết lập nên một trật tự thế giới mới nơi không có nghèo đói và nô lệ. Và nước Mỹ chỉ có thể duy trì hình ảnh đại diện cho cái trật tự thế giới mới này chừng nào nó còn tiếp tục đóng vai trò là nơi đón nhận những người nhập cư. Chính trong tinh thần này, và với giá trị này mà nước Mỹ được xem như là biểu tượng của tự do. Arendt cũng nói rằng đối với bà nước Mỹ là thiên đường của tự do. Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao dự định xây tường ngăn người nhập cư của cựu tổng thống Mỹ, ông Donald Trump, bị một bộ phận lớn người dân Mỹ phản đối: nếu nước Mỹ từ chối đón nhận người nhập cư thì nó sẽ không còn đại diện cho trật tự thế giới mới nữa.

Vì thế trường học ở Mỹ phải phục vụ cho việc Mỹ hóa những người nhập cư (americanization), đặc biệt là Mỹ hóa trẻ em. Hơn thế, trường học góp phần hình thành nên ảo tưởng về việc hủy bỏ thế giới cũ và xây dựng thế giới mới thông qua giáo dục trẻ em. Và những kinh nghiệm mà người Mỹ từng có khiến cho ảo tưởng này còn mạnh hơn cả thực tại. Kinh nghiệm đó là gì ? Quả thật người Mỹ đã thiết lập nên một thế giới mới với tất cả những gì mà họ mang đến từ thế giới cũ, từ châu Âu lục địa. Thế giới mới mang lại cho con người cuộc sống đầy đủ và tự do, thế giới mới này có được ý nghĩa khi nó được đem so với thế giới cũ, nơi mà người ta đã không tìm được giải pháp cho nghèo đói và áp bức. Tuy nhiên, Arendt chỉ ra rằng, cái thế giới mới mà người lớn vẽ ra cho trẻ con trong trường học Mỹ chỉ là một ảo tưởng, bởi vì đó là thế giới đã được thiết lập từ trước, bởi những người đang sống và đã chết, nó chỉ mới đối với những người nhập cư mà thôi.

Sự bất cập của các lý thuyết giáo dục hiện đại

Trong nhận định của Arendt, các lý thuyết giáo dục hiện đại đang được phổ biến thời kỳ ấy có nhiều bất cập. Vấn đề là người Mỹ lúc đó đã chấp nhận các lý thuyết này một cách mù quáng, thiếu sự phê phán. Sự chấp nhận mù quáng khiến cho lý trí lành mạnh của con người không còn được sử dụng nữa, khiến cho lương thức bị biến mất, và hậu quả là làm nảy sinh khủng hoảng. Arendt giải thích: “vì lợi ích của các lý thuyết nhất định, tốt hay xấu, mọi quy tắc của lý trí lành mạnh của con người đều bị đẩy sang một bên. Cách làm như thế luôn có tầm quan trọng lớn và độc hại, đặc biệt ở một quốc gia dựa quá nhiều vào lương thức (common sense) trong đời sống chính trị. Bất cứ khi nào trong các câu hỏi chính trị mà lý trí lành mạnh của con người thất bại hay từ bỏ nỗ lực cung cấp câu trả lời thì ta đối mặt với một khủng hoảng” [1, tr.255]. Vấn đề lý thuyết giáo dục hiện đại sẽ còn được đề cập đến trong phần sau của bài này.

Lý tưởng bình đẳng ở Mỹ cũng là một nhân tố của khủng hoảng giáo dục

Bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng trong giáo dục vốn làm nên một trong những giá trị quan trọng của nước Mỹ ở phương diện chính trị. Tuy nhiên, chính ở điểm này Arendt nhìn thấy những bất cập mà nền giáo dục Mỹ phải chịu đựng, dẫn tới nhiều hậu quả cụ thể: bậc trung học về cơ bản là một kiểu tiểu học kéo dài, thiếu trường trung học cơ sở, chương trình cao đẳng và đại học quá tải, do đó mà sa sút về chất lượng.

Mối quan hệ giữa chính trị và khủng hoảng giáo dục ở Mỹ được Arendt nhấn mạnh: “điều làm cho khủng hoảng giáo dục ở Mỹ trở nên đặc biệt nghiêm trọng là đặc điểm chính trị của đất nước, luôn tự tranh đấu để bình đẳng hóa hay xóa bỏ hết mức có thể sự khác biệt giữa trẻ và già, giữa tài năng và không tài năng, và cuối cùng là giữa trẻ em và người lớn, đặc biệt giữa thầy và trò. Hiển nhiên, một sự bình đẳng hóa như thế chỉ có thể thực sự được thực hiện bằng sự hy sinh quyền uy của người giáo viên và cái giá phải trả của những học sinh có tài năng.” [1, tr.257-258]. 

Phê phán của Arendt nhấn mạnh vào sự bất cập này: chính quan niệm rằng cần tạo ra sự bình đẳng giữa giáo viên và học sinh đã khiến cho người giáo viên mất đi quyền uy của mình. Mà đối với Arendt, quyền uy có một vai trò quan trọng trong giáo dục, đặc biệt là ở những cấp từ trung học trở xuống, khi mà học sinh còn ở trong độ tuổi chưa trưởng thành. Ngoài ra, quan niệm về sự bình đẳng cũng khiến cho những học sinh tài năng phải hy sinh, vì không được học những chương trình tương xứng, không được học theo những cách thức tương xứng với tài năng của mình. Khi những đứa trẻ tài năng phải học như những đứa trẻ có tố chất bình thường thì rõ ràng sự phát triển của tài năng sẽ bị kìm hãm so với việc nếu tạo ra một môi trường phù hợp để thúc đẩy các tài năng này nảy nở một cách nhanh chóng. Nếu nhìn vào nền giáo dục Mỹ của ngày hôm nay thì sẽ thấy rõ ràng là người Mỹ đã khắc phục sai lầm này của quá khứ, bằng cách hình thành các định chế nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho các tài năng được bộc lộ và phát triển một cách nhanh nhất, tốt nhất, đặc biệt từ cấp đại học trở lên.

NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI CÁC SAI LẦM TRONG VIỆC LỰA CHỌN GIẢI PHÁP CHO GIÁO DỤC Ở MỸ

Arendt phân tích ba ý tưởng căn bản mà theo bà là nguyên nhân dẫn tới những sai lầm của người Mỹ trong việc lựa chọn các giải pháp giáo dục.

Ý tưởng cho rằng tồn tại một thế giới của trẻ em độc lập với thế giới của người lớn

Giả thuyết về tính tự trị của thế giới trẻ em, tách biệt khỏi thế giới của người lớn dẫn tới lựa chọn là người lớn để cho những đứa trẻ tự quản lý lẫn nhau, người lớn chỉ giúp cho sự quản lý này, chứ không can thiệp. Theo Arendt, điều này, một mặt, phá vỡ mối quan hệ thực sự và mối quan hệ bình thường giữa người lớn và trẻ em, khiến cho người lớn bất lực trước trẻ em và đánh mất mối liên hệ với chúng ; mặt khác, trẻ em bị đặt vào một tình thế đáng lo ngại. Bởi vì đứa trẻ, khi bị tách ra khỏi người lớn thì lại phụ thuộc vào số đông những đứa trẻ cùng nhóm với nó, nó bị chi phối bởi quyền lực của nhóm trẻ, và không có cơ may nào để đương đầu với loại quyền lực số đông này, sức mạnh cá nhân của nó bị suy yếu. Hậu quả còn có thể tai hại hơn: “Phản ứng của trẻ em đối với áp lực này có xu hướng hoặc là tuân phục, hoặc là phạm pháp vị thành niên, và thường là sự pha trộn cả hai” [1, tr.259].

Quan niệm sai lầm về việc giảng dạy: chỉ cần biết cách dạy, không cần giỏi về kiến thức

Ở đây Arendt trực tiếp phê phán tâm lý học hiện đại và thuyết dụng hành (pragmatism) đã khiến cho khoa học về sư phạm mắc sai lầm trong quan niệm về giảng dạy, khi cho rằng người giáo viên chỉ cần biết cách dạy, chứ không cần phải nắm vững kiến thức của môn học. Dĩ nhiên, thiếu kiến thức chuyên ngành sẽ dẫn đến suy giảm chất lượng giảng dạy. Và hậu quả là người thầy đánh mất quyền uy. Quyền uy của người thầy được xây dựng trên sự hiểu biết sâu rộng và làm chủ kiến thức. Khi người thầy không có những điều này thì cũng không có quyền uy. 
Chúng tôi sẽ còn trở lại với ý tưởng này ở phần sau.

Hậu quả của việc áp dụng thuyết dụng hành vào giáo dục: làm bị thay thế bằng chơi

Arendt nhìn thấy những khía cạnh tiêu cực khi giáo dục học áp dụng thuyết dụng hành vào hoạt động dạy học, khiến cho các kỹ năng được coi trọng quá mức, trong khi đó các kiến thức cơ bản của chương trình chuẩn lại bị coi nhẹ. Rút cuộc, trường học chỉ quan tâm đến việc dạy các kỹ năng thực hành, hay các kỹ năng sống, nhưng học sinh không nắm được những kiến thức hữu dụng. Bà cũng chỉ ra rằng thuyết dụng hành phản ánh một giả định sai lầm, cho rằng người ta chỉ có thể biết và hiểu được những gì do tự tay mình thực hiện. Từ giả định này, từ thuyết dụng hành, mà trong trường học người ta thay thế học bằng hành, làm bằng chơi. Quá trình dạy được tiến hành thông qua thực hành, và quá đề cao việc để cho trẻ em học bằng cách chơi.

Điều đáng nói hơn là sự thay thế “làm” bằng “chơi” trong quá trình học, sự chú trọng thái quá việc chơi của trẻ cũng khiến đứa trẻ bị đẩy vào thế giới tự trị, thế giới được giả định là trẻ thơ, tách biệt khỏi thế giới của người lớn. Trong quan niệm của Arendt, điều này không tốt cho trẻ em, bởi trẻ em là con người đang phát triển, tuổi thơ chỉ là một giai đoạn của sự phát triển, và trường học cần chuẩn bị cho trẻ em các điều kiện để trưởng thành, để tham gia vào thế giới của người lớn. Vậy nên, thay vì dạy trẻ em theo cách “chơi” trường học cần dạy cho trẻ em “làm” theo cách của người trưởng thành, qua đó mà chuẩn bị dần dần quá trình trưởng thành của trẻ.

Ba ý tưởng nền tảng này đã để lại những hậu quả nặng nề cho nền giáo dục và người Mỹ buộc phải tiến hành các cải cách một cách hệ thống, nhưng theo Arendt, chính những điều này đã dẫn tới cuộc khủng hoảng của Mỹ vào lúc đó. Và ý nghĩa mà một cuộc khủng hoảng có thể mang lại là nó buộc con người phải quay trở lại với những câu hỏi cũ do thực tế đặt ra, để suy ngẫm về những câu trả lời cũ hoặc để tìm ra những câu trả lời mới. Nhưng nếu ta giải đáp bằng những câu trả lời vốn có sẵn, tức là bằng các định kiến thì sẽ khiến cho khủng hoảng càng trầm trọng thêm. Arendt đề xuất các suy ngẫm của mình cùng với những câu trả lời của riêng bà, khi đi tìm bản chất của giáo dục, cái bản chất mà cuộc khủng hoảng làm hiển lộ ra, và đồng thời cũng phản tư về vai trò của giáo dục trong quá trình hình thành nền văn minh của loài người.

Hannah Arendt  trên giảng đường

THẾ GIỚI, TRƯỜNG HỌC VÀ TRẺ EM

Arendt đặt giáo dục vào mối quan hệ với thế giới, hoặc nói cách khác bà đưa chiều kích thế giới vào trong giáo dục, do đó mà định nghĩa lại bản chất và ý nghĩa của giáo dục. Một mặt có thể nói Arendt đề xuất một cách nhìn thế giới và trẻ em từ góc độ giáo dục, mặt khác, cũng có thể nói rằng bà nhìn giáo dục như là điểm trung gian giữa trẻ em và thế giới. Cách nhìn này dĩ nhiên xuất phát từ viễn tượng triết học của bà, với các khái niệm căn bản : sự ra đời (sự sinh thành), thế giới, hành động. Bà định nghĩa giáo dục như sau: “bản chất của giáo dục là sự sinh nở (natality), tức là việc con người được sinh ra trong thế giới” [1, tr.251]. Con người sinh ra không phải ngay lập tức đã là người lớn, mà trong giai đoạn đầu tiên, con người là trẻ em. Vì thế mà cần đến giáo dục.

Trẻ em là ai ? Arendt định nghĩa trẻ em từ hai đặc điểm : đó là người mới đến, và đang ở trong trạng thái trở thành. Người mới đến có nghĩa là gì ? Trẻ em là người mới đến trong một thế giới đã tồn tại trước đó, một thế giới xa lạ với nó. Trạng thái trở thành có nghĩa là gì ? Có nghĩa là trẻ em là con người, nhưng chưa phải là con người hoàn chỉnh mà đang trong quá trình trở thành người. Hai đặc điểm này khiến cho trẻ em được đặt vào hai mối quan hệ: quan hệ với thế giới và quan hệ với đời sống. Giáo dục sẽ đóng vai trò trong việc giúp trẻ em thiết lập hai mối quan hệ này.

Trẻ em và thế giới : nghịch lý của mối quan hệ

Để có thể hiểu rõ giáo dục đóng vai trò như thế nào trong việc giúp trẻ em xây dựng mối quan hệ với thế giới, cần hiểu hai nghịch lý của mối quan hệ này và xem xét giáo dục giải quyết hai nghịch lý đó ra sao.

Việc con người liên tục được sinh ra khiến cho, một mặt, thế giới liên tục được làm mới, nhưng mặt khác thì điều này cũng đặt thế giới đã hình thành vào nguy cơ bị phá hủy. Do đó nghịch lý trong mối quan hệ giữa trẻ em và thế giới là ở chỗ: trẻ em bị những mối nguy hiểm từ thế giới bên ngoài đe dọa, và cần được bảo vệ khỏi những mối đe dọa này ; nhưng thế giới cũng bị đe dọa bởi trẻ em và những khuynh hướng mới đến cùng với chúng một cách tự nhiên, và thế giới cũng cần được bảo vệ khỏi mối đe dọa này. Chính trong nghịch lý này mà Arendt nhìn thấy chức năng đặc biệt của giáo dục: bảo vệ trẻ em trước sự tấn công của thế giới, đồng thời bảo vệ thế giới trước sự tấn công của trẻ em. Bà viết: “dường như chủ nghĩa bảo thủ, theo nghĩa là bảo tồn, là bản chất của hoạt động giáo dục, mà trách vụ của nó luôn luôn là nâng niu và bảo vệ một điều gì đó, bảo vệ đứa trẻ trước thế giới, bảo vệ thế giới trước đứa trẻ, cái mới trước cái cũ, cái cũ trước cái mới” [1, tr.272].

Một trong những điều quan trọng mà trẻ em cần được bảo vệ, đó là được bảo vệ khỏi sự thâm nhập của thế giới công cộng. Để có thể trưởng thành một cách bình yên, trẻ em cần được gìn giữ trong không gian riêng tư, và không bị tấn công bởi những gì thuộc về không gian công cộng. Từ điểm này mà Arendt nhìn thấy những khó khăn mà con cái của những người danh tiếng phải gánh chịu: chúng phải chịu sự chú ý thái quá, nhiều khi nhẫn tâm của địa hạt công cộng, đời sống của chúng bị phơi bày dưới ánh sáng khủng khiếp của truyền thông. Không gian riêng tư của chúng bị xâm phạm, khiến chúng bị mất đi sự an toàn cần thiết để phát triển một cách bình thường.

Nghịch lý thứ hai trong mối quan hệ giữa trẻ em và thế giới là ở chỗ: thế giới đã tồn tại trước khi đứa trẻ ra đời, nó là một thực thể rộng lớn và xa lạ mà mọi đứa trẻ cần tiếp xúc, thích ứng, tìm cách vượt qua cảm giác xa lạ để làm cho nó trở nên quen thuộc, thậm chí thân thiết. Đồng thời đứa trẻ cũng không tồn tại một cách thụ động trong thế giới đó, những gì mới mẻ mà mỗi thế hệ trẻ em mang theo sẽ làm cho thế giới biến đổi và trở nên mới mẻ.

Vai trò của trường học

Suy nghĩ về vai trò của trường học dẫn Arendt tới chỗ xem xét tổ chức của hoạt động giáo dục, đối chiếu với những gì đã được thực hiện trong quá khứ, và nhận thấy một số yếu tố đóng vai trò quan trọng trong trường học truyền thống đã không còn nữa, trong đó bà đặc biệt nhấn mạnh yếu tố quyền uy.

Những suy tư và việc tìm hiểu một số hình thái của quá khứ như quyền uy dường như cho ta thấy một Arendt hoài cổ, hoặc ngưỡng vọng về quá khứ. Thực sự thì sao ? Liệu có phải bà muốn chối bỏ hiện tại và phục nguyên quá khứ ? Arendt biết việc khôi phục quá khứ là không thể, và bà cũng không làm điều đó, bà nói rõ trong Lời tựa của cuốn Between Past and Future là bà hoàn toàn “không nhằm buộc lại sợi chỉ đã đứt của truyền thống...." [2, p.14]. Nhưng các phân tích của bà cho thấy, có những giá trị của quá khứ nếu bảo tồn được thì sẽ giúp con người giải quyết được nhiều vấn đề của hiện tại. Tuy nhiên, con người vẫn có thói quen đánh mất nhiều thứ, kể cả những thứ rất giá trị ; và những gì đã mất thường không lấy lại được nữa.

Quyền uy là một trong những thứ quan trọng đã bị đánh mất. 

Quyền uy, trong lĩnh vực chính trị, đã một đi không trở lại. Trong giáo dục – lĩnh vực tiền chính trị, quyền uy của người thầy cũng không còn, do chính các lý thuyết giáo dục hiện đại, hoặc là với mục đích bình đẳng hóa, đặt học trò ngang bằng với người thầy, hoặc là với quan niệm người thầy chỉ cần kỹ năng giảng dạy, không cần phải có kiến thức sâu rộng về môn học. Arendt cho rằng đó là một quan niệm sai lầm, khiến cho người thầy đánh mất quyền uy. Và việc người thầy đánh mất quyền uy đối với học sinh đã đẩy giáo dục vào tình trạng khủng hoảng. Bởi vì vai trò của người thầy không phải chỉ là dạy kỹ năng, chức năng của giáo dục không phải chỉ là giúp trẻ em duy trì đời sống sinh học. Vai trò của người thầy là đại diện cho thế giới, dẫn dắt trẻ em vào thế giới bằng cách cung cấp các kiến thức về thế giới, để các em hiểu nó, nắm vững nó, từ đó mà không còn cảm thấy thế giới là xa lạ. Hơn thế, kiến thức, sự hiểu biết về thế giới sẽ chuẩn bị cho các em chiếm lĩnh và làm chủ thế giới một cách chủ động. Vì vậy, kiến thức, sự hiểu biết sâu sắc của người thầy là vô cùng quan trọng. Chính với vốn kiến thức này, chính với vai trò là đại diện của thế giới mà người thầy thiết lập quyền uy tự nhiên của mình trước học sinh.

Người thầy không chỉ đại diện cho thế giới hiện thời mà còn đại diện cho cả quá khứ. Người thầy là cầu nối giữa quá khứ và đứa trẻ. Trẻ em không thể nên người nếu không hiểu về quá khứ. Yếu tố này cũng khiến cho người thầy có quyền uy đối với trẻ em. Và theo Arendt, đây chính là một nan đề của giáo dục trong thế giới hiện đại, khi mà “từ chính bản chất của nó, giáo dục không thể từ bỏ quyền uy lẫn truyền thống, mà vẫn phải đi tiếp trong một thế giới không được cấu trúc bằng quyền uy cũng không được kết nối với nhau bằng truyền thống” [1, tr.276]. Để có thể phần nào thoát ra khỏi khó khăn này, Arendt đề nghị phải tách giáo dục ra khỏi những lĩnh vực khác, nhất là phải tách khỏi đời sống công cộng và lĩnh lực chính trị. Lúc đó mới có thể áp dụng cho giáo dục một hình thức quyền uy và một thái độ hướng về quá khứ phù hợp, không bị quy chiếu về các giá trị đang được chia sẻ giữa những người lớn trong thế giới của họ. Từ vấn đề này, Arendt nhận định về chức năng của giáo dục: “chức năng của nhà trường là dạy trẻ con thế giới là như thế nào chứ không phải cho chúng biết nghệ thuật sống” [1, tr.276]. Ở đây Arendt phân biệt giữa giáo dục và đào tạo. Nếu mục đích của đào tạo là cấp cho học sinh một cái bằng (tốt nghiệp trung học hay tốt nghiệp đại học, sau đại học) để chuẩn bị cho họ một cái nghề kiếm sống, thì mục đích của giáo dục là “dẫn dắt người trẻ vào thế giới như một cái toàn thể” [1, tr.277]. Điểm khác biệt giữa giáo dục và đào tạo được bà miêu tả như sau: “người ta có thể hoàn toàn dạy mà không giáo dục và người ta vì lý do đó có thể tiếp tục học đến cuối đời mà không trở nên có giáo dục” [1, tr.277]. Hẳn nhiên, ta có thể hoàn toàn đồng ý với Arendt về điểm này, khi mà trên thực tế rất nhiều người có học nhưng không có giáo dục.

Ngoài ra, quyền uy cũng được thiết lập dựa trên việc người giáo viên thể hiện trách nhiệm của mình đối với thế giới. Người thầy lãnh nhận hai loại trách nhiệm: trách nhiệm đối với trẻ em và trách nhiệm đối với thế giới. Nhà trường đại diện cho thế giới nhưng nó chưa phải là thế giới thực sự. Trường học là cây cầu nối trẻ em với thế giới, người thầy mở toang cánh cửa và cùng với kiến thức của mình dẫn dắt trẻ em vào trong đó. Trách nhiệm trước thế giới quan trọng đến mức mà, Arendt có thể viết một câu mang tính cực đoan như thế này: “Bất cứ người nào từ chối nhận lãnh trách nhiệm gắn kết đối với thế giới thì không nên có con và không được phép tham gia vào việc giáo dục chúng” [1, tr.269]. Vai trò của giáo dục là truyền lại cho trẻ em ý thức trách nhiệm và chuẩn bị cho trẻ em năng lực thực hiện trách nhiệm của mình đối với thế giới. Mỗi một thế hệ mới đến sẽ phải đảm nhận hai trách nhiệm: bảo tồn thế giới và làm mới thế giới. Hai trách nhiệm này cũng phản ánh nghịch lý đã được đề cập trên đây trong mối quan hệ giữa thế giới và trẻ em.

Chính ở điểm này mà Arendt nhấn mạnh rằng, mỗi thế hệ sẽ làm mới thế giới theo cách của mình. Và điều này người thầy không dạy được cho học sinh. Thế hệ trước không chuẩn bị được cho thế hệ sau một thế giới mới. Giáo dục không chuẩn bị được cho trẻ em một thế giới mới, vậy điều mà giáo dục có thể làm là gì? Đây là điều mà Arendt đã chỉ ra, trong một nghịch lý hết sức kỳ lạ giữa bảo tồn cái cũ và sáng tạo cái mới: “...vì quyền lợi của cái mới và tính cách mạng của mỗi đứa trẻ, giáo dục phải có tính bảo tồn; nó phải bảo tồn tính mới mẻ này và dẫn dắt nó như một cái mới vào trong một thế giới cũ” [1, tr.273]. Như vậy, không chỉ bảo tồn cái cũ, mà còn là bảo tồn tính mới mẻ.

Giáo dục sẽ rơi vào mâu thuẫn nếu người lớn, thông qua trường học, muốn chuẩn bị cho trẻ em một thế giới mới, một trật tự chính trị mới. Tại sao lại mâu thuẫn ? Bởi vì tất cả những gì được xem là mới đối với người lớn thì đã bị mặc định sẵn, tức là được người lớn xem là mới. Nhưng đó chỉ là mới đối với người lớn thôi. Trẻ em, là người mới đến sau, sẽ mang theo chúng những gì mới mẻ của riêng chúng, khiến cho cái mới của người lớn sẽ trở thành cũ. Vì vậy mà Arendt cho rằng không nên chuẩn bị một thế giới mới cho trẻ em, vì nếu người lớn chuẩn bị cho trẻ em một thế giới, dù là mới, nhưng theo chuẩn của người lớn, thì điều đó đồng nghĩa với việc tước đoạt mất của trẻ em cơ hội tự mình làm mới thế giới. Vậy nếu người lớn không chuẩn bị thế giới mới cho trẻ em, thì họ phải làm gì ? Họ “phải bảo tồn tính mới mẻ”, nghĩa là tạo lập các điều kiện cần thiết để cho trẻ em có thể tự mình làm mới thế giới theo cách riêng của trẻ em.

Nhìn từ quan niệm này, ta sẽ thấy rằng việc dạy theo các bài văn mẫu hay các bài tập theo mẫu do các thầy cô định sẵn là vô cùng nguy hiểm. Bởi vì áp đặt các bài tập mẫu chính là tước đoạt của trẻ em cái môi trường tự do dành cho sự phát triển các năng lực tự nhiên của các em, đồng thời cũng hủy hoại năng lực làm mới, năng lực tạo ra một thế giới mới, thế giới riêng của các em.

Cuối cùng, để kết luận, chúng tôi lưu ý rằng, Arendt không nhằm đưa ra các giải pháp cho giáo dục. Bà nói rõ rằng bà không phải là chuyên gia về giáo dục học, bà cũng không khảo sát các hệ thống trường học tại Mỹ, nghĩa là không thực hiện các thao tác nghiên cứu đặc thù của giáo dục học. Như trong nhan đề cuốn Giữa quá khứ và tương lai đã đề cập một cách cụ thể, bài viết này là một trong 8 bài tập tư duy chính trị. Arendt trình bày một hành trình phức tạp của tư duy nhằm làm hiển lộ bản chất của giáo dục: việc con người sinh ra trên thế giới này. Sự ra đời của con người sẽ quy định vai trò, chức năng của giáo dục đối với quá trình trưởng thành, đối với việc hình thành cho con người khả năng chinh phục và làm mới thế giới.

© Thời Đại Mới

Tài liệu tham khảo:
1. H. Arendt, Nguyễn Thị Minh, dịch, Bùi Văn Nam Sơn, hiệu đính và giới thiệu, Giữa quá khứ và tương lai, Tp Hồ Chí Minh: Social Life & NXB Tri Thức, 2020.
2. H. Arendt, Between Past and Future, New York: Peinguin Group, 2006.
3. H. Arendt, On Revolution, New York: The Viking Press, 1963.
4.The Cambridge Companion to Hannah Arendt, Edited by Dana Villa, Cambridge: Cambridge University Press, 2009.
5. H. Arendt, The Human Condition, Chicago: The University of Chicago Press; 2nd edition, 1998.
6. H. Arendt, Men in Dark Times, Mariner Books, 1970.
7. E. Pesquisa. Hannah Arendt: thinking the crisis in education in the contemporary world, https://www.scielo.br/scielo.php?pid=S1517- 97022010000300012&script=sci_abstract
8. F. Moreault, Hannah Arendt, les Etats-Unis et la modernité politique, Journal Erudit
9. https://www.erudit.org/en/journals/ps/1999-v18-n3- ps2495/040194ar/

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bộ phim “Nền giáo dục cấm đoán” – Chưa từng có những nền giáo dục tạo ra con người tự do

    21/10/2014Hà Thủy NguyênBộ phim “Nền giáo dục cấm đoán” (La Educacion Prohibida) được sản xuất năm 2012 tại Arghentina, bởi đạo diễn Germán Doin là một bộ phim tài liệu với cái nhìn thẳng thắn về bản chất của mọi nền giáo dục. Lấy bối cảnh của nền giáo dục Arghentina, nhưng vấn đề của các nhà làm phim đặt ra lại mang tính toàn cầu.
  • Giáo dục khai phóng, con đường xa ngái…

    13/08/2015Minh Nguyễn thực hiệnMột nền giáo dục khai phóng, là mở ra những chân trời rộng lớn, ở đó con người tự do, tự chủ. Đó là mục đích của một nền giáo dục đích thực, bất cứ thời nào và nơi nào. Đất nước có thể “rũ bùn đứng dậy sáng loà”, “sánh vai với cường quốc năm châu” được không, nếu thiếu điều đó? Nhưng hiện nay và ở ta con đường đi đến nền giáo dục khai phóng còn xa ngái!
  • Trái tim tôi hiến dâng cho trẻ

    20/11/2019Qua hoạt động lãnh đạo trường mà Sukhomlynsky trau dồi tình cảm và tư duy sư phạm cũng như tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn để viết nên một tác phẩm lớn :”Trái tim tôi hiến dâng cho trẻ”. Tác phẩm này tổng kết tư tưởng sư phạm của ông đối với bậc tiểu học...
  • Trẻ em Việt bị người lớn 'đàn áp' tư duy phản biện

    17/06/2019Ở nhà phụ huynh không trả lời mà áp đặt, ở trường thầy cô rầy la nếu hỏi nhiều nên trẻ chỉ biết chấp nhận.
  • Nhà trường xưa và nay

    25/03/2019Bác sĩ Nguyễn Khắc ViệnXã hội mới đòi hỏi có một nhà trường mới, luận điểm dĩ nhiên ấy, nói lên thì dễ nhưng suy nghĩ cho ra và thực hiện được một nhà trường mới lại rất khó. Có thể nói những nhược điểm của nhà trường hiện nay là do tiếp tục thực hiện một kiểu mẫu nhà trường cũ trong một xã hội mới. ...
  • Con người tự do là đích đến của giáo dục

    26/05/2017Giáp Văn DươngTriết lý giáo dục của thời đại mới phải hướng đến việc đào tạo con người tự do, thay vì đào tạo con người công cụ như hệ thống giáo dục hiện thời. Con người tự do là đích đến của giáo dục...
  • Giáo dục "Ai sẽ thay đổi nền giáo dục nếu không phải chúng ta?"

    19/03/2017Lê VănChúng ta không chỉ có trách nhiệm trả lời vì sao chất lượng giáo dục đất nước còn chậm mà phải tìm ra cách để làm giáo dục phát triển nhanh hơn...
  • "Không có trường chuyên hệ thống giáo dục sẽ lành mạnh hơn"

    08/10/2015Chi Mai thực hiệnGiữa tháng 9 vừa qua, cuộc tranh luận về sự tồn tại của trường chuyên TS Giáp Văn Dương và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã gây ra một cơn bão khá mạnh trong dư luận...
  • Tự do trong giáo dục

    17/08/2015Mạnh KimViệt Nam hệt như Mỹ cách đây hơn một thế kỷ, khi vào năm 1899, nhà giáo dục Mỹ William T. Harris than phiền rằng hệ thống giáo dục Mỹ đã phát triển một “cỗ máy” mà học trò chỉ biết ngồi nghe. Giáo dục là vậy sao? Giáo dục là giúp định hình nhân cách thông qua cung cấp kiến thức và tạo ra một xã hội sáng tạo, hay là chỉ sản xuất những người máy chỉ để phục tùng?
  • Từ tư tưởng giáo dục của Rousseau, nghĩ về giáo dục Việt Nam

    07/07/2015Nguyễn Khánh TrungHình ảnh nhân vật Emile, sản phẩm giáo dục theo hình dung của Rousseau, và một học sinh Việt Nam cùng độ tuổi, khác nhau rất nhiều theo hướng Emile trưởng thành, vững chãi, độc lập hơn trong tư duy, phán đoán và hành động. Đây chính là hệ quả của các quan điểm giáo dục và cách tổ chức giáo dục khác nhau...
  • Học sinh! Hãy vượt lên nền giáo dục!

    03/06/2015Nguyễn Tất ThịnhCó nhiều chuyện về nền và cách giáo dục của nhà trường Việt Nam. Dưới đây tôi viết lại nguyên văn bài viết văn của học sinh lớp 10 ( trường PTTH FPT ). Tôi không bình luận gì. Nhưng cho chúng ta hiểu thêm về : cách của thày cô ( ra đề bài như mặc định sẵn về một mệnh đề, cách phê của cô như càng muốn khẳng định nó ). Và cách của học sinh! Học sinh là sản phẩm của nền giáo dục, nhưng các em: Hãy vượt lên Nó!
  • Trong cuộc chơi hội nhập giáo dục, nước nào đứng ngoài sẽ bị tụt hậu

    24/03/2014Xuân Trung (lược ghi)“Trong cuộc chơi hội nhập giáo dục này, nước nào đứng ngoài sẽ bị tụt hậu và khó có cơ may tham gia vào việc hoạch định chính sách giáo dục quốc tế”...
  • Định nghĩa lại giáo dục

    29/07/2009Trần Nguyên thực hiện“Để canh tân nền giáo dục, trước hết cần phải định nghĩa lại vai trò của các chủ thể giáo dục, định nghĩa lại người dạy và người học, định nghĩa lại nhà trường và hiệu trưởng, nhìn nhận lại cả vai trò của Nhà nước trong hệ thống giáo dục”.
  • Phát triển trí tuệ trong nhà trường

    21/11/2003Trí tuệ là một thuật ngữ rất lâu đời, song giờ đây khi loài người bước vào thế kỷ 21 với một nền kinh tế tri thức, nhiều nước đã đưa việc đào tạo con người có trí tuệ vào các nguyên tắc và mục tiêu giáo dục. Trí tuệ đòi hỏi tri thức, hay kiến thức song tâm điểm của trí tuệ là cái tri thức ngầm, không chính thức, học được ở trường đời chứ không phải là loại kiến thức hiển lộ được dạy chính thức trong nhà trường...
  • xem toàn bộ